Rối loạn tiền đình là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại, không chỉ gặp ở những người lớn tuổi mà ở những người trẻ tuổi cũng mắc rối loạn tiền đình. Rối loạn tiền đình gây ra nhiều triệu chứng như chóng mặt, không thể giữ thăng bằng và cả mất ngủ. Phải làm sao khi rối loạn tiền đình gây mất ngủ? Cùng Vua Nệm tìm hiểu cách giúp ngủ ngon khi bị rối loạn tiền đình trong bài viết này.
Nội Dung Chính
1. Mối liên hệ giữa giấc ngủ và rối loạn tiền đình
Mối liên hệ giữa tai trong và não bộ giúp bạn giữ thăng bằng, được gọi là hệ thống tiền đình. Một khi hệ thống tiền đình bị chấn thương sẽ làm hỏng hệ thống này, bạn có thể bị rối loạn tiền đình.
Giấc ngủ cũng có mối liên hệ với rối loạn tiền đình. Ngủ không đủ giấc và không tuân theo một lịch trình ngủ nhất quán có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt. Ở những người bị bệnh tiền đình mãn tính như bệnh Meniere hoặc chứng đau nửa đầu tiền đình sẽ nhận thấy những biểu hiện hoa mắt, chếnh choáng rõ hơn.
Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy rằng trong tất cả các bệnh lý tiền đình, chứng đau nửa đầu tiền đình phần lớn là do thiếu ngủ. Trong khi đó, mệt mỏi và bị chóng mặt cũng có thể dẫn đến ngủ không đủ giấc.
Điều này gây ra một vòng lặp luẩn quẩn. Khi bị rối loạn tiền đình có thể khiến tình trạng mất ngủ trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ. Ngủ không ngon lại tiếp tục gây rối loạn tiền đình nặng hơn.
Thiếu ngủ và lo lắng khi cơn chóng mặt xảy ra, có thể làm giảm tâm trạng và giảm khả năng tập trung. Do đó, nó có thể làm tăng các triệu chứng chóng mặt của rối loạn tiền đình. Điều này không chỉ tàn phá cuộc sống của bạn, mà còn có ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Kết luận: Rối loạn tiền đình là một nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ. Ngược lại, mất ngủ, thiếu ngủ cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn tiền đình như: mệt mỏi, ù tai, chóng mặt.
2. Một số dạng rối loạn tiền đình thường gặp có thể bạn chưa biết
- Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV)
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng chóng mặt, bạn cảm thấy mình đang quay tròn hoặc lắc lư.
- Viêm mê đạo tai
Bạn có thể hiểu đây là một bệnh nhiễm trùng tai trong. Nó xảy ra khi một cấu trúc mỏng manh sâu bên trong tai là mê đạo bị viêm. Chứng viêm mê đạo không chỉ ảnh hưởng đến thính giác, cảm giác thăng bằng mà còn khiến người bệnh bị đau tai, xuất hiện mủ hoặc chất lỏng chảy ra từ tai, buồn nôn và sốt cao.
- Viêm dây thần kinh tiền đình
Một số bệnh có thể gây ra rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến dây thần kinh tiền đình, ví dụ như: nhiễm vi-rút, bệnh thủy đậu hoặc bệnh sởi. Các triệu chứng phổ biến nhất là chóng mặt đột ngột kèm theo buồn nôn và đi lại khó khăn.
- Bệnh Meniere
Khi mắc chứng rối loạn tiền đình này, người bệnh sẽ thường xuyên gặp những cơn chóng mặt đột ngột hoặc bị ù tai, có âm thanh vo ve trong tai, thậm chí là giảm thính lực và cảm giác đầy tai.
Hiện tượng bệnh lý này diễn ra được cho là do quá nhiều chất lỏng trong tai trong. Cũng có thể là do virus, dị ứng hoặc phản ứng tự miễn dịch của cơ thể. Trong nhiều trường hợp, tình trạng mất thính lực sẽ diễn biến nặng hơn theo thời gian và có thể kéo dài vĩnh viễn.
- Đau nửa đầu tiền đình
Nếu não của bạn gửi tín hiệu sai đến hệ thống cân bằng, những người bị rối loạn tiền đình sẽ cảm thấy đau đầu dữ dội và chóng mặt. Một số người sẽ trở nên nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, giảm thính lực và ù tai. Một số khác có thể bị mờ mắt.
- Lỗ rò quanh tai (PLF)
Đây là một vết rách hoặc khiếm khuyết giữa tai giữa và tai trong, nó chứa đầy chất lỏng có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, một số người bệnh sẽ bị thính lực. Bạn có thể bị PLF bẩm sinh, hoặc có thể do chấn thương vùng đầu, chấn thương đầu.
- U thần kinh âm thanh
Khối u này ở tai trong của bạn nhưng không phải là ung thư. Nhưng nó có thể chèn ép các dây thần kinh phụ trách kiểm soát thính giác và sự cân bằng. Điều này làm dẫn đến tình trạng người bệnh bị giảm thính lực, ù tai và chóng mặt. Trong một số trường hợp, một khối u thần kinh có thể đè lên dây thần kinh mặt của bạn và khiến một bên mặt bị tê liệt.
- Độc tính trên tai
Một số loại thuốc và hóa chất mà bạn sử dụng có thể tác động xấu tai trong của bạn. Thuốc cũng có thể tác động đến dây thần kinh kết nối tai trong với não của bạn, hoặc có thể gây mất thính giác.
- Ống dẫn nước tiền đình mở rộng (EVA)
Các ống dẫn nước hẹp và ống xương đi từ tai trong đến bên trong hộp sọ của bạn được gọi là ống dẫn nước tiền đình. Nếu ống dẫn này lớn hơn mức bình thường, người bệnh có thể bị mất thính giác.
- Hội chứng ảo giác chuyển động
Khi bạn di chuyển bằng một phương tiện và cách thức khác hơn so với thường ngày, chẳng hạn như đi tàu, thuyền, thì não của bạn sẽ thích nghi với cảm giác đung đưa. Nhưng đôi khi, ngay cả khi bạn đã ngừng di chuyển, bạn cũng có thể cảm thấy mình bị lắc lư. Tình trạng này thường thuyên giảm trong vài giờ, nhưng các triệu chứng cũng có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều năm.
3. Cách ngủ ngon khi bị rối loạn tiền đình
3.1. Hãy nằm ngửa
Nằm ngửa được xem là tư thế tốt cho cột sống. Đây cũng là tư thế ngủ được những người bị rối loạn tiền đình lựa chọn.
Nằm ngửa có thể ngăn chất lỏng tích tụ và ngăn các tinh thể canxi di chuyển đến nơi không thích hợp, từ đó giảm ù tai, chóng mắt do rối loạn tiền đình. Ngược lại, nếu ngủ nghiêng, đặc biệt là khi cụp tai xuống, có thể gây chóng mặt nặng hơn.
3.2. Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng trước khi ngủ
Căng thẳng có thể làm giảm khả năng đi vào giấc ngủ và cũng có thể làm tăng triệu chứng chóng mặt. Tạo lập và tuân thủ một thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn cảm thấy thư thái và buồn ngủ.
Các bạn có thể tập yoga, ngồi thiền, dùng máy xông tinh dầu để tạo hương thơm dễ chịu, viết nhật ký, đọc sách và tắm nước ấm để thư giãn tốt hơn. Tránh sử dụng thiết bị điện tử, caffeine, rượu và ăn khuya trước khi đi ngủ.
3.3. Chậm rãi khi thức dậy
Nhiều người có thói quen bật dậy khỏi giường vào buổi sáng một cách nhanh chóng, nhưng nếu bạn bị rối loạn tiền đình, bạn nên dậy từ từ và đi chậm khi thức dậy.
Hãy di chuyển chậm từ tư thế nằm sang ngồi, sau đó chuyển từ ngồi sang đứng. Làm như vậy có thể giảm thiểu khả năng bị chếnh choáng, hoa mắt, chóng mặt.
3.4. Sử dụng gối và tư thế ngủ thích hợp
Phần lớn các trường hợp chóng mặt là do các tinh thể nhỏ bên trong tai trong phát triển quá mức bình thường. Nó có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên quan đến sự cân bằng. Tình trạng này thường trở nên trầm trọng hơn khi bạn nằm nằm ngang. Do đó, bạn nên kê đầu hơi cao hơn so với thân người. Gối đầu hay những loại gối dùng để đi du lịch có thể hỗ trợ đầu và cổ của bạn thoải mái, ngủ ngon hơn và giảm rối loạn tiền đình tốt hơn.
3.5. Luyện tập cổ và đầu
Một kỹ thuật hữu ích khác có thể được thực hiện để giảm rối loạn tiền đình, tốt cho cho giấc ngủ là luyện tập chuyển động đầu. Việc cử động đầu và cổ nhẹ nhàng nhằm mục đích phân phối lại các tinh thể trong tai trong đều hơn. Phương pháp này được gọi là Tái định vị Canalith.
Các chuyển động như quay đầu từ bên này sang bên kia khi nằm ngửa đã được chứng minh là tạo ra kết quả khả thi trong việc giảm chứng chóng mặt.
Rối loạn tiền đình gây ra nhiều ảnh hưởng tới giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống. Với những thông tin về rối loạn tiền đình và cách ngủ ngon khi bị rối loạn tiền đình ở trên, hy vọng những người gặp bệnh lý này có thể có những kiến thức hữu ích trong việc giảm triệu chứng bệnh và ngủ ngon hơn.
Nguồn tham khảo: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/song-khoe/kho-vi-roi-loan-tien-dinh-gay-mat-ngu/