Sức khỏe giấc ngủ

Tác hại của thức khuya theo từng độ tuổi: Thế mới nói chẳng khác nào tự sát!

CẬP NHẬT 11/06/2022 | BỞI Vua Nệm Team

Nhịp sống hối hả khiến cho nhiều người ở mọi lứa tuổi khác nhau cảm thấy việc đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ quả là một thói quen xa xỉ. Người ta có vô số lý do để giải thích tại sao tôi cần đi ngủ muộn nhưng hiếm ai nói về động lực để bắt đầu đi ngủ sớm.

Mặc dù chưa có một câu trả lời chắc chắn nào cho câu hỏi “liệu tác hại của việc thức khuya cho sức khỏe là có thật?” nhưng nhiều nghiên cứu thực nghiệm và thống kê về sức khỏe liên tục chỉ ra rằng thức khuya đem lại nhiều hệ quả xấu cho cuộc sống và sức khỏe của bạn. 

Nếu bạn cần thêm một chút động lực để đi ngủ sớm tối nay, hãy cùng Vua Nệm khám phá ngay về tác hại của việc ngủ muộn trong bài viết này nhé! 

1. Tác hại của việc thức khuya với trẻ em

trẻ thức khuya
Thức khuya hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ

“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Đối với lứa này, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ. Trẻ em ngủ muộn xuất phát từ nhiều nguyên do, những nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nền tảng gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen của bé chẳng hạn như bố mẹ đi ngủ muộn khiến trẻ sinh hoạt theo lịch trình tương tự. Một số tác hại ngủ muộn với trẻ em bao gồm:   

1.1. Thức khuya hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ

Chiều cao không chỉ được quyết định hoàn toàn bởi yếu tố di truyền. Nhiều công trình nghiên cứu đã phát hiện ra rằng gen chỉ quyết định 20% sự phát triển của chiều cao, 80% còn lại thuộc về yếu tố dinh dưỡng và môi trường.

Ở một đứa trẻ hay ngủ muộn, hormone tăng trưởng sẽ bị ức chế khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng hơn so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Trẻ nên đi ngủ lúc 9 giờ vì khi này hormone tăng trưởng sẽ bắt đầu tiết ra và đạt mức đỉnh điểm vào khoảng 11 đến 12 giờ khi trẻ ngủ say.

1.2. Thức khuya làm hệ miễn dịch suy yếu

 hệ miễn dịch trẻ suy yếu
Thức khuya làm hệ miễn dịch trẻ suy yếu

Khi trẻ ngủ muộn, các cơ quan bên trong cơ thể sẽ không có đủ thời gian để tiến hành hồi phục và sửa chữa các tổn thương. Các cơ quan mệt mỏi sẽ ảnh hưởng đến cả sức đề kháng ở trẻ.

Nếu đi ngủ sớm hơn, cơ thể trẻ sẽ tiết ra protein cytokine giúp ngăn ngừa viêm và bệnh tật. Chính vì vậy, bên cạnh bổ sung dinh dưỡng, cha mẹ cũng chú ý tránh để trẻ thức khuya để tăng khả năng chống lại bệnh tật, đặc biệt là ốm vặt. 

Xem thêm: [GIẢI ĐÁP] Ngủ sớm có tăng chiều cao không?

2. Tác hại của việc thức khuya với thanh thiếu niên

Có đến 75% thanh thiếu niên ngủ trễ sau 11 giờ và 33% chỉ đi ngủ vào lúc 1 giờ sáng. Nguyên nhân thức khuya ở lứa tuổi này thường đến từ áp lực học hành, thi cử và sự phân tâm do các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,… Một số tác hại việc thức khuya ở giới trẻ thanh thiếu niên bao gồm: 

2.1. Chậm phát triển thể chất

Ngủ sớm
Ngủ sớm giúp phát triển chiều cao và nâng cao trí tuệ.

Cũng như ở trẻ em, thanh thiếu niên vẫn là lứa tuổi đang trong độ tuổi phát triển nên việc ngủ đủ và ngủ sớm sẽ giúp cơ thể sản sinh ra các hormone tăng trưởng cần thiết cho sự phát triển chiều cao và nâng cao trí tuệ. Những đứa trẻ trong độ tuổi phát triển nhanh từ 12-15 tuổi nên đi ngủ từ 10 giờ tối là tốt nhất

2.2. Thiếu tập trung

Thanh thiếu niên thức khuya nhiều thường cố gắng bù đắp số giờ ngủ thiếu hụt bằng việc ngủ nướng vào sáng hôm sau nhưng lượng bù đắp này cũng không đủ để giúp các em tỉnh táo bắt đầu một ngày học tập mới. Chính bởi bộ não chưa có đủ thời gian để phục hồi sau một đêm, các em thường cảm thấy khó tập trung và uể oải suốt ngày dài.

2.3. Thức khuya tăng cân hay giảm cân? 

Nhiều người tự hỏi rằng “Thức khuya có giảm cân không?”, câu trả lời là ở hầu hết trường hợp, thức khuya tăng cân. Thức khuya thường khiến cơ thể cảm thấy mau đói và muốn dung nạp các loại thực phẩm nhiều calo. Đối với trẻ thanh thiếu niên, các em đang trong độ tuổi phát triển thường rất thích ăn vặt cả ngày và tất nhiên là khó có thể cưỡng được cơn đói vào thời điểm này.

Tác hại của việc ăn khuya thường xuyên là khiến quá trình chuyển hóa chất béo của cơ thể bị xáo trộn, khiến giới trẻ tăng cân mất kiểm soát. 

thức khuya tăng cân
Ở hầu hết trường hợp, thức khuya tăng cân

2.4. Thức khuya nổi mụn

Mặc dù nổi mụn ở lứa tuổi dậy thì là vì các hormone giới tính có xu hướng phát triển mạnh mẽ nhưng việc thức khuya cũng sẽ góp phần khiến tình trạng nổi mụn tệ hơn. Trong khoảng từ 9h – 12h là thời gian hệ miễn dịch và gan đào thải chất độc, làm mới huyết dịch. Việc thức khuya quá giờ này sẽ ngăn cản các hoạt động này xảy ra mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, thức khuya nổi mụn còn do tuyến thượng thận trong cơ thể bị kích thích khiến một lượng lớn chất cortisol bị tiết ra nhiều hơn thông thường. Cortisol khiến da mặt tiết ra nhiều dầu, tạo điều kiện ký tưởng cho các vi khuẩn trên làn da gây bít tắc lỗ chân lông và sản sinh mụn.

3. Thức khuya ở người trưởng thành 

3.1. Suy giảm trí nhớ

Thức khuya ở người trưởng thành
Thức khuya ở người trưởng thành gây suy giảm trí nhớ

Thức khuya ở người trưởng thành thường kéo theo việc thiếu ngủ vào ngày hôm sau, khiến cho bạn khó tập trung vào công việc và mắc chứng “não cá vàng”.

Nguyên nhân là do việc thiếu ngủ sẽ rút ngắn thời gian một người dành cho giai đoạn ngủ sâu và giai đoạn REM của chu kỳ giấc ngủ, vốn chịu trách cho việc xử lý thông tin và lưu trữ ký ức từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Khi quá trình này bị cản trở, sự suy giảm về trí nhớ là điều khó tránh khỏi.

3.2. Da lão hóa nhanh hơn 

Ban đêm là thời gian làn da được tái tạo với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với vào ban ngày. Đồng thời, bộ não bắt đầu gửi tín hiệu kích thích sản sinh collagen giúp làn da săn chắc hơn.

Khi ngủ muộn, bạn sẽ vô tình làm mất đi khoảng thời gian quý báu này. Thức khuya thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn khiến làn da chảy xệ và hình thành các nếp nhăn ở các vùng khóe mắt, khóe miệng.

Bên cạnh ức chế việc sản xuất collagen, thức khuya còn kích thích sắc tố melanin sản sinh nhiều hơn mức bình thường, kết quả là làn da của bạn trở nên ngày càng tối màu và sạm đi. Chỉ cần một đêm mất ngủ hoặc ngủ trễ, làn da của bạn đã bắt đầu trông nhợt nhạt và sạm đen hơn. Làn da là tài sản vô giá của phụ nữ vì thế hãy cố gắng đi ngủ sớm nhé!

Thức khuya thúc đẩy quá trình lão hóa
Thức khuya thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn

3.3. Suy giảm thị lực

Thức khuya sẽ làm tổn thương và mệt mỏi toàn bộ hệ thần kinh, trong đó bao gồm thần kinh thị giác. Ở người trưởng thành, mắt bạn càng cần được nghỉ ngơi nhiều hơn thông qua giấc ngủ vì vào ban ngày, bạn phải tiếp xúc với liên tục với ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, máy tính. Khi đi ngủ, mí mắt sẽ đóng lại và tiết thêm nhiều chất lỏng bôi trơn giúp mắt loại bỏ các bụi bẩn và đủ ẩm.

Nếu không ngủ đủ giấc, mắt sẽ bị khô, mỏi và sưng (bụp) hơn bình thường. Lâu dần, thức khuya có thể gây tổn thương võng mạc, gây nên tật khúc xạ mắt và đặc biệt là bệnh thoái hóa điểm vàng – nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng mù lòa.  

3.4. Năng suất làm việc giảm

Như một hệ quả tất yếu của việc không được nghỉ ngơi đầy đủ, thức khuya có thể làm suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung, kéo theo là năng suất làm việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thức khuya còn gây ra tình trạng thiếu ngủ khiến người trưởng thành phải đối phó thường xuyên với cảm giác buồn ngủ vào ban ngày cũng như dễ dàng nổi nóng hơn.

Thức khuya có thể làm suy giảm trí nhớ
Thức khuya có thể làm suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung

3.5. Thức khuya tăng nguy cơ ung thư 

Thức khuya sẽ ngăn cản cơ thể sản sinh ra các chất nội tiết tố tự nhiên chống oxy hóa và tăng nguy cơ mắc ung thư

  • Tác hại của thức khuya đối với phụ nữ là tăng nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 3,4 lần so với người bình thường. Nguyên nhân là bởi thức khuya sẽ ức chế quá trình sản sinh hormone estrogen. Estrogen được ví như dòng nhựa sống giúp phụ nữ duy trì vẻ đẹp, sự nữ tính và chịu trách nhiệm về sức khỏe sinh sản ở phái yếu.

Bên cạnh ung thư vú, thức khuya có thể dẫn hàng loạt các căn bệnh “khó nói” khác ở phụ nữ như viêm âm đạo, u nang buồng trứng,… Ngoài ra, sự suy giảm của hormone estrogen cũng sẽ khiến phụ nữ đối mặt với tình trạng rụng tóc ngày một nặng hơn.

  • Tác hại của thức khuya đối với nam giới phổ biến nhất là ung thư tuyến tụy và ung thư tinh hoàn. Đối với phái mạnh, việc ngủ muộn sẽ ức chế việc sản sinh ra hormone Testosterone vốn chịu trách nhiệm về sức khỏe sinh sản và các đặc điểm nam tính. Kết quả là chất lượng tinh trùng sẽ giảm mạnh và hạn chế khả năng sinh sản do tinh trùng yếu sẽ không thể bơi đến gần trứng và chui vào bên trong. 

4. Tác hại của thức khuya với người già

Nguyên nhân thức khuya ở người già
Nguyên nhân thức khuya ở người già thường đến từ việc khó ngủ và không thể ngủ được

Nguyên nhân thức khuya ở người già thường đến từ việc khó ngủ và không thể ngủ được. Với người trẻ, giấc ngủ đôi khi là một điều phiền thoái vì nó khiến chúng ta  bỏ lỡ nhiều điều thú vị trong cuộc sống chẳng hạn như một bộ phim hay, một buổi gặp gỡ bạn bè “không say không về” nhưng với những ai đã bước sang phía bên kia của ngọn đồi cuộc đời, giấc ngủ ngon lại trở thành một món quà quý báu.

Người già thức khuya do phải chịu đựng các chứng đau về xương khớp (loãng xương, thái hóa,…) vốn thường trở đau nghiêm trọng vào buổi đêm đến về sáng. Một số nguyên nhân khác ngăn cản việc đi ngủ sớm của người cao tuổi bao gồm khó thở (do suy tim, viêm phế quản, hen), rối loạn giấc ngủ và tác dụng phụ của thuốc.

Càng lớn tuổi, thời gian của người già dành cho giai đoạn ngủ sâu và ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) càng rút ngắn lại, đây cũng là một nguyên nhân khiến người già bị suy giảm nhận thức. Thức khuya, mất ngủ cũng là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc chứng mất trí Alzheimer ở người già, khiến họ trở nên lú lẫn và không thể thực hiện các thao tác giản đơn như vệ sinh cơ thể.

>> Xem thêm: Cẩm nang về chứng mất ngủ

5. Những lưu ý giúp bạn dễ đi ngủ sớm

5.1. Không ngủ nướng vào ban ngày

ngủ nướng
Vào buổi sáng, bạn không nên cố gắng ngủ nướng để bù đắp lại số giờ thiếu ngủ tối qua.

Vào buổi sáng, bạn không nên cố gắng ngủ nướng để bù đắp lại số giờ thiếu ngủ tối qua. Việc ngủ bù không có ý nghĩa nhiều đối với cơ thể vì bạn đã bỏ qua quãng thời gian vàng vào buổi tối để đi ngủ.

Ngủ bù vào buổi sáng có thể khiến bạn mất ngủ vào tối sau đó và tiếp tục cảm thấy thiếu ngủ vào sáng hôm sau. Lâu dần, đồng hồ sinh học sẽ bị thay đổi theo lịch sinh hoạt mới, có nghĩa là bạn đã đánh mất luôn thói quen ngủ sớm. 

Thông thường trong một ngày bạn chỉ nên có từ 1 đến 2 giấc ngủ ngắn, phổ biến nhất là ngủ trưa. Bạn chỉ nên thực hiện các giấc ngủ ngắn này tối đa 60 phút. 

5.2. Không các chất kích thích trước giờ đi ngủ

Cà phê, trà, rượu,… là những loại thức uống không nên sử dụng quá gần giờ đi ngủ vì nó có thể làm căng thẳng hệ thần kinh và ngăn cản cơ thể thư giãn đi ngủ. Trước giờ đi ngủ, bạn chỉ nên uống nước lọc hoặc một ly sữa ấm. Chúng sẽ giúp cơ thể được cung cấp đủ độ ẩm và sẵn sàng cho giấc ngủ. 

Cà phê
Cà phê, trà, rượu,… là những loại thức uống không nên sử dụng quá gần giờ đi ngủ

5.3. Tắt đèn trong phòng

Ánh sáng sẽ ức chế việc sản xuất hormone melatonin chịu trách nhiệm gây buồn ngủ trong cơ thể. Bạn nên giữ cho căn phòng đủ tối để kích thích melatonin sản sinh. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, tốt hơn hết bạn nên tránh xa các thiết bị này ít nhất nửa tiếng đến 1 tiếng trước khi đi ngủ. 

5.4. Tạo nhịp ngủ-thức cố định 

Hãy học cách nhất quán trọng nhịp ngủ – thức để rèn cho cơ thể thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Bằng cách này, bạn có thể ngủ ngay khi đến giờ, thức dậy và tỉnh táo một cách tự nhiên mà không cần chuông báo thức.

———

Thức khuya là một trong những thói quen xấu mà hầu hết con người hiện đại thời nay đều mắc phải. Hiểu rõ thức khuya có hại gì cho cơ thể sẽ giúp bạn có thêm nhiều động lực để loại bỏ thói quen này trong cuộc sống. Ngủ sớm hơn một chút hạnh phúc theo cả đời, tối nay hãy cố gắng đi ngủ sớm nhé!

Bài viết liên quan:

Vua Nệm Team
Vua Nệm Team