Quá nhiều tâm sự trong lòng mà không thể nói ra cùng ai về lâu dài có thể gây ra những xung đột trong não bộ, gây căng thẳng, mệt mỏi. Không chỉ vậy, việc mở lòng còn giúp bạn nhận được những lời khuyên chân thành từ những người xung quanh. Từ đó, cải thiện những vấn đề về sức khỏe tâm lý vô cùng tốt. Trong bài viết này, hãy cùng Vua Nệm tìm hiểu những lợi ích sức khỏe khi chia sẻ tâm sự nhé!
Nội Dung Chính
1. Những lợi ích sức khỏe khi chia sẻ tâm sự
Nhiều người vẫn ngần ngại chia sẻ nỗi niềm, tâm sự của mình vì tính cách hướng nội hoặc không muốn làm phiền đến người khác. Tuy nhiên, khi bạn cởi mở hơn để bày tỏ những tâm tư tình cảm của mình thì không chỉ tinh thần mà sức khỏe cũng có những sự thay đổi tích cực.
1.1. Giải tỏa cảm xúc trong lòng
Tiến sĩ Joseph Lee nhận định, những người có xu hướng giấu tâm sự bên trong, không chia sẻ thường lạm dụng nhiều rượu bia, rượu, quan hệ tình dục với nhiều người. Đồng thời, sử dụng nhiều chất kích thích nhằm tự hủy hoại bản thân.
Việc chia sẻ tâm sự với bạn bè, người thân sẽ giúp bạn giải tỏa cảm xúc từ sâu bên trong của chính mình. Từ đó, giảm thiểu căng thẳng và mang đến tâm trạng nhẹ nhàng hơn. Những điều này cũng đang là một liệu pháp tâm lý giúp hỗ trợ điều trị cho những người bệnh tự kỷ hay trầm cảm. Chỉ khi nào bạn nói ra được những điều đang chất chứa trong lòng thì lúc đó, bạn mới tìm thấy lối thoát, giúp bản thân thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
1.2. Nhận được sự đồng cảm
Khi có người ủng hộ, khích lệ, quan tâm đến mình, bạn không chỉ cảm nhận được sự đồng cảm từ họ, mà điều này còn giúp xoa tan đi sự cô đơn, cũng như bất an trong lòng rất hiệu quả. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn chỉ nên tìm đến và tâm sự với những người có thể hiểu vấn đề của bạn, để tránh những hụt hẫng hay khó chịu khi chia sẻ.
1.3. Tự tin hơn vào bản thân
Gia đình, người thân, bạn bè đôi khi không chỉ chia sẻ, họ còn có khả năng đồng hành và giúp bạn đối mặt với những khó khăn đang xảy ra. Nhờ đó, bạn sẽ có thêm lòng tin khi bắt đầu giải quyết vấn đề của chính mình.
Không chỉ vậy, việc có ai chịu lắng nghe những câu chuyện mà bạn kể còn góp phần giúp bạn cảm thấy bản thân mình là người có giá trị. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua những cảm xúc tự ti, xấu hổ, để đối đầu với khó khăn.
1.4. Nhận được lời động viên, khuyên bảo chân thành
Nếu bạn đang chìm trong cảm giác mệt mỏi, bế tắc, không có định hướng và cũng không biết nên làm gì tiếp theo, thì tốt nhất là hãy tìm đến người thân, gia đình, bạn bè hoặc những người mà bản thân tin tưởng để nhận được lời khuyên. Thông thường, góc nhìn của người ngoài cuộc luôn sáng suốt, tỉnh táo và khách quan hơn. Từ đó, giúp bạn tìm ra hướng giải quyết vấn đề một cách tốt nhất, thoát khỏi những lo âu, mệt mỏi, stress không đáng có.
1.5. Giúp kéo dài tuổi thọ
Một lợi ích sức khỏe khi chia sẻ tâm sự mà không thể không nhắc đến đó là giúp kéo dài tuổi thọ vô cùng tốt. Việc thường xuyên nói chuyện, tâm sự với bạn bè, người thân, sẽ giúp bạn kết nối với mọi người về mặt tình cảm. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn được vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Một báo cáo từ 150 nghiên cứu trên 300.000 người đã nhận định rằng, những người có nhiều mối quan hệ thường sẽ có sức khỏe tốt và tuổi thọ cao hơn so với những người có ít hoặc không có bạn bè.
2. Chia sẻ tâm sự như thế nào cho hiệu quả?
Vì những lợi ích sức khỏe khi chia sẻ tâm sự kể trên mà việc giải bày, thể hiện nỗi niềm được khuyến khích hơn là cứ mãi giấu kín trong lòng. Tuy nhiên, nếu chia sẻ không đúng cách thì đôi khi nó sẽ đem lại những “tác dụng ngược” cho chúng ta. Vậy cần phải bày tỏ tâm sự như thế nào cho hiệu quả? Dưới đây là một vài lưu ý mà mỗi bạn đọc cần nắm.
2.1. Chọn đúng người
Khi tâm sự, hãy chọn người mà khiến bạn cảm thấy thoải mái và tin tưởng nhất. Hạn chế kể những câu chuyện cá nhân cho một người thiếu sự tinh tế hay không biết giữ bí mật vì họ sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, bất an. Mặt khác, nếu cần tâm sự nhiều vấn đề thì bạn cũng không nên tâm sự một lúc với một người để họ không cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán.
Trong trường hợp bạn muốn được cho lời khuyên về một vấn đề nào đó, cách tốt nhất là tâm sự với một người đã trải qua hoàn cảnh tương tự. Họ sẽ cho bạn lời khuyên đúng đắn, hợp tình hợp lý nhất. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải làm theo mà có thể xem đó là một phương án để cân nhắc sao cho hợp lý nhất.
2.2. Chọn đúng thời điểm
Chia sẻ tâm sự là điều luôn được khuyến khích để trở nên thoải mái hơn. Tuy nhiên, bạn không thể chọn vào thời điểm lúc nửa đêm để gọi cho bạn bè và thao thao bất tuyệt về vấn đề mà mình đang gặp phải. Điều này sẽ khiến họ cảm thấy phiền phức, không tập trung vào câu chuyện của bạn và thậm chí còn tìm cách tránh né mỗi khi bạn có ý định liên lạc.
Thay vào đó, bạn hãy là một người tinh tế hơn bằng cách lựa chọn thời điểm thích hợp. Cần tránh làm ảnh hưởng đến công việc cũng như thời gian mà họ nghỉ ngơi. Thời điểm lý tưởng để tâm sự có thể là sau giờ làm hoặc những ngày cuối tuần. Trong trường hợp muốn gặp mặt thì bạn nên chủ động lên kế hoạch và ngỏ ý với họ. Điều này khiến họ cảm thấy mình được tôn trọng cũng như dễ sắp xếp thời gian hơn.
2.3. Tự đặt ra giới hạn
Mặc dù hiểu được những lợi ích sức khỏe khi chia sẻ tâm sự nhưng bạn không thể cứ than phiền quá mức về một vấn đề. Không ai có thể cứ lắng nghe bạn lặp lại mãi một vấn đề không thể giải quyết từ ngày này qua tháng nọ.
Bạn không nhất thiết phải cung cấp được giải pháp, tuy nhiên thứ bạn cần đạt được là sau những lần chia sẻ, cảm xúc của bạn được cải thiện. Mặt khác, bạn cũng không cần thiết phải kể ra hết những chuyện riêng tư của mình mà hãy cố gắng giới hạn lượng thông tin một cách khéo léo nhất.
2.4. Đan xen những điều tích cực
Cứ mãi tâm sự về những rắc rối mà bạn gặp phải sẽ khiến đối phương cảm thấy nhàm chán. Thay vào đó, hãy đan xen với những trải nghiệm thú vị hay những cảm xúc tích cực khác mà bạn đã trải qua trong cuộc sống. Điều này sẽ giảm nhẹ những cảm giác bi quan với rắc rối mà bạn vừa kể, đồng thời khiến cuộc hội thoại có thêm “luồng gió mới” để cả hai được phấn chấn hơn, người nghe không cảm giác căng thẳng, nặng nề.
2.5. Không chia sẻ lên những trang mạng xã hội
Mạng xã hội tuy đem lại nhiều tiện ích cho người dùng nhưng cũng chính là “con dao hai lưỡi”. Khi bạn chia sẻ trạng thái của mình lên đây, không chỉ riêng một người mà bất cứ ai cũng đều sẽ biết. Nếu người kia thật sự chân thành với bạn, họ sẽ tương tác bằng những câu an ủi, động viên. Tuy nhiên cũng có một số người lại lấy đó để làm trò đùa hay công kích, chế giễu bạn. Nếu gặp những người như vậy, tâm trạng của bạn không những không khá lên mà còn trở nên suy sụp, buồn bã.
>> Xem thêm:
- Tinh thần lạc quan là gì? Làm thế nào để giữ được tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh
- 10+ cách ngừng than vãn để sống lạc quan hơn – Bạn có làm được?
Trên đây là tổng hợp những lợi ích sức khỏe khi chia sẻ tâm sự mà bạn đọc cần biết để bước ra khỏi “vũng lầy” nội tâm. Hy vọng bài viết của Vua Nệm sẽ khiến bạn mở lòng hơn với mọi người về những câu chuyện của bản thân mình nhé!