Tất tần tật về chợ phiên – Nét độc đáo của vùng cao

CẬP NHẬT 08/09/2024 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh

Chợ là nét văn hóa có từ lâu đời ở mọi vùng miền Tổ Quốc. Trong đó, chợ phiên là một hình thức độc đáo, là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của các dân tộc thiểu số vùng cao. Vậy chợ phiên là gì? Hãy cùng Vua Nệm tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

chợ phiên bắc hà
Chợ phiên – Nét độc đáo của vùng cao

1. Chợ phiên – Nét đẹp vùng cao

1.1. Chợ phiên là gì?

Thuở con người bắt đầu biết lao động sản xuất dư thừa của cải, phát sinh sự trao đổi để lấy những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày chính là lúc chợ ra đời. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ vài người, rồi dần tăng lên đến hàng chục, hàng trăm… Người ta hẹn nhau một thời gian, địa điểm cụ thể để mua bán, trao đổi và dần dần hình thành chợ.

Khác với chợ thông thường, chợ phiên chỉ mở bán vào những ngày cố định đặc biệt như thứ Bảy, Chủ nhật mỗi tuần; một số chợ mở vào thứ Năm, thứ Sáu; có nhiều chợ lại mở theo ngày Dần và Thân, Tỵ và Hợi của mỗi tháng…

1.2. Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của người dân bản địa

Phát triển đô thị hóa – hiện đại hóa, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi dần thay thế cho chợ truyền thống. Dù vậy, chợ phiên ở miền núi phía Bắc nước ta vẫn còn nguyên vẹn như thuở ban sơ, vẫn tấp nập người bán kẻ mua và vẫn dung dị như thế. Đến với chợ phiên, bạn sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đầy tính cộng đồng, một nét đẹp vùng cao hiếm có.

Chợ phiên mang trong mình nét đẹp văn hóa không thể trộn lẫn và cũng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp độc đáo của người dân bản địa. Chợ phiên không đơn giản chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, đây còn là nơi gặp gỡ, vui chơi và sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa. Đồng thời, đây cũng là nơi lưu giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục… vô cùng độc đáo.

phiên chợ ngày xuân
Chợ phiên là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của người dân bản địa

Người đến chợ phiên cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là có nhiều nam thanh nữ tú. Những người vợ, những bà mẹ đi chợ phiên để mua sắm. Các ông chồng đến chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn, nhảy múa… Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ. Thanh niên nam nữ tới chợ để giao lưu tìm bạn tình. Tất cả tạo nên một khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu và thú vị.

1.3. Người dân cần chuẩn bị gì cho một phiên chợ?

Để đi chợ phiên, người dân vùng cao phải dậy từ lúc trời còn tối. Họ đến chợ với hành lý vô cùng đơn sơ. Đó có thể là chiếc gùi đựng vài cân gạo, mấy mớ rau hay nải chuối… Có thể là chiếc bao tải nhỏ đựng vài con dao, lưỡi cuốc, liềm, xẻng hay kiềng bếp… Họ có thể dắt theo vài con trâu, bò, ngựa hoặc mang theo vài con lợn, gà, vịt… Đó đều là kết tinh của sự lao động cần cù, là những sản vật đặc trưng do người dân bản địa làm ra.

Hàng hóa mang đi rất mộc mạc và cách bày bán cũng đơn giản, không cầu kỳ. Đó là những tấm bạt trải ra giữa đất, quầy hàng nào tốt hơn chút thì là những chiếc lán nhỏ được làm từ tre, nứa. Tuy đơn sơ nhưng đây là nơi bày đủ thứ của ngon vật lạ từ núi rừng nguyên sơ.

chợ phiên sapa
Những mặt hàng đơn giản được bày bán tại chợ phiên

1.4. Không khí náo nhiệt tại chợ phiên

Nói chợ phiên là nét đẹp văn hoá độc đáo mang nét đặc trưng của đồng bào vùng cao bởi vì người dân nơi đây đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang đến nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình, góp phần tô thêm sắc màu cho phiên chợ.

Tại chợ phiên, bạn sẽ được nhìn ngắm những gương mặt thân thiện, chất phác của người dân tộc trong bộ trang phục truyền thống. Sắc màu sặc sỡ được tạo nên từ những mặt hàng thổ cẩm được trưng bày. Đó là những chiếc váy, chiếc áo được cắt may, thêu tay tinh xảo hay những cuộn chỉ nhiều màu được các mẹ, các chị say mê chọn lựa. Và còn một gam màu đặc biệt không thể không kể đến, chính là màu nhuộm chàm in hằn lên đôi bàn tay chăm chỉ, khéo léo của những người phụ nữ dân tộc.

chợ phiên tây bắc
Mỗi người dân đều mang nét đặc sắc riêng của dân tộc mình đến phiên chợ

Đến với chợ phiên, nô nức nhất vẫn là các hàng ăn uống tấp nập thực khách ghé thăm. Mùi thơm nức mũi của những món ăn nơi dân dã đậm chất vùng cao với khói trắng nghi ngút càng thêm ấm nồng giữa trời sương giá rét. Nơi đây bày bán những đặc sản vùng miền vô cùng nổi tiếng, thu hút không chỉ người bản địa mà cả du khách tứ phương bởi mang đậm phong vị nguyên bản, không đâu sánh bằng.

2. Các chợ phiên vùng cao Tây Bắc nổi tiếng

2.1. Chợ phiên San Thàng – Lai Châu

Chợ phiên San Thàng cách TP. Lai Châu khoảng 5 km trên quốc lộ 4D. Chợ phiên này họp vào mỗi sáng thứ 5 và sáng Chủ Nhật hàng tuần. Chợ San Thàng rất đông đúc, tấp nập và rực rỡ sắc màu trang phục của đồng bào các dân tộc vùng cao.

phiên chợ vùng cao
Chợ phiên San Thàng – Lai Châu

Những người tới chợ phần lớn là đồng bào của những dân tộc quanh vùng. Họ tới chợ từ sáng sớm, mang theo những sản vật của núi rừng như gà rừng, lợn bản, mật ong rừng, gà rừng hay những sản phẩm thủ công truyền thống như khăn, áo, mây tre đan, vải thổ cẩm… Chợ phiên San Thàng – Lai Châu bán đủ thứ từ cái kim, sợi chỉ cho đến rau xanh, củ quả và cả những sản phẩm thiết yếu cho gia đình.

Ở chợ phiên, mọi người dường như đều quen biết nhau, toát lên không khí gần gũi thân mật. Các nam thanh nữ tú người Lự, người Mông hay người Dao, đều nô nức tới chợ. Tất cả tạo nên một phiên chợ San Thàng nhộn nhịp, đông vui và rộn rã sắc màu đến lạ kỳ.

2.2. Chợ phiên Hà Giang

Cao Nguyên Đá Đồng Văn trải rộng trên bốn huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang là nơi gần 300.000 người dân sinh sống. Người dân nơi đây thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau như Mông, Tày, Dao, Nùng, Lô Lô, Pà Thẻn… với những tập tục sinh hoạt và sản vật riêng.

Để thuận tiện trong mua bán và trao đổi hàng hoá, chợ phiên được tổ chức định kỳ hàng tuần tại những thị trấn lớn như Mèo Vạc, Má Lé. Chợ phiên tại Hà Giang họp mỗi tuần một lần. Chợ phiên Má Lé vào ngày thứ Bảy và chợ phiên Mèo Vạc vào ngày chủ nhật.

chợ phiên hà giang
Chợ phiên Hà Giang được tổ chức định kỳ hàng tuần

Người dân tới chợ với hàng hoá cực đơn giản với vài cân gạo, mớ rau, củ măng rừng, gà , lợn… Họ cũng thường mang theo vải thổ cẩm, vải dệt hoặc nông cụ tự sản xuất như dao, liềm, lưỡi cày… Đặc biệt khu ẩm thực tại đây có nhiều đặc sản như bánh ngô, bánh tam giác mạch, thắng cố, mèn mén, cháo ấu tẩu…

Với người dân Hà Giang, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hoá. Tất cả tạo nên không khí sôi động cho buổi họp chợ.

2.3. Chợ phiên Bắc Hà

Chợ phiên Bắc Hà tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, Lào Cai nổi tiếng với những vẻ đơn sơ, mộc mạc và mang đậm nét đặc trưng của những dân tộc vùng cao Tây Bắc. Nơi đây tập trung những tinh túy, đặc sắc văn hóa của bà con dân tộc Mông, Tày và Nùng. Chợ phiên Bắc Hà họp vào Chủ Nhật hàng tuần.

Được biết đến là chợ vùng cao lớn nhất Lào Cai, chợ tụ tập nhiều thương lái đến từ các dân tộc xa gần về trao đổi, buôn bán. Đến đây, bạn có thể tìm thấy mọi vật dụng cần thiết cho cuộc sống của người dân tộc từ cuốc, xẻng tới vải vóc hay thậm chí là trâu, ngựa, lợn, gà.

chợ phiên vùng cao
Một phiên chợ đông đúc tại Bắc Hà

Không chỉ vậy, chợ phiên Bắc Hà còn có bán giống chó quý chỉ miền Bắc Hà mới có. Ở đây, người ta bán những chú chó từ nhỏ đến lớn, đều rất tinh khôn với nhiều màu sắc, giống loài như lông xù, lông dài, cộc đuôi. Ngoài ra, chợ còn bày bán các loại sản vật, bài thuốc đặc trưng của miền tây bắc.

XEM THÊM:

Chợ phiên ngày nay không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi các sản phẩm đặc trưng vùng miền mà nó còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Các phiên chợ chưa bao giờ thôi là điểm đến hấp dẫn cho những bạn yêu văn hóa vùng cao. Hãy theo dõi Vua Nệm để tìm hiểu thêm những chủ đề thú vị khác nhé!

Đánh giá post

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM