Giữa cuộc sống hiện đại bộn bề, chúng ta thường kết thúc một ngày với sự tất bật. Nếu không có một cách sắp xếp công việc khoa học có thể những công việc còn dở dang sẽ khiến chúng ta chưa thể yên lòng đi vào giấc ngủ.
Vậy phải làm sao để mọi người trong gia đình bạn có thể thoải mái tận hưởng những giây phút thư giãn này? Việc tạo một thói quen về danh sách những việc cần làm sẽ khiến họ hoàn thành tất cả những công việc của mình và sẵn sàng cho một ngày mới.
Cần tạo thói quen đi ngủ cho gia đình của bạn.
Nội Dung Chính
1. Nên tạo thói quen đi ngủ cho gia đình như thế nào?
Để đảm bảo có một sức khỏe tốt, người lớn phải ngủ đủ từ 7-9 tiếng, đối với trẻ em hay những bé đang ở độ tuổi trưởng thành con số đó còn lớn hơn (để biết thêm về thời lượng ngủ phù hợp cho từng độ tuổi bạn có thể truy cập:…(đoạn này để dẫn link bài “thời gian ngủ hợp lý”). Vì vậy, bạn phải lên một kế hoạch hợp lý để đảm bảo người thân của bạn không bị thời gian công việc lấn chiếm đến khung giờ ngủ khoa học.
Trẻ thường có giấc ngủ dài hơn để đảm bảo cho quá trình lớn khôn.
Tuy nhiên, không phải kế hoạch của bạn cũng có thể áp dụng cho con của mình bởi lũ trẻ đòi hỏi điều kiện phát triển thể chất cao hơn và đơn giản chúng không có những gánh nặng công việc giống như bạn.
1.1. Tạo thói quen đi ngủ cho những đứa trẻ.
1.1.1. Với trẻ sơ sinh
Để cho bé đi vào giấc ngủ sâu, việc của bạn là phải đảm bảo được điều kiện ngủ lý tưởng cho bé. Hãy đảm bảo rằng bé được ăn no trước khi ngủ, để không bị cơn đói quấy rầy, phải mệt mỏi và bất chợt thức giấc đòi ăn. Việc thay tã cho bé cũng phải được hoàn tất tránh việc đánh thức bé dậy giữa đêm. Khi con được hai tuần tuổi bạn nên luyện cho bé nhận thức được ngày và đêm, để khi vào phòng ngủ và hạ ánh sáng bé sẽ “biết” rằng đã đến giờ đi ngủ.
Để ánh sáng mờ cho bé nhận thức được đã đến giờ đi ngủ.
Cần tạo một không gian thoải mái cho con trước khi ngủ. Ngoài việc để một chút ánh sáng mờ, bạn cũng cần để nhiệt độ phù hợp và một không gian yên tĩnh tạo sự bình yên giúp hệ thần kinh trẻ được ổn định khi ngủ. Cùng với đó hãy dùng những động tác vỗ về con để bé có cảm giác bình an như: xoa đầu, vỗ nhẹ mông hay hát ru con…
Không nên để trẻ quá đói mà phải tự tỉnh giấc, trẻ thường cần ăn 3 tiếng một lần, vì vậy mẹ cần lưu ý để chủ động cho bé ăn.
1.1.2. Với trẻ mới biết đi và trẻ khôn lớn hơn.
Đối với bé ở độ tuổi này bạn cũng cần thực hiện quy trình tương tự như với trẻ sơ sinh. Có điều, lúc này não bộ bé đang trong giai đoạn phát triển và ham học hỏi, tìm hiểu, vậy nên bạn hãy cố gắng đọc truyện hoặc những cuốn sách phù hợp và giải thích cho bé để bé dần hình dung được những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.
Cùng con đọc sách để bé được trải nghiệm những điều thú vị.
Ở lứa tuổi lớn hơn nữa, bạn hãy cùng bé tập luyện các bước vệ sinh cá nhân trước khi đi ngủ để bé nhận thức tầm quan trọng của một cơ thể khỏe mạnh.
Hướng dẫn bé làm vệ sinh cá nhân trước khi đi ngủ.
1.1.3. Với trẻ tuổi Teen
Con ở độ tuổi này đã khá khôn lớn và đang trong giai đoạn trưởng thành nên hoàn toàn có thể tự quyết định và sắp xếp những công việc trước khi đi ngủ.
Dù vậy, bạn cũng phải dành một sự quan tâm nhất định đến con. Không để con sử dụng điện thoại di động hay laptop quá lâu mà quên mất giờ phải đi ngủ.
Không nên để điện thoại làm ảnh hưởng giấc ngủ của con.
Thay vào đó, bạn hãy gợi ý cho con làm một số hoạt động như viết nhật ký, thiền để giúp con có giây phút thư thái, tĩnh tâm quên đi muộn phiền của tuổi mới lớn.
1.2. Thói quen đi ngủ đối với người lớn
Việc tạo một thói quen đi ngủ cho chính bạn cũng hết sức cần thiết. Hãy thoát khỏi các thiết bị điện tử và chuẩn bị một tâm thế thoải mái cho giấc ngủ, sẵn sàng cho một ngày mới bắt đầu.
Sẽ mất một thời gian để gia đình bạn có thể thích nghi với những thói quen mới này, nhưng hãy kiên nhẫn và từ từ chờ đợi, bạn sẽ thực sự bất ngờ với kết quả của quá trình này.
2. 9 điều nên thực hiện trước khi đi ngủ để tạo dựng thói quen sống lành mạnh.
2.1. Lên kế hoạch và chuẩn bị thật tốt cho ngày hôm sau.
Những công việc của ngày mới có thể sẽ khiến bạn phải quay cuồng trước khi đến cơ quan nếu không có sự sắp xếp cụ thể các việc cần làm trước đó. Vì vậy, hãy chặn đứng những căng thẳng đó bằng cách chuẩn bị cho mọi thứ sẵn sàng từ tối hôm trước.
Chuẩn bị chu đáo trang phục của ngày mai cho bạn và những người thân, những món ăn dự định cho bữa sáng và những nguyên liệu cần thiết. Việc này sẽ giúp bạn không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ vào sáng hôm sau.
Hướng dẫn con làm bài và chuẩn bị cho những tiết học hôm sau.
Cùng con ôn bài và sắp xếp sách vở các môn học của sáng mai. Những đứa trẻ sẽ rất thích cảm giác được bố mẹ giúp đỡ như vậy. Tuy nhiên, nếu con bạn đã đủ lớn thì việc này là không cần thiết.
2.2. Dành thời gian thư giãn.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, giây phút được trở về bên gia đình chắc hẳn sẽ khiến mọi người rất trân trọng. Vì vậy, hãy biến những giây phút ấy trở nên có ý nghĩa nhất.
Cùng con chơi đùa và chia sẻ những câu chuyện.
Có thể chơi cùng con một trò chơi con thích; cùng nhau xem những bộ phim hay và quây quần bên nhau chia sẻ về những câu chuyện đã xảy ra trong ngày của mình. Điều này sẽ khiến gắn kết tình cảm gia đình, mọi người có cơ hội hiểu nhau hơn.
2.3. Tránh xa các phương tiện điện tử.
Việc từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại, laptop hay các thiết bị điện tử khác trước khi đi ngủ có thể sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhưng đây là một việc làm thực sự rất tốt cho sức khỏe của bạn.
Ánh sáng xanh từ màn hình điện tử làm cản trở quá trình sản xuất melatonin-một loại hormone kiểm soát nhịp sinh học cụ thể là điều hòa chu kỳ thức-ngủ của bạn. Sự gián đoạn này sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.
Thêm vào đó ánh sáng xanh cùng gây hại nghiêm trọng cho giác mạc của bạn.
Theo National Sleep Foundation, bạn nên ngừng sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ và con của bạn cũng vậy. Hãy nhắc nhở chúng bỏ điện thoại xuống và chuẩn bị cho một giấc ngủ ngon.
Ánh sáng xanh khiến nhức mỏi mắt và khó đi vào giấc ngủ.
Theo National Sleep Foundation, bạn nên ngừng sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ và con của bạn cũng vậy. Hãy nhắc nhở chúng bỏ điện thoại xuống và chuẩn bị cho một giấc ngủ ngon.
2.4. Vệ sinh cá nhân.
Hoạt động vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt mỗi tối không những làm bạn cảm thấy thoải mái mà còn cho cơ thể bạn biết rằng đã đến giờ đi ngủ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tắm qua bằng nước ấm để được thư giãn hơn.
Việc rèn luyện cho trẻ có những thói quen này từ sớm cũng giúp trẻ có cách sinh hoạt lành mạnh. Bạn nên giải thích cho chúng về những lợi ích của việc vệ sinh sạch sẽ cơ thể trước khi đi ngủ cũng như những tác hại nếu không thực hiện điều đó.
Vệ sinh cá nhân cùng con trước khi đi ngủ.
2.5. Sử dụng quần áo ngủ.
Lên giường với bộ quần áo rộng rãi sẽ khiến các khối cơ được thư giãn cho bạn cảm giác dễ chịu và chìm vào giấc ngủ.
Với những đứa trẻ, bạn hãy tạo thói quen này cho chúng bằng những trang phục có màu sắc hay in hoạt hình mà chúng thích. Điều này giúp trẻ có sự hào hứng, hợp tác và vui vẻ lên giường.
Mặc cho con những bộ đồ con thích trước khi đi ngủ.
2.6. Thưởng thức đồ uống.
Có một số thức uống cho bạn sự thư giãn, an thần trong buổi tối và một giấc ngủ sâu. Bạn có thể dành chút thời gian để chế biến một cốc trà hoa cúc, nước dừa, sinh tố chuối… và những cốc sữa nóng cho những đứa trẻ của bạn. Thật tuyệt vời khi được sống trong những khoảnh khắc cả gia đình quây quần bên nhau chia sẻ những tâm tư và cùng nhau nhâm nhi đồ uống yêu thích.
Một cốc trà hoa cúc mới hương vị nhẹ nhàng sẽ hỗ trợ giấc ngủ của bạn.
2.7. Đọc sách.
Với nhiều người đọc sách là một cách giúp hoàn thiện bản thân mỗi ngày, giúp bạn tiếp cận những chân trời tri thức mới. Bên cạnh đó, đọc sách trước khi ngủ còn là biện pháp hữu hiệu để bạn có thể tránh xa được các thiết bị điện tử. Hãy lựa chọn những cuốn sách bạn thích, những lĩnh vực bạn đam mê để việc đọc không còn bị nhàm chán.
Việc đọc sách và hướng dẫn con đọc sách cũng rất quan trọng. Giúp con rèn luyện thói quen bổ ích làm nền tảng phát triển trong tương lai. Thêm vào đó, việc đọc sách còn giúp con phát triển khả năng sáng tạo, kích thích cảm xúc của trẻ.
Đọc sách giúp phát triển tư duy của trẻ.
2.8. Viết nhật ký.
Dành khoảng 15 phút mỗi tối để viết lại và cảm nhận về những điều mình đã trải qua trong ngày, những điều mà không thể chia sẻ cùng ai. Hãy để cảm xúc dẫn đầu ngòi bút mà đừng quan tâm đến câu từ hay lỗi chính tả.
Điều này sẽ khiến tâm trạng của bạn được giải tỏa hơn và đi ngủ sẽ ngon hơn. Đừng quên viết cả những dự định những điều tốt đẹp sẽ xảy ra ở ngày mới nhé.
Những dòng nhật ký là nơi bày tỏ nỗi niềm, tâm tư của bạn.
Bạn cũng cần rèn luyện thói quen này cho con. Nếu chúng chưa thể tự viết, bạn hãy dành thời gian để cùng con tổng kết lại một ngày và dạy chúng rằng những sai lầm của ngày hôm nay không phải là thất bại mà là những trải nghiệm để con vững bước sau này.
2.9. Ngồi thiền.
Xu hướng ngồi thiền trước khi ngủ ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Dale Kurow, một huấn luyện viên điều hành làm việc tại New York, nói rằng thiền là một cách tuyệt vời để thư giãn cơ thể và làm dịu tâm trí của bạn.
Ngồi thiền mỗi tối để có giấc ngủ ngon hơn.
Thiền làm giảm nhịp tim và chậm nhịp thở, điều này giúp bạn cảm nhận rõ ràng sự thư thái, thảnh thơi. Bạn sẽ có giấc ngủ chất lượng hơn và tinh thần sảng khoái mỗi sáng thức giấc, sẵn sàng chinh phục những dự định của bản thân.
3. Tổng kết.
Mọi thành viên trong gia đình đều cần có một giấc ngủ ngon, thật tuyệt vời nếu bạn có thể lên kế hoạch chi tiết để sắp xếp gọn gàng tất cả những công việc còn dở dang và giúp các thành viên còn lại thực hiện được những điều đó.
Những giây phút được trút bỏ công việc và dành trọn tình cảm cho những người thân yêu sẽ là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời bạn. 9 thói quen trên sẽ là công cụ vô hình gắn kết tình yêu thương của mọi người và cũng đừng quên một lời chúc ngủ ngon để tình cảm ấy ngày càng rực rỡ.