Dinh thự, biệt thự hay biệt phủ là những khái niệm được sử dụng phổ biến trong kiến trúc nhà ở. Vậy bạn đã biết được cách phân biệt dinh thự, biệt thự, biệt phủ hay chưa? Nếu chưa, hãy cùng Vua Nệm làm rõ ba khái niệm này ngay trong bài viết bên dưới nhé!
Nội Dung Chính
1. Dinh thự là gì?
1.1. Khái niệm
Có thể nói dinh thự là một ngôi biệt thự có quy mô xây dựng rất lớn, ước tính diện tích đất có thể đến 1.000m2. Thuật ngữ này bắt nguồn từ châu Âu khoảng thế kỷ thứ 15. Lúc bấy giờ, đây được xem là nơi ở và sinh hoạt của những nhà quyền quý, những giai cấp của tầng lớp thống trị. Họ có thể là lãnh chúa, quan lại hay người đứng đầu các giáo hội,…
1.2. Đặc điểm
Bởi có nguồn gốc từ phương Tây nên các dinh thự khi thiết kế vẫn còn giữ lại những nét kiến trúc độc đáo, tráng lệ pha lẫn thêm những đặc trưng của hiện đại. Bên cạnh mục đích sinh hoạt thông thường, dinh thự còn được tích hợp thêm nhiều tiện ích xa hoa, lộng lẫy khác như hồ bơi, sân vườn, massage,… Ngoài ra với lối xây dựng kiên cố, nhiều gia chủ có thể bố trí thêm lính canh gác, tất cả nhằm bảo vệ cho dinh thự và mọi người sống trong này.
Nếu để ý, mọi người có thể nhận ra những căn dinh thự thường được xây biệt lập với trung tâm thành phố bởi chúng có diện tích khá lớn và nhiều người chọn dinh thự bởi ưu điểm yên tĩnh, phù hợp để nghỉ ngơi và thư giãn.
2. Biệt thự là gì?
2.1. Khái niệm
Biệt thự vốn là một từ Việt xuất phát từ Hán Nôm ám chỉ một ngôi nhà được xây tách biệt với xung quanh. Dễ hiểu hơn, biệt thự thường được xây dựng phía trên một khu đất đã tương đối hoàn thiện. Khu đất này có điểm đặc biệt là hoàn toàn biệt lập với không gian xung quanh. Ở bên ngoài thường là một khoảng sân vườn rộng lớn, trong khi đó bên trong lại cực kỳ yên tĩnh, thoải mái.
Chưa hết, cấu trúc của biệt thự phải đạt được sự hài hòa giữa kiến trúc với cảnh quan xung quanh. Điều này khiến tổng thể kiến trúc trở nên xa hoa và chạm đến đỉnh cao thẩm mỹ.
2.2. Phân loại và đặc điểm
Sau khi tìm hiểu khái niệm của biệt thự, hẳn nhiều độc giả sẽ thắc mắc có bao nhiêu loại biệt thự ngày nay. Căn cứ vào những đặc điểm riêng biệt mà biệt thự được phân loại như sau:
- Biệt thự sân vườn: Là biệt thự được xây trên khu đất rộng có 4 mặt đều tiếp giáp với thiên nhiên. Xung quanh có thể là sân vườn, cây xanh, hồ cá, hòn non bộ,…
- Biệt thự song lập: Là biệt thự gồm 2 căn thiết kế giống nhau, tuy nhiên lại đối xứng nhau qua một vách ngăn chia đôi. Tuy tổng thể bên ngoài giống nhau nhưng nội thất bên trong lại có sự khác biệt.
- Biệt thự đơn lập: Là duy nhất một biệt thự được xây trên khu đất trống, có diện tích lớn.
- Biệt thự liền kề: Những căn biệt thự nằm liền kề nhau và giống nhau về cảnh quan, kiến trúc. Thông thường, kiểu biệt thự này chỉ thoáng ở mặt trước và mặt sau.
- Biệt thự phố: Là những biệt thự tuy xây dựng trong không gian hẹp của nội đô nhưng vẫn đáp ứng được mọi công năng và tính thẩm mỹ như những căn biệt thự khác.
- Biệt thự mini: Là biệt thự diện tích nhỏ, chỉ từ 70 – 100 m2 nhưng vẫn có 3 mặt thông thoáng, không gian sống tiện nghi, đẳng cấp.
- Biệt thự hiện đại: Là biệt thự có phong cách hiện đại, tránh những họa tiết rườm rà.
- Biệt thự cổ điển: Là biệt thự nổi bật bởi những hoa văn, họa tiết phù điêu tinh xảo, màu sắc và chất liệu kết hợp ăn ý với nhau làm toát lên vẻ đẹp huyền bí.
- Biệt thự tân cổ điển: Là biệt thự có kiến trúc cách tân hơn phong cách cổ điển. Phong cách này tôn sùng sự tối giản, giảm bớt những họa tiết rối mắt, rườm rà. Thay vào đó, ta sẽ ấn tượng với những đường nét hoa văn đầy phóng khoáng mà lối kiến trúc tân cổ điển đem lại.
- Khu biệt thự compound: Là một khu hoàn toàn khép kín, biệt lập đáp ứng những tiêu chuẩn cao cấp.
- Biệt thự nghỉ dưỡng: Là kiểu biệt thự dùng để nghỉ ngơi, tham quan, thư giãn với đầy đủ tiện nghi.
- Biệt thự tứ lập: Là bốn căn biệt thự xây dựng với nhau thành một khối tổng thể. Mặc dù thiết kế tách biệt những nội thất bên trong của mỗi căn lại giống nhau.
3. Biệt phủ là gì?
3.1. Khái niệm
Biệt phủ là một công trình tổ hợp những căn nhà ở có thiết kế công phu, hoành tráng và tách biệt. Nó thường được xây trên một khu đất rộng rãi nhằm thể hiện sự trang nghiêm, bề thế. Do đó, biệt phủ là an cư của những người có quyền thế và điều kiện kinh tế cao.
3.2. Đặc điểm
Ta có thể dễ dàng nhận biết biệt phủ thông qua những đặc điểm nổi bật sau:
- Có quy mô lớn: Diện tích của toàn thể biệt phủ có thể đạt đến hàng nghìn hecta. Công trình cũng bao gồm nhiều tòa nhà, tiểu cảnh,… phân gian rõ ràng.
- Gần gũi với thiên nhiên: Đa phần biệt phủ được xây dựng tách biệt với nhà phố nhằm đem lại không gian sống trong lành, thư thái. Vật liệu xây dựng hay trang trí của biệt phủ đều là những vật liệu truyền thống như gạch, gỗ, đá,… trang nghiêm nhưng gần gũi.
- Nội thất và ngoại thất được thiết kế tỉ mỉ: Cả bên trong lẫn bên ngoài biệt phủ đều toát lên sự bề thế, sang trọng.
4. Cách phân biệt dinh thự, biệt thự, biệt phủ
Mỗi kiến trúc sẽ sở hữu những nét đặc trưng khác nhau. Vậy làm thế nào để phân biệt dinh thự, biệt thự, biệt phủ? Dưới đây là những so sánh chi tiết để bạn đọc có thể nhận biết chính xác hơn các kiểu kiến trúc này!
4.1. Dinh thự
Quy mô xây dựng rộng lớn, tối thiểu là 1000m2 và không giới hạn kích thước. Không gian dinh thự có đầy đủ các tiện nghi như hồ bơi, phòng gym, thư viện, khu vui chơi… Phong cách thiết kế chủ đạo là kiến trúc Gothic thể hiện khí chất sang trọng, quyền quý của gia chủ.
4.2. Biệt phủ
Người ta rất dễ nhầm lẫn hai khái niệm dinh thự và biệt phủ bởi chúng có nhiều điểm tương đồng như diện tích xây dựng cực lớn, không bị giới hạn và đều thể hiện sự đẳng cấp, uy quyền của chủ nhân. Thế nhưng, biệt phủ vẫn có những đặc điểm riêng giúp phân biệt được với dinh thự.
Cụ thể, nếu dinh thự mang đậm kiến trúc Tây Âu thì biệt phủ được thiết kế mang đậm nét đặc trưng của Á Đông, cổ điển nhưng không kém phần hiện đại và trang nghiêm. Khác với dinh thự, biệt phủ không có nhiều tiện nghi như hồ bơi, phòng gym,… mà chủ yếu là cảnh quan thiên nhiên như tiểu cảnh, sân vườn, hồ nước,…
4.3. Biệt thự
Ấn tượng đầu tiên về biệt thự chính là quy mô diện tích. Khu đất xây dựng biệt thự có phần “khiêm tốn” hơn so với dinh thự và biệt phủ. Chính vì đặc điểm này nên những tiện ích cũng có phần hạn chế hơn so với dinh thự. Người ta tìm đến đây như là một điểm đến nghỉ dưỡng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Phong cách thiết kế biệt thự rất đa dạng, không chỉ cố định một phong cách như Tây Âu của dinh thự hay Á Đông của biệt phủ.
>> Xem thêm:
- Tại sao biệt thự trắng được ưa chuộng? Mẫu biệt thự màu trắng đẹp, tinh tế, đẳng cấp
- Chọn biệt thự 2 tầng – Chọn không gian sống đẹp
Trên đây là cách phân biệt dinh thự, biệt thự, biệt phủ mà nhiều bạn đọc đang khá quan tâm. Qua bài viết, Vua Nệm hy vọng độc giả sẽ tích lũy được thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như nhận diện được những kiểu kiến trúc ấn tượng trong nước và quốc tế!