Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao có người chẳng bao giờ mơ nhưng có người hễ nằm xuống là ngủ mơ triền miên. Cơ chế của giấc mơ là gì? Có đúng là giấc mơ thường mang điềm báo về một chuyện sắp xảy trong tương lai hoặc một gợi ý gì đó cho chúng ta? “Tất tần tật” điều thú vị về ngủ mơ sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. Đừng bỏ qua nhé!
Nội Dung Chính
1. Ngủ mơ là gì? Tại sao chúng ta mơ
1.1. Ngủ mơ là gì?
Ngủ mơ là hiện tượng tâm trí con người trải qua những hình ảnh, âm thanh tưởng tượng và nhiều dạng cảm xúc mãnh liệt trong khi ngủ. Hiện tượng mơ được ghi nhận xảy ra không chỉ ở người mà hầu hết các loài chim và động vật có vú. Giấc mơ được chia thành 2 dạng: giấc mơ bình thường và giấc mơ sáng suốt (lucid dream).
Ở giấc mơ bình thường, người ngủ mơ thường không điều khiển được nội dung giấc mơ và cũng không nhận thức bản thân đang mơ. Chúng ta không nhớ được rõ mình đã mơ, cụ thể 95% nội dung giấc mơ sẽ bị lãng quên sau 5 phút thức dậy. Đối với giấc mơ sáng suốt, người ngủ mơ thường ý thức được họ đang mơ và có thể điều khiển được nội dung giấc mơ của họ theo ý muốn. Thông thường, họ sẽ nhớ được 100% nội dung giấc mơ sau khi thức dậy.
Gợi ý các sản phẩm bán chạy tại Vua Nệm
1.2. Tại sao chúng ta mơ?
Để giải thích câu hỏi tại sao chúng ta mơ, trước hết bạn nên biết về chu kỳ của giấc ngủ. Chúng ta không chỉ đơn giản là đặt lưng xuống và ngủ một mạch đến sáng, thay vào đó, cơ thể trải qua nhiều thay đổi phức tạp khi ngủ. Chu kỳ giấc bao gồm 4 giai đoạn: ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu và ngủ REM (giai đoạn chuyển động mắt nhanh). Thời lượng cho một chu kỳ giấc ngủ là 90 phút. Trong một đêm dài từ 7-8 tiếng, trung bình một người sẽ trải qua 4-6 chu kỳ giấc ngủ.
Giai đoạn ru ngủ: Cơ thể mơ màng đi vào giấc ngủ, trung bình một người dành 5% thời lượng giấc ngủ mỗi đêm cho giai đoạn này. Giai đoạn này người ngủ thường dễ dàng bị đánh thức bởi các yếu tố ngoại tác như tiếng ồn, ánh sáng.
Giai đoạn ngủ nông: Người ngủ rơi vào trạng thái thư giãn hơn, giấc ngủ sâu hơn và khó bị đánh thức bởi các yếu tố ngoại tác. Một người bình thường sẽ dành khoảng 45- 55% thời lượng giấc ngủ cho giai đoạn này.
Giai đoạn ngủ sâu: Khi đã đến giai đoạn này, việc tỉnh giấc sẽ khó khăn hơn nhiều, người ngủ khó bị tác động tỉnh giấc bởi các yếu tố ngoại tác. Các sóng não delta bắt đầu xuất hiện. Đây là giai đoạn quan trọng của giấc ngủ khi cơ thể bắt đầu gửi tín hiệu để sửa chữa các mô tổn thương trong cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời giúp bộ não củng cố các thông tin đã học được khi thức. Giai đoạn này chiếm khoảng 15%- 20% tổng thời lượng ngủ mỗi đêm.
Giai đoạn REM: Đây là giai đoạn não tăng hoạt động và cơ bắp hoàn toàn được thư giãn. Giai đoạn này có vai trò quan trọng trong việc xử lý thông tin, phát triển các kỹ năng cảm xúc và sáng tạo cho con người. REM chiếm 20% tổng thời lượng giấc ngủ mỗi đêm.
Hiện tượng ngủ mơ xuất hiện trong giai đoạn REM (chuyển động mắt nhanh). Sở dĩ giấc mơ xảy trong giai đoạn REM vì đây là giai đoạn não bộ hoạt động mạnh nhất, có thể kích hoạt những giấc mơ trong tâm trí người ngủ.
Các nhà khoa học thần kinh đưa ra rất nhiều lý do giải thích hiện tượng ngủ mơ. Một số cho rằng giấc mơ tái hiện những mong muốn và khát khao mà con người không có được trong đời sống thực, đôi khi giấc mơ chỉ là tín hiệu ngẫu nhiên từ não và cơ thể nên nó chẳng có ý nghĩa. Nhiều người tin rằng giấc mơ còn là thông điệp mà các Đấng Bề Trên muốn gửi đến, nếu biết cách giải đoán thì điềm báo sẽ linh ứng.
Cho đến ngày nay, phạm trù ngủ mơ vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa thể giải thích và là đề tài hấp dẫn thu hút nhiều sự chú ý của giới khoa học. Có thể nói rằng mỗi người sẽ có một bộ não khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, các mối quan hệ, cách sinh hoạt và thời gian ngủ khác nhau. Tất cả sự khác biệt này sẽ tạo ra các giấc mơ khác nhau bao gồm cả giấc mơ tâm linh, giấc mộng nhằm truyền tải những suy nghĩ sâu thẳm trong tâm trí hoặc đơn giản chẳng có ý nghĩa gì.
2. Vai trò của giấc mơ
2.1. Sắp xếp lại bộ nhớ
Có giả thuyết cho rằng giấc mơ sẽ giúp bộ não lưu trữ sắp xếp lại bộ nhớ để loại bỏ các ký ức dư thừa cũng như các suy nghĩ cảm xúc rối loạn. Giấc mơ đồng thời còn giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực gây trở ngại cho trí nhớ trong quá trình học tập làm việc. Nhiều thí nghiệm cho thấy khi một người vừa tiếp thu thông tin mới và sau đó đi ngủ, sau khi thức giấc, họ sẽ ghi nhớ thông tin đó lâu hơn so với việc cố gắng ghi nhớ thông tin đó mà chưa đi ngủ.
Về mặt sinh lý, giấc mơ được ghi nhận có vai trò hỗ trợ trong việc điều hòa huyết áp, ổn định quá trình chuyển hóa thức ăn và nhiều lợi ích sức khỏe khác. Nhìn chung, vai trò của giấc mơ đến tâm sinh lý con người vẫn là một đề tài khoa học đang được nghiên cứu.
2.2. Cảm hứng sáng tạo
Từ cổ chí kim, có hàng ngàn câu chuyện ghi nhận vai trò của giấc mơ trong địa hạt nghệ thuật sáng tạo nói chung. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ lỗi lạc nhất mọi thời đại đã kể lại rằng giấc mơ là nguồn cảm hứng giúp họ tìm ra các ý tưởng cho công trình sáng tạo của mình. Ví dụ như tác phẩm văn học kinh điển “Frankenstein” có cảm hứng từ một giấc mộng của nữ văn sĩ Mary Shelley, bà mơ thấy một nhà khoa điên thực hiện nghiên cứu kết hợp sử dụng máy móc trên một cơ thể sống để tạo ra một sinh vật đáng sợ.
Chẳng riêng gì nghệ thuật, cũng có trường hợp các nhà khoa học tìm thấy lời giải cho các công trình khoa học trong giấc mơ của mình. Một trường hợp nổi tiếng nhất là nhà hóa học Mendeleev hoàn thành được công trình bảng tuần hoàn hóa học đầu tiên vào năm 1869 nhờ việc nhìn thấy chúng trong giấc mơ của mình.
2.3. Phương pháp trị liệu tâm lý tự nhiên
Đôi khi giấc mơ còn có ý nghĩa phản ánh những cảm xúc sâu kín trong tâm trí con người. Việc giải mã các thông điệp xung quanh giấc mơ có thể trở thành phương pháp điều trị tâm lý tự nhiên giúp tháo bỏ những khúc mắc trong cuộc sống và cân bằng cảm xúc hơn.
3. Tại sao chúng ta gặp ác mộng?
Cũng giống như cảm xúc bao gồm tích cực lẫn tiêu cực, giấc mộng cũng được chia thành 2 dạng giấc mộng lành và giấc mộng xấu (ác mộng). Thông thường ác mộng liên quan đến những sự kiện, tình huống khiếp sợ hoặc đau buồn đối với người ngủ mơ được thể hiện bằng những hình ảnh, âm thanh tưởng tượng gây ám ảnh cho tâm trí. Đôi khi người ngủ cảm nhận ác mộng diễn ra như thật thông qua những ảo giác và xúc giác như mùi hương.
Thông thường, ác mộng có nguyên nhân đến từ áp lực, tâm lý hoặc tác dụng phụ của thuốc. Ác mộng khiến cơ thể sản sinh ra các chất hormone gây căng thẳng thần kinh như Noradrenalin, cortisol,… Đó là lý do người tỉnh giấc từ cơn ác mộng có nhịp tim đập mạnh, lượng đường trong máu tăng đi kèm một số rối loạn khác bao gồm buồn nôn, khó thở, chóng mặt,…
Bên cạnh các vấn đề về tâm lý, ngủ hay mơ ác mộng còn xảy ra do các chứng rối loạn giấc ngủ, cụ thể là rối loạn giấc mộng. Người mắc bệnh sẽ thường xuyên nằm mơ thấy những nội dung đáng sợ khiến giấc ngủ bị gián đoạn liên tục do người bệnh thường xuyên giật mình thức giấc và một số các vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác nếu tình trạng kéo dài.
4. Các rối loạn liên quan đến giấc mơ
4.1. Bóng đè
Bóng đè là hiện tượng một người chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái tỉnh giấc nhưng tạm thời không thể di chuyển hoặc nói chuyện được trong khi vẫn nhận thức được môi trường xung quanh. Nhiều trường hợp bóng đè miêu tả như cảm thấy như có ai đó đang đè chặt lên người khiến họ không thể thở được hoặc có ai trong căn phòng muốn làm hại mình.
Bóng đè có tên gọi khoa học là sleep paralysis hay chứng liệt thân khi ngủ, là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ không thực hại (không gây hại cho cơ thể ở thực tại). Theo thống kê, có khoảng 40% dân số trên thế giới từng trải qua hiện tượng bóng đè ít nhất một lần trong đời. Bên cạnh tạo ra chứng liệt tạm thời, bóng đè còn gây ra các ảo giác đáng sợ, trong đó, ảo giác sự xuất hiện của nhiều người lạ hoặc ma quỷ trong căn phòng là hiện tượng phổ biến nhất. Đó là lý do bóng đè bị đánh đồng với hiện tượng tâm linh ở một số quốc trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Châu Á như Việt Nam. Dân gian cho rằng bóng đè tâm linh thường xảy với người yếu “bóng vía”, tuy vậy khoa học ghi nhận khá nhiều yếu tố gây ra bóng đè bao gồm:
- Cơ thể kiệt sức trong nhiều ngày
- Suy nhược thần kinh
- Người ngủ mắc chứng ngủ rũ
- Rối loạn lưỡng cực
- Tác dụng phụ của thuốc
4.2. Nói mớ
Ngủ hay mơ nói cũng là một dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hệ thần kinh bị căng quá mức hoặc cơ thể bị kiệt sức. Ngủ nói mớ xuất hiện trong giai đoạn giấc ngủ nông khi một phần não dần chìm trong giấc ngủ nhưng vẫn giữ được một phần tỉnh táo. Lúc này, hoạt động của vỏ não tăng, kích thích hình cơ thể không ngừng cử động và nói mơ những câu không đầy đủ lộn xộn. Người ngủ mớ có thể nói lẩm bẩm, nói thành tiếng hoặc không. Hầu hết những người mơ sẽ không ý thức được việc mình đang nói.
4.3. Mộng du
Mộng du có tên gọi Tiếng Anh là sleepwalking hay còn gọi là chứng miên hành, thường xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ sâu. Người mắc bệnh mộng du thường thực hiện các hành vi trong trạng thái cơ thể mất ý thức từ đơn giản đến phức tạp, phổ biến nhất là đi bộ, ngồi im trên giường. Người mộng du hầu như không nhớ được những việc mình đã làm. Thông thường, hiện tượng mộng du xảy ra khoảng từ 30 giây đến 30 phút.
5. Cách hạn chế ngủ mơ triền miên, bóng đè, ác mộng
5.1. Ngủ hay mơ triền miên
Ngủ hay mơ lung tung có thể điều chỉnh nhờ việc giải tỏa tâm lý và có lối sống lành mạnh hơn. Ngoài ra, ngủ hay mơ lung tung có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc an thần. Bạn nên hỏi bác sĩ điều trị về loại thuốc được kê toa cho bản thân để chắc chắn về nguồn gốc của việc hay mơ. Ngoài ra, bạn không nên dùng các loại thực phẩm nhiều calo, khó tiêu hoặc chứa cafein ngay trước khi ngủ để có một giấc ngủ chất lượng nhất.
5.2. Bóng đè
Đa số trường hợp bóng đè sẽ tự khỏi, tuy nhiên Vua Nệm sẽ mách cho bạn các bước để thoát khỏi chứng bóng đè nhanh nhất:
Tập trung vào hơi thở: Bóng đè thường gây ra tình trạng khó thở mà theo một số người miêu tả là “như có ai đè lên ngực” “như có ai đang bóp cổ”. Bạn càng hoảng loạn thì càng cảm thấy khó thở hơn. Chính vì thế, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, tập trung vào hơi thở, thở nhẹ và chậm cho đến khi cơ thể thư giãn hơn
Cử động nhẹ: Bạn hãy cố gắng thực hiện các cử động nhỏ như mở mắt, co ngón tay, co ngón chân rồi chuyển sang nắm bàn tay, nghiêng cổ,… Bằng cách này, bạn sẽ nhanh chóng thoát khỏi hiện tượng bóng đè.
Ngoài ra, tâm lý cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc khắc phục được tình trạng bóng đè. Nếu bạn có niềm tin với chuyện tâm linh, bạn có thể kết hợp sử dụng các mẹo dân gian như đặt một con dao hoặc nhánh tỏi dưới gối nữa nhé. Ngủ bị bóng đè có thể được hạn chế tối đa nhờ chế độ sinh hoạt lành mạnh, luôn giữ đúng nhịp thức giấc và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh, không đi ngủ trong tình trạng kiệt sức.
5.3. Mơ liên tục
Giấc mơ là một phần của giấc ngủ mà bất kỳ cũng đều từng trải qua. Bản thân việc ngủ mơ không có hại cho sức khỏe nhưng nếu bạn mơ liên tục, mơ lung tung thì đó có thể là dấu hiệu của rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ hoặc các vấn đề về thần kinh. Nếu tình trạng ngày một nghiêm trọng hơn, lời khuyên là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để sớm tìm ra nguyên nhân và phương hướng điều trị.
Căng thẳng trong cuộc sống cũng có thể theo bạn đi vào giấc ngủ nên việc điều chỉnh tâm trạng sẽ giúp giải phóng năng lượng tiêu cực và khiến tinh thần sảng khoái hơn. Châm cứu hoặc thiền là gợi ý bạn có thể tham khảo. Ngoài ra bạn không nên lạm dụng thuốc ngủ và tránh xa các chất kích thích.
———————
Vì ngủ mơ vẫn còn là một chủ đề đang được nghiên cứu và gây nhiều tranh cãi nên bên cạnh cách giải thích theo khoa học, nhiều người có niềm tin rằng ngủ mơ còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hiện tượng ngủ mơ.