Quần thể du lịch chùa Tam Chúc thuộc tỉnh Hà Nam hiện đang là một trong những địa điểm du lịch tâm linh lớn nhất cả nước, thu hút sự quan tâm của du khách bốn phương. Đến nơi này chúng ta có thể khám phá những gì? Hãy cùng Vua Nệm tham khảo kinh nghiệm du lịch ở ngôi chùa lớn nhất thế giới này nhé.
Nội Dung Chính
1. Chùa Tam Chúc nằm ở đâu?
Chùa Tam Chúc nằm ở xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, thuộc tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa này cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 70km và cách chùa Bái Đính Ninh Bình khoảng 30km. Chùa Tam Chúc được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Nơi đây thờ các vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam: thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Đỗ Pháp Thuận, thiền sư Khuông Việt, hòa thượng Thích Thanh Tứ và các vị Sư Tổ Đạt Ma.
2. Du lịch chùa Tam Chúc vào mùa nào trong năm ?
Quần thể khu du lịch chùa Tam Chúc mở cửa đón khách quanh năm nhưng thời điểm du lịch lý tưởng nhất là vào mùa xuân từ 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 Âm lịch. Bởi đây là thời điểm cả nước đón Tết Nguyên Đán, đến đây bạn sẽ được tham gia các hoạt động lễ hội và du xuân.
Còn nếu chỉ đơn giản là muốn ngắm phong cảnh trữ tình và vẻ đẹp trầm mặc của ‘’Hạ Long trên cạn’’ thì bạn có thể tham quan chùa Tam Chúc vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
3. Tới chùa Tam Chúc bằng phương tiện nào?
Có rất nhiều phương tiện để tới chùa Tam Chúc, bạn có thể lựa chọn các cách thức di chuyển dưới đây:
- Xe bus: Du khách nếu xuất phát từ Hà Nội có thể đi tuyến bus Hà Nội – Phủ Lý. Tuyến xe này xuất phát từ bến xe Giáp Bát, với giá vé là 30.000đ/người/lượt. (Giá vé có thể thay đổi theo thời gian hoặc các dịp đặc biệt)
- Xe khách: Xe khách đến chùa Tam Chúc chạy theo tuyến đường cao tốc Pháp Vân – cầu Giẽ. Đây là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất, chỉ mất 1 tiếng là đến nơi. Giá vé xe khách tới chùa Tam Chúc là 60.000 VNĐ/người/lượt. (Giá vé có thể thay đổi theo thời gian hoặc các dịp đặc biệt)
- Phương tiện cá nhân: Nếu không muốn sử dụng phương tiện công cộng thì bạn có thể tự lái xe. Xuất phát từ Hà Nội, bạn đi dọc quốc lộ 1A qua cầu Giẽ rồi tiếp tục đi thẳng sẽ tới Tam Chúc.
4. Giá vé vào quần thể du lịch Tam Chúc
Du khách đi vãn cảnh chùa Tam Chúc không phải trả tiền vé vào cửa, nhưng bạn sẽ phải trả phí cho các phương tiện di chuyển trong quần thể khu du lịch.
Di chuyển bằng thuyền máy: Thuyền máy có giá vé là 200.000 VNĐ/khách cho thuyền loại thường và 240.000 VNĐ/khách cho thuyền loại VIP. Bạn sẽ được xuất phát từ bến thuyền vào cổng tam quan nội và ngược lại. Bên cạnh đó thuyền cũng sẽ đưa bạn đi khám phá và ngắm các đảo nhỏ. Ở trên thuyền có phục vụ nước trà, hoa quả và các loại bánh ngọt cho du khách vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức.
Di chuyển bằng ô tô điện: Xe điện có giá vé 90.000 VNĐ/khách khứ hồi. Xe điện đưa bạn từ bến xe tới cổng tam quan Nội, sau đó bạn tự đi bộ vào bên trong tham quan khu quần thể của chùa.
5. Những địa điểm đẹp tại chùa Tam Chúc
Quần thể du lịch chùa Tam Chúc có nhiều cảnh quan đa dạng và độc đáo, dưới đây là các địa điểm tiêu biểu mà bạn nên ghé thăm.
Nhà khách Thủy Đình: Khi tới chùa Tam Chúc, nhà khách Thủy Đình là nơi bạn sẽ đặt chân tới đầu tiên để check-in và mua các loại vé: Vé lên thuyền, vé ăn buffet … . Tại đây, du khách có thể ngắm không gian kiến trúc, các BST tranh ảnh về chùa và xem bối cảnh toàn bộ khu du lịch tâm linh Tam Chúc bằng mô hình thu nhỏ.
Cổng tam Quan: Có 2 cổng tam quan bên ngoài và bên trong, được xây dựng vô cùng đồ sộ với các hoa văn đặc sắc. Ở hai bên cổng tam quan là hai con đường lớn dẫn lên các chính điện của chùa, du khách có thể thoải mái vừa đi vừa ngắm cảnh trong khuôn viên.
Vườn cột kinh: Khu vực vườn cột kinh gồm có 32 cột kinh, mỗi cột kinh lại có khối lượng và kích thước đồ sộ được làm từ đá xanh với độ cao 14m. Chân cột được thiết kế hình đài sen, đỉnh cột là nụ hoa sen, ở mỗi thân cột được điêu khắc lời Phật dạy. Vườn cột kinh tạo nên không gian hùng vĩ trước điện Quán Âm mà bạn không thể bỏ qua khi tới đây.
Tam điện chùa Tam Chúc: Quần thể chùa Tam Chúc có 3 chính điện lớn nhất tọa lạc ở trung tâm là: Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ và Điện Quan Âm.
Điện Pháp Chủ là nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn được mệnh danh là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á. Không gian của điện thờ được thiết kế với mái cong 2 tầng với chiều cao từ sàn lên tới trần là 31m.
Điện Tam Thế được xây dựng trên mặt sàn rộng tới 5000m2 với kiến trúc ấn tượng. Du khách tới đây sẽ rất choáng ngợp khi được chiêm ngưỡng ba pho tượng phật lớn được đúc từ đồng đen đặt giữa chính điện. Ba pho tượng Phật có ý nghĩa biểu thị cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó Điện Tam Thế còn được trang trí với 12.000 bức phù điêu chế tác từ đá núi lửa ở Indonesia.
Điện Quan Âm là nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay. Điện có tầm nhìn hướng ra vườn cột kinh với khoảng sân vô cùng thoáng đãng và tĩnh mịch. Ở chính điện là bức phù điêu lớn, hai bên có rồng bằng đá đang chầu.
Đình Tam Chúc: Đình Tam Chúc tọa lạc ở giữa hồ nước mênh mông. Đây là nơi thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt đồng thời lưu giữ những dấu tích lịch sử từ thời vua Đinh. Từ đình Tam Chúc nhìn ra mặt hồ có 6 quả núi nhỏ, vào mùa hè, hoa sen nở bung trên mặt hồ tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình đẹp lay động lòng người.
Đàn tế trời chùa Ngọc: Từ khu vực Tam Điện chính, bạn phải leo bộ một đoạn khá xa để đến được chùa Ngọc. Đàn tế trời trên Chùa Ngọc được chế tác 100% từ các phiến đá granite đỏ bằng kỹ thuật lắp ghép thủ công độc đáo.
6. Bỏ túi kinh nghiệm du lịch chùa Tam Chúc
Quần thể khu du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam vô cùng rộng lớn nên bạn hãy xem trước bản đồ của chùa và lưu ý một số điều dưới đây nhé.
- Chùa Tam Chúc là quần thể du lịch tâm linh nên khi tới đây bạn cần lựa chọn trang phục lịch sự, kín đáo.
- Vãn cảnh bên trong chùa Tam Chúc chủ yếu là đi bộ nên bạn hãy mang giày thể thao hoặc các loại giày dép đế bằng để không gây đau chân.
- Theo quan niệm dân gian, khi bước vào các điện thờ, bạn hãy vào từ cửa hai bên, không nên bước vào cửa chính giữa.
- Bạn chỉ nên nên thắp hương và cắm nén hương tại đỉnh đặt bên ngoài sân, hạn chế thắp hương bên trong chùa vì khói hương ảnh hưởng tới môi trường chung. Đặc biệt, không được cắm hương tùy tiện vào đồ lễ, gốc cây, tay tượng …
- Vào các ngày lễ hội thì thuyền và xe điện của khu du lịch rất đông khách nên bạn phải xếp hàng rất lâu để mua vé và chờ xe, vì vậy giải pháp nhanh gọn hơn là đi xe ôm vào cổng chùa. Khi chọn xe ôm, bạn hãy thỏa thuận giá trước nhé.
XEM THÊM:
- Chơi đâu ăn gì ở Quy Nhơn? Tổng hợp A-Z kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn [updating…]
- Chơi đâu ăn gì ở Côn Đảo? Tổng hợp A-Z kinh nghiệm du lịch Côn Đảo [updating…]
- Chơi đâu ăn gì ở Tam Đảo? Tổng hợp A-Z kinh nghiệm du lịch Tam Đảo [updating…]
Du lịch chùa Tam Chúc là hành trình khám phá các kiến trúc, văn hóa tâm linh thú vị. Hy vọng với những thông tin được cung cấp ở trên, bạn sẽ có những trải nghiệm trọn vẹn tại chốn sơn thủy hữu tình bậc nhất miền Bắc.