Đối với người Việt, bạc hà là loại thảo mộc vô cùng quen thuộc và phổ biến trong đời sống hàng ngày. Là loại cây dễ trồng, bạc hà được yêu thích vì mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chính vì thế nên lá bạc hà ngoài các công dụng thông thường còn được dùng để pha trà. Trà bạc hà có hương vị thơm ngon và rất dễ pha chế. Và bài viết hôm nay, Vua Nệm sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu tất tần tật về công dụng, lợi ích và cách pha chế loại thức uống giàu dinh dưỡng này.
Nội Dung Chính
1. Công dụng của cây bạc hà
Bạc hà là loại thảo mộc thơm, thuộc họ bạc hà. Đây là giống cây lai giữa cây bạc hà cùng cây bạc hà lục. Cây bạc hà sinh trưởng ở cả châu Âu và châu Á. Từ hàng ngàn năm trước bạc hà đã được sử dụng trong đời sống vì hương thơm dễ chịu. Không chỉ vậy, cây bạc hà còn chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe con người.
Bộ phận được sử dụng nhiều nhất trên cây bạc hà là lá. Trong lá bạc hà có chứa một số loại tinh dầu như tinh dầu bạc hà, limonene và menthol. Menthol chính là thành phần cung cấp cho lá bạc hà đặc tính làm mát cùng mùi hương đặc trưng. Lá bạc hà thường được sử dụng làm hương liệu trong ngành chế biến bánh kẹo và một số thực phẩm khác. Ngoài ra, lá bạc hà còn được nhiều người sử dụng như một loại trà tươi.
Vì có chứa nhiều tinh dầu, trà bạc hà có mùi thơm dễ chịu và tạo sự sảng khoái. Nhiều người yêu thích loại trà này vì hương thơm của nó. Nhưng ngoài hương thơm thì trà làm từ lá bạc hà còn đem lại cho người uống nhiều lợi ích sức khỏe khác. Để biết thêm về các lợi ích của trà bạc hà, mời bạn theo dõi thông tin sau đây.
2. Một số lợi ích vượt trội của trà bạc hà
Trà lá bạc hà không chỉ là loại thức uống đem lại sự thư giãn cho cơ thể, loại trà này còn mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sau đây là một số lợi ích tiêu biểu của trà làm từ lá bạc hà:
2.1. Hỗ trợ tiêu hóa
Các hoạt chất có trong bạc hà có khả năng làm giảm các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa như: đầy hơi, khó tiêu. Một số nghiên cứu đã cho thấy bạc hà giúp hệ thống tiêu hóa thư giãn, đồng thời còn có khả năng giảm đau. Hơn thế nữa, trà bạc hà còn có tác dụng ngăn chặn và giảm co thắt trong ruột.
Cụ thể, theo một đánh giá của 9 nghiên cứu được thực hiện trên 926 bệnh nhân mắc hội chứng IBS (hội chứng ruột kích thích) đã cho kết quả như sau: Nhóm những người được điều trị bằng dầu bạc hà tối thiểu 2 tuần đã có dấu hiệu giảm triệu chứng tối hơn nhóm không sử dụng.
>>>Đọc ngay: Bất ngờ với các lợi ích của tinh dầu bạc hà đối với sức khỏe
2.2. Giảm căng thẳng và đau nửa đầu
Các hoạt chất trong bạc hà hoạt động như một loại chất giảm đau và giãn cơ. Do đó trà bạc hà hoàn toàn có thể làm giảm một số triệu chứng đau đầu. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn giúp tăng lưu lượng máu, cải thiện tuần hoàn máu. Hương thơm đặc trưng của bạc hà cũng giúp cơ thể thư giãn và giảm đau tốt hơn.
Mặc dù hương thơm của tinh dầu bạc hà có thể giúp thư giãn, cải thiện những cơn đau đầu. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có bằng chứng khoa học nào chính thức xác nhận tác dụng này. Dẫu vậy, việc bôi dầu bạc hà lên thái dương vẫn có thể giúp tinh thần của bạn thoải mái hơn, từ đó giúp cơn đau giảm xuống.
2.3. Kháng khuẩn, cải thiện hơi thở
Trên thị trường hiện nay ta thường thấy rất nhiều loại kem đánh răng có hương bạc hà. Ngoài ra, mùi hương the mát của lá bạc hà còn xuất hiện trong nước súc miệng, kẹo cao su. Vì sao hương bạc hà lại được ưu ái như vậy?
Nguyên nhân là vì ngoài hương thơm dễ chịu bạc hà còn có đặc tính kháng khuẩn khá mạnh mẽ. Các hoạt chất trong bạc hà giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra mảng bám trên răng. Từ đó cải thiện hơi thở và hạn chế các vấn đề về răng miệng cho mọi người.
2.4. Giảm đau bụng kinh nguyệt
Vì bạc hà có khả năng hoạt động như một hoạt chất làm giãn cơ, do vậy loại trà này có tác dụng giảm chứng đau bụng trong kỳ kinh nguyệt. Trên thực tế, vào kỳ kinh nguyệt, một tách trà bạc hà không chỉ giúp cơn đau được giảm bớt mà còn khiến tinh thần của các bạn nữ được thả lỏng. Sự thoải mái về mặt tinh thần cũng là một trong những điều kiện quan trọng giúp các cơn đau dần thôi hành hạ mọi người trong những ngày đặc biệt này.
2.5. Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Một tách trà bạc hà nóng trước giờ đi ngủ là giải pháp khá lý tưởng cho những ai mong muốn có một giấc ngủ ngon. Mặc dù được gọi là trà nhưng trong lá bạc hà không hề chứa caffeine, do đó uống trà từ lá bạc hà không hề gây mất ngủ. Hơn nữa, các hoạt chất làm giãn cơ trong lá bạc hà cũng giúp cơ thể thả lỏng. Từ đó bạn sẽ có một giấc ngủ sâu, ngon giấc và thư giãn toàn thân.
2.6. Hỗ trợ giảm cân
Ngoài hương thơm the mát và vị ngọt nhẹ dễ uống, trong lá bạc hà tự nhiên không chứa calo. Do đó, trà bạc hà chính là một lựa chọn thông minh cho những ai đang thực hiện kế hoạch giảm cân. Tuy nhiên, trà lá bạc hà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vậy nên, để giảm cân hiệu quả bạn cần tuân thủ các quy tắc cần thiết về chế độ ăn uống kết hợp tập thể dục đều đặn.
2.7. CảI thiện dị ứng theo mùa
Acid rosmarinic là hợp chất có trong cây hương thảo và thực vật thuộc họ bạc hà. Hợp chất này có liên quan đến việc hỗ trợ làm giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa như hen suyễn, chảy nước mũi, ngứa mắt. Ngoài ra, uống trà bạc hà nóng còn giúp làm ấm cơ thể, phòng tránh các bệnh vặt như cảm, cúm, đau họng,…
3. Hướng dẫn pha trà bạc hà đơn giản, dễ thực hiện
Một tách trà từ lá bạc hà nóng trong ngày mưa lạnh giá hoặc tách trà mát lạnh giữa mùa hè nóng bức, bạn đã thử chưa? Nếu chưa thì hãy thử ngay nhé. Công thức pha trà bạc hà vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu gồm: 400ml nước sôi, 15 lá bạc hà tươi, 2 thìa cà phê mật ong hoặc đường, một chiếc bình trà thuỷ tinh.
- Bước 2: Rửa sạch lá bạc hà và cho vào bình. Để trà ngấm và cho hương vị thơm vị chuẩn nhất, bạn không nên pha trà bằng nước sôi ở nhiệt độ quá cao. Sau khi đun nước sôi, tốt nhất là nên chờ sau 5-6 phút cho nước nguội bớt mới rót vào bình. Đậy nắp bình trà và ủ trong khoảng 5-7 phút cho trà ngấm. Với trà lá bạc hà tươi, ủ càng lâu vị trà sẽ càng đậm đà.
- Bước 3: Sau khi trà ngấm, bạn rót ra ly, thêm mật ong hoặc đường tùy theo sở thích của mỗi người. Có thể uống trà nóng hoặc cho thêm đá viên nếu bạn muốn có một ly trà mát lạnh để giải nhiệt trong tiết trời nóng bức.
4. Uống trà bạc hà cần lưu ý gì?
Mặc dù có nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên bạn không nên uống trà làm từ lá bạc hà một cách tùy tiện. Để việc uống trà không gây bất lợi cho cơ thể, mọi người cần lưu ý một số điểm sau:
- Cân nhắc nếu đang sử dụng thuốc điều trị bệnh: Không nhiều người biết được rằng trà bạc hà có thể tương tác với thuốc kháng acid, Omeprazole, Lansoprazole, thuốc cho người đái tháo đường, thuốc trị đau dạ dày,… Trong thời gian sử dụng các loại thuốc trên, nếu muốn uống trà lá bạc hà bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Tuyệt đối không lạm dụng trà: Mỗi ngày, bạn chỉ được dùng tối đa 0,4 ml tinh dầu bạc hà. Uống trà bạc hà quá nhiều sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Ví dụ như tăng nguy cơ co giật.
- Trà lá bạc hà có thể gây rối loạn dạ dày, tiêu chảy, đau cơ và co thắt dạ dày: Đây là tác dụng phụ khá phổ biến của loại trà này. Nếu dạ dày yếu hoặc có tiền sử các bệnh về dạ dày, bạn không nên uống nhiều trà làm từ lá bạc hà.
5. Đối tượng nào không nên uống trà làm từ lá bạc hà?
Giống như hầu hết các loại trà khác, dù có rất nhiều lợi ích nhưng trà bạc hà vẫn luôn tiềm ẩn một số tác dụng phụ nhỏ. Ngoài ra, món trà này cũng không phù hợp với một số đối tượng đặc thù. Do vậy, nếu thuộc danh sách các đối tượng sau thì bạn nên cân nhắc trước khi uống nhé:
5.1. Người đang bị trào ngược axit dạ dày
Những người mắc bệnh trào ngược dạ dày hoặc có các triệu chứng tương tự thì không nên uống trà bạc hà. Trong trà có các thành phần làm giãn thực quản. Điều này khiến axit trong dạ dày và mật chảy ngược về thực quản. Uống nhiều trà lá bạc hà có thể gây ra các triệu chứng như ợ nóng, khó tiêu.
5.2. Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể uống trà bạc hà, tuy nhiên không nên uống quá nhiều. Nếu là người có tiền sử sảy thai, bạn không nên sử dụng loại trà này. Ngoài ra, trong quá trình cho con bú, bạn cũng cần hạn chế uống trà làm từ lá bạc hà. Nguyên nhân là vì tinh dầu bạc hà có thể truyền sang bé qua sữa mẹ, tinh dầu bạc hà có thể khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khó thở.
Có thể thấy rằng trà bạc hà là loại thức uống vô cùng tốt cho sức khỏe chúng ta đúng không nào? Nếu bạn yêu thích loại trà này thì hãy thử thực hiện các công thức Vua Nệm vừa tổng hợp để pha cho mình một tách trà chuẩn vị nhé.
>>>Đọc thêm:
- Những công dụng tuyệt vời của trà hoa hồng bạn nên biết
- Mách bạn 3 công thức làm trà hoa cúc trị mất ngủ hiệu quả