Mất ngủ – Căn bệnh của thời đại

CẬP NHẬT 08/09/2024 | Bài viết bởi: Vua Nệm
Banner Black Friday

Chứng mất ngủ dường như đã trở thành căn bệnh của thời đại nhưng kỳ lạ thay, người bệnh và thậm chí cả những bác sĩ cũng đang thờ ơ với căn bệnh này. Vậy liệu có phương pháp nào có thể giúp bạn thoát ra khỏi những “đêm trắng”. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn tổng thể về chứng mất ngủ và chúng ta cần làm những gì để tránh khỏi căn bệnh đó.

Thực trạng của bệnh mất ngủ

Trong thời kì 4.0, dường như đồng hồ sinh học của con người đã bị đảo lộn. Người ta dường như sống về đêm nhiều hơn ngày. Giường ngủ đã không còn là nơi trú chân bình yên mỗi khi đêm về để chạy trốn khỏi những bộn bề công việc. Như nhà văn Jonathan Crary đã nói, mất ngủ là một hiện tượng của thời đại này khi mà tất cả chúng ta đang được khuyến khích, động viên để “lao động hăng say” suốt đêm ngày.

Người ta thống kê được rằng, tại Anh, cứ 3 người lại có 1 người mắc chứng mất ngủ mãn tính. Họ có đủ thời gian, đủ tất cả những cơ sở vật chất tốt nhất cho giấc ngủ nhưng lại gặp khó khăn trong việc đó trong suốt 6 tháng trời. Đã rất nhiều người đã tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ hay những nhà vật lý trị liệu để thoát ra khỏi hiện tượng này. Từ năm 1993 đến năm 2007, số lượng bệnh nhân đến gặp bác sĩ bởi chứng mất ngủ đã tăng lên gấp đôi. Theo như số liệu NHS trong thập kỉ qua, số đơn thuốc viết cho Melatonin – loại thuốc giúp điều hoà giấc ngủ đã tăng gấp 10 lần.

bệnh mất ngủ
Tình trạng bệnh mất ngủ ở con người hiện nay

Chứng mất ngủ có thể tàn phá và huỷ hoại cơ thể đến mức khó tin. Trong cuốn  sách bán chạy nhất của mình, “Why We Sleep” – nhà thần kinh học Matthee Walker đã viết: “Sự tàn phá giấc ngủ tại các quốc gia công nghiệp có thể gây ảnh hưởng thảm khốc đến sức khoẻ, tuổi thọ, năng suất và chất lượng giáo dục”. Một báo cáo vào năm 2016 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ghi rằng: mất ngủ sẽ làm tăng tỉ lệ bênh tim mạch, ung thư và béo phì. Những người bị mất ngủ có xu hướng mắc phải bệnh trầm cảm. Mất ngủ có liên quan đến các bênh tâm thần, bao gồm gia tăng nguy cơ tự tử (Mặc dù vẫn đang có một cuộc tranh luận xảy ra liệu mất ngủ là nguyên nhân hay triệu chứng của tự tử). Mỗi năm, có khoảng 1,2 triệu vụ đụng xe ở Mỹ là do lái xe rơi vào trạng thái thiếu tỉnh táo.

Thế nhưng, một sự thật đáng lo ngại là người ta chỉ quan tâm đến những căn bệnh điển hình như ung thư, bệnh tim mạch, béo phì chứ ít ai chú ý tới căn bệnh mất ngủ. Do vậy mà có rất nhiều người đã cố lờ đi chứng bệnh của mình mà không đến gặp bác sĩ hay các cơ quan y tế. Ở Anh, việc kê một toa thuốc ngủ cho bệnh nhân là một điều phải căn nhắc rất lâu và thậm chí, để xếp hàng đợi đến lượt được khám các vấn đề về giấc ngủ cũng không phải là chuyện dễ dàng gì. Trong một cuộc nói chuyện ngắn với một vị bác sĩ gia đình, ông chia sẻ rằng: “Trong 10 phút chúng tôi không thể bắt mọi người phải bỏ những thói quen xấu”. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra những lời khuyên như: Hãy tắm nước ấm trước khi ngủ, ăn chuối, tắt điện thoại, đọc sách hay nghe một vài bài nhạc nhẹ.

Cuộc cách mạng chống lại bệnh mất ngủ

Bất ngờ rằng, tại một phòng khám tại London đã có một nguyên cứu và thu lại được kết quả đáng ghi nhận. Được thành lập vào năm 2009 bởi Hugh Selsick – một bác sĩ tâm thần học Nam Phi, tại một phòng khám tại Bloomsbury đã có một cuộc cách mạng trong việc điều trị chứng mất ngủ tại Anh. Là phòng khám có những cơ sở vật chất chuyên dụng để chữa trị căn bệnh mất ngủ, hơn 1000 bệnh nhân đã đến phòng khám và nhận được phản hồi rất tốt. Theo như số liệu của phòng khám, 80% bênh nhân phản ánh là đã có chuyển biến lớn, gần một nửa trả lời rằng đã được chữa khỏi hoàn toàn. Thành công này đã đem đến cho phòng khám những danh tiếng lẫy lừng, thậm chí có những bệnh nhân có thể chờ đến tận 2 năm để được tư vấn. Cách tiếp cận của Selsick thật sự mang tính cách mạng, không giống như những phương pháp trước kia. Trong nhiều thập kỉ, chứng mất ngủ được coi là triệu chứng của một căn bệnh. Selsick cho rằng mất ngủ không đơn thuần là một triệu chứng, nó thực sự là một căn bệnh. Đây vẫn là một quan điểm gây tranh cãi. Tuy nhiên, những bệnh nhân của Selsick thì đã thoát khỏi được chứng mất ngủ và trở lại cuộc sống bình thường.

trị bệnh mất ngủ
Cách chống bệnh mất ngủ ở người hiện đại

‘’Tôi đã từng trở nên căm ghét chiếc giường của mình. Đó nên là một nơi để nghỉ ngơi, thư giãn và trong một tháng liền, nó bỗng trở thành một trận địa mà kẻ thù cũng như người lính duy nhất là chính tôi.. Kể từ khi tôi 18 tuổi, chứng mất ngủ dường như càng ngày càng rõ rệt. Những âm thanh của chiếc xe tải, của tiếng động vật kêu có thể ám ảnh tôi và khiến tôi thao thức tới tận 3 giờ sáng. Hàng giờ liền, tôi tưởng tượng trước mắt mình là mặt trăng với khuôn mặt ngờ ngệch”. Càng cố gắng ngủ nhiều thì bạn lại không ngủ được, đó chính là điều mà chứng mất ngủ khiến bạn khó chịu. Và trong cái tiếng kêu dai dẳng của đồng hồ báo thức, cảm giác khó chịu càng bị đẩy lên cao.

Những năm qua, tôi đã thử rất nhiều những biện pháp để có thể giải quyết được chứng mất ngủ: tránh xa điện thoại, tắm nước nóng, uống rượu chuối trước khi đi ngủ. Nỗi sợ mất ngủ được hình thành nhiều tuần, nhiều tháng, những hành vi mê tín đã xuất hiện. Vincent van Gogh đã đổ một loại chất lỏng giống như nhựa thông lên chiếc đệm của mình mà ông cho rằng nó có thể giúp ông ngủ dễ hơn. WC Fields nói rằng ông chỉ có thể ngủ khi nghe tiếng mưa rơi, và người tình của ông Carlotta Monti sẽ phun nước từ ngoài vào cửa sổ của ông cho tới khi ông chìm vào giấc ngủ.

Những lập dị này có lẽ đã khiến cho thế giới xem chứng mất ngủ chỉ như một sự phiền toái nhỏ. Ngủ là một trong những trạng thái tự nhiên nhất của con người và thất bại trong việc thực hiện những điều như thế quả thật không vui một chút nào. Bạn hãy thử tưởng tượng, một ngày, bạn bước ra đường với đôi mắt gấu trúc và trạng thái thần kinh hoảng loạn, bạn lo lắng mình sẽ gục ngã bởi chính chứng mất ngủ của mình. 

Hugh Selsick chắc chắn rằng ông đã gặp rất nhiều người mắc chứng mất ngủ. Nhưng nếu không trực tiếp trao đổi với họ, ông sẽ không thể nào biết được họ bị khó ngủ, thậm chí là bị mất ngủ kinh niên. Đó dường như là một nỗi ám ảnh bị giấu kín.

cách trị bệnh mất ngủ
Cách trị bệnh mất ngủ như thế nào?

Selsick đặc biệt coi trọng cuộc gặp mặt ban đầu với các bệnh nhân. Ông biết rằng họ có thể đã phải chịu đựng chứng mất ngủ hàng thập kỉ. Họ thậm chí đã đến gặp bác sĩ gia đình và nhận được những lời khuyên vô thưởng vô phạt như: hãy tắm nước ấm hoặc uống một ly sữa trước khi đi ngủ. Khi ông ngồi xuống với bệnh nhân của mình trong lần gặp mặt đầu tiên, mục tiêu ban đầu của Selsick là để cho họ biết rằng: ông ấy thực sự coi trọng và quan tâm đến họ tới mức nào.

“Trong rất nhiều năm, chẳng ai hiểu được những gì mà người này phải trải qua” Ông ấy nói với tôi khi chúng tôi ngồi trong văn phòng. “Sau đó, họ ngay lập tức ngồi xuống trước tôi và nói như thể đã gặp được tri kỉ: “ Vâng, tôi có thể thấy đây là vấn đề và chúng ta có thể xử lý nó”. Một vài bệnh nhân đã khá hơn và dẫu cho họ có phản ứng ra sao, Selsick vẫn đối xử rất nhẹ nhàng, ân cần và gieo vào tâm trí họ một niềm tin mãnh liệt về việc họ có thể quay lại cuộc sống bình thường và tận hưởng những giờ phút nghỉ ngơi bình yên trên chính chiếc giường của mình.

Trong lần gặp mặt đầu tiên này, tôi cảm thấy một điều gì đó rất thân mật. Tôi không hề đề cập đến chứng mất ngủ của mình. Với cách hành xử tốt bụng và sự công nhận về sự khủng khiếp của việc mất ngủ, cả hai dường như rất thoải mái và chia sẻ mọi thứ.  

Danh tiếng của phòng khám chuyên trị chứng mất ngủ không chỉ được hình thành bởi sự ân cần của đội ngũ bác sĩ. Selsick đã thiết kế một chu trình điều trị 5 tuần kết hợp liệu pháp hành vi nhận thức và phá vỡ sự liên kết tiêu cực của người bệnh đối với giường ngủ. Khi toàn bộ hoạt động được thả trôi với liệu trình mà Selsick gọi là “sleep efficiency training”, thời gian bệnh nhân nằm trên giường dường như đã được định sẵn.

Ngày nay, Selsick và một nhà tư vấn khác điều hành phòng khám dưới sự hỗ trợ của một bác sĩ làm việc một ngày/ tuần và một bác sĩ chuyên khoa tâm thần cùng với một thực tập sinh. Bệnh nhân của ông đến từ khắp mọi nơi trên thế giới và khoảng 80 bệnh nhân tới thăm phòng khám 1 tuần: “ Chúng tôi vẫn không ngừng mở rộng và đang cố gắng hết sức để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh” – Selsick nói.

chữa trị bệnh mất ngủ
Điều trị bệnh mất ngủ ở người có khó hay không?

Vậy, làm thế nào để một phòng khám tại trung tâm London lại có thể điều trị dứt điểm căn bệnh mà đã hàng thập kỉ qua, rất nhiều phương pháp đã phải “bó tay”. Gốc rễ của câu trả lời nằm ở niềm tin của Selsick rằng mất ngủ không đơn thuần là một triệu chứng, nó thực sự là một bệnh. Hàng thập kỉ qua, các bác sĩ cố gắng để chữa trị các căn bênh như: tiểu đường, tim mạch, các vấn đề về hô hấp cốt để bệnh nhân có thể ngủ được. Cách tiếp cận đó thường thất bại bởi một học thuyết chỉ ra rằng, chứng mất ngủ được duy trì bởi “ hành vi, nhận thức, sự liên kết mà bệnh nhân thích nghi khi họ cố gắng để đối phó với giấc ngủ nhưng đều không có tác dụng”.

Một trong những lý do mà Selsick quyết tâm chữa trị bằng được cho những người mắc chứng mất ngủ là chính ông cũng đã từng rơi vào trạng thái đó. Selsick đã mắc chứng mất ngủ từ năm 1993, khi ông 19 tuổi, khi đó ông đang sống ở khu định cư tại 1 sa mạc của Israel. Chính cái nóng tại sa mạc và thói quen sinh hoạt trong những năm tháng sống tại đó là lý do khiến ông mắc phải chứng mất ngủ. Với nhiệt độ lên đến 40 độ C, mọi người thường ngủ từ 11h – 3h và bắt đầu làm việc khi nhiệt độ hạ. Vào buổi trưa, khi mà nhiệt độ lên đến đỉnh điểm, họ sẽ bắt đầu nghỉ trưa. Đó là thói quen mà sau này Selsick luôn muốn loại bỏ bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen, đến đồng hồ sinh học của ông.

Khi ông quay lại Nam Phi để bắt đầu năm nhất đại học, học ngành dược tại Johannesburg, chứng mất ngủ của Jelsick dai dẳng và nghiêm trọng hơn. Ông nói với tôi rằng: “ Thật khó có thể miêu tả nó như thế nào đối với những người chưa từng trải qua nó”. Một ngày nọ, khi đang ở trong khuôn viên của trường, ông nhìn thấy một tấm biển quảng cáo với nội dung là cần tìm tình nguyện viên cho một nguyên cứu về giấc ngủ. Ông đã ghi danh với hy vọng có thể tìm hiểu được những gì đang xảy ra với bản thân mình.

Nguyên cứu này hy vọng sẽ tìm ra được những ảnh hưởng (nếu có) và lượng calo nạp vào trong cơ thể khi ngủ. Mỗi thí nghiệm kéo dài khoảng 4 ngày, trong thời gian đó, Selsick và các tình nguyện viên khác sẽ qua đêm tại phòng khám, một màn hình gắn vào đầu họ, một màn hình khác đo nhiệt độ cơ thể, đưa vào trực tràng. Các tình nguyện viên vẫn giữ nguyên chế độ ăn kiêng đặc biệt. Một tuần họ sẽ ăn kiêng khoảng 24 giờ, lần tiếp theo sẽ ăn gấp 3 lần lượng calorie mà họ nạp vào người. Sau đó, họ sẽ được theo dõi để xem ảnh hưởng của thực phẩm tác động vào giấc ngủ như thế nào.

“Hoá ra không khác nhau là mấy” – Ông ấy nói.

Lấy cảm hứng từ giáo sư điều hành khoá học, Selsick bắt đầu theo học ngành sinh lý học, ông đã nguyên cứu vai trò của giấc ngủ REM – hay còn gọi là giấc ngủ mơ – xảy ra liên tục trong một đêm, đặc điểm của nó là chuyển động của mắt rất nhanh. Sau đó, ông tiến hành nguyên cứu sự ảnh hưởng của hệ thống sưởi trung tâm trong lúc ngủ và ông phát hiện ra rằng, nhiệt độ lý tưởng để ngủ là 18 độ C – lạnh hơn chúng ta nghĩ.

Ông đã có một cuộc khảo sát nho nhỏ tại trường học của mình và nhận ra rằng có rất ít người để tâm đến chứng mất ngủ. Nhưng vài tháng sau,  Charlotte Feinmann – một bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đại học London (UCLH) đã trực tiếp đề nghị ông về việc mở một phòng khám để chữa trị các vấn đề về giấc ngủ.

Câu chuyện của một người bệnh

Năm 13 tuổi, Zehavah Handler cầm một cây bút và viết nguệch ngoạc những dấu chấm trên bức tường phòng ngủ của cô ở phía tây bắc London. Rồi cô nằm trên giường và lần tìm những dấu chấm của mình hiện lên trong ánh sáng lung linh, huyền ảo ban đêm. Vào lúc đó, khi xung quanh cô là bốn bức tường đầy những dấu chấm, Zehavah đã thử thách bản thân bằng việc nhìn chằm chằm vào các dấu chấm mà không chớp mắt càng lâu càng tốt. Trò chơi này dần trở thành một thói quen cuối ngày của cô, và Zehavah tin rằng đó là cách duy nhất giúp cô dễ ngủ, mặc dù lúc cô dần chìm sâu vào giấc ngủ cũng đã vào lúc 4h sáng.

Năm Zehavah 40 tuổi, khi cô trở thành bà mẹ 40 tuổi của 4 đứa con, chứng mất ngủ của cô vẫn không suy giảm. Cô thường thức dậy lúc 7 giờ sáng để đưa con mình tới trường, rồi sau đó trở về và đặt mình xuống chiếc thảm trong phòng ngủ. Cô thường chỉ nằm và quan sát trần nhà với trái tim đập mạnh đầy mệt mỏi, cho đến khi tới giờ đón bọn trẻ tại trường vào lúc chiều muộn. Sau khi cho chúng ăn uống và tắm rửa, Zehavah mới được nghỉ ngơi. Cô thường nằm trên giường suốt 12 tiếng đồng hồ, nhưng chỉ ngủ được trong khoảng một giờ trước lúc bình minh ló dạng mở ra ngày mới với những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày.

chữa bệnh mất ngủ

Khi cô bắt đầu mắc chứng bệnh hay quên và luôn cảm thấy cáu gắt với mọi thứ, Zehavah đã đến gặp bác sĩ trị liệu. Sau 18 tháng chờ đợi, cô bước vào văn phòng của Selsick. “Đây là lần đầu tiên tôi gặp một chuyên gia có thể hiểu rõ và thực sự cảm thông với vấn đề tôi đang gặp phải”- Cô nói. Zehavah được đưa vào phòng khám của trường Đại học Y dược London và được các bác sĩ theo dõi cả đêm để kết luận xem có phải cô mắc chứng ngưng thở khi ngủ không. Zehavah cảm thấy sự miễn cưỡng rõ rệt trong thái độ của bác sĩ trực đêm đó trong phòng khám của Selsick. Cô đã trải qua đêm đầu tiên với chằng chịt các loại dây trên đầu, cùng tâm trạng lo lắng không biết các thiết bị này có chẩn đoán được việc cô đang giả vờ ngủ hay không. Và rồi kết quả được đưa ra vô cùng chuẩn xác và rành mạch: cô không hề gặp các vấn đề về hô hấp, hay co thắt cơ. Selsick kết luận rằng Zehavah cũng giống như nhiều bệnh nhân khác của ông, không hề có dấu hiệu rối loạn trong cơ thể, mà đơn giản là đang mắc phải chứng mất ngủ.

Vào tháng 5 năm 2016, Zehavah tham gia khóa trị liệu kéo dài 5 tuần của Selsick, cùng với 9 bệnh nhân cũng mắc chứng bệnh tương tự. Khóa trị liệu diễn ra trong một căn phòng nhỏ, kín đáo của bệnh viện. Zehavah kể lại rằng không ai nói với nhau câu nào, một vài người thì lén nhìn nhau hoặc ngồi ngẩn người ra vì bí mật mất ngủ đáng xấu hổ sẽ dần được tiết lộ. “Mọi người đều rất có ý thức,” cô nhớ lại. “Chúng tôi đã tự hỏi:‘ Buổi trị liệu sẽ diễn ra như thế nào? Chúng tôi phải thành thật ở mức độ nào khi nói ra căn bệnh của mình? ”

“Điều đầu tiên tôi làm [trên chương trình],” Selsick nói, “là bỏ ngay cái suy nghĩ hoang đường rằng tôi chỉ có thể ngủ được vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Suy nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức chúng ta như thể một sự thật hiển nhiên rằng bạn phải ngủ tám tiếng một đêm. Điều đó không đúng”. ”Cũng giống như việc mỗi người có một cỡ giày khác nhau”, Selsick nói, “thì thời gian dành cho giấc ngủ của mỗi người cũng sẽ khác nhau. “Một số người cần sáu tiếng rưỡi, một số người cần chín tiếng rưỡi. Điều đó không hề khiến đồng hồ sinh học của họ trở nên bất thường. ”

Để tìm ra thời gian cần thiết dành cho giấc ngủ là bao nhiêu, mỗi người tham dự được yêu cầu làm một cuốn nhật ký giấc ngủ, ghi lại thời gian họ đi ngủ, thời gian họ thức dậy, mất bao lâu để ngủ và bao nhiêu lần họ thức dậy vào ban đêm. Sau đó, Selsick đưa ra ý tưởng rằng mỗi người nên xây dựng một khung giờ đi ngủ của riêng mình. Thông thường, những người mất ngủ sẽ có xu hướng đi ngủ sớm hơn hoặc nằm trên giường lâu hơn để tăng cơ hội đi vào giấc ngủ. Logic là vậy – nếu chúng ta không ngủ đủ giấc, thì chúng phải ngủ lâu hơn để tăng thêm cơ hội được ngủ – thế nhưng sự lo lắng ấy chỉ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Bởi vậy, các bệnh nhân của khóa trị liệu được yêu cầu thức dậy một cách nhanh chóng vào khoảng thời gian được cho là khó dậy nhất. “Chúng tôi bảo họ luôn thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, bất kể họ đã ngủ bao lâu, ngủ vào lúc nào hay họ phải làm gì vào ngày hôm đó.”

bệnh mất ngủ ở người

“Yêu cầu của khoá trị liệu này đó là không được phép “ngủ nướng” hoặc “chợp mắt một lúc” – Selsick vừa nhai kẹo vừa nói một cách đầy kiểm soát. Trên lý thuyết, nếu bạn thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi buổi sáng, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy buồn ngủ cùng một lúc vào buổi tối. Dần dần, qua vài tuần, giờ đi ngủ của bạn sẽ tự động trở nên nhất quán. “Chúng tôi giảm thời gian mà họ nằm trên giường xuống để giấc ngủ của họ sâu và đều đặn hơn”, Selsick giải thích. Một bệnh nhân có thể bắt đầu đặt ra mục tiêu là ngủ trong sáu tiếng. Nếu họ cần phải làm việc lúc 7 giờ sáng, có nghĩa là họ không được phép tới gần phòng ngủ trước 1 giờ sáng bởi “vẫn còn quá sớm” để ngủ.

Khi bệnh nhân cảm thấy cơn buồn ngủ của họ đã đạt tới 90%, họ sẽ điều chỉnh thời gian đi ngủ sớm hơn 15 phút mỗi lần. Phương pháp này được gọi là Giấc ngủ hiệu quả, và mặc dù nó khá đơn giản nhưng lại đem tới kết quả đáng kinh ngạc. “Đúng là rất khó để trị liệu bằng phương pháp này” Laurell Turner, một sinh viên y khoa đã hoàn thành chương trình năm 2016 cho hay. “Đến cuối khóa học, tôi đã kiệt sức. Nhưng bất chấp mọi sự hoài nghi ban đầu của tôi, kết quả cuối cùng cho thấy thật sự hiệu quả ”

Selsick đã thành công trong việc phá vỡ các thói quen tiêu cực của Zehavah. Khi những người mất ngủ đi ngủ, họ thường cảm thấy sợ hãi đến phát cáu khi cứ nằm không mãi. Sau một thời gian, điều này khiến triệu chứng mất ngủ cứ kéo dài. Phòng ngủ dần trở thành nơi khiến con người trở nên tỉnh táo hơn, thậm chí còn thêm cảm giác sợ hãi. Để giải quyết điều này, Selsick kêu gọi bệnh nhân rời khỏi phòng ngủ sau 15 phút nếu họ chưa ngủ. Lúc này, tất cả các hoạt động bao gồm quan hệ tình dục hay cố gắng ngủ đều bị ngăn cấm trong phòng ngủ. Bệnh nhân thậm chí còn được yêu cầu thay quần trong căn phòng khác.

“Trước đây, tôi thường đi ngủ từ buổi chiều và cứ nằm lì trong phòng suốt 12 tiếng đồng hồ,” Zehavah nói. Tôi thường sẽ nằm gọi điện, hoặc làm việc trên máy tính, ăn và xem TV trên giường. Những thói quen đã biến mất. Tất cả đã thay đổi. Tôi nói lời tạm biệt với căn phòng ngủ của mình vào lúc 7 giờ 20 phút sáng và quay trở lại vào 1.30 giờ sáng. ”Phương pháp này ban đầu có thể gây ra tác dụng ngược; vào những đêm đầu tiên khi cứ 15 phút chúng ta xáo trộn thói quen sinh hoạt đáng lẽ phải diễn ra ở phòng ngủ thì giờ lại ở trong phòng khách, mọi thứ thậm chí sẽ trở nên tệ hơn. “Thật khó khăn để làm quen với nó,” cô nói. Nhưng sau khoảng năm tuần, các triệu chứng tỉnh táo khi ở trong phòng ngủ đã bị phá vỡ, và nó được thay thế bằng những dấu hiệu tích cực mới. Selsick tuyên bố rằng, bằng cách sử dụng phương pháp này cùng với sự kiểm soát tuyệt đối với các chất kích thích như caffein, 08 trong số 10 bệnh nhân của ông đã trở nên tốt hơn, và một nửa trong số đó đã “thuyên giảm hoàn toàn”.

Các nghiên cứu cho thấy Liệu pháp nhận thức hành vi là hình thức tâm lý trị liệu nên được duy trì lâu dài để trị chứng mất ngủ. Nhưng để thực sự hiệu quả, nó đòi hỏi bệnh nhân phải thiết lập và duy trì một thói quen ổn định. Đối với những bệnh nhân thường xuyên thay đổi đồng hồ sinh học, thường xuyên nghỉ tại khách sạn trong không gian lạ hoặc những người không thể hình thành thói quen hàng đêm vì công việc, kế hoạch của Selsick sẽ trở thành một mục tiêu khó hoàn thành. Những bệnh nhân này thực tế không thể xây dựng và gắn bó với một thời gian biểu, mà đơn giản họ chỉ có thể uống thuốc để nhanh chóng vào giấc ngủ.

Đáng ngạc nhiên nhất, có lẽ là đối với việc một bác sĩ ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng Liệu pháp nhận thức hành vi trong điều trị chứng mất ngủ như Selsick lại khuyến khích việc thuốc ngủ nên được sử dụng rộng rãi hơn ở Anh. “Có một sự nghiêm ngặt đến mức bảo thủ trong hệ thống y tế của nước Anh về việc kê đơn cho giấc ngủ,” ông nói. Những quy định nghiêm ngặt này đến từ sự lo ngại về những chất gây nghiện trong thành phần benzodiazepin. Theo nhà thần kinh học Matthew Walker, thuốc ngủ không cung cấp “giấc ngủ tự nhiên”, có thể “gây hại cho sức khỏe” và “làm tăng nguy cơ mắc bệnh đe dọa tính mạng”.

thuốc trị mất ngủ

“Loại thuốc nào cũng vậy, đều sẽ mang đến những rủi ro,” Selsick nói. Selsick đã gặp những bệnh nhân, vì mất ngủ, mà phải rời bỏ công việc và từ bỏ nghề nghiệp. “Tôi từng có bệnh nhân, chỉ vì chứng mất ngủ mà đã phá hủy cuộc hôn nhân của họ, khiến họ mất quyền thăm nuôi con cái bởi vì họ luôn trong tình trạng mệt mỏi và không đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để chăm sóc con họ đúng cách.” Tuy nhiên, Selsick nhận thấy có rất nhiều bác sĩ từ chối việc sử dụng CBT để trị liệu giấc ngủ. Điều này, ông nói, làm bệnh nhân bất mãn. “CBT nên là lựa chọn đầu tiên trước khi các bạn chọn việc dùng thuốc. Nhưng hầu hết không phải nơi nào cũng được phép sử dụng CBT. Và không phải ai làm CBT cho chứng mất ngủ đều tốt hơn. ”

Sự xuất hiện của bất kỳ dịch bệnh nào cũng mang lại cơ hội thương mại. Năm 2006, nhà sản xuất thuốc ngủ non-benzodiazepine Ambien ước tính rằng thuốc đã được sử dụng 12 tỷ lần trên toàn thế giới và thu về 2 tỷ đô la doanh thu tại Mỹ. Các công ty dược phẩm hy vọng sẽ nhân rộng thành công bằng việc sách chế ra một loại thuốc ngủ mới mà không có tác dụng phụ. Phát hiện này, vào năm 1998, về orexin, một loại hormon cơ bản hoạt động như đồng hồ báo thức của não, đã biến quá trình lâu dài để có thể phát triển một loại thuốc ngủ mới thành một cuộc chạy nước rút.

Đối với những bệnh nhân đã hoàn thành khóa trị liệu của Selsick, việc ngủ ngon sẽ thay đổi cuộc sống của họ từ những điều nhỏ nhất. Việc ngủ ngon khiến cho bạn dần trở lại với nhịp sống hằng ngày từ lúc nào không biết. “Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hét,” Handler nói về cuộc sống mới của cô, sau khi thoát khỏi chứng mất ngủ. “Các mối quan hệ của tôi đã được cải thiện. Tôi trở nên kiên nhẫn hơn. Tôi không còn cảm thấy mù mịt trong mọi chuyện nữa. Tôi luôn cảm thấy sẵn sàng. ”

“Bệnh thi thoảng có tái phát lại”, Zehavah nói, “khi đồng hồ sinh học của tôi thay đổi, ví dụ như khi vào dịp lễ Giáng sinh” – nhưng bằng cách dậy vào một khoảng thời gian định sẵn, và rời khỏi phòng ngủ sau 15 phút nếu chưa ngủ được và thực hiện lại tất cả các hoạt động cô ấy đã học tại Phòng khám Mất ngủ, thì chỉ mất vài đêm Zehavah có thể trở về trạng thái bình thường.

Kết quả từ khóa trị liệu tuyệt vời đến nỗi Zehavah đã quyết định đóng cửa việc kinh doanh du lịch của mình và, với sự hỗ trợ của Selsick, trở thành một nhân viên tư vấn về giấc ngủ. Thật tuyệt vời khi Zehavah muốn cống hiến hết mình để giúp đỡ những người bị mắc chứng bệnh mà cô tưng trải qua; cô cũng chia sẻ về việc đang lên kế hoạch mở phòng khám trị chứng mất ngủ của riêng mình trong năm tới.

Nguồn: The Guardian

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Vua Nệm

Mang sứ mệnh "Nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua trải nghiệm giấc ngủ tuyệt vời, được cá nhân hoá cho riêng bạn", Vua Nệm nỗ lực cải thiện sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng có những nhu cầu khác nhau. Chúng tôi mong rằng bạn sẽ được trải nghiệm giấc ngủ không chỉ “ngon” mà còn là cảm giác thư giãn, tràn đầy năng lượng để tận hưởng cuộc sống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM