Sức khỏe giấc ngủ

Khám phá mối liên hệ giữa trầm cảm sau sinh và giấc ngủ

CẬP NHẬT 25/10/2023 | BỞI Hoàng Uyên

Có con là một trong những thay đổi lớn nhất xảy ra trong cuộc đời mỗi người. Sự kiện này cũng dẫn đến một loạt thay đổi về thể chất, tâm lý và nội tiết tố ở cả ông bố lẫn bà mẹ, đặc biệt là phụ nữ giai đoạn mang thai.

Những chuỗi ngày sau sinh cũng thử thách không kém khi cơ thể diễn ra sự gia tăng của các hormone “gây căng thẳng” khiến mẹ nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc kết hợp cùng với tình trạng gián đoạn giấc ngủ. Tất cả đều có thể khiến mẹ tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh (PPD).

Trong bài viết này cùng Vua Nệm khám phá mối liên hệ giữa trầm cảm sau sinh và giấc ngủ cùng các biện pháp để cải thiện cho mẹ sau sinh nhé!

1. Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh (viết tắt PPD) là một loại trầm cảm lâm sàng chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ sau khi sinh con. Nó có thể bắt đầu trong thời kỳ mang thai hoặc bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên sau khi sinh con. Trầm cảm sau sinh được mô tả là 1 nỗi buồn trầm trọng, sự tuyệt vọng, lo lắng và các triệu chứng khác. Những cảm xúc mãnh liệt này cản trở khả năng chăm sóc bản thân và con nhỏ của người mẹ.

Trầm cảm sau sinh là gì
Trầm cảm sau sinh (viết tắt PPD) là một loại trầm cảm lâm sàng chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ sau khi sinh con

PPD là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến 1/7 phụ nữ sau khi sinh con. PPD không phụ thuộc vào các yếu tố chủng tộc, dân tộc, thu nhập, văn hóa, tuổi tác hoặc hoàn cảnh. Điều này có nghĩa là mọi bà mẹ đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Các triệu chứng trầm cảm sau sinh cũng có thể xảy ra ở người bố và người chịu trách nhiệm chăm sóc trực tiếp đứa trẻ.

Các triệu chứng của PPD bao gồm:

  • Suy nghĩ hoặc sợ làm hại bản thân hoặc em bé
  • Ý nghĩ về tự tử hoặc cái chết
  • Cảm giác buồn bã và trầm cảm kéo dài hơn 2 tuần sau khi sinh
  • Thay đổi tâm trạng nghiêm trọng
  • Cảm thấy buồn, lo lắng, cô đơn, vô vọng, lạc lõng, sợ hãi, vô dụng, hoảng loạn, tội lỗi hoặc cáu kỉnh không kiểm soát
  • Khóc quá nhiều hoặc khóc mà không có lý do
  • Không có khả năng tập trung
  • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Chán ăn
  • Mất hứng thú, đam mê, sở thích trước đó
  • Bồn chồn

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc PPD bao gồm:

Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh
Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc PPD
  • Tiền sử trầm cảm hoặc rối loạn lo âu
  • Từng mắc PPD trước đây
  • Từng bị lạm dụng tình dục
  • Cảm xúc tiêu cực đối với em bé, việc mang thai hoặc giới tính của em bé
  • Mổ lấy thai khẩn cấp hoặc sinh non
  • Thiếu sự hỗ trợ, cuộc sống gia đình nghèo khó, hoàn cảnh gia đình bị ngược đãi
  • Thiếu thói quen tập thể dục, ngủ không đủ giấc hoặc chế độ dinh dưỡng kém
  • Hút thuốc

Không nên nhầm lẫn PPD với “baby blues” mà nhiều phụ nữ trải qua trong vài ngày đầu sau khi sinh con. Hội chứng Baby Blues thường khiến các bà mẹ khóc lóc, buồn bã hoặc thất vọng trong suốt 2 tuần đầu tiên sau khi em bé chào đời. Tuy nhiên, điều này sẽ nhanh chóng biến mất khi hormone cơ thể đã kịp điều chỉnh và tình trạng kiệt sức giảm đi.

2. Giấc ngủ của mẹ sau sinh như thế nào?

Giấc ngủ có thể là một thử thách nổi tiếng đối với những người mới làm cha mẹ. Trẻ sơ sinh có nhu cầu gần như suốt ngày đêm và không có nhịp sinh học giống như ở người trưởng thành. Nghĩa là cha mẹ thường bị đánh thức thường xuyên trong vài tuần đầu sau khi sinh…

Trong vài tháng đầu sau sinh, các bà mẹ thường cho biết mình không ngủ đủ giấc. Thời lượng ngủ được khuyến nghị dành cho người lớn là trung bình từ 7 đến 9 giờ, nhưng nhiều bà mẹ cho biết chỉ ngủ được 6 giờ hoặc ít hơn, với việc cho bú đêm và các lần thức giấc khác làm ngắt quãng những giờ đó và làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ.

Giấc ngủ của mẹ sau sinh
Giấc ngủ có thể là một thử thách nổi tiếng đối với những người mới làm cha mẹ

Mất ngủ sau sinh là tình trạng phổ biến của nhiều bà mẹ mới sinh. Sau khi sinh con, các bà mẹ mới sinh thường phải điều chỉnh lại lịch sinh hoạt của mình theo lịch ăn và ngủ của con, điều này có thể dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn. Sự thay đổi nội tiết tố sau khi sinh có thể ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian ngủ.

3. Mối liên hệ giữa trầm cảm sau sinh và giấc ngủ

Mất ngủ sau sinh có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Nó thậm chí có thể khiến mẹ có nguy cơ cao bị trầm cảm và rối loạn lo âu sau sinh. Và trầm cảm, lo lắng sau sinh có thể làm gián đoạn giấc ngủ.

Tiến sĩ Flora Sadri-Azarbayenjani của Psyclarity Health cho biết: “Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường khó ngủ, thức dậy thường xuyên vào ban đêm và cảm thấy mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi đầy đủ”. “Mất ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến của trầm cảm sau sinh và nó có thể làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực của tình trạng này.

Điều quan trọng đối với những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh là ưu tiên ngủ đủ giấc vì điều này có thể giúp giảm bớt nhiều triệu chứng của chứng rối loạn. Đảm bảo rằng các yếu tố như lượng caffeine và rượu được kiểm soát, điều này cũng có lợi trong việc giúp cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ.”

Chất lượng giấc ngủ sau sinh
Chất lượng giấc ngủ rất quan trọng để duy trì sức khỏe tinh thần tốt

Tiến sĩ Raffaello Antonino, Nhà tâm lý học tư vấn tại Therapy Central ở London, giải thích: “Chất lượng giấc ngủ rất quan trọng để duy trì sức khỏe tinh thần tốt, đặc biệt là trong thời kỳ hậu sản thời điểm những bà mẹ mới sinh có nguy cơ mắc bệnh PPD cao nhất”.

“Có mối liên hệ rõ ràng giữa rối loạn giấc ngủ và sự phát triển của trầm cảm sau sinh. Những phụ nữ có chất lượng giấc ngủ kém trong thời kỳ hậu sản có nguy cơ mắc PPD cao hơn.”

Không chỉ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất của bạn, ngủ không ngon, thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến những thay đổi về sức khỏe tinh thần. Sadri-Azarbayejani cho biết: “Tầm quan trọng của giấc ngủ chất lượng đối với sức khỏe tinh thần là cực kỳ lớn”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của một người, dẫn đến cảm giác trầm cảm và lo lắng.

Giấc ngủ thiếu chất lượng cũng có thể gây ra các vấn đề về thể chất như đau đầu, các vấn đề về dạ dày và khả năng miễn dịch suy yếu. Trong trường hợp trầm cảm sau sinh, giấc ngủ không ngon hoặc không đủ giấc có thể làm tăng khả năng gặp phải các triệu chứng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện có.”

Nói thì dễ hơn làm, ngủ đủ và ngon giấc khi phải chăm em bé mới sinh quả thực là 1 thử thách lớn. Cộng với chứng trầm cảm sau sinh, bạn có thể cảm thấy điều này hoàn toàn không thể xảy ra. Tuy nhiên, ưu tiên giấc ngủ là chìa khóa để ngăn ngừa các triệu chứng PPD trở nên trầm trọng hơn.

Nếu bạn thấy mình hoặc người thân đang phải vật lộn với các triệu chứng của PPD hoặc mất ngủ quá mức trong thời kỳ hậu sản, đừng ngần ngại chia sẻ và yêu cầu sự trợ giúp. Antonino cho biết: “Điều quan trọng đối với những bà mẹ mới sinh là ưu tiên việc tự chăm sóc bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người khác trong thời kỳ hậu sản”.

Điều này có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và ngăn ngừa sự khởi phát của rối loạn giấc ngủ và PPD. Ngoài ra, điều quan trọng cần nhớ là việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp cho các vấn đề về giấc ngủ và sức khỏe tâm thần không phải là điều gì xấu hổ. 

mối quan hệ giữa trầm cảm sau sinh và giấc ngủ
Mất ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến của trầm cảm sau sinh

4. Làm thế nào để đối phó với tình trạng mất ngủ sau sinh?

Đối phó với tình trạng thiếu ngủ sau sinh có thể là 1 thử thách, đặc biệt là với những người lần đầu tiên làm cha mẹ. Một số lời khuyên tốt nhất về cách chống mất ngủ sau sinh là ưu tiên giấc ngủ và vệ sinh giấc ngủ tốt, thiết lập thói quen, chia sẻ với bác sĩ cũng như những người thân thiết về tình trạng của mình.

Bằng cách thực hiện những chiến lược này, bạn có thể giúp cải thiện chất lượng và số lượng giấc ngủ cũng như đối phó tốt hơn với tình trạng thiếu ngủ sau sinh.

Vậy, mất bao lâu để phục hồi tình trạng thiếu ngủ sau khi sinh con?

Khoảng thời gian cần thiết để phục hồi sau tình trạng thiếu ngủ sau khi sinh con có thể khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm nhu cầu và thói quen ngủ của từng cá nhân, nhu cầu chăm sóc em bé và sự hiện diện của bất kỳ rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn nào.

Giấc ngủ sẽ bắt đầu được cải thiện khi em bé có thể ngủ lâu hơn, thường là vài tuần sau khi sinh. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn và không mong đợi sự phục hồi ngay lập tức. Ngoài ra, tìm cách điều trị rối loạn giấc ngủ và kiểm soát các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Làm thế nào để đối phó với tình trạng mất ngủ sau sinh
Mẹ cần ưu tiên giấc ngủ và vệ sinh giấc ngủ tốt

Có thể thấy, thiếu ngủ sau sinh gây ra một loạt tác động tiêu cực về thể chất, cảm xúc và nhận thức, bao gồm mệt mỏi và kiệt sức, thay đổi tâm trạng, giảm chức năng miễn dịch, suy giảm trí nhớ và chức năng nhận thức cùng nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất khác. Đặc biệt là chứng trầm cảm sau sinh.

Hy vọng sau bài viết này, bạn đã hiểu hơn về mối liên hệ giữa trầm cảm sau sinh và mất ngủ để luôn nhắc nhở bản thân ưu tiên giấc ngủ dù việc chăm sóc con nhỏ có bận rộn đến đâu nhé!

Nguồn: https://www.sleep.com/sleep-health/postpartum-depression-and-sleep

Bài viết liên quan:

Hoàng Uyên
Hoàng Uyên