Chó con cũng giống như đứa trẻ rất bé bỏng và yếu ớt nên rất cần được chăm sóc cẩn thận. Chính vì thế, để các cún cưng có một sức khỏe tốt, chúng ta cần có quy trình nuôi hợp lý từ dinh dưỡng, cách chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh. Bài viết sau của Vua Nệm sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách nuôi chó con, đặc biệt là dành cho người mới bắt đầu.
Nội Dung Chính
1. Cách nuôi chó con khỏe mạnh, mau lớn
Nếu bạn đang có dự định nuôi một em cún nhưng lại không biết nên chuẩn bị những gì, cách nuôi chó con như thế nào, thì hãy ghi nhớ lại những hướng dẫn sau đây:
1.1. Đồ dùng cần chuẩn bị khi nuôi chó con
Đầu tiên, trước khi đón cún về nhà, bạn cần chuẩn bị một số đồ dùng theo gợi ý sau:
- Thức ăn
- Bát đựng thức ăn, nước uống
- Sữa tắm cho chó
- Vòng đeo cổ
- Đồ chơi
- Lược chải lông chó
- Tấm lót cho chó con đi vệ sinh
- Ngoài ra còn có chăn, kem đánh răng, bàn chải dành cho bé cún…
1.2. Tạo môi trường sống phù hợp
Tiếp theo bạn cần tạo một môi trường sống phù hợp với cún cưng. Bạn cần đảm bảo nơi ở của chó con luôn sạch sẽ, khô ráo và ấm. Bạn có thể sử dụng một lớp vải để lót dưới chỗ chó nằm. Trong những ngày đầu, bạn không nên để chúng nằm gần với máy lạnh hoặc quạt, vì có thể khiến chúng bị cảm lạnh. Để bảo đảm vệ sinh, bạn cần thường xuyên lau chùi nơi ở của cún và thay lớp vải lót.
1.3. Chế độ dinh dưỡng của chó con
Để các bé cún có thể phát triển khỏe mạnh, bạn cần xây dựng khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (chất béo, tinh bột, vitamin, protein, khoáng chất). Tuy nhiên, chế độ ăn này cần được thay đổi theo từng giai đoạn phát triển:
- Chó con dưới 3 tuần tuổi vẫn cần được bú sữa mẹ. Do đó, bạn phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho chó mẹ để có nguồn sữa tốt nhất cho các cún con. Lưu ý, sau 4 – 5 ngày đầu cún mới sinh phải bú mẹ hoàn toàn, bạn cũng có thể cho chó con uống thêm sữa ấm.
- Sau 3 tuần tuổi bạn có thể cho chó con ăn cháo loãng, nấu chung cùng với thịt băm, rau xay nhuyễn. Cho đến khi bé cún khoảng 1 tháng tuổi bạn có thể giảm nấu cháo đặc dần và cho chúng làm quen với việc ăn cơm.
- Từ 1 – 3 tháng tuổi, bạn hãy cho cún ăn 1 ngày khoảng 5 bữa và sau đó giảm dần dần còn 2 bữa mỗi ngày.
- Khi các bé cún đủ 4 tháng tuổi thì chúng đã có thể ăn như chó trưởng thành.
1.4. Cách chăm sóc sức khỏe bé cún
Phòng bệnh cho chó con là công đoạn thiết yếu, nhất định không thể bỏ qua nếu bạn muốn bé cún có một sức khỏe tốt. Trong đó 2 việc bạn cần ưu tiên hàng đầu đó là việc tiêm vaccine phòng bệnh và tẩy giun.
Tiêm vaccine
Khi mới sinh, chó con có lượng kháng thể thấp nên rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm. Vì thế, hãy tiêm vaccine cho chó con để chúng có sức đề kháng, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Hiện nay có 3 loại vaccine phòng bệnh gồm loại phòng 3 bệnh, phòng 5 bệnh và 7 bệnh. Thường mọi người sẽ ưu tiên chọn loại vaccine phòng 5 hoặc 7 bệnh để có hiệu quả phòng bệnh cao hơn.
Trong đó, vacxin phòng 5 bệnh sẽ bao gồm phòng bệnh Care, viêm gan truyền nhiễm, Pravo, phó cúm, ho cũi chó, trong đó 2 bệnh vừa nguy hiểm và dễ gặp nhất là bệnh Care và Pravo. Đối với vaccin phòng loại 7 bệnh thì vừa có thể phòng 5 bệnh trên và có thêm phòng bệnh Leptospria và Coronavirus.
Lịch tiêm có thể như sau:
- Mũi đầu tiên: Tiêm vào khoảng 3 tuần tuổi.
- Mũi thứ 2: Tiêm vào lúc 6 tuần tuổi.
- Múi thứ 3 Tiêm vào lúc 9 tuần tuổi. Thường thì đến mũi thứ 2 là có thể ngưng, nhưng nếu bạn muốn chắc chắn thì có thể tiêm mũi này.
- Vào khoảng 12 tuần tuổi thì bạn có thể tiêm phòng dại cho cún và lặp lại mỗi năm một lần.
Bạn hãy đến các cơ sở thú y uy tín để thực hiện tiêm phòng đầy đủ cũng như khám sức khỏe định kỳ cho các bé cún để hạn chế nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra.
Tẩy giun
Việc này cần phải được thực hiện từ sớm và thường xuyên theo từng độ tuổi phát triển:
- Chó con dưới 6 tháng tuổi, nên được tẩy giun mỗi tháng 1 lần. Trong đó 4 lần đầu tiên cần được tẩy 2 tuần 1 lần, bắt đầu tẩy từ 2 tuần tuổi.
- Chó từ 6 tháng tuổi trở lên bạn cứ tẩy giun đều đặn theo chu kỳ 3 – 4 tháng 1 lần.
- Đến khi chó được 1 tuổi thì bạn chỉ cần lặp lại mỗi năm 1 lần.
2. Hướng dẫn chi tiết cách nuôi cho con theo từng giai đoạn
Với mỗi độ tuổi, cho con sẽ có những biến đổi khác nhau về thể trạng cũng như tính cách, thế nên cách chăm sóc chúng cũng cần có sự thay đổi nhất định:
2.1. Cách chăm sóc chó con mới sinh
Chó con mới sinh cần sự chăm sóc đặc biệt từ mẹ và cần được bú sữa mẹ sau khi sinh. Ở giai đoạn này việc chăm sóc sẽ không cần quá phức tạp, bạn chỉ cần chuẩn bị một ổ đẻ ấm áp, dễ quan sát và không tránh xa tầm nhìn của chó mẹ.
Trong tuần đầu tiên, cún con mới sinh chưa mở mắt, các cơ quan chức năng cũng chưa phát triển hoàn chỉnh và rất nhạy cảm, cả ngày chúng chỉ ngủ và bú sữa mẹ. Chó mẹ sẽ tự vệ sinh sạch sẽ cho chó con bằng việc liếm từ đầu tới chân cho đến khi chó con lớn hơn và có thể tự di chuyển, tự đi vệ sinh.
2.2. Cách nuôi chó con 2 tháng tuổi
Trong khoảng thời gian từ 1 tháng cho đến đạt 2 tháng tuổi, chó con đã mở mắt hoàn toàn và dần trở nên cứng cáp hơn. Giai đoạn này chúng cũng thích chạy nhảy, vui đùa và cũng bắt đầu mọc răng, do đó khi chúng bú mẹ, có thể cắn vào núm vú của chó mẹ và có những trường hợp chó mẹ đau đã hù cắn trả lại chó con.
Lúc này, tốt nhất bạn nên tách chó con khỏi mẹ và bắt đầu tập cho chúng uống sữa ấm, ăn cháo lỏng. Lưu ý cần phải hạn chế cho cún con ăn đồ ăn có nhiều dầu mỡ hay là đồ ăn của con người, vì những thức ăn này khiến chúng khó tiêu hóa. Đồng thời bạn cũng không nên cho chó con ăn đồ quá cứng hoặc xương, vì có thể gây mắc nghẹn. Giai đoạn này, bạn cũng cần cho bé chó tiêm phòng theo đúng lịch trình.
2.3. Cách chăm sóc chó con từ 3 – 6 tháng tuổi
Lúc này, chó con đã mọc răng và thường xuyên nhai gặm và bắt đầu hiếu động cắn phá. Điều này có thể làm cho chó con mắc các bệnh đường ruột do tiếp xúc với các mầm bệnh trong môi trường, đồ vật chó con tiếp xúc. Vì thế, bạn có thể mua đồ chơi cho chó, để chúng có thể vui chơi và nhai gặm thay vì phá hoại đồ đạc trong nhà.
Trong thời gian này, hệ tiêu hóa của chó con đang phát triển và hoàn thiện, bạn hãy cho chúng tập ăn cơm và thức ăn hạt. Bạn cũng có thể bổ sung thêm khoáng chất bằng các loại thực phẩm giàu khoáng chất và canxi như xương gặm.
Từ 3 – 6 tháng tuổi cũng là thời điểm bạn nên bắt đầu huấn luyện cún con đi vệ sinh đúng nơi và học các hiệu lệnh cơ bản như là ngồi, nằm, lăn, chờ… Trong giai đoạn này, cún con cũng sẽ bộc lộ những nét tính cách riêng biệt, vì thế bạn cần quan tâm và huấn luyện theo từng tính cách khác nhau.
3. Giải đáp thắc mắc khi nuôi chó con
3.1. Nên nuôi giống chó nào?
Tùy theo sở thích và khả năng của bạn, bạn có thể lựa chọn giống chó phù hợp:
- Diện tích không gian: Nếu gia đình bạn có không gian nhỏ thì nên ưu tiên chọn các giống chó như lạp xưởng, phốc sóc, poodle, chihuahua…
- Điều kiện tài chính: Một số loại cún như Alaska, Samoyed, Akita… sẽ khá khó chăm sóc, từ chế độ ăn và chăm sóc sức khỏe. Vì thế, bạn cần cân nhắc khả năng tài chính của mình có đủ tạo được điều kiện nuôi chúng tốt nhất hay không.
Nếu mua chó con từ các cửa hàng thú cưng thì thường chúng sẽ đạt 2 – 3 tháng tuổi. Lúc này chúng đã bộc lộ một số đặc điểm về thể trạng, bạn có thể ưu tiên chọn một bé cún nhanh nhẹn, có thể hơi nghịch ngợm một chút. Tốt nhất là tìm mua từ các địa chỉ mua bán chó cảnh uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã tiêm vaccine, tẩy giun đầy đủ. Như vậy, việc chăm sóc sẽ trở nên đơn giản và bé cún khỏe mạnh hơn.
3.2. Vì sao chó con hay ngủ nhiều?
Lúc mới chào đời, chó con thường ngủ rất nhiều vì lúc này cơ thể của chúng vẫn đang tập thích nghi với môi trường xung quanh.
3.3. Cho con có thể bị dại không?
Dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa thì chó cũng đều có nguy cơ bị dại. Ngay cả các bé cún mới chào đời, chúng có thể bị lây virus qua nguồn sữa mẹ. Vì thế, bạn cần lưu ý tiêm phòng đầy đủ cho chúng.
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ về cách nuôi chó con dành cho người mới bắt đầu. Hy vọng bạn sẽ có thêm kinh nghiệm để nuôi các cún cưng khỏe mạnh và phát triển tốt nhất.