Fascia là gì? Tầm quan trọng của Fascia đối với cơ thể

CẬP NHẬT 15/09/2024 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh
Ưu đãi tháng 12 tại Vua Nệm: Sale bùng nổ - Giá hủy diệt 

Đối với dân chạy bộ, Fascia là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về ý nghĩa của thuật ngữ này cũng như tầm quan trọng của nó đối với cơ thể. Vậy Fascia là gì? Cùng Vua Nệm làm rõ qua bài viết dưới đây nhé!

1. Fascia là gì?

Fascia, hay còn được gọi là mạc cơ (màng bó cơ), là một mô liên kết cứng có khả năng tạo ra mạng lưới 3 chiều mở rộng và không bị gián đoạn xuyên suốt từ đầu cho đến ngón chân. Nó bao quanh và chi phối lên các cơ xương, hệ thần kinh, mạch máu cũng cơ như quan dẫn xuống tế bào.

Trong cơ thể, hệ thống mạc cơ có sức ảnh hưởng lên những hệ thống chức năng như cơ xương khớp, chuyển hóa, thần kinh,… Bạn có thể nhận biết nó bằng cách thử giật một miếng thịt hoặc kéo giãn da gà. Lúc này, những sợi trắng và lấp lánh xuất hiện chính là mạc cơ.

fascia nghĩa là gì
Fascia là mô liên kết cứng tạo mạng lưới 3 chiều bao bọc từ đầu đến chân

2. Fascia (Mạc cơ) có cấu tạo như thế nào?

Cấu tạo của mạc cơ thực chất là một phức hợp có 3 phần, gồm:

  • Sợi elastin: Phần đàn hồi, co giãn của phức hợp.
  • Sợi collagen: Những sợi bền có vai trò nâng đỡ cấu trúc.
  • Chất nền/thể mẹ: Là chất gelatin đảm nhận chức năng vận chuyển các chất có trong cơ thể.

3. Tầm quan trọng của Fascia đối với cơ thể

Sau khi tìm hiểu Fascia là gì, chúng ta hãy cùng đi sâu vào phân tích tầm quan trọng của nó. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Fascia chỉ là một lớp màng trắng không có tác dụng. Tuy nhiên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bề mặt của mạc cơ chứa nhiều thụ thể cảm giác có liên quan đến vị trí, cử động, căng thẳng, đau đớn, áp lực,… còn nhiều hơn bề mặt da. Từ đó có thể kết luận, mạc cơ có chức năng cảm nhận như lớp da thông thường của con người.

Theo đó, mạc cơ (Fascia) có vai trò không khác gì một tấm đệm bao bọc những bộ phận bên trong cơ thể. Nó góp phần làm tăng mức độ đàn hồi của các khối cơ, làm giá đỡ để cơ bắp vận động trơn tru. Bên cạnh đó, mạc cơ còn có chức năng phân cách mạch máu, xương và cơ, các cơ quan trong cơ thể bằng cách tạo ra nhiều không gian để mạch máu, dây thần kinh và chất lỏng thông qua dễ dàng.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu về trạng thái và chức năng của mạc cơ đã được thực hiện. Điều này dựa trên những chấn thương liên quan đến khối cơ thường hay gặp ở những người thích vận động. Từ đó, họ cho rằng mạc cơ có khả năng co lại, cảm nhận và tác động lên cách mà bạn di chuyển. Ngoài ra, nó cũng có thể co bóp độc lập và phản ứng trước những căng thẳng khi nhận thấy sự áp lực từ những cơ quan bên trong. Điều đặc biệt là phản ứng này không cần hệ thần kinh trung ương chỉ đạo.

fascia có nghĩa là gì
Fascia giúp bao bọc những bộ phận, cơ quan bên trong cơ thể

4. Tại sao người chạy bộ cần quan tâm đến Fascia?

Vào năm 2015, một đánh giá đã cho rằng người chạy bộ dễ bị chấn thương ở vùng chân, bàn chân và đầu gối. Trong số đó, có hơn 80% những ca chấn thương xuất phát từ việc các cơ bị quá tải do chạy bộ liên tục. Chấn thương ở bàn chân chiếm khoảng 10 – 40%, trong khi đó chấn thương ở đầu gối chiếm tỉ lệ cao nhất: 30 – 50%.

Cụ thể, chấn thương ở bàn chân còn được gọi là viêm cân gan chân. Nguyên nhân của những chấn thương này xuất phát từ việc mạc cơ (Fascia) ở dưới bàn chân bị kích thích quá mức. Fascia lúc này đóng vai trò như một chiếc lò xo giúp nâng và bật cơ thể. Khi phải chạy quá nhanh hoặc chạy liên tục, cơ bắp của bạn sẽ bị căng thẳng dẫn đến mạc cơ bị “quá tải” và gây nên viêm sưng mạc cơ.

Còn về chấn thương vùng đầu gối (hội chứng bánh chè đùi) là những cơn đau ở vùng đầu gối phía trước hoặc quanh xương bánh chè. Chấn thương này xuất phát từ việc vận động quá mức hay khởi động không đúng cách. Lúc này, các khối cơ và dây chằng ở vùng đầu gối được bao bọc bởi Fascia sẽ tạo áp lực khiến Fascia bị quá tải. Những cơ xung quanh đầu gối bị tổn thương lâu ngày cũng làm tăng nguy cơ bị chấn thương. 

tầm quan trọng fascia
Chấn thương đầu gối xuất phát từ nguyên do Fascia bị quá tải

Tóm lại, những chấn thương ở trên xuất phát từ những hạn chế của mạc cơ. Những chấn thương lặp đi lặp lại khiến mạc cơ ngắn đi và rắn lại, mất tính đàn hồi tạo nên những vùng cô đặc. Lúc này, chấn thương sẽ nén lên bề mặt khớp cũng như lồi đĩa đệm gây ra đau đớn và suy giảm thể lực. Vì thế, người chạy bộ cần thật sự chú ý đến Fascia để hạn chế những chấn thương phát sinh không mong muốn.

5. Những phương pháp chăm sóc Fascia bạn nhất định phải biết

Những hạn chế ở mạc cơ có tác động không nhỏ đến sự vận động của con người, đặc biệt là những người thích chạy bộ. Do đó, để hạn chế nguy cơ xảy ra những chấn thương không mong muốn, bạn cần có những phương pháp chăm sóc Fascia đúng cách. Vậy các biện pháp chăm sóc Fascia là gì?

5.1. Uống đủ nước

Nước đem đến nhiều lợi ích thiết thực đối với cơ thể con người. Ngoài tăng cường trao đổi chất, nước còn giúp lớp Fascia hoạt động dẻo dai và có độ đàn hồi cao hơn. Nếu không bổ sung đủ nước, mạc cơ bao bọc cơ thể sẽ dần khô đi, độ co giãn kém dần và khả năng vận động cũng sẽ bị hạn chế. Điều này làm tăng nguy cơ tổn thương ở các khối cơ cũng như cơ quan trong cơ thể.

5.2. Tập luyện giãn cơ

Khi làm căng hoặc kéo giãn nhẹ các khối cơ thì những mô xung quanh cũng sẽ căng ra theo. Duy trì liên tục cách này thì Fascia sẽ trở nên cứng cáp, tăng tính đàn hồi. Do đó, tập luyện giãn cơ được xem là một phương pháp chăm sóc Fascia hiệu quả. Tuy nhiên bạn chỉ nên tập giãn cơ nhẹ nhàng để cơ thể kịp thời thích ứng, tránh tình trạng đau cơ, viêm cơ.

chăm sóc fascia
Tập luyện giãn cơ giúp Fascia đàn hồi tốt hơn

5.3. Thường xuyên đi bộ

Đi bộ khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ, xương, khớp trở nên bền bỉ hơn. Bên cạnh đó, các lớp mạc cơ cũng sẽ được tăng sự kết dính và độ đàn hồi khi bạn thường xuyên di chuyển.

5.4. Nghỉ ngơi thư giãn

Dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn mỗi ngày để cơ thể được thoải mái. Lúc này, cơ thể sẽ được hồi phục, nạp thêm năng lượng sau nhiều giờ làm việc mệt mỏi. Những giải pháp thư giãn bạn có thể áp dụng tại nhà là dưỡng da bằng dưỡng chất, ngâm mình trong bồn nước ấm, đi ngủ sớm, tập yoga,… hoặc sử dụng dịch vụ chăm sóc cơ thể trọn gói tại các cơ sở chuyên massage, spa.

5.5. Chú ý đến tư thế đứng, ngồi

Khi duy trì dáng đi không đúng hay tư thế ngồi sai sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc xương và khớp. Cụ thể, việc ngồi sai tư thế khiến xương sống bị cong vẹo, khối cơ căng cứng, lâu ngày sẽ dẫn đến đau mỏi xương khớp, thậm chí viêm căng cơ. Vì thế, chú ý hơn đến tư thế đứng, ngồi sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ gặp phải những chấn thương ngoài ý muốn.

cách chăm sóc fascia
Tư thế ngồi đúng sẽ hạn chế những chấn thương

5.6. Tập yoga

Yoga được biết đến là bài tập khiến xương khớp trở nên dẻo dai hơn. Những bài tập của yoga thường nhẹ nhàng và mềm mại, bao gồm những bài tập nhịp điệu cùng các động tác tăng cường độ linh hoạt của cơ bắp. Lớp mạc cơ thông qua phương pháp này cũng sẽ trở nên đàn hồi hơn.

>> Xem thêm:

Trên đây là giải đáp cho thắc mắc Fascia là gì mà nhiều người chạy bộ quan tâm. Vua Nệm hy vọng rằng bài viết sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của lớp mạc cơ, từ đó có những phương pháp tập luyện điều độ giúp cơ thể thêm dẻo dai nhé!

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Hoàng Trinh

Xin chào! Mình là Hoàng Trinh - Chuyên viên tư vấn giấc ngủ tại Vua Nệm, với hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển nội dung chuyên sâu trong lĩnh vực nệm, chăn ga gối và chăm sóc giấc ngủ. Mình hy vọng những kiến thức được chia sẻ trên blog Vua Nệm sẽ mang đến giá trị thực sự hữu ích dành cho quý khách hàng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM