Nhiệt độ cao có thể khiến con người cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Theo đó, nắng nóng sẽ khiến chúng ta dễ mất nước, có thể cảm thấy chóng mặt, đánh trống ngực, ngất xỉu hay thậm chí là đột quỵ vì kiệt sức. Vì thế, để giữ gìn sức khỏe của bản thân và gia đình, bạn cần chú ý những biện pháp bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng được tổng hợp trong bài viết sau đây.
Nội Dung Chính
- 1. Ai dễ bị tác động bởi thời tiết nắng nóng?
- 2. Một số lời khuyên để bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng
- 2.1. Uống nhiều nước
- 2.2. Bổ sung muối và khoáng chất để bảo vệ sức khỏe khi trời nắng nóng
- 2.3. Chọn nơi mát mẻ, có bóng râm để nghỉ ngơi và làm việc
- 2.4. Chú ý thời gian ra đường
- 2.5. Trang phục khi trời nắng, thoa kem chống nắng
- 2.6. Không thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột
- 2.7. Quan tâm đến vấn đề ăn uống, an toàn thực phẩm
- 2.8. Tích cực phòng chống các bệnh truyền nhiễm
- 3. Những điều không nên làm khi bị say nắng
1. Ai dễ bị tác động bởi thời tiết nắng nóng?
Bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi trời nắng nóng. Tuy nhiên, một số nhóm người sau đây sẽ có quy cơ bị tác động cao hơn hẳn các nhóm khác:
- Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi thường rất nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt là nhiệt độ môi trường. Vì thế, cha mẹ cần có những biện pháp bảo vệ sức khỏe vào thời điểm trời nắng nóng cho bé, trong đó cần thiết hơn thẩy là bổ sung nước kịp thời cũng như hạn chế ra đường khi nhiệt độ cao.
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên có sức khỏe yếu hơn, dễ bị tác động bởi nhiệt độ cao do cơ thể phản ứng chậm với sự thay đổi nhiệt độ.
- Người bị thừa cân có tim phải làm việc quá tải sẽ dễ bị nắng nóng gây khó thở, chóng mặt, ngất xỉu.
- Người thường xuyên lao động nặng dễ bị đổ bệnh khi trời nóng nực.
- Người đang có bệnh, đặc biệt là bị bệnh tim, huyết áp cao, tuần hoàn máu kém hay những người đang dùng thuốc điều trị trầm cảm, trị mất ngủ.
- Vật nuôi cũng có thể bị mất nước, bị cháy nắng hay đột quỵ nhiệt hay bị cháy nắng. Các triệu chứng ở vật nuôi có thể xuất hiện là co giật hoặc thậm chí chết.
Với những đối tượng dễ bị tác động bởi nhiệt độ cao này, bạn cần kiểm tra sức khỏe, tình trạng của họ ít nhất 2 lần/ngày. Đồng thời, chú ý đến những dấu hiệu say nắng, đột quỵ, cảm sốt… có thể xảy ra. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh kịp thời và chăm sóc sức khỏe của họ tốt hơn.
2. Một số lời khuyên để bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng
Dưới đây là một số lời khuyên được các chuyên gia y tế khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng:
2.1. Uống nhiều nước
Trong tiết trời nóng bức, cơ thể chúng ta dễ bị mất nước nhiều hơn. Vì thế, bạn cần bổ sung nước liên tục, bất kể mức độ vận động của bạn ra sao. Không nên chờ đợi cho đến khi cơ thể cảm thấy khát thì mới uống nước. Với những người lao động chân tay, họ phải uống 4 cốc nước mát mỗi giờ để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, bạn không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay đường quá nhiều vì chúng sẽ làm tăng tình trạng mất nước. Các đồ uống lạnh cũng có thể gây co thắt dạ dày (chuột rút). Uống aspirin hay acetaminophen khi bị say nắng nóng còn làm tăng nguy cơ chảy máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
2.2. Bổ sung muối và khoáng chất để bảo vệ sức khỏe khi trời nắng nóng
Trời nóng khiến chúng ta đổ nhiều mồ hôi. Theo đó, các loại khoáng chất và muối trong cơ thể cũng bị thâm hụt nhanh chóng. Vì thế, bạn cần bổ sung những chất cần thiết này để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Bạn có thể uống các loại nước có chứa chất điện giải, nước uống dành cho người tập luyện thể thao để nạp đủ lượng muối và khoáng chất.
2.3. Chọn nơi mát mẻ, có bóng râm để nghỉ ngơi và làm việc
Bạn nên hạn chế ra đường vào thời gian nắng nóng để tránh bị say nắng, cháy nắng. Hãy ở trong nhà, nơi có bóng râm hay điều hòa nếu có thể. Chỉ cần vài giờ trong môi trường mát mẻ, bạn đã có thể điều chỉnh thân nhiệt và cảm thấy dễ chịu hơn với cái nóng ngoài trời.
Bạn có thể sử dụng quạt điện để xua bớt cái nóng. Tuy nhiên, nhiệt độ trên 40 độ C thì quạt sẽ không thể giúp bạn thấy mát hơn. Theo đó, bạn nên đi tắm hay ngâm mình trong nước mát để giải nhiệt hoặc đến nơi có điều hòa mát mẻ.
2.4. Chú ý thời gian ra đường
Hạn chế ra đường vào những khung giờ nắng đỉnh điểm từ 10h sáng đến 14h giờ, đặc biệt là những ngày nắng gắt. Nếu tính chất công việc bắt buộc phải di chuyển, bạn có thể cân nhắc sử dụng xe hơi, taxi để bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng.
Người lao động ngoài trời nên di chuyển đến nơi có bóng râm, nhiệt độ thấp hơn mỗi giờ một lần và nghỉ ngơi khoảng 15 phút trước khi trở lại công việc. Cách làm này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, hạn chế bị kiệt sức dưới trời nắng nóng.
2.5. Trang phục khi trời nắng, thoa kem chống nắng
Khi đi đường bằng xe máy, hãy che chắn cơ thể cẩn thận bằng cách mặc áo khoác, đeo găng tay, khẩu trang, váy chống nắng… để hạn chế tình trạng sốc nhiệt, cháy nắng. Chọn trang phục làm từ chất liệu vải thoáng mát, sáng màu không bó sát sẽ giảm thiểu được tác động của ánh nắng lên cơ thể.
Cơ thể tiếp xúc với tia UV lâu ngày sẽ dẫn đến nhiều vấn đề cho làn da như nhanh lão hóa, bỏng ra, rối loạn sắc tố hay thậm chí là ung thư da. Vì thế, bôi kem chống nắng có độ SPF từ 30 trở lên trước khi ra khỏi nhà 30 phút sẽ giúp bảo vệ làn da, sức khỏe của bạn tốt hơn.
2.6. Không thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột
Thay đổi nhiệt độ đột ngột như đang ở ngoài trời nóng và bước vào nơi có máy lạnh hoặc ngược lại sẽ khiến bạn bị sốc nhiệt, nghiêm trọng hơn là đột ngụy. Thực tế, khi ở môi trường nắng nóng, cơ thể chúng ta đổ nhiều mồ hôi và các lỗ chân lông mở ra. Khi đến nơi có nhiệt độ lạnh hơn, cơ thể sẽ phản ứng gay gắt với sự thay đổi đột ngột này, dẫn đến sốc nhiệt và dễ bị cảm lạnh.
Cách để bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng để không bị sốc nhiệt chính là khi từ bên ngoài trời bước vào phòng thì bật máy điều hòa nhiệt độ mát vừa phải. Sau đó, ngồi nghỉ một lát để cơ thể thích nghi rồi mới chỉnh nhiệt độ lên mát hơn. Đồng thời, khi đi ngoài trời nắng và đổ mồ hôi, bạn cần nghỉ ngơi ít nhất 30 phút để khô mồ hôi rồi đi tắm để tránh bị những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
2.7. Quan tâm đến vấn đề ăn uống, an toàn thực phẩm
Vào thời điểm nắng nóng, chúng ta cần lưu ý đến chế độ ăn uống đủ chất và điều độ để tăng sức đề kháng. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bằng cách cung cấp đủ lượng vitamin, chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt, nâng cao tinh thần làm việc và học tập. Ngoài ra, bạn nên tránh ăn các món nóng, nhiều dầu mỡ vì chúng sẽ khiến cơ thể bị nhiệt nặng hơn.
Bên cạnh đó, nhiệt độ cao dễ khiến thực phẩm bị hư hỏng do vi sinh vật phát triển mạnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn đường ruột tấn công hệ tiêu hóa của chúng ta và dẫn đến các bệnh như tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… Vì thế, ban cần kiểm tra chất lượng thực phẩm cũng như quá trình bảo quản để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, không gây hại cho sức khỏe.
>> XEM THÊM: Tổng hợp 12 món ăn mặn cho ngày nắng nóng đơn giản, dễ dàng thực hiện
2.8. Tích cực phòng chống các bệnh truyền nhiễm
Vào những mùa nắng nóng, các căn bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi, quai bị, sốt xuất huyết… thường xuất hiện nhiều hơn. Do đó, bạn cần chú ý đến vấn đề vệ sinh, chích ngừa đầy đủ để bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng hiệu quả hơn. Với trẻ nhỏ, bố mẹ nên chú ý kiểm tra lịch chích ngừa và tiêm phòng nhắc lại định kỳ để phòng ngừa những căn bệnh này ảnh hưởng đến trẻ.
3. Những điều không nên làm khi bị say nắng
Dưới cái nóng gay gắt, nhiều người thường xuyên bị say nắng, sốc nhiệt, kiệt sức hay thậm chí là ngất xỉu. Khi đó, bạn cần xử trí kịp thời bằng cách đưa người bệnh đến nơi mát hơn, đặt nằm thẳng, cho uống nước và tạo môi trường thông thoáng để hít thở. Sau đó, gọi hỗ trợ từ y tế để điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bạn nên chú ý đến những điều tuyệt đối không làm nhằm bảo vệ sức khỏe khi bị say nắng, đột quỵ do nhiệt sau đây:
- Từ chối gọi y tế: Nhiều người cho rằng say nắng không thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiệt độ cao có thể khiến con người chóng mặt, khó thở, co giật hay thậm chí là mất ý thức. Vì thế, bạn cần có sự trợ giúp từ người có chuyên môn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.
- Uống một số loại thuốc như aspirin hoặc acetaminophen: Các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe của người bệnh đang bị cháy nắng, phồng rộp da.
- Bổ sung nước quá nhanh: uống nước dồn dập ngay khi bị say nắng có thể phản tác dụng. Vì thế, bạn nên cho người bệnh uống nước từ từ để cơ thể hấp thụ.
- Chà xát cơ thể bằng rượu để hạ nhiệt: Điều này sẽ khiến cơ thể hạ nhiệt quá nhanh, dẫn đến biến động nhiệt mạnh trong cơ thể và làm người bệnh bị sốc, có thể co giật. Vì thế, bạn chỉ nên hạ nhiệt người bệnh bằng nước mát thông thường.
>> XEM THÊM: Nên và không nên uống gì vào những ngày nắng nóng?
Điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng chính là ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, tránh nắng và bổ sung cho mình những kiến thức quan trọng để phòng bệnh. Bên cạnh đó, hiểu biết về cách xử trí người bệnh bị sốc nhiệt, say nắng cũng sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh tốt hơn.