Nhiều người chỉ cần nằm xuống giường là có thể ngủ ngay và ngủ sâu giấc dù ở một nơi xa lạ. Thế nhưng có những người lại rất khó ngủ, thậm chí là mất ngủ khi nằm ở một nơi không phải là trong ngôi nhà hay trên chiếc giường của mình. Hiện tượng này được gọi nôm na là “lạ giường, lạ nhà”.
Tại sao lại xảy ra hiện tượng này, nó có gì đặc biệt và làm thế nào để ngủ ngon khi đi công tác, du lịch hay xa nhà? Cùng Vua Nệm tìm hiểu và làm rõ vấn đề này ngay trong bài viết hôm nay. Đừng bỏ lỡ nếu bạn chưa biết bí kíp ngủ ngon mà không lạ giường, lạ nhà.
Nội Dung Chính
1. Lý giải hiện tượng lạ giường, lạ nhà
Không ít người bị khó ngủ, mất ngủ khi xa nhà, nằm trên một chiếc giường không quen …Mọi người thường gọi là bị lạ giường, lạ nhà nhưng thực chất chưa hiểu rõ tại sao lại xuất hiện tình trạng này.
Theo các nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu tới từ Viện Đại học Brown (Mỹ), mất ngủ do lạ nhà, lạ nơi ngủ là vì trạng thái hoạt động của bộ não con người có sự đặc biệt nhất định. Cụ thể, não bộ của con người được chia làm 2 bán cầu, trái và phải.
Nếu ngủ ở nhà trong căn phòng quen thuộc thì não bộ rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn. Nhưng khi ngủ ở một căn phòng lạ lẫm với những thứ xa lạ từ chăn lạ, giường lạ, thậm chí là nệm lạ sẽ cảm thấy trằn trọc, khó ngủ. Lúc này là do một bên bán cầu não trái vẫn hoạt động và tỉnh táo.
Hiện tượng lạ giường, lạ nhà này được gọi chung là đêm đầu tiên hay còn được biết đến với cái tên FNE. Theo nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã đo sóng não của con người trong đêm đầu tiên vào thời điểm khó đánh thức nhất của một giấc ngủ. Kết quả cho thấy một nửa não bộ của con người vẫn thức tỉnh nên họ dễ bị đánh thức bằng một động tác nhỏ – âm thanh khi gõ ngón tay.
Đến đêm thứ hai, kết quả đã có sự khác biệt. Theo đó, sự mất cân bằng giữa hoạt động của não trái và não phải đã dần biến mất. Nghĩa là cả bán cầu não trái và phải đều trong trạng thái nghỉ ngơi. Lúc này, não bộ đã có sự nhận thức và dần quen thuộc hơn với môi trường mới. Khi nghe âm thanh gõ ngón tay, cơ thể con người phản ứng chậm hơn, khó bị đánh thức hơn.
Theo các nhà khoa học thì hiệu ứng đêm đầu tiên chính là cơ chế mà con người tạo ra để bảo vệ chính mình. Trong một không gian mới, xa lạ với mọi thứ thì con người trở nên cảnh giác hơn, nhất là khi ngủ. Tuy nhiên, con người sẽ nhanh chóng điều chỉnh trạng thái cơ thể và cân bằng lại khi đã quen thuộc hơn với không gian mới. Đó là lý do khiến họ ngủ ngon hơn vào đêm thứ hai và các đêm tiếp theo.
2. Các yếu tố ảnh hưởng tới giấc ngủ của con người trong “đêm đầu tiên”
Như đã nói, con người rất nhạy cảm trong “đêm đầu tiên” khi ngủ ở một nơi lạ lẫm. Một mặt do bán cầu não trái vẫn thức, mặt khác do các tác động từ bên ngoài môi trường gây cho mọi người khó ngủ hơn. Đó là những yếu tố nào?
2.1. Tâm lý cảnh giác, tự bảo vệ của con người
Cảnh giác cao độ và tâm lý tự bảo vệ mình là điều dễ dàng nhận thấy ở một số loài chim và động vật có vú sống dưới nước như cá heo, sư tử biển. Chúng luôn ngủ trong trạng thái ½ não bộ hoạt động bình thường và tỉnh táo đến khó tin.
Điều này cũng xuất hiện ở con người khi ngủ ở một nơi mới lạ. Mọi người sẽ có tư tưởng cảnh giác và lo sợ trước những sự khác biệt trong không gian. ½ não bộ sẽ hoạt động để nhận biết những nguy hiểm bên ngoài và lập tức làm cho mọi người trở về trạng thái thanh tỉnh ngay lập tức.
2.2. Ánh sáng gây kích thích thị giác
Ngay cả trong điều kiện ngủ nghỉ bình thường ở nơi thân thuộc, ánh sáng cũng là yếu tố ảnh hưởng tới giấc ngủ của con người. Chúng ta thường khó ngủ hơn khi phòng ngủ quá sáng. Hoặc khi đang ngủ sẽ mà có luồng sáng bất ngờ chiếu ngang qua mắt cũng có thể khiến chúng ta giật mình và bừng tỉnh giấc.
Ở đêm đầu tiên, ánh sáng lại càng khiến con người nhạy cảm hơn. Vì não bộ rất nhanh xuất hiện phản ứng với ánh sáng, kể cả một luồng sáng nhỏ cũng có thể là nguyên nhân khiến chúng ta bị đánh thức và khó ngủ.
2.3. Tiếng ồn – yếu tố hàng đầu gây mất ngủ trong “đêm đầu tiên”
Một trong những yếu tố hàng đầu gây mất ngủ ở cả những người mắc hội chứng đêm đầu tiên lẫn những người bình thường chính là tiếng ồn. Theo thí nghiệm của các nhà khoa học, tiếng ồn có thể đánh thức người nằm rất nhanh, nhất là ở giai đoạn đầu của giấc ngủ.
Với những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, họ sử dụng âm thanh ngón tay gõ để kiểm tra độ nhanh nhạy của phản ứng. Theo đó, trong đêm đầu tiên, những người này bị đánh thức rất nhanh chỉ sau tiếng gõ tay nhẹ dù trong giai đoạn khó đánh thức nhất của giấc ngủ.
Ngoài những yếu tố trên, còn có rất nhiều những nguyên nhân khác gây mất ngủ, khó ngủ trong đêm đầu tiên. Ví dụ như các bệnh mãn tính, sự căng thẳng, stress, đệm nằm quá cứng hoặc quá mềm, gối quá cao hoặc quá thấp, các yếu tố tác động từ môi trường như nhiệt độ, độ ẩm không khí…Tuy nhiên, ở đây chúng tôi đề cập tới những yếu tố cơ bản nhất và đặc thù nhất có liên quan nhất đến nghiên cứu đêm đầu tiên.
3. Bí kíp ngủ ngon mà không lạ giường, lạ nhà
Mặc dù bộ não của con người quyết định phân lớn đến hội chứng đêm đầu tiên, thế nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không thể hoàn toàn ngủ trong thời gian này. Nếu bạn đến một nơi xa lạ, đi công tác hoặc du lịch…thì cần có những biện pháp khắc phục và giảm nhẹ triệu chứng mất ngủ. Tìm hiểu ngay những bí quyết dưới đây để ngủ ngon mà không lạ giường, lạ nhà.
3.1. Lựa chọn phòng ngủ có thiết kế phù hợp
Bí quyết đầu tiên mà bạn có thể áp dụng để không bị mất ngủ trong đêm đầu tiên tại một nơi lạ lẫm là lựa chọn phòng ngủ phù hợp. Ở đây nên chọn những căn phòng có vị trí ít người qua lại, ít bị tiếng ồn bên ngoài làm phiền khi ngủ. Ví dụ như phòng ngủ ở trên tầng cao, tránh xa những nơi gần cầu thang, thang máy. Khách sạn, nhà nghỉ nên chọn ở những nơi cách xa trục đường chính một chút để không bị giao thông đông đúc làm ồn.
Một yêu cầu nữa chính là nên chọn phòng ngủ có thiết kế không gian, bày trí gần giống với phong cách căn phòng của mình ở nhà. Điều này sẽ giúp tạo sự thân thuộc, quen mắt để giảm bớt sự căng thẳng, cảnh giác hơn, tạo sự thoải mái, dễ chịu khi nằm ngủ.
Ngoài ra, một căn phòng có màu sơn nhẹ nhàng cũng giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn. Theo kết quả của một cuộc khảo sát trên 2.000 ngôi nhà ở Anh bởi Travelodge cho thấy, những căn phòng có màu tối đậm, sẫm sẽ có thời gian ngủ ít hơn so với những căn phòng có màu tươi sáng.
Cụ thể hơn, màu sơn tường tốt nhất cho giấc ngủ là màu xanh lam, xanh dương, tiếp đến là màu vàng, màu xám. Những màu như màu tím, đỏ, nâu..sẽ khiến cho con người ngủ ít hơn, khó ngủ hơn. Do đó, để đêm đầu tiên của bạn ở một nơi xa không bị trằn trọc quá nhiều, hãy lựa chọn phòng ngủ có màu sơn tường phù hợp.
Cùng với đó, hãy chọn những căn phòng có rèm che đủ dày để giúp ngăn sự xâm nhập của ánh sáng bên ngoài vào trong căn phòng. Bởi ánh sáng là một yếu tố có thể gây tỉnh giấc khi đang ngủ.
3.2. Sử dụng một số vật dụng và thiết bị hỗ trợ giấc ngủ
Tiếng ồn trắng có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ rất tốt. Hãy sử dụng máy hoặc phần mềm phát tiếng ồn trắng ở mức độ thấp để làm giảm những tiếng động khó chịu gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Bên cạnh đó, nếu có thể hãy mang những vật dụng quen thuộc đi theo bên mình để tạo sự quen thuộc, gần gũi. Một chiếc gối, một chiếc chăn nhỏ với mùi hương thân thuộc sẽ có tác dụng làm bạn cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi ngủ. Nếu không thể mang theo chiếc gối thì hãy mang theo chiếc vỏ gối.
Các bạn cũng có thể sử dụng những vật dụng khác như nút tai chống ồn. Nó giúp giảm bớt tiếng ồn bên ngoài, nhất là ở những căn phòng có không gian khá ồn ào, cạnh đường lớn, giao thông nhộn nhịp.
Một chiếc bịt che mắt cũng là lựa chọn của nhiều người. Con người rất nhạy cảm với ánh sáng trong đêm tối, khi ngủ nên dùng bịt che mắt. Nó giúp ngăn không cho ánh sáng lọt vào mắt gây khó chịu, giúp dễ ngủ hơn.
3.3. Ăn uống và sinh hoạt hợp lý để cơ thể thoải mái nhất khi ngủ
Cơ thể không thoải mái cũng là một nguyên nhân dẫn tới khó ngủ, nhất là khi lạ nhà, lạ giường.
Ăn quá no trước khi đi ngủ sẽ làm cho cơ thể khó chịu, dạ dày bị chèn ép. Chính vì vậy mà chúng ta nên ăn trước giờ ngủ khoảng 2 tiếng để thức ăn được tiêu hóa hết, cơ thể thoải mái hơn. Ăn những loại đồ ăn thanh mát, dễ tiêu hóa. Tránh xa những loại đồ uống có chứa chất kích thích, caffeine…vì chúng sẽ khiến thần kinh căng thẳng, tỉnh táo, khó đi vào giấc ngủ.
Một biện pháp khác là sử dụng những loại đồ ăn có tác dụng hỗ trợ an thần, tốt cho giấc ngủ. Ví dụ như chè, cháo hạt sen, đậu đỏ, trà thảo mộc, trứng, cá, chuối, đậu phộng, sữa nghệ vàng…
Ngâm mình trong nước nóng hay tắm nước nóng trước khi đi ngủ là cách giúp ngủ ngon hơn rất hiệu quả. Nước nóng giúp cơ thể được thả lỏng, thư giãn, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày dài. Hãy thử ngay cách này nếu bạn đang ở một nơi xa lạ, giấc ngủ của bạn sẽ được cải thiện và trọn vẹn hơn.
Ngoài ra, các bạn hãy ngủ đúng giờ như thời gian ngủ ở nhà, tạo cho mình thói quen tốt, cơ thể sẽ tự động đi vào giấc ngủ vào đúng thời gian đã thiết lập. Tắt các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay. Ánh sáng từ các thiết bị này sẽ khiến bạn không còn cảm giác buồn ngủ và gây khó ngủ hơn, hãy “cách ly” chúng trước khi đi ngủ.
Ngủ ngon mà không lạ giường, lạ nhà không phải quá khó khăn nếu bạn áp dụng những bí kíp mà Vua Nệm vừa mới chia sẻ ở trên. Hy vọng các bạn sẽ có những thông tin hữu ích giúp có những giấc ngủ ngon trong những chuyến du lịch hay công tác xa nhà. Theo dõi những bài viết khác của chúng tôi để có thêm nhiều điều bổ ích cho cuộc sống và giấc ngủ.
Nguồn tham khảo: https://thanhnien.vn/tuong-phong-ngu-mau-gi-giup-ngu-ngon-nhat-post989263.html