Theo một cuộc khảo sát gần đây của Sermo – mạng xã hội dành riêng cho giới Y khoa tại Hoa Kỳ, hơn 45% bác sĩ trên toàn thế giới cho rằng họ ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm, 4% người cho rằng họ ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm. Trong khi đó, con người cần ngủ ít nhất từ 7 đến 9 giờ mỗi ngày để cơ thể được khỏe mạnh. Khi bác sĩ mất ngủ, quả thặc chẳng mấy ai thấu hiểu cho sự hi sinh này.
Bác sĩ – hơn ai hết là những người hiểu rõ tác hại của thiếu ngủ. Vậy tại sao, tình trạng thiếu ngủ của bác sĩ lại trở nên phổ biến đến thế? Mời bạn theo dõi bài viết sau để có ngay câu trả lời.
Nội Dung Chính
1. Trực đêm – Những đêm trắng không ngủ…
Đối với các đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện, trực đêm là những giây phút làm việc không ngừng nghỉ. Thậm chí, đây còn là “cuộc chiến” để giành giật lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần.
Bởi lẽ, những ca nhập viện ban đêm thường là những ca bệnh nặng, gây huy hiểm đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân…Điều này yêu cầu các y bác sĩ trực đêm luôn phải tập trung cao độ và làm việc không nghỉ ngơi suốt cả một đêm.
Công việc áp lực, không có giờ nghỉ cố định, tranh thủ khoảng thời gian rảnh hiếm hoi của các ca trực đêm, các y bác sĩ thường tranh thủ chợp mắt vài phút ngay tại bàn làm việc của mình. Các bệnh viện thường có một phòng nghỉ dành riêng cho bác sĩ, nhưng chả mấy khi được sử dụng đến, bởi, những ca cấp cứu vẫn cứ liên tục diễn ra suốt đêm.
Có lẽ, đối với bác sĩ, họ thừa biết tác hại khủng khiếp của việc thức trắng đêm đối với sức khỏe, nhưng họ vẫn chọn cách đánh đổi. Đánh đổi sức khỏe của chính bản thân để cứu lấy tính mạng của bệnh nhân!
2. Làm việc liên tục
Theo thống kê, trung bình một bác sĩ hoặc y tá sẽ làm việc nhiều hơn khoảng 180 giờ một năm so với người bình thường. Lịch trình làm việc dày đặc khiến thời gian nghỉ ngơi của họ bị ảnh hưởng đáng kể.
Đối với dân văn phòng, chuyện làm việc 8 tiếng một ngày đã đủ khiến cơ thể ta mệt mỏi rã rượi. Nhưng đối với giới y bác sĩ, thời gian làm của họ có thể kéo dài đến 12h một ngày, thậm chí làm việc liên tục suốt cả 24 tiếng đồng hồ nếu ngày hôm ấy có ca trực hoặc cấp cứu.
Và, thông thường, sau những ca cấp cứu làm việc không ngừng nghỉ ấy, các bác sĩ gần như kiệt sức. Thậm chí có lúc, khi đèn phòng mổ vừa hạ xuống, cả ekip bác sĩ lẫn y tá đều gục xuống sàn mà ngủ vì quá mệt mỏi.
Vào những lúc cao điểm như bệnh dịch hoành hành. Họ, những thiên thần áo trắng, từ bỏ an toàn, từ bỏ gia đình, một thân một mình lao vào vùng dịch để chiến đấu. Những cuộc chiến thầm lặng diễn ra suốt ngày đêm để giành giật sự sống cho các bệnh nhân chẳng may nhiễm phải Covid.
Sau những giờ phút quên mình, người ta thấy họ lê tấm thân rã rượi vào một góc vắng, tranh thủ chợp mắt để lấy sức chiến đấu. Bất cứ chỗ nào cũng có thể trở nơi để họ nghỉ ngơi: băng ghế đá, sàn nhà, hành lang…Chẳng cần giường chiếu, chẳng cần êm ái, chỉ cần thuận tiện, để bất cứ khi nào bệnh nhân bất ổn, họ lại có mặt kế bên.
Sau cơn dịch bệnh, có người may mắn hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn, nhưng, có những bác sĩ, đã mãi mãi nằm xuống ở trận chiến này. Trang Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đưa tin, bác sĩ Tống Anh Kiệt – một bác sĩ tại bệnh viện Mã Tích Vệ ở trấn Đông Hồ, huyện Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc – đã tử vong sau 10 ngày làm việc quá sức. Đến cả sự an toàn của bản thân họ còn có thể hy sinh vì tính mạng của người khác, thì chuyện hy sinh vài giờ ngủ nghỉ với họ…. chả là gì to tát!
3. Những cuộc gọi lúc nửa đêm
Hãy tưởng tượng, cảm giác sẽ thật tồi tệ thế nào nếu bạn đang ngủ rất ngon thì bị gọi dậy để đi làm việc vào lúc 3h sáng! Vậy mà, đây là chuyện thường xuyên xảy ra đối với các y bác sĩ.
Những ca cấp cứu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả lúc giữa đêm. Mệt mỏi vì mất ngủ, nhưng họ vẫn chấp nhận mà không hề than vãn, bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ, đó là trách nhiệm, là sứ mệnh thiêng liêng của những người làm ngành y.
4. Áp lực đè nén
Luôn hy sinh bản thân để nghĩ cho người khác, nhưng mấy ai hiểu được nỗi lòng và những gánh nặng đang đè nén trên đôi vai của những người hành nghề Y. Những hy sinh thầm lặng ấy, mãi mãi mọi người sẽ chẳng để ý đến. Chữa trị hàng ngàn bệnh nhân khỏi bệnh thì không được ai tuyên dương, nhưng chỉ cần vô ý sơ sẩy, búa rìu dư luận lập tức không tha.
Những ngành khác có thể sai sót, nhưng ngành Y thì không, bởi bất cứ sai sót đều có thể trả giá bằng sức khỏe và tính mạng của người khác. Chính vì thế, các bác sĩ thường xuyên phải sống chung với áp lực. Chuyện stress vì công việc là chuyện thường xuyên xảy ra. Và stress là một trong những kẻ thù hàng đầu của giấc ngủ. Giờ ngủ đã ít, nay cả chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng dưới tác hại của stress.
5. Kìm nén cảm xúc
Nghề Y nghề thăng trầm với biết bao cung bậc cảm xúc. Chuyện chứng kiến sinh ly tử biệt là chuyện xảy ra mỗi ngày. Người nhà bệnh nhân không qua khỏi nếu hiểu chuyện sẽ cảm thông cho bác sĩ, nhưng cũng có không ít người không nén được đau buồn mà quay qua quát nạt, thậm chí còn hành hung họ.
Và dẫu cho chuyện gì có xảy ra, dù cho mọi thứ xung quanh có hỗn độn thế nào, bác sĩ vẫn phải luôn giữ một thái độ thật bình tĩnh. Không phải họ không sợ hãi, không phải họ không đau lòng, chỉ là họ đang dùng mớ lý trí còn lại để che dấu mớ cảm xúc như sóng trào bên trong.
Cảm xúc không được giải tỏa cứ như bóng ma âm thầm đeo đẳng họ trong cả giấc mơ. Chuyện gặp ác mộng, chuyện khóc trong giấc mơ, thậm chí hét toáng lên giữa đêm là chuyện hầu như bác sĩ nào cũng từng trải qua đôi lần!
—–
Đã làm bác sĩ, việc thiếu ngủ, thậm chí thức trắng đêm là chuyện thường xuyên xảy ra. Từng chút hy sinh tưởng chừng nhỏ nhoi, cộng dồn lại, nó được quy đổi thành tuổi thọ của bác sĩ.
Chính xác hơn, bác sĩ – những thiên thần áo trắng đang dùng chính tuổi thọ của mình để đánh đổi lấy mạng sống của chúng ta. Hiểu được sự hy sinh ấy, hãy luôn dành cho họ những sự tôn trọng nhất định, bạn nhé!