Sức khỏe giấc ngủ

Móng tay yếu dễ gãy? Bỏ túi ngay cách dưỡng móng tay dày, đẹp tự nhiên

CẬP NHẬT 29/11/2022 | BỞI Hương Lăng

Móng tay là một bộ phận nhỏ nhưng đảm nhận khá nhiều chức năng như hỗ trợ hoạt động, bảo vệ, tăng cường cảm giác cho bàn tay,… Với các chị em, móng tay còn mang công dụng làm đẹp quan trọng, góp phần tôn lên nét đẹp dịu dàng, sang trọng cho đôi bàn tay. Tuy nhiên hàng ngày móng tay cũng là bộ phận phải tiếp xúc nhiều từ các vật dụng sinh hoạt đến hóa chất, nên làm sao để bảo vệ móng cũng như cách dưỡng móng tay dài đẹp được nhiều người quan tâm.

1. Công dụng của móng tay 

Trước khi tìm hiểu cách dưỡng móng tay thế nào cho hiệu quả, chúng ta cần biết được móng tay có tác dụng gì với cơ thể. Có thể liệt kê những chức năng chính của móng tay như sau:

  • Cũng giống như các loài thú, móng tay của người có tác dụng hỗ trợ cầm đồ vật, cào, gãy, tách,… Trong một số trường hợp móng tay cũng có thể trở thành vũ khí tự vệ cho con người.
  • Phần móng cứng có thể xem như tấm chắn giúp bảo vệ các đầu móng tay, nơi chứa nhiều mạch máu nhỏ và mạng lưới dây thần kinh dày đặc.
  • Bạn có thể nhận thấy dấu hiệu cảnh báo một số bệnh thông qua màu sắc của móng. Ví dụ móng tay màu vàng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc bệnh vàng da do viêm gan, vấn đề tuyến giáp, nhiễm trùng phổi,…
  • Móng tay giúp giữ ẩm và ngăn vi khuẩn. Lớp biểu bì trên móng có tác dụng giữ độ ẩm và ngăn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Móng tay có công dụng gì
Móng tay có nhiều công dụng đối với sức khoẻ con người

2. Tốc độ mọc của móng tay

  • Móng tay sẽ mọc nhanh hơn với các trường hợp: Người trẻ tuổi, nam giới, phụ nữ có thai. Móng cũng sẽ mọc nhiều hơn ở bàn tay phải hoạt động nhiều ở đầu móng như người gõ vi tính vì máu sẽ đổ về nhiều hơn, nuôi dưỡng móng nhanh hơn. Cũng vì vậy, ngón giữa thường sẽ có tốc độ mọc nhanh nhất và chậm nhất là ngón út. 
  • Móng tay sẽ mọc chậm hơn ở các trường hợp sau: Người cao tuổi, người mắc bệnh nghiêm trọng, suy dinh dưỡng. 
  • Mỗi ngày móng tay sẽ mọc khoảng 0,1 mm. Tốc độ này nhanh gấp 2 đến 3 lần tốc độ mọc móng chân. Nhưng bù lại, móng chân có độ dày gấp 2 lần so với móng tay. 

 

>>>Đừng bỏ lỡ: Tình trạng sức khỏe của bạn được biểu hiện thế nào qua móng tay?

3. Nguyên nhân khiến móng tay dễ gãy, chậm phát triển

  • Để móng quá dài. Việc để móng dài sẽ khiến móng yếu, dễ gãy sâu. 
  • Thói quen dùng móng để mở, cạy vật cứng. Thói quen này không chỉ dễ gây tổn thương móng mà còn cả phần mô mềm ở đầu móng tay. 
  • Dùng nhiều chất tẩy móng có chứa acetone khiến móng giòn, khô, dễ gãy. 
  • Tiếp xúc quá nhiều với các chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày. 
  • Thói quen cắn móng. Cắn móng tay là thói quen xấu khá phổ biến. Cắn móng gây tổn thương móng, đầu móng bị xay xát. Bên cạnh đó việc cắn móng tay là không hợp vệ sinh có thể khiến bạn vô tình bị lây truyền nhiều bệnh vì đầu móng tay phải tiếp xúc với rất nhiều thứ hàng ngày có cả vi khuẩn và lợi khuẩn, thậm chí tồn đọng các chất tẩy rửa sinh hoạt nếu bạn không vệ sinh kỹ. 
  • Độ ẩm quá cao. Khi móng ướt sẽ dày nên và co lại khi khô. Cùng với việc phải tiếp xúc với các chất tẩy rửa sẽ khiến móng chịu nhiều thay đổi liên tục dẫn đến gãy móng. 
  • Người bị thiếu máu hoặc mắc các hội chứng như: Raynaud, hormon tuyến giáp thấp, thiếu máu, thiếu chất, người đang điều trị ung thư cũng là nguyên nhân khiến móng chậm phát triển 
Có nhiều nguyên nhân khiến móng yếu, dễ gãy rụng
Có nhiều nguyên nhân khiến móng yếu, dễ gãy rụng

4. Cách dưỡng móng tay đẹp tự nhiên

  • Cần tiến hành cắt móng định kỳ, theo tuần hoặc theo tháng nhằm loại bỏ vi khuẩn có hại, tạo điều kiện cho các lợi khuẩn phát triển. 
  • Khi tiến hành cắt móng có thể ngâm móng với nước hoặc chất làm mềm chuyên dụng giúp móng mềm dễ cắt, tránh bị xước móng khi móng quá cứng. Dụng cụ làm móng cần được vệ sinh kỹ, tránh làm nơi tích tụ, lây nhiễm vi khuẩn. Tất nhiên phải vệ sinh cả bàn tay nữa nhé. 
  • Cắt tỉa móng gọn gàng. Việc này giúp móng mọc nhanh hơn và giúp duy trì hình dạng móng tránh bị xước. 
  • Sơn dưỡng móng, kem dưỡng móng cũng là sản phẩm được nhiều người tin dùng để dưỡng móng, các sản phẩm giúp bảo vệ móng và cung cấp một số chất cần thiết giúp móng phát triển.
  • Bổ sung đầy đủ các chất như vitamin C, D, canxi amino acid, gelatin, biotin.
  • Mang găng tay khi phải tiếp xúc với các chất hoá học, chất tẩy không chỉ bảo vệ móng mà còn bảo vệ da tay. 
Cách dưỡng móng tay đẹp tự nhiên 
Cách dưỡng móng tay đẹp tự nhiên

5. Thực phẩm giúp dưỡng móng tay khỏe, màu đẹp 

Nếu móng tay của bạn có các biểu hiện như mờ đục, móng yếu, nhiều lớp, giòn, dễ gãy, biến dạng hoặc có nhiều chấm trắng rất có thể bạn đang cần cải thiện về vấn đề dinh dưỡng vì vậy một trong những cách dưỡng móng tay hiệu quả nhất chính là dưỡng từ bên trong thông qua thực phẩm. Những thực phẩm đề xuất bên dưới sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng vừa nêu từ bên trong.

Để có bộ móng tay khoẻ mạnh, xinh đẹp bạn cần cung cấp đủ các loại vitamin và khoáng chất sau:

  • Vitamin A: Thiếu vitamin A móng tay xuất hiện nhiều đốm trắng. Thực phẩm có hàm lượng vitamin A cao như: Cà chua, cà rốt, ớt chuông, bí ngô, gan,…
  • Vitamin B5: Thiếu vitamin B5 móng có tình trạng mờ đục, mọc không đều. Thực phẩm nhiều vitamin B5: Cá hồi, thịt gà, trứng, khoai lang, ngũ cốc, sữa chua,…
  • Vitamin C: Vitamin C có công dụng phòng ngừa các bệnh về nấm móng. Thực phẩm giàu vitamin C: Ớt chuông đỏ, kiwi, bông cải xanh, đu đủ, khoai tây,…
  • Vitamin E: Vitamin E có vai trò quan trọng với móng tay. Thực phẩm chứa nhiều vitamin E có thể kể như: Hạt hướng dương, hạnh nhân, dầu oliu, bông cải xanh, cá hồi, kiwi,…
  • Vitamin PP: Nếu thiếu vitamin PP móng có thể bị vàng. Thực phẩm cung cấp vitamin PP: Hạnh nhân, yến mạch, bơ, gan, ức gà, cá ngừ,…
  • Sắt: Sắt là thành phần quan trọng quyết định móng có bị mềm hay không. Thực phẩm giàu sắt: Rau bina, các loại đậu, thịt đỏ, bông cải xanh, gà tây, hạt bí ngô,…
  • Flo: Flo sẽ giúp móng cứng hơn. Thực phẩm bổ sung Flo: Khoai môn, khoai mỡ, trà đen, hải sản, nho khô,…
  • Kẽm: Kẽm có ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của móng tay. Bạn có thể bổ sung kẽm nhờ các thực phẩm sau: Hàu, cua, sò, hến, trứng, đậu, sữa, ngũ cốc nguyên hạt,…
  • Silic: Silic là thành phần quyết định độ dẻo của móng. Thực phẩm bổ sung silic: Dưa chuột, ớt xanh, táo đỏ, chuối, cam,…
  • Selen: Selen cũng có vai trò quyết định tạo nên sự mềm mại của móng, thiếu selen móng có thể bị biến dạng. Thực phẩm cung cấp nhiều selen: Yến mạch, phô mai, nấm, thịt bò, cá ngừ…

6. Một số mẹo dưỡng móng tay với nguyên liệu thiên nhiên

Ngâm móng tay với nước muối: Pha muối vào nước ấm và tiến hành ngâm móng từ 15-20 phút. Cách này giúp kháng khuẩn và móng nhanh dài hơn.

Ngâm móng tay với dầu dừa: Bạn có thể dùng 2 muỗng dầu dừa, 2 muỗng mật ong trộn cùng ít tinh dầu. Sau đó đưa hỗn hợp này làm âm trong lò vi sóng. Hỗn hợp trên dùng bôi lên ngón tay khoảng 20 phút rồi rửa lại với nước sạch.

Cách dưỡng móng tay với dầu oliu: Dùng dầu oliu bôi trực tiếp lên móng tay khoảng 15 phút sau đó lau khô. Nên tiến hành 2 đến 3 lần trong tuần để đạt hiệu quả tốt nhất. 

Cách dưỡng móng tay với nha đam: Dùng phần thịt trong của nha đam đem đi luộc sau đó xay nhuyễn, bôi trực tiếp lên ngón tay khoảng 15 phút sau đó rửa với nước sạch. Cách làm này đảm bảo độ ẩm và tẩy đi các tế bào chết.

Cách dưỡng móng tay với trứng và sữa tươi không đường: Dùng lòng đỏ trứng trộn với sữa tươi không đường sau đó massage nhẹ nhàng từ 5-10 phút rồi rửa lại với nước sạch. 

Bỏ túi mẹo dưỡng móng tay đẹp, chắc khoẻ 
Bỏ túi mẹo dưỡng móng tay đẹp, chắc khoẻ

Cách dưỡng móng tay không quá khó chỉ mất từ 5-15 phút tuỳ vào phương pháp, chỉ cần bạn kiên trì thực hiện sẽ sớm thấy được hiệu quả như mong muốn. Chúc các bạn thành công và sở hữu cho mình bộ tay vừa khoẻ vừa đẹp. 

Bài viết liên quan:

Hương Lăng
Hương Lăng