Kể từ khi khánh thành, chùa Bái Đính đã trở thành điểm hành hương quen thuộc của hàng triệu phật tử trong và ngoài nước. Sở hữu quy mô rộng lớn cùng lối kiến trúc độc đáo có một không hai, nơi đây chính là biểu tượng du lịch nổi tiếng nhất ở Ninh Bình. Mời bạn cùng Vua Nệm khám phá tất tần tật về ngôi chùa linh ứng này thông qua bài viết sau đây!
Nội Dung Chính
- 1. Chùa Bái Đính ở đâu? Thuộc tỉnh nào?
- 2. Du lịch chùa Bái Đính mùa nào đẹp nhất?
- 3. Cách di chuyển đến chùa Bái Đính
- 4. Giá vé tham quan chùa Bái Đính
- 5. Những địa điểm tham quan tại chùa Bái Đính
- 6. Du lịch chùa Bái Đính ăn gì?
- 7. Những địa điểm lưu trú khi du lịch chùa Bái Đính
- 8. Một số lưu ý khi tham quan chùa Bái Đính
1. Chùa Bái Đính ở đâu? Thuộc tỉnh nào?
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn thuộc địa phận núi Bái Đính, xã An Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa tọa lạc ở ngõ tây của di tích cố đô Hoa Lư và phía Bắc quần thể di sản Tràng An, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 15km và Hà Nội chừng 97km. Tổng diện tích thực tế xấp xỉ 539 ha, trong đó 27 ha là khu chùa Bái Đính cổ tự và 80 ha thuộc về không gian chùa Bái Đính mới.
Cho đến thời điểm hiện tại, chùa Bái Đính đang là ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục nhất cả nước – tính trên 3 phạm vi: trong nước, khu vực Đông Nam Á và châu Á. Tiêu biểu là các danh hiệu như: ngôi chùa rộng nhất Việt Nam, ngôi chùa có tượng Phật bằng đồng lớn nhất châu Á, ngôi chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, ngôi chùa có nhiều cây bồ đề/ tượng La Hán/ giếng Ngọc lớn nhất trong nước,…
2. Du lịch chùa Bái Đính mùa nào đẹp nhất?
Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch chùa Bái Đính rơi vào khoảng tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, khi nhiệt độ ổn định, nắng đẹp và tiết trời còn ấm áp. Ngoài ra, đây cũng là những tháng gần với Tết Nguyên đán nên rất thuận tiện cho du khách vãn cảnh, kết hợp cùng lễ chùa cầu may mắn hoặc tham gia các lễ hội lớn được tổ chức trên địa bàn.
3. Cách di chuyển đến chùa Bái Đính
Hiện nay, các tuyến đường xung quanh khu vực chùa Bái Đính đều đã được nâng cấp đáng kể, thuận tiện cho quá trình đi lại của du khách thập phương. Bạn có thể di chuyển đến chùa bằng một số phương tiện như:
– Xe máy: đi theo hướng quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố Ninh Bình, sau đó tiếp tục di chuyển theo chỉ dẫn của google map để đến chùa Bái Đính
– Xe khách: mua vé xe đi Ninh Bình tại các bến xe lớn của Thủ đô (Mỹ Đình, Giáp Bát), đến nơi thì tiếp tục bắt taxi hoặc xe bus để đến thẳng chùa Bái Đính. Tổng chi phí thường dao động từ 210.000 – 250.000 cho cả hai chặng
– Tàu hỏa: đón chuyến tàu hỏa từ Hà Nội đến ga Ninh Bình rồi đón xe taxi hoặc xe buýt đến chùa Bái Đính. Giá vé xấp xỉ 70.000 – 120.000 tùy theo phân loại ghế
Nhằm phục vụ nhu cầu tham quan và du lịch, chùa Bái Đính còn cung cấp dịch vụ xe điện vô cùng tiện lợi, hỗ trợ đưa đón hành khách từ bãi đỗ xe đến cổng Tam Quan. Giá vé xe điện cho người lớn là 30.000/lượt và gấp đôi cho vé khứ hồi. Riêng trẻ em cao dưới 1 mét sẽ được sử dụng dịch vụ miễn phí. Trường hợp muốn đi bộ ngắm cảnh, bạn có thể đến gửi xe tại bãi đỗ với giá 20.000/xe.
4. Giá vé tham quan chùa Bái Đính
Khi hành hương tại chùa Bái Đính, du khách sẽ được miễn phí toàn bộ vé vào cổng và chỉ phải chi trả thêm nếu sử dụng các dịch vụ như gửi xe hoặc đi xe điện. Điểm tham quan duy nhất trong quần thể có thu phí là Bảo Tháp – tòa tháp cao nhất Đông Nam Á – với giá 50.000/lượt. Ngoài ra, du khách cũng có thể ‘đầu tư’ thêm 300.000 – 500.000 để thuê hướng dẫn viên du lịch riêng nếu muốn.
>>>Xem ngay: “Bật mí” 7 điểm du lịch tâm linh các “chiến thần du lịch” không nên bỏ qua
5. Những địa điểm tham quan tại chùa Bái Đính
5.1 Khu vực chùa Bái Đính cổ
– Đền thờ Thánh Nguyễn: Là một hạng mục kiến trúc nổi bật nằm trong quần thể chùa Bái Đính, hiên ngang theo tư thế ‘tựa núi nhìn sông’ vô cùng vững chãi. Bên trong đền có tượng thiền sư Nguyễn Minh Không – người được biết đến như tổ sư của nghề đúc đồng đồng thời là một danh y tiếng tăm lừng lẫy
– Hang Sáng, Động Tối: Bên cạnh đền Thánh Nguyễn, Hang Sáng và Động Tối cũng nằm trong số các địa điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách gần xa. Hang động nằm kế bên cổng Tam Quan, được sử dụng để thờ Phật tổ và các vị thần linh khác. Tên gọi Hang Sáng bắt nguồn từ luồng sáng tự nhiên rọi vào trong hang, chiếu sáng xuyên suốt độ sâu gần 25 mét
– Giếng Ngọc: Với đường kính gần 39m, độ sâu xấp xỉ 7 mét và tổng diện tích lên đến 6000 mét vuông, Giếng Ngọc chính là điểm tham quan không thể bỏ lỡ khi có dịp ghé thăm chùa Bái Đính. Bốn góc giếng được tạo hình theo dạng bát giác, bên trong là mặt nước quanh năm trong xanh như ngọc. Tương truyền, Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng sử dụng nguồn nước ở giếng này để sắc thuốc cứu người
5.2 Khu vực chùa Bái Đính mới
– Tháp Chuông: Khi vãn cảnh trong khuôn viên chùa Bái Đính mới, du khách đừng quên thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt đỉnh ở khu vực Tháp Chuông. Ngọn Tháp kiên cố được dựng từ bê tông cốt thép giả gỗ, khéo léo mô phỏng theo lối kiến trúc tháp chuông cổ điển kiểu cách, hài hòa
– Tượng Phật Di Lặc: Sẽ là một thiếu sót lớn nếu bỏ qua sự hiện diện của Tượng Phật Di Lặc trong danh sách này. Với tổng trọng lượng khoảng 80 tấn, Tượng Phật Di Lặc hiện đang nắm giữ kỷ lục ‘bức tượng lớn nhất tại Việt Nam’. Tượng Phật được đặt trên đỉnh một ngọn đồi sừng sững, giúp du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh trí của ngôi chùa
– Hành lang La Hán: Là kiến trúc nổi tiếng nối liền hai đầu Tam Quan, gồm 234 gian và kéo dài 1052 mét. Tại đây hiện đang lưu giữ 500 bức tượng đá nguyên khối tạc theo hình các vị La Hán. Được biết, tổng khối lượng của những bức tượng này ước đạt gần 4 tấn
6. Du lịch chùa Bái Đính ăn gì?
Sau khi tham quan tại quần thể chùa Bái Đính, du khách đừng quên dành thời gian để thưởng thức những đặc sản Ninh Bình. Trong số đó, mắm tép Gia Viễn, Nem dê, miến lươn Ninh Bình,… là các món ăn in đậm dấu ấn ẩm thực địa phương.
7. Những địa điểm lưu trú khi du lịch chùa Bái Đính
Theo kinh nghiệm của các tín đồ du lịch, bạn nên đặt phòng tại các nhà nghỉ, khách sạn hoặc homestay ở khu vực Tràng An. Vì đây vốn là khu vực trọng điểm nên xung quanh sẽ có nhiều địa điểm lưu trú chất lượng, lại đầy đủ tiện nghi và có giá cả phải chăng. Một số gợi ý dành cho du khách là:
– Khách sạn Bái Đính Ninh Bình: Nằm ngay trong khuôn viên chùa, giá thành dao động từ 800.000/đêm
– Ninh Binh Eco Garden: Tọa lạc tại xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, giá thành xấp xỉ 470.000/đêm
– Ninh Binh Family Homestay: Thuộc quần thể chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, giá thành khoảng 500.000/đêm
>>>>Khám phá ngay: Kinh nghiệm du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam từ A – Z
8. Một số lưu ý khi tham quan chùa Bái Đính
Để có được một trải nghiệm tham quan chùa Bái Đính trọn vẹn và ý nghĩa nhất, du khách thập phương cần lưu ý:
– Lựa chọn trang phục phù hợp, ưu tiên mang giày thể thao vì sẽ phải đi bộ và leo bậc thang khá nhiều
– Mua đồ lưu niệm ở các cửa hàng dưới chân núi thay vì trong khuôn viên chùa để tránh bị ‘chặt chém’
– Mang theo ô để che mưa nếu đi lễ vào dịp đầu xuân
– Chuẩn bị sẵn một ít tiền lẻ để quyên góp và cầu may
Trên đây là bài viết của Vua Nệm về các kinh nghiệm tham quan chùa Bái Đính chi tiết nhất. Cảm ơn bạn đã quan tâm và đón đọc!
>>>Đọc ngay: Chơi đâu ăn gì ở Ninh Bình?Tổng hợp A-Z kinh nghiệm du lịch Ninh Bình [updating…]