Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi mẹ nào cũng nên biết

CẬP NHẬT 15/09/2024 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh

Bé 8 tháng tuổi đã có nhu cầu ăn dặm cao và cần nhiều dưỡng chất để phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải chú ý hơn đến thực đơn ăn uống của con. Bằng cách tham khảo thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng dưới đây, hãy xây dựng cho con một menu phù hợp để giúp con có đủ năng lượng hoạt động trong cả ngày dài nhé.

1. Trẻ 8 tháng tuổi ăn gì tốt nhất?

Ở giai đoạn 8 tháng tuổi, trẻ có thể dễ dàng nuốt thức ăn nghiền và thậm chí bắt đầu nhai một số thức ăn đặc và mềm. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần bổ sung sữa mẹ hoặc sữa công thức để đảm bảo cung cấp đủ lượng calo và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.

Một chế độ ăn uống lành mạnh có chứa đủ lượng protein, carbohydrate, khoáng chấtvitamin là rất quan trọng cho sự phát triển của bé trong độ tuổi này.

Trẻ 8 tháng tuổi ăn gì tốt nhất
Trẻ từ 8 tháng tuổi đã có thể nhai nuốt thức ăn đặc, mềm và có nhu cầu ăn dặm nhiều

Trong thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng nên có sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm khác nhau để mang tới đầy đủ nguồn dưỡng chất tốt nhất. Về cơ bản, trẻ 8 tháng nên ăn những thực phẩm sau:

  • Trái cây: Trái cây tươi là nguồn cung cấp nhiều loại khoáng chất, vitamin và các loại vi chất dinh dưỡng khác. Để giúp các con ăn trái cây dễ dàng hơn, hãy cắt thành miếng nhỏ và nấu cho đến khi chín mềm để con thưởng thức.
  • Rau: Ở độ tuổi này, bé có thể chuyển từ ăn rau nghiền sang ăn rau hấp chín mềm từng miếng nhỏ, vì trẻ đã có thể nhai được từng chút một. Chọn những loại rau tốt cho bé và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sạch sẽ, ít nhiễm khuẩn và thuốc trừ sâu để không ảnh hưởng tới sức khỏe của con.
  • Cá: Cha mẹ cũng có thể bổ sung cá vào thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi. Các loại cá như cá hồi và cá ngừ là nguồn giàu axit béo omega-3 và rất tốt cho sự phát triển trí não cũng như sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh. Bạn có thể cho bé ăn cá dưới dạng súp hoặc xay mịn, nghiền nhuyễn.
  • Sữa: Sữa chua và phô mai làm từ sữa tiệt trùng là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời cho trẻ 8 tháng tuổi. Nhưng chỉ nên sử dụng phô mai tươi, phô mai cheddar, phô mai jack và phô mai colby. Tránh dùng các loại phô mai mềm như phô mai xanh và phô mai brie vì chúng không tốt với trẻ.
  • Chất đạm (protein): Bạn có thể bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu protein cho chế độ ăn của trẻ 8 tháng tuổi. Một số thực phẩm giàu protein bao gồm các loại đậu, thịt bò, lòng đỏ trứng, thịt gà, cá, đậu phụ và thịt lợn. Bạn có thể nấu những thực phẩm này rồi xay nhuyễn hoặc nấu chín mềm và cắt thành từng miếng nhỏ để trẻ tập ăn và nhai nuốt tốt hơn.
  • Ngũ cốc: Cha mẹ có thể trộn một số loại ngũ cốc mà bé 8 tháng tuổi đã từng ăn trước đó (trong thời gian ăn dặm từ 5 tháng tuổi) lại với nhau để cung cấp nhiều dưỡng chất hơn cho con. Vì lúc này chúng đã quen với việc ăn dặm bằng nhiều loại ngũ cốc đa dạng. Bạn cũng có thể bổ sung các loại bánh mì, bánh xốp vào thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng vì chúng đã có thể nhai và làm mềm các loại thực phẩm này. Một số loại ngũ cốc và các loại hạt có thể cho bé ăn trong giai đoạn này bao gồm: gạo, yến mạch, lúa mì, vừng, lúa mạch, kiều mạch và hạt kê.
trẻ 8 tháng tuổi nên bổ sung thực phẩm gì
Trẻ 8 tháng tuổi rất cần bổ sung các loại trái cây tươi

2. Các lưu ý và mẹo ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi

2.1. Lập lịch ăn dặm của trẻ 8 tháng tuổi

Việc lập lịch ăn dặm cho trẻ 8 tháng tuổi là việc rất cần thiết. Thông qua lịch ăn dặm cụ thể mỗi ngày, cha mẹ và con sẽ dần dần làm quen với thời gian ăn đúng giờ. Từ đó có thể bắt đầu xây dựng lịch trình ngủ, vui chơi và ăn uống phù hợp với nhu cầu của cả gia đình. Nhìn chung, hầu hết trẻ ở độ tuổi này đều cần đáp ứng được những yêu cầu sau:

  • Trẻ 8 tháng tuổi cần được ăn thức ăn đặc ít nhất hai hoặc ba lần một ngày. Cùng với đó là khoảng 750ml – 960ml sữa công thức hoặc sữa mẹ trong một ngày. Bạn có thể bắt đầu tăng số lượng và đa dạng các loại thực phẩm trong thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tùy vào nhu cầu của con. Cha mẹ cũng có thể thử tập cho con uống sữa và nước bằng cốc, cầm nắm thức ăn bằng tay để con làm quen dần với việc tự ăn uống.
  • Thời gian ngủ của con cần khoảng 13 đến 14 giờ mỗi ngày (bao gồm cả ngủ trưa và ngủ ban đêm). Trẻ ở độ tuổi này thường ngủ hai giấc trong ngày – một vào buổi sáng và một vào buổi chiều.
  • Cha mẹ cũng cần dành thời gian tương tác, trò chuyện và vui chơi cùng con, điều này giúp trẻ vui vẻ và phát triển các kỹ năng mới, đặc biệt là khả năng giao tiếp.

2.2. Mẹo và lưu ý khi cho trẻ 8 tháng tuổi ăn dặm

Dưới đây là một số mẹo cần ghi nhớ khi cho trẻ 8 tháng tuổi ăn:

  • Không nghiền nát thực phẩm hoàn toàn: Một điều cần lưu ý nữa khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ 8 tháng tuổi là không nghiền nát hoàn toàn đồ ăn. Thay vào đó hãy giữ độ đặc và hơi sần sùi. Điều này có thể giúp bé chuyển từ thức ăn xay nhuyễn sang thức ăn đặc và tập nhai nuốt dễ dàng hơn.
  • Luôn luôn bổ sung sữa mẹ hoặc sữa công thức: Khi được 8 tháng, con cần khoảng 750 đến 900 calo mỗi ngày, trong đó 400 đến 500 calo nên đến từ sữa công thức hoặc sữa mẹ (khoảng 750ml mỗi ngày). Đảm bảo đủ lượng calo này sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và vui chơi suốt cả ngày.
 lưu ý khi cho trẻ 8 tháng tuổi ăn dặm
Luôn bổ sung đủ sữa cho trẻ trong giai đoạn này
  • Chưa cần thêm muối hoặc đường và các gia vị khác: Muối và đường cũng nhiều loại gia vị có thể gây hại và tạo gánh nặng cho thận của trẻ. Hơn nữa, ăn quá nhiều muối khi còn nhỏ đã được chứng minh là dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh như tăng huyết áp, bệnh thận, loãng xương và các bệnh tim mạch sau này. Tương tự, việc thêm đường vào chế độ ăn của bé có thể dẫn đến sâu răng, sún răng. Ăn quá nhiều đường cũng có thể ức chế khả năng miễn dịch và khiến trẻ dễ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và các bệnh tim mạch khi trưởng thành. Vì vậy, tốt nhất là nên hạn chế muối, đường và các loại gia vị không cần thiết.
  • Cố gắng không dùng đồ nhựa: Hãy bảo quản thức ăn cho bé trong hộp đựng bằng thủy tinh hoặc inox. Bởi vì nhựa thường chứa các hóa chất độc hại có thể làm ô nhiễm thực phẩm và truyền bệnh cho con khi ăn vào. 
  • Tránh đồ chiên rán: Không nên cho con ăn nhiều thực phẩm chiên, mà thay vào đó hãy để con ăn rau và trái cây hấp để làm giảm lượng dầu mỡ không tốt cho sức khỏe của con. 
  • Cẩn thận với thực phẩm gây dị ứng: Nếu gia đình có người có tiền sử dị ứng thực phẩm, đặc biệt là trứng, các loại hạt và các sản phẩm từ sữa, hãy hết sức thận trọng khi cho con ăn. Nên cho các bé ăn từng loại thực phẩm trong một bữa để xem chúng có gây dị ứng hay không. Nếu có thì sẽ dễ dàng tìm ra loại thức ăn không phù hợp và ngừng cho ăn.
  • Chưa nên dùng sữa bò tươi: Sữa bò, đặc biệt là sữa bò tươi chứa nhiều muối, protein, canxi và kali hơn sữa công thức hoặc sữa mẹ. Điều này có thể làm tăng tải trọng cho thận của trẻ sơ sinh.
  • Xác định địa điểm nhất quán khi cho bé ăn: Khi cho bé ăn, tốt nhất mẹ nên chọn một địa điểm cụ thể. Điều này giúp tạo ra mối quan hệ bền chặt giữa địa điểm và thức ăn. Đồng thời, áp dụng các tư thế ngồi ăn đúng cho con. Ví dụ sử dụng bàn ghế ăn sẽ giúp dạy con cách ngồi yên khi ăn.
 tư thế ngồi ăn đúng cho trẻ 8 tháng tuổi
Áp dụng tư thế ngồi ăn đúng cho con ăn dặm từ 8 tháng tuổi

3. Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng mẹ nào cũng nên biết

Dưới đây là một số thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng vừa bổ dưỡng, vừa dễ làm mà các mẹ có thể tham khảo:

3.1. Cháo thịt heo bí đỏ

  • Chuẩn bị nguyên liệu: Thịt heo nạc, bí đỏ và bột gạo hoặc gạo 
  • Các bước thực hiện như sau:

Bước 1:  Nấu cháo/bột gạo để cháo chín nhừ

Bước 2: Trong thời gian ninh cháo, chúng ta mang bí đỏ rửa sạch, gọt vỏ và cắt nhỏ. Thịt rửa sạch, thái nhỏ.

Bước 3: Đem thịt và bí đỏ đi nấu chín nhừ, sau đó mang đi xay nhuyễn. Có thể lọc riêng bí đỏ để nghiền mịn tùy thích.

Bước 4: Cho hỗn hợp bí đỏ và thịt đã xay và nghiền vào nấu cùng cháo, để cháo chín nhừ thì tắt bếp, để nguội và cho bé ăn.

Nếu nấu nhiều có thể bảo quản trong hộp thủy tinh để trong ngăn mát tủ lạnh, hâm nóng lại trước khi cho bé ăn.

Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng cháo bí đỏ thịt heo
Cháo bí đỏ thịt heo cho trẻ 8 tháng tuổi rất bổ dưỡng

3.2. Cháo thịt heo và nấm rơm cho bé

  • Chuẩn bị nguyên liệu: Gạo/bột gạo, nấm rơm, thịt heo nạc, dầu ô liu (nếu có)
  • Các bước nấu cháo thịt heo và nấm rơm cho bé như sau:

Bước 1: Đặt nồi cháo lên bếp để gạo được nấu chín nhừ

Bước 2: Trong lúc nấu cháo, cần sơ chế nguyên liệu, bao gồm: rửa sạch nấm rơm và thịt heo, sau đó băm nhỏ và xào chín với dầu. Có thể xay nát nấm và thịt để không gây hóc cho trẻ khi ăn. Không nên xay quá mịn hoặc nhuyễn để trẻ có thể tập nhai dần.

Bước 3: Khi cháo đã nhừ cho hỗn hợp nấm thịt heo vào, nấu thêm 3 phút thì tắt bếp, để nguội và cho trẻ ăn.

Các mẹ cũng có thể dùng để nấu cháo chay trong thực đơn ăn dặm chay cho bé 8 tháng tùy theo nhu cầu và sở thích của con.

3.3. Cháo thịt bò và bông cải xanh

  • Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm: Bột gạo/gạo, thịt bò nạc, bông cải xanh (súp lơ), dầu ô liu.
  • Cách chế biến cháo thịt bò bông cải xanh như sau:

Bước 1: Vo gạo, nấu cháo cho đến khi chín nhừ

Bước 2: Trong khi nấu cháo, hãy sơ chế nguyên liệu. Thịt bò và súp lơ rửa sạch, hấp chín hoặc xào chín.

Bước 3: Đem súp lơ và thịt bò đi xay nhuyễn

Bước 4: Cho hỗn hợp súp lơ và thịt đã xay vào nồi cháo. Nấu thêm 3 phút rồi tắt bếp, để cháo nguội rồi cho con ăn.

Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng cháo thịt bò bông cải
Cháo thịt bò bông cải xanh cho bé 8 tháng tuổi dễ ăn và dễ nấu

3.4. Súp gà và khoai tây

  • Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có: Gạo, khoai tây, thịt ức gà
  • Các bước chế biến như sau:

Bước 1: Vo gạo và nấu cháo trước để cháo chín nhừ

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu, bao gồm: gọt vỏ khoai tây, rửa sạch với muối và nước. Thịt gà rửa sạch, thái nhỏ.

Bước 3: Đem khoai tây và thịt gà đi hấp chín, sau đó xay nhuyễn. Khoai tây có thể mang đi nghiền tùy ý.

Bước 4: Cho khoai tây và thịt gà đã nhuyễn vào nồi cháo, nấu thêm 3 phút rồi tắt bếp và để nguội rồi cho bé ăn.

Các bạn cũng có thể thay thế khoai tây bằng nấm hương để làm súp gà nấm hương với cách chế biến tương tự.

3.5. Cháo tôm rau dền

Nếu con không bị dị ứng hải sản như tôm, cá thì cha mẹ có thể làm món cháo tôm rau dền cho bé.

  • Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có: Tôm tươi, rau dền, gạo
  • Các bước chế biến cháo tôm rau dền như sau:

Bước 1: Vo gạo để nấu cháo trước giúp cháo chín nhừ

Bước 2: Sơ chế tôm và rau dền. Tôm rửa sạch, bóc vỏ, lấy chỉ và xay hoặc giã nhuyễn. Rau dền rửa sạch, băm nhuyễn.

Bước 3: Cho tôm và rau dền đã nhuyễn vào nồi cháo, nấu chín nhừ

Bước 4: Tắt bếp và để nguội rồi cho bé ăn

Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng cháo tôm rau dền
Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng cháo tôm rau dền

XEM THÊM:

Đến 8 tháng, bé có thể dễ dàng nuốt thức ăn nghiền và bắt đầu nhai thức ăn mềm và chín. Tuy nhiên, trẻ vẫn nhận được ít nhất một nửa lượng calo từ sữa công thức hoặc sữa mẹ. Những thực phẩm tốt nhất cho bé 8 tháng tuổi là trái cây, rau, cá, sữa, thịt gà, trứng, ngũ cốc và ngũ cốc. Áp dụng những thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng ở trên để giúp con khỏe mạnh và phát triển tốt nhất nhé.

Đánh giá post

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM