Khóc khi đang ngủ là triệu chứng mỗi người gặp ít nhất một hoặc một vài lần trong đời. Chúng có thể xảy ra với trẻ em, thanh thiếu niên, người ở độ tuổi trung niên, người già…Tuy nhiên, ít ai hiểu rõ lý do tại sao chúng ta khóc khi đang ngủ? Theo dõi bài viết của Vua Nệm để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.
Nội Dung Chính
1. Tại sao chúng ta khóc khi đang ngủ?
Nhiều người bật khóc giữa đêm và bàng hoàng tỉnh giấc, sau đó họ khó có thể ngủ đi vào giấc ngủ một lần nữa. Khóc khi đang ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau, xuất phát từ vấn đề về thể chất, sức khỏe và tâm lý, thậm chí là do tuổi tác. Dưới đây là nguyên nhân gây ra tình trạng khóc khi đang ngủ xảy ra ở từng đối tượng:
1.1. Khóc khi ngủ ở trẻ em
Tại sao trẻ em lại khóc khi đang ngủ? Theo các nhà khoa học về giấc ngủ, bật khóc khi đang ngủ là hiện tượng tự nhiên ở trẻ, đa phần trẻ từ 0-3 tháng tuổi sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chuyển tiếp giấc ngủ từ các giai đoạn NREM sang REM.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho biết rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng khóc khi ngủ là do trẻ gặp phải ác mộng. Theo ước tính, có từ 30-50% trẻ từ 1-12 tuổi gặp ác mộng, điều này khiến trẻ giật mình, kinh hãi và bật khóc khi đang ngủ.
Trong trường hợp này, cha mẹ nên chăm sóc và trấn an trẻ một cách nhẹ nhàng, không nên la mắng trẻ vì có thể khiến tâm trạng của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Cha mẹ cũng cần chú trọng đến việc tạo nên một môi trường ngủ an toàn, giúp trẻ cảm thấy yên tâm khi ngủ.
Ngoài những lý do nêu trên, còn nhiều yếu tố khác khiến cho trẻ khóc khi đang ngủ, có thể là do trẻ bị đau, khó chịu bởi một số vấn đề như: đau bụng, đau dạ dày, đầy hơi, trào ngược thực quản, trẻ từng bị lạm dụng, ngược đãi trong quá khứ, trẻ ốm sốt… Lúc này, cha mẹ nên xem xét các vấn đề của con để xử lý kịp thời, thậm chí có thể can thiệp y tế nếu cần thiết.
1.2. Khóc khi ngủ ở người lớn
Không ít người thắc mắc rằng tại sao chúng ta khóc khi đang ngủ dù chúng ta không còn là trẻ con, chúng ta đã đủ trưởng thành để có thể cân bằng giấc ngủ của mình. Theo lý giải từ các nhà khoa học giấc ngủ, người lớn khóc khi đang ngủ thường do nhiều lý do gây nên, nếu bạn thuộc những lý do này thì không cần quá lo lắng vì chúng có thể dễ dàng giải quyết.
- Nỗi kinh hoàng ban đêm: Người lớn cũng có thể gặp phải nỗi sợ vào ban đêm, chúng thường xảy ra vào giai đoạn giấc ngủ NREM. Khi gặp phải tình trạng này, họ có thể la hét, vùng vẫy chân tay và bật khóc. Đa phần những người gặp phải tình trạng này đều không nhớ rõ tình hình khi đó của mình, tuy nhiên, điều này không quá đáng sợ nên bạn không cần quá lo lắng.
- Giấc mơ mang lại nhiều cảm xúc: Những giấc mơ gợi lên cảm xúc mạnh mẽ, ví dụ như bạn mơ gặp người thân đã khuất, gặp lại người thân sau nhiều năm thất lạc thì những giọt nước mắt có thể trào dâng và khiến bạn bật khóc. Tùy từng trường hợp mà bạn có thể nhớ hoặc quên đi giấc mơ của mình ngay sau khi thức dậy.
- Cảm xúc bị dồn nén: Cuộc sống có quá nhiều điều khiến ta phải suy nghĩ, bao gồm các mối quan hệ trong gia đình, tình yêu, công việc… Đôi khi có những vấn đề khiến bạn phiền não, chúng dồn nén lại và ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Khi những vấn đề này chưa được giải quyết, chúng có thể thoát ra ngoài khi bạn đang ngủ bởi não bộ của bạn chưa kịp sàng lọc, xử lý, từ đó dẫn đến hiện tượng khóc khi đang ngủ.
- Căng thẳng, stress: Căng thẳng, áp lực cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng khóc khi đang ngủ. Khối lượng công việc quá nhiều mà chưa giải quyết được, gia đình mâu thuẫn, lục đục khiến tinh thần bạn căng thẳng sẽ tác động đến não bộ của bạn, khiến bạn phát tác nó ra một cách vô thức khi đang ngủ.
- Thay đổi thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc điều trị hoặc thay đổi từ loại thuốc này sang loại thuốc khác cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn khóc khi đang ngủ. Tuy nhiên, đây chỉ là tác dụng phụ ở một số loại thuốc, không phải loại thuốc nào cũng vậy nên bạn không cần quá lo lắng.
1.3. Khóc khi ngủ ở người già
Đối với người già, các nguyên nhân khiến họ bật khóc khi đang ngủ có thể do nhiều yếu tố như: đau buồn, tổn thương tinh thần, bệnh tật, nhiễm trùng… Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, người già mắc một số bệnh rối loạn như mất trí nhớ, Parkinson thì có nguy cơ gặp phải tình trạng này hơn so với những người già khác.
2. Khi nào cần can thiệp y tế nếu khóc khi đang ngủ?
Trong một số trường hợp, khóc khi đang ngủ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và cần sự can thiệp y tế. Bạn nên để ý tình trạng của mình, nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì nên cân nhắc việc thăm khám bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời nhé:
- Xảy ra thường xuyên: Nếu bạn thỉnh thoảng khóc khi đang ngủ thì điều đó hoàn toàn bình thường bởi ai cũng từng gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra khoảng hai lần trong vòng 1 tháng thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe tinh thần, thể chất để đảm bảo an toàn cho bản thân.
- Bạn vừa trải qua một trải nghiệm đau buồn: Các chấn thương về tinh thần và cảm xúc thường biểu hiện theo nhiều cách kỳ lạ, trong đó khóc là một trong những biểu hiện thường thấy. Nếu bạn vừa trải qua một chấn thương về tâm lý hoặc thể chất, bạn có thể bật khóc khi đang ngủ. Khóc trong trường hợp này là dấu hiệu cho thấy rằng bạn cần giải quyết những tổn thương tâm lý tiềm ẩn do chấn thương gây ra. Bạn nên đến gặp bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ y khoa để được tư vấn một cách tốt nhất.
- Bạn bị chấn thương ở đầu trong thời gian gần đây: Nếu bạn bị va chạm ở đầu thì não bộ của bạn có thể bị ảnh hưởng. Khi đó, bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có hiện tượng khóc khi đang ngủ. Lúc này, bạn nên đến gặp bác sĩ để điều trị, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
- Khóc đi kèm với triệu chứng khác: Nếu bạn khóc khi đang ngủ kèm theo một số triệu chứng khác dưới đây thì nên đến gặp bác sĩ để tiến hành những kiểm tra cần thiết: Mất ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ, khó chịu bất thường, cơ thể đau nhức…
- Thay đổi thuốc: Nếu bạn mới thay đổi thuốc và gặp phải tác dụng phụ thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, đổi thuốc nhằm hạn chế tình trạng của mình.
- Khi tình trạng khóc khi ngủ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, chúng khiến bạn thường xuyên thức giấc, khiến chất lượng giấc ngủ đi xuống, bạn thường xuyên rơi vào tình trạng lo lắng, sợ ngủ… thì tốt hơn hết nên đến gặp bác sĩ để giải quyết vấn đề của mình, tránh ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Bác sĩ sẽ giúp tâm trí và thể chất của bạn thoải mái hơn, tình trạng khóc khi ngủ cũng được khắc phục.
3. Khóc khi ngủ có phải hiện tượng bình thường không?
Khóc khi ngủ không phải là hiện tượng bất thường nhưng cũng cần được lưu tâm, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm sinh lý của một người. Những người khóc khi ngủ thường gặp phải một trong số các lý do vừa nêu trên đây, tuy nhiên, bạn cũng cần để ý để xem xét việc có cần can thiệp y tế không đối với tình trạng của mình.
Đối với những người thân trong gia đình, nếu bạn biết họ thường hay khóc khi ngủ thì nên để ý xem tiếng khóc có đi kèm với cảm xúc đau đớn, khó chịu không… Đối với người bệnh, nhiều người có thể mắc các bệnh như nhiễm trùng tiết niệu, lở loét, căng thẳng… nếu cần thiết thì có thể nhờ bác sĩ kiểm tra chuyên môn và khắc phục sớm, giảm thiểu cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Với những thông tin trên đây, chắc hẳn bạn đã có đáp án cho băn khoăn tại sao chúng ta khóc khi đang ngủ. Mong rằng bạn đã có thêm những kiến thức cần thiết để đối phó với tình trạng này, không để bản thân quá sợ hãi, lo lắng khi tình huống này xảy ra.
XEM THÊM:
- Bạn đã bao giờ nghe đến hiện tượng cười khi ngủ?
- Tìm hiểu tất tần tật về hiện tượng gặp ảo giác khi ngủ
- Thói quen cởi trần khi ngủ có tốt không? Cẩn thận rước bệnh vào người!
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/what-causes-adults-and-children-to-wake-up-crying#causes