Tình yêu - Gia đình

Mách cha mẹ cách dạy bé đánh vần chủ động và hiệu quả nhất

CẬP NHẬT 05/09/2023 | BỞI Minh Anh

Đánh vần là một kỹ năng cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa quyết định đến quá trình tiếp cận ngôn ngữ của trẻ trong độ tuổi từ mầm non lên lớp 1. Vì thế, chủ đề này luôn khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, trăn trở. Bài viết sau đây của Vua Nệm sẽ gợi ý đến cha mẹ cách dạy bé đánh vần chủ động và hiệu quả nhất, phù hợp để áp dụng ngay tại nhà.

1. Những điều cha mẹ cần chuẩn bị trước khi dạy bé cách đánh vần

Để quá trình dạy bé đánh vần phát huy hiệu quả như ý muốn, cha mẹ cần chuẩn bị sẵn các yếu tố sau:

– Tâm lý: Đầu tiên, phụ huynh cần xác định trước rằng trẻ đang còn khá nhỏ nên khả năng tập trung sẽ không được tốt như các bé trong độ tuổi cấp hai hay cấp ba. Do đó, thay vì quát mắng hoặc bắt ép con thì hãy cố gắng giữ thái độ thật kiên nhẫn và ôn hòa khi dạy con tập đọc. Tưởng chừng đơn giản song hành động này từ phía cha mẹ có thể giúp bé cảm thấy thoải mái, tự tin hơn

– Kiến thức: Để con tiếp thu bài vở tốt hơn, cha mẹ nên dành thời gian ôn tập lại trước khi ngồi vào bàn và dạy con học. Trên thực tế, dù đây chỉ là những kiến thức rất cơ bản đối với người lớn nhưng lại là điều hoàn toàn mới mẻ với trẻ. Lúc này, việc nắm vững trọng tâm và truyền đạt đúng phương pháp sẽ giúp cha mẹ hướng dẫn bé một cách chính xác, hiệu quả nhất

cách dạy bé đánh vần
Cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ tâm lý và kiến thức trước khi dạy bé đánh vần

– Sách vở và đồ dùng học tập: Một số loại đồ dùng học tập cơ bản mà cha mẹ nên sắm trước khi dạy bé đánh vần gồm sách giáo khoa, vở ô ly, bảng chữ cái, bút chì, cục gôm,… Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị hai cuốn sách tiếng Việt để bé vừa có phương tiện để học trên lớp, vừa có thêm tài liệu để học cùng cha mẹ ở nhà. Bên cạnh đó, bảng treo tường cũng là một món đồ rất đáng để đầu tư

2. Lựa chọn và sắp xếp thời gian học đánh vần phù hợp

Như đã nói ở trên, trẻ em ở độ tuổi này thường khó tập trung cao độ trong một thời gian dài. Đó chính là lý do tại sao phụ huynh nên lựa chọn một khung giờ dạy bé tập đọc phù hợp nhằm khơi gợi hứng thú học tập ở con trẻ. Cha mẹ có thể hướng dẫn con cách đánh vần một số từ vựng đơn giản và quen thuộc khi con đang tắm hoặc chuẩn bị đi ngủ,…

hướng dẫn cha mẹ dạy bé đánh vần
Phụ huynh nên lựa chọn một khung giờ dạy bé tập đọc phù hợp

3. Duy trì sự kiên nhẫn khi đồng hành cùng con

Xuất phát từ tâm lý cho rằng đây là những kiến thức dễ nên nhiều bậc phụ huynh thường bộc lộ sự nóng vội, thiếu kiên nhẫn, thậm chí là ép buộc và dọa nạt con mỗi khi thấy trẻ không làm được như kỳ vọng. Tuy nhiên, cách giáo dục có phần nghiêm khắc thái quá này lại dễ làm cho các bé cảm thấy sợ hãi, tự ti. Bạn nên nhớ rằng dạy con là cả một quá trình dài, vì vậy không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà phải cần đến thái độ chỉ bảo nhẹ nhàng cùng sự thực hành liên tục

dạy bé đánh vần cần sự kiên nhẫn
Thái độ từ tốn và kiên nhẫn là yếu tố vô cùng quan trọng khi dạy bé đánh vần

4. Dạy bé làm quen với bảng chữ cái (mặt chữ và âm đọc)

Việc đầu tiên che mẹ cần làm khi dạy bé đánh vần chính là cho con làm quen mặt chữ, sau đó học cách phân biệt tên gọi cũng như cách phát âm của từng chữ cái. Ví dụ như:

– ‘bê, xê, dê, đê’ là tên gọi của các chữ ‘b, c, d, đ’

– ‘bờ, cờ, dờ, đờ’ là cách đọc của các chữ ‘b, c, d, đ’

Trình tự học tập này sẽ giúp bé nhận diện được toàn bộ bảng chữ cái, đồng thời hiểu được sự khác nhau giữa tên gọi và âm đọc nói chung.

dạy bé làm quen với bảng chữ cái
Việc đầu tiên che mẹ cần làm là cho con làm quen mặt chữ và âm đọc

>>>Xem ngay: TOP 11 trò chơi học tập cho trẻ mầm non hay và thú vị

5. Dạy bé các dấu câu cụ thể trong tiếng Việt

Đặc trưng của tiếng Việt là hệ thống dấu câu đa dạng, khi ghép với chữ sẽ tạo thành các ngữ điệu và ngữ nghĩa khác nhau. Do vậy, sau khi con đã quen được với mặt chữ, cha mẹ hãy tiến đến bước tiếp theo là hướng dẫn bé cách để phân biệt các dấu câu quen thuộc. Bao gồm: dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã và dấu nặng. Song song với việc học qua ký tự, phụ huynh đừng quên dạy bé cách phát âm và nhấn giọng tương ứng với từng dấu nhé!

6. Dạy bé ghép chữ và đánh vần đơn giản

6.1 Lưu ý thứ tự đánh vần

Trong tiếng Việt, mỗi một tiếng thường được cấu tạo từ 3 bộ phận gồm: âm đầu, vần và thanh (nếu có). Để bé không mắc lỗi hay lúng túng khi ghép chữ, cha mẹ bắt buộc tuân thủ đúng thứ tự đánh vần sau đây: phát âm vần trước, tiếp đến là ghép âm đầu với vần vừa đọc rồi ghép với thanh sắc kèm theo. 

Cha mẹ phải tuân thủ đúng thứ tự đánh vần khi dạy bé tập đọc
Cha mẹ phải tuân thủ đúng thứ tự đánh vần khi dạy bé tập đọc

Ví dụ chữ mèo sẽ được đánh vần theo trình tự: đọc vần trước(e + o = eo), sau đó nối với phụ âm đầu (m – mờ) và ghép nguyên cụm với dấu huyền 

Lưu ý, phụ huynh nên lặp lại cấu trúc đánh vần này cho đến khi trẻ ghi nhớ được rồi mới để trẻ tự đọc để tránh những sai sót có thể phát sinh. 

6.2 Bắt đầu với các từ đơn giản và quen thuộc

Một bí kíp nữa giúp cha mẹ dạy trẻ đánh vần hiệu quả hơn chính là bắt đầu với những chữ cái và từ vựng thân thuộc nhất với bé. Điển hình là các từ, cụm từ mà trẻ thường hay nói hàng ngày như: người thân trong gia đình (ba, mẹ, ông, bà, anh, chị), các đồ vật xung quanh (bàn, ghế, vở, ly, chén, áo, quần), vật nuôi (heo, bò, gà, vịt),… Điều này sẽ giúp bé tiếp thu nhanh và kích thích trí tưởng tượng nhiều hơn so với khi dùng các từ xa lạ khác.

6.3 Kiên nhẫn khi gặp những từ khó

Khi gặp phải những từ dài hoặc khó phát âm như ‘uống’, ‘ao’, ‘ích’,… cha mẹ càng phải kiên nhẫn với bé nhiều hơn, tránh nôn nóng hoặc đốc thúc con học quá mức. Bởi lẽ, khả năng đọc hiểu của bé chỉ mới đang trong quá trình hoàn thiện nên sẽ cần khá nhiều thời gian để thích nghi và tiếp nhận kiến thức mới. Mặt khác, hãy đảm bảo rằng con đã quen với những từ ngắn, dễ trước khi thử nâng độ khó lên.

Phụ huynh nên tránh thúc ép bé học các từ khó quá sớm
Phụ huynh nên tránh thúc ép bé học các từ khó quá sớm

Sau khi con đã tự ghép chữ và đánh vần một cách rành mạch, phụ huynh có thể cho bé làm quen dần với những câu ngắn, kế đến là truyện tranh/truyện ngắn có hình ảnh nhằm kích thích bé rèn luyện thêm mỗi ngày

7. Một số lưu ý khi dạy bé đánh vần

7.1 Linh hoạt ứng dụng nhiều phương pháp học khác nhau

Bên cạnh việc dạy con học qua sách vở và các giáo cụ truyền thống, cha mẹ nên linh hoạt ứng dụng nhiều phương pháp học khác nhau khi luyện tập cho bé đánh vần. Điều này không chỉ giúp bé cảm thấy thoải mái mà còn gián tiếp khơi dậy sự hứng khởi cần thiết. Bạn có thể chuẩn bị một vài món đồ chơi có biểu tượng chữ cái hoặc học cùng bé thông qua các trò chơi yêu thích,…

Dạy bé đánh vần qua trò chơi là một gợi ý tuyệt vời mà cha mẹ nên thử
Dạy bé đánh vần qua trò chơi là một gợi ý tuyệt vời mà cha mẹ nên thử

7.2 Học trong thời gian vừa đủ và luyện tập thường xuyên

Đối với các bé ở tầm tuổi mầm non, thời gian học lý tưởng nhất chỉ nên dừng lại trong khoảng 5 – 10 phút mỗi ngày. Cha mẹ có thể lựa chọn một khung giờ riêng hoặc cho bé học tập ngẫu nhiên mỗi khi bé cảm thấy tò mò hay đứng gần bảng chữ cái. Đặc biệt, ‘giờ học’ phải diễn ra hàng ngày, giúp con tạo thành thói quen và có điều kiện trau dồi lại kiến thức.

7.3 Không ép bé học quá nhiều (gây mất hứng thú học tập và tiếp thu kém hiệu quả)

Theo kinh nghiệm, phụ huynh không nên ép con học quá lâu vì điều này rất dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý chán nản, khó chịu và mất đi hứng thú học tập. Đây là thời điểm bé còn ham chơi nên việc giảng dạy từ từ sẽ là giải pháp hợp lý hơn cả.

Ép con học quá lâu sẽ làm trẻ mất hứng thú học tập
Ép con học quá lâu sẽ làm trẻ mất hứng thú học tập

Trên đây là bài viết của Vua Nệm về chủ đề cách dạy bé đánh vần chủ động và hiệu quả nhất dành cho các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi lên lớp 1. Hi vọng rằng bài viết sẽ giúp cha mẹ có cái nhìn toàn cảnh, từ đó đưa ra được phương pháp giáo dục phù hợp cho từng bé.

>>>Xem thêm:

Bài viết liên quan:

Avatar
Minh Anh