Sức khỏe giấc ngủ

Liệt trong giấc ngủ là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

CẬP NHẬT 11/12/2023 | BỞI Hoàng Uyên

Hầu hết mọi người đều ít nhất bị liệt trong giấc ngủ một lần trong đời. Nó không gây ra những nguy hiểm về mặt thể chất. Tuy nhiên, nếu thường xuyên gặp tình tình trạng tê liệt khi ngủ có thể gây ra sự mệt mỏi và căng thẳng tinh thần, thậm chí là ám ảnh và sợ hãi.

Vậy liệt trong giấc ngủ là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục nó ra sao? Trong bài viết này, hãy cùng Vua Nệm giải đáp những vấn đề xoay quanh hội chứng tê liệt khi ngủ.

1. Liệt trong giấc ngủ là gì? Phân loại

1.1. Liệt trong giấc ngủ là gì?

Chứng tê liệt khi ngủ (Sleep paralysis) là một tình trạng mất kiểm soát cơ trong thời gian ngắn, được gọi là mất trương lực cơ. Lúc này, người bệnh không thể cử động được và cũng không thể nói được. Một số người có thể cảm thấy áp lực đè nặng lên cơ thể hoặc cảm giác nghẹt thở như bị ai bóp chặt cổ.

Tê liệt khi ngủ thường xảy ra ngay sau khi chìm vào giấc ngủ hoặc trước khi thức dậy trong thời gian vài giây đến vài phút. Khi gặp tình trạng liệt trong giấc ngủ, người bệnh vẫn trong trạng thái tỉnh táo hoặc nửa ngủ nửa thức. Họ nhận thức được rằng mình không thể nói và không thể cử động.

tình trạng liệt trong giấc ngủ
Liệt trong giấc ngủ là tình trạng các cơ bị tê liệt khiến chúng ta không thể cử động được

Chứng tê liệt khi ngủ có thể đi kèm với các chứng rối loạn giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ. Nó là một dạng rối loạn giấc ngủ, khiến chúng ta có nhu cầu ngủ nhiều hơn vào ban ngày do khả năng điều hòa giấc ngủ của não có vấn đề.

Tóm lại, chứng tê liệt khi ngủ là tình trạng mất kiểm soát cơ bắp tạm thời khi chuyển giữa giai đoạn thức và ngủ. Tình trạng tê liệt khi ngủ thường xảy ra ở một trong hai thời điểm. Nếu nó xảy ra khi bạn đang chìm vào giấc ngủ, nó được gọi là liệt trong khi ngủ hoặc mơ ngủ. Nếu mất kiểm soát cơ xảy ra khi bạn đang chuẩn bị thức dậy, nó được gọi là chứng tê liệt sau giấc ngủ.

1.2. Các loại tê liệt trong giấc ngủ

Các chuyên gia y tế thường chia các trường hợp tê liệt khi ngủ thành ba loại:

  • Chứng tê liệt khi ngủ cô lập: Những cơn tê liệt khi ngủ xảy ra một lần và không liên quan đến chứng ngủ rũ. Nó là một chứng rối loạn thần kinh khiến não không thể kiểm soát được sự tỉnh táo hình thành ảo giác và tê liệt khi ngủ.
  • Tình trạng tê liệt khi ngủ tái phát: Tình trạng này bao gồm nhiều đợt tê liệt khi ngủ theo thời gian và có thể liên quan đến chứng ngủ rũ. 
  • Ngoài ra, đôi khi hai trường hợp trên kết hợp với nhau tạo nên một loại liệt trong giấc ngủ khác được gọi là tê liệt khi ngủ cô độc lập tái phát (RISP). Nó bao gồm các trường hợp tê liệt khi ngủ liên tục ở người không mắc chứng ngủ rũ.
các loại tê liệt trong khi ngủ
Liệt trong khi ngủ có thể diễn ra một lần hoặc thường xuyên tái phát

1.3. Liệt trong khi ngủ có nguy hiểm không?

Nhìn chung, liệt trong giấc ngủ không gây ra nguy hiểm với hầu hết mọi người. Liệt trong khi ngủ có thể gây ra tâm trạng khó chịu, nhưng nó xảy ra với tần suất thấp và không thường xuyên. Vì vậy, chứng tê liệt khi ngủ vẫn được xem là khá lành tính và chưa đủ để gây ra những ảnh hưởng đáng lớn đến sức khỏe.

Tuy nhiên, với một số người (khoảng 10%) mắc chứng tê liệt khi ngủ tái phát, nghĩa là diễn ra khá thường xuyên. Những người này cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng, nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là sợ hãi khi đi ngủ.

Họ có thể ngủ ít hơn, lo lắng khi gần đến giờ đi ngủ nên dẫn tới mất ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ. Đây có thể là nguyên nhân gây ra thiếu ngủ, buồn ngủ vào ban ngày. Về lâu dài, nó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng liệt trong giấc ngủ

Nguyên nhân chính xác gây tê liệt khi ngủ vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Nhưng thông qua các nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu để xác định được một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị tê liệt khi ngủ, bao gồm:

2.1. Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ, cho thấy có mối tương quan chặt chẽ với chứng tê liệt khi ngủ cô lập.

Tỷ lệ bị liệt trong giấc ngủ ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) cao hơn 38% so với người bình thường. Chứng tê liệt khi ngủ cũng được phát hiện là diễn ra phổ biến hơn ở những người mắc chứng mất ngủ mãn tính, rối loạn nhịp sinh học và chuột rút ở chân vào ban đêm.

hội chứng tê liệt khi ngủ
Những người bị rối loạn giấc ngủ thường bị tê liệt khi ngủ nhiều hơn người bình thường

2.2. Chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ có thể làm thay đổi chức năng của chất dẫn truyền thần kinh trong não, gây ra các biến chứng trong giấc ngủ REM, trong đó có chứng tê liệt khi ngủ. Vì vậy, liệt trong giấc ngủ diễn ra trong thời gian dài được cho là liên quan đến chứng ngủ rũ.

2.3. Rối loạn sức khỏe tâm thần

Một số tình trạng sức khỏe tâm thần cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ liệt trong giấc ngủ. Cụ thể, ở những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) thường xuyên bị liệt khi ngủ. Bên cạnh đó, những người đã từng phải chịu đựng đau khổ về thể chất và tinh thần, người mắc chứng rối loạn lo âu có nhiều khả năng bị liệt khi ngủ nhiều hơn những người khác.

Các nghiên cứu cũng đưa ra kết luận rằng, những người có tiền sử gia đình bị liệt trong khi ngủ thường có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn.

2.4. Liệt trong giấc ngủ có thể xuất phát từ những giấc mơ

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người giàu trí tưởng tượng và mơ mộng thường bị tê liệt khi ngủ hơn người khác. Bên cạnh đó, những giấc mơ sáng suốt hoặc những cơn ác mộng sống động cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra chứng tê liệt khi ngủ.

nguyên nhân gây ra chứng liệt trong giấc ngủ
Những cơn ác mộng sống động có thể gây ra liệt trong giấc ngủ

Ngoài ra, nếu lịch trình ngủ/thức của chúng ta bị lệch so với nhịp sinh học (chẳng hạn như làm việc theo ca hoặc lệch múi giờ), thì chúng ta có thể bị tê liệt khi ngủ cao hơn bình thường.

3. Cách phòng tránh và khắc phục chứng tê liệt trong khi ngủ

Liệt trong giấc ngủ không được xem là một bệnh lý nên hầu như không cần phải điều trị. Nhưng cần điều trị các yếu tố gây ra nguy cơ tê liệt trong khi ngủ, bao gồm:

  • Cải thiện thói quen ngủ – chẳng hạn như đảm bảo ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm.
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm theo đơn thuốc của bác sĩ nếu được chẩn đoán đang mắc chứng trầm cảm. Điều này sẽ giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ và hạn chế căng thẳng khi ngủ.
  • Điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ như chứng ngủ rũ hoặc chuột rút ở chân, ngưng thể khi ngủ…
  • Điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn lo âu…
cách khắc phục chứng liệt khi ngủ
Điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần để cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp hạn chế nguy cơ bị liệt khi ngủ

Nếu thỉnh thoảng bị tê liệt khi ngủ, hãy áp dụng các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa các tác nhân gây ra hội chứng này. Chúng có thể giúp người bệnh ngủ yên và thư thái, hạn chế liệt trong giấc ngủ. Các biện pháp bao gồm:

  • Ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa, vì tình trạng này thường xảy ra khi chúng ta ngủ ngửa.
  • Trong cơn tê liệt khi ngủ, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tập trung vào hơi thở để hiểu được điều gì đang xảy ra. Hãy thử tạo ra một tiếng thở mạnh và gấp để cảnh báo người đang nằm bên cạnh mình, họ có thể giúp bạn thức dậy nhanh hơn. Bằng cách này bạn sẽ thoát khỏi tình trạng tê liệt.
  • Tập trung vào việc thực hiện một động tác nhỏ như cử động ngón tay hoặc ngón chân. Khi một cơ hoạt động, các cơ còn lại sẽ phản ứng nhanh hơn và kết thúc cơn tê liệt hiệu quả.
  • Giảm tiếp xúc hoặc tắt các thiết bị chiếu sáng vào ban đêm. Vì đèn trong phòng ngủ hoặc đèn đường chiếu sáng qua cửa sổ, ánh sáng từ màn hình tivi, điện thoại, máy tính…có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây tê liệt khi ngủ.
  • Tối ưu hóa không gian ngủ: Hãy mua một tấm nệm tốt, chăn ga gối phù hợp theo mùa để cảm thấy thoải mái nhất khi ngủ. Đồng thời, điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ, dễ chịu để dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn, có được giấc ngủ sâu hơn.
Cách phòng tránh chứng liệt khi ngủ
Tối ưu hóa không gian ngủ với chăn ga gối nệm chất lượng
  • Hạn chế sử dụng chất gây nghiện: Tránh sử dụng rượu và caffeine vào buổi tối, vì chúng khiến bạn tỉnh táo, khó ngủ hơn.
  • Thiết lập thói quen ngủ lành mạnh: Thực hiện một lịch trình đi ngủ và thức dậy nhất quán mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần để xây dựng nhịp sinh học thức – ngủ đúng giờ cho cơ thể. Thực hiện một việc làm nhẹ nhàng trước khi đi ngủ như viết nhật ký ngủ, đọc sách, tắm nước ấm… có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn để có giấc ngủ ngon hơn.
  • Tập thể dục mỗi ngày: Cơ bắp mệt mỏi sẽ khiến não chìm vào giấc ngủ nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu phục hồi. Chơi thể thao, đi dạo hoặc chạy bộ mỗi ngày, tốt nhất là vào sáng sớm hoặc buổi chiều, vài giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Liệt trong giấc ngủ không phải là hiện tượng hiếm gặp, bất cứ ai cũng có thể đã từng bị một lần. Nó không gây những nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe, nhưng nếu thường xuyên bị tê liệt trong lúc ngủ có thể khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi.

Nếu bạn gặp tình trạng tê liệt khi ngủ tái phát nhiều lần gây khó chịu thì hãy áp dụng thử những cách mà Vua Nệm vừa liệt kê ở trên để phòng tránh và khắc phục hội chứng này nhé. Bạn sẽ có được giấc ngủ ngon, tinh thần sảng khoái và thoải mái mỗi khi thức dậy.

Nguồn tham khảo: Vinmec

Bài viết liên quan:

Hoàng Uyên
Hoàng Uyên