Ngay từ khi mới chào đời, mọi đứa bé đều sẽ phát ra tiếng khóc đầu tiên và sau đó là rất nhiều âm thanh khác nhau thay cho “lời bé muốn nói”. Giai đoạn trong 3 năm đầu, bé sẽ tập làm quen với những âm thanh và tùy theo tốc độ phát triển não bộ mà chúng ta có thể dạy bé tập nói nhanh hay chậm. Vậy dạy bé như thế nào để bé có thể nói nhanh, hiệu quả? Cùng Vua nệm tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Nội Dung Chính
1. Giai đoạn phát triển ngôn ngữ của bé trong 3 năm đầu đời
Trước khi có thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và trao đổi với mọi người, bé sẽ phát ra những tiếng bập bẹ không có nghĩa để biểu đạt một số ý muốn của bản thân. Đến khi bé tròn 1 tuổi, có thể sẽ thốt ra từ hoàn chỉnh đầu tiên trong đời.
Từ đầu tiên này có thể là tiếng gọi “ba”, “mẹ”,… hay một từ ngữ nào khác, nhưng chắc chắn đây là một cột mốc rất quan trọng và sẽ là khoảng thời gian đầy thú vị đối với các bật phụ huynh.
Dần dần khi bé ngày một lớn hơn, người lớn thường thắc mắc kỹ năng ngôn ngữ của con sẽ như thế nào so với những đứa bé cùng tuổi khác. Cụ thể, mỗi đứa bé sẽ có tốc độ tập nói khác nhau, nghĩa là bé có thể biết nói chậm hoặc nhanh hơn không phụ thuộc vào số tuổi của bé.
Tuy nhiên, nếu có thể nắm được các cột mốc phát triển ngôn ngữ quan trọng, người lớn có thể phát hiện sớm một số vấn đề liên quan đến khả năng ngôn ngữ của bé và hỗ trợ để dạy bé tập nói hiệu quả.
1.1. Giai đoạn bé tập nói khi 6 tháng tuổi
Trong giai đoạn từ khi sinh ra đến 6 tháng tuổi, bé thường phát ra các âm thanh và những tiếng bập bẹ thú vị. Ở độ tuổi này, các bé thậm chí có thể hiểu bạn đang nói chuyện với chúng và thường sẽ có biểu hiện chuyển đầu về hướng phát ra âm thanh hay giọng nói.
Khi các bé được hướng dẫn cách hiểu ngôn ngữ và giao tiếp, các bé sẽ dễ tiếp thu và làm theo hướng dẫn trong hành trình tập nói.
1.2. Giai đoạn bé tập nói từ 7 đến 12 tháng tuổi
Thông thường, trẻ sơ sinh từ 7 đến 12 tháng tuổi có thể hiểu những từ đơn giản nhất như từ “không” chẳng hạn. Các bé có thể sử dụng một số cử chỉ để giao tiếp và có lượng từ vựng khoảng một đến ba từ mặc dù không thể nói từ đầu tiên rõ rệt của mình cho đến khi tròn 1 tuổi.
1.3. Giai đoạn bé tập nói từ 13 đến 18 tháng tuổi
Tại thời điểm này, vốn từ vựng của trẻ mới biết đi có thể mở rộng lên 10 đến 20 từ trở lên. Đó là thời điểm các bé bắt đầu lặp lại các từ nghe được từ người lớn. Thế nên các bậc phụ huynh cần chú ý và thận trọng lời nói của mình tránh việc bé bắt chước nói theo những từ không hay, không phù hợp với độ tuổi.
Lúc này, các bé cũng có thể tiếp nhận những câu nói đơn giản gói gọn trong vài chữ “bỏ nó xuống”, “đi chơi nhé” và cũng sẽ có thể diễn đạt được nhu cầu của bản thân bằng ngôn ngữ.
1.4 Giai đoạn bé tập nói từ 19 đến 36 tháng
Trong giai đoạn này, vốn từ vựng của trẻ mới biết đi đã tăng lên thành 50 đến 100 từ. Các bé bắt đầu có thể gọi tên những đồ vật cơ bản, con vật và biết các bộ phận trên cơ thể phải nói như thế nào, gọi những người thân quen mà bé thường được gặp. Phụ huynh chắc chắn sẽ thường xuyên nghe thấy những cụm từ hoặc câu ngắn phát ra từ miệng của bé cưng nhà mình.
Khi bé đã được 2-3 tuổi, bạn sẽ phát hiện bé bắt đầu có nhận thức về nhiều thứ hơn, bắt đầu tò mò và đặt ra nhiều câu hỏi có thể ngắt quãng hoặc trọn vẹn tùy theo tốc độ hiểu và khả năng nói của bé.
2. Phương pháp giúp bạn dạy bé tập nói hiệu quả
Các mốc thời gian trên sẽ giúp người lớn có thể quan tâm và hỗ trợ đến quá trình tập nói của bé. Sự thật cho thấy có nhiều bé đến khi biết đi mới bắt đầu phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
Mặc dù các bé có thể sẽ bắt kịp các kỹ năng ngôn ngữ tại một thời điểm nào đó, nhưng người lớn có thể dựa trên các mốc thời gian quan trọng để có những phương thức đồng hành cùng con, giúp bé phát triển các kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn và dễ dàng hơn.
2.1. Đọc cùng bé
Mỗi ngày, đọc hay kể cho bé nghe những câu chuyện bằng sách tranh là một trong số cách đơn giản nhất giúp khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ của bé. Theo một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, các bé có thể tiếp xúc với vốn từ vựng rộng hơn khi được nghe đọc thay vì nghe người lớn nói chuyện.
XEM THÊM: Top 11 truyện cổ tích bằng tiếng Anh hay, ý nghĩa dành cho các bé
2.2. Sử dụng ngôn ngữ ký hiệu
Cử chỉ và hành động biểu thị cho một ý nói nào đó vừa giúp bạn có thể “giao tiếp” một cách đơn giản với bé, đồng thời cũng sẽ hỗ trợ ít nhiều khi dạy bé tập nói.
Rất nhiều phụ huynh sẽ chỉ cho bé những ký hiệu khi bé có nhu cầu ăn uống, vệ sinh cá nhân,… Mỗi lần thực hiện hành động kèm theo các từ ngữ và câu nói sẽ giúp bé dễ hiểu và tiếp thu ngôn ngữ nhanh hơn.
Ngoài ra, khi cho trẻ khả năng thể hiện bản thân thông qua ngôn ngữ ký hiệu có thể giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp. Đồng thời, giúp tạo ra một môi trường tốt hơn để học thêm ngôn ngữ.
2.3. Sử dụng ngôn ngữ bất cứ khi nào có thể
Khi bé cưng còn nhỏ vẫn chưa thể trò chuyện cùng bạn không có nghĩa là bạn luôn giữ im lặng suốt thời gian ở bên cạnh bé. Bạn nói nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn với bé sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tiếp thu ngôn ngữ của bé.
Đơn giản khi làm một việc gì đó cho bé chẳng hạn như thay tã hay pha sữa hãy dùng lời nói để thuật lại và giải thích những gì bạn đang làm với bé. Bạn có thể chia sẻ và kể cho bé nghe những mẩu chuyện nhỏ bằng những câu từ ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu cho bé. Bạn có thể hát ru cho bé, chỉ vào những đồ vật và gọi tên chúng,…
2.4. Nói thay vì dùng hành động
Khi bé đã có khả năng nói những từ đơn giản nhưng vẫn giữ thói quen chỉ vào những đồ vật mà bé muốn, thay vì chỉ đưa cho bé hãy nói kèm theo tên đồ vật đó. Chẳng hạn như bé chỉ vào trái banh hãy vừa nói trái banh khi đưa cho bé và nếu bé đã có vốn từ vựng kha khá hãy tập cho bé nói “con muốn trái banh” thay vì chỉ vào trái banh như thường lệ.
2.5. Mở rộng câu nói của bé
Khi đã có thể nói những từ đơn giản bạn hãy giúp bé mở rộng vốn từ vựng nhiều hơn. Ví dụ khi nhìn thấy một chú mèo và bé nói “mèo”, bạn miêu tả rõ thêm như “mèo lông vàng, béo tròn” để giúp bé có thể học những từ mới.
2.6. Cho bé lựa chọn
Hãy thường xuyên đưa ra đề nghị cho bé lựa chọn để khuyến khích bé trả lời bằng ngôn ngữ. Chẳng hạn như bạn có hai món đồ chơi khác nhau hãy đưa đến trước mặt bé và hỏi xem con muốn thứ nào. Nếu bé chỉ dùng tay chỉ vào món đồ bé thích hãy tập cho bé nói ra được tên gọi của món đồ đó khi đưa cho bé.
2.7. Hạn chế cho bé tiếp xúc quá lâu với thiết bị điện tử
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, hiện nay nhiều phụ huynh có thói quen cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad,… nhưng vô tình ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Thời gian sử dụng các thiết bị này có thể là nguy cơ tác động đến thị lực và thậm chí là khả năng phát triển ngôn ngữ của bé. Chính vì thế hãy hạn chế thời gian cho bé tiếp xúc với các “màn hình”, tốt nhất luôn phải kiểm soát và không lạm dụng chúng trong việc chăm sóc và dạy bé tập nói.
Không gì tuyệt vời hơn khi bậc cha mẹ có thể nghe thấy tiếng nói đầu đời của con trẻ, chắc chắn bất cứ phụ huynh nào cũng không muốn bỏ lỡ cột mốc quan trọng này và mong muốn được đồng hành cùng bé trong quá trình phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
XEM THÊM:
- Dạy con tự lập từ nhỏ; Những điều cha mẹ cần biết
- Muốn con thành đạt, cha mẹ nhất định phải dạy con những điều này
- Top 10 cuốn sách hay dành cho cha mẹ để nuôi dạy con cái toàn diện hơn
Tuy nhiên, nếu bé chậm nói, bạn cũng đừng quá lo lắng vì đây có thể là một trường hợp hoàn toàn bình thường. Sau khi đã xác định và nghi ngờ có một nguyên nhân bất thường nào khác hãy đưa bé đi kiểm tra sức khỏe để tìm hiểu rõ và có phương thức phù hợp để dạy bé tập nói và phát triển toàn diện.
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/how-to-teach-toddler-to-talk