Cherophobia là gì/hội chứng sợ hạnh phúc là gì? 

CẬP NHẬT 15/09/2024 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh

Hầu hết chúng ta đều muốn tránh xa những chuyện không vui và không muốn đối mặt với sự buồn bã. Thế nhưng, bạn có biết, cũng có rất nhiều người lại sợ hạnh phúc và thậm chí là ác cảm với hạnh phúc. Nó được gọi là cherophobia.

Vậy chính xác thì cherophobia là gì/hội chứng sợ hạnh phúc là như thế nào? Tại sao một số người lại sợ hạnh phúc, và tình trạng này có thể điều trị được không? Cùng Vua Nệm tìm hiểu trong bài viết này nhé.

1. Cherophobia là gì/hội chứng sợ hạnh phúc là gì?

Nhiều người trong chúng ta đang tìm kiếm hạnh phúc trong suốt cuộc đời mình. Có thể là hạnh phúc từ tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, hay hạnh phúc trong sự nghiệp thành công…Vì vậy, khi nói đến hội chứng sợ hạnh phúc nghe có vẻ rất khó tin và phi lý.

Nhưng, trên thực tế, sợ hạnh phúc là hoàn toàn có thật. Có một số người tránh mọi cảm giác hạnh phúc và thực sự sợ niềm vui. Hiện tượng này được gọi là cherophobia, hay hội chứng sợ hạnh phúc.

hội chứng Cherophobia
Cherophobia là gì? Là sự ác cảm, sợ hãi hạnh phúc

Cherophobia là gì? Thuật ngữ cherophobia, bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp ‘chairo’, có nghĩa là ‘vui mừng’, là sự ác cảm hoặc sợ hãi hạnh phúc. Chứng cherophobia hiện không được công nhận là một rối loạn lâm sàng theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (DSM), nhưng được các chuyên gia sức khỏe tâm thần phân loại là một dạng lo âu.

Những người mắc chứng cherophobia không phải lúc nào cũng sợ những cảm giác dễ chịu, thoải mái, vui vẻ mà hạnh phúc có thể mang lại. Mà họ quan tâm nhiều hơn đến những tác động tiêu cực có thể xảy ra sau khi hạnh phúc. Đó là sự thất vọng, buồn bã, cô đơn có thể xảy ra khi hạnh phúc đi qua.

Một số người mắc hội chứng sợ hạnh phúc có thể cảm thấy mình không xứng đáng với niềm hạnh phúc đó. Họ cũng cho rằng hạnh phúc không thể ổn định hay bất biến, và chỉ có những bất hạnh tiềm ẩn bên cạnh hạnh phúc là luôn tồn tại. Vì vậy chẳng có ích gì khi tin vào hạnh phúc và vui vẻ vì điều đó.

2. Nguyên nhân của cherophobia là gì?

Nguyên nhân gây ra cherophobia là gì và triệu chứng của cherophobia là gì? Chắc chắn đây là vấn đề mà nhiều người thắc mắc.

2.1. Đặc điểm tính cách hướng nội

Mặc dù tính hướng nội không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chứng hội chứng cherophobia, nhưng những người hướng nội có nhiều khả năng cảm thấy sợ hạnh phúc hơn bình thường.

Vì những người hướng nội thích ở một mình và tránh các hoạt động đông người. Điều này cũng giống như những người mắc chứng cherophobia làm để trốn tránh hạnh phúc, thì những người hướng nội cũng làm cách này để trốn tránh sự tiếp xúc với người khác nên có thể mắc hội chứng sợ hạnh phúc nhiều hơn.

 hội chứng sợ hạnh phúc
Tính cách hướng nội có thể dẫn tới hội chứng sợ hạnh phúc

2.2. Do trải nghiệm từ thời thơ ấu

Theo các chuyên gia, hội chứng sợ hạnh phúc có thể xuất phát từ những trải nghiệm thời thơ ấu tạo ra mối liên hệ giữa niềm vui và nỗi đau, sau đó trở thành nỗi ám ảnh trong não bộ. Những người mắc chứng cherophobia tin rằng, sau điều gì đó hạnh phúc sẽ luôn kéo theo những nỗi đau.

Ví dụ, quá vui vẻ với bạn bè có thể tiết lộ mối tình đầu với những người bạn này, sau đó họ sẽ bị chế giễu vì bí mật này và khiến họ đau khổ, cảm thấy xấu hổ và nhục nhã. Những tổn thương này tồn tại khi họ còn nhỏ tuổi và có thể kéo dài cho đến khi họ già đi, nó hằn sâu trong tâm trí của họ.

2.3. Ảnh hưởng từ môi trường sống

Ngoài ra, cherophobia cũng có thể xuất hiện do sống trong môi trường có người mắc hội chứng này. Họ có thể được cảnh báo hoặc chỉ trích khi vui vẻ, họ được dạy rằng nếu hạnh phúc sẽ gây ra sự xui xẻo cho người khác. Do đó, những người này sẽ có phản ứng lại những điều mang lại sự hạnh phúc và trở nên ác cảm với hạnh phúc.

2.4. Trầm cảm 

Bản thân trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần mà hàng ngàn người trên khắp thế giới mắc phải. Nó được liệt kê trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (DSM).

Trầm cảm dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy thấp thỏm, thiếu hy vọng và mất cảm giác hạnh phúc. Trầm cảm ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc cũng như hành động của một người. Một trong những biểu hiện trầm cảm là tự tách biệt bản thân với xã hội. Những người mắc trầm cảm rất dễ mắc hội chứng sợ hạnh phúc.

Ngược lại, nỗi ám ảnh hạnh phúc cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm hoặc khiến nó trầm trọng hơn. Bởi vì con người cần những trải nghiệm tích cực để củng cố và tiếp thêm năng lượng cho bản thân, cả về tinh thần và thể chất.

Những người mắc trầm cảm có thể mắc cherophobia
Những người mắc trầm cảm có thể mắc cherophobia

Ngoài ra, việc sản xuất cái gọi là “hormone hạnh phúc” (endorphin như serotonin và dopamine), rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Nếu không sản xuất đủ các endorphin này có thể khiến con người bị trầm cảm.

3. Các triệu chứng của hội chứng sợ hạnh phúc – cherophobia là gì?

Các triệu chứng của cherophobia là gì? Các bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng của hội chứng này như sau:

  • Sợ hãi các cuộc tụ họp xã hội
  • Sẵn sàng từ chối các cơ hội công việc hoặc cuộc sống tốt đẹp, đầy hứa hẹn
  • Có suy nghĩ rằng việc thể hiện niềm vui khiến mình trở thành một người xấu, ảnh hưởng tới những người khác.
  • Không hoặc hạn chế tham gia các hoạt động vui chơi cùng bạn bè, người thân.

Cùng với những triệu chứng này sẽ là một số biểu hiện về mặt sinh lý có thể xảy ra ở người mắc hội chứng cherophobia, đó là:

  • Chóng mặt hoặc cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức
  • Buồn nôn
  • Khô miệng 
  • Cơ thể tê liệt
  • Đổ mồ hôi
  • Run rẩy hoặc ớn lạnh
  • Nóng bừng 
  • Khó thở
  • Lú lẫn 
  • Ù tai 
  • Tăng huyết áp
  • Hít thở mạnh
 người mắc hội chứng cherophobia
Những người mắc hội chứng cherophobia có thể cảm lấy lo lắng, buồn nôn khi đối mặt với hạnh phúc

Cherophobia cũng giống như những nỗi sợ không có căn cứ khác, như sợ bóng đêm, sợ đám đông, sợ côn trùng…Hội chứng sợ hạnh phúc được hình thành như một thói quen trong suy nghĩ và có thể thay đổi, điều trị được. Vậy cách điều cherophobia là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết để biết những phương pháp điều trị hội chứng sợ hạnh phúc này nhé.

4. Phương pháp điều trị hội chứng sợ hạnh phúc

Những người sống chung với chứng cherophobia thường trải qua nhiều năm trong đời mà không nhận ra chứng cherophobia nghĩa là gì hoặc liệu mình có mắc bệnh này hay không. Thông thường, cherophobia cũng được coi là một dạng lo lắng hoặc tác dụng phụ của trầm cảm. Sau đây là một số cách để điều trị hoặc khắc phục chứng cherophobia. 

4.1. Trị liệu hành vi nhận thức  

Trị liệu hành vi nhận thức (CBT) là một hình thức trị liệu được nhiều chuyên gia sử dụng để khắc phục chứng lo âu. CBT cũng được sử dụng trong điều trị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực và các kiểu suy nghĩ ảnh hưởng đến hành vi và tâm trạng.

CBT cũng được sử dụng để trị liệu hội chứng sợ hạnh phúc. Chúng bao gồm các buổi trị liệu chuyên nghiệp với nhà trị liệu. Nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh ngày càng có nhiều kiểu suy nghĩ lành mạnh và tích cực hơn thông qua các cuộc gặp gỡ nói chuyện. Người bệnh có thể quản lý nỗi sợ hãi của họ bằng cách thiết lập suy nghĩ tích cực, lạc quan. 

4.2. Liệu pháp tiếp xúc 

Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là đối mặt với nó. Liệu pháp tiếp xúc tuân theo một nguyên tắc tương tự. Mục tiêu là để người bệnh từ từ tiếp xúc với đối tượng gây sợ hãi, cho đến khi cuối cùng cảm thấy bớt sợ hãi hơn. 

Đối với hội chứng cherophobia, người bệnh tách mình khỏi xã hội hoặc tránh các hoạt động mang lại hạnh phúc. Bằng liệu pháp tiếp xúc, người bệnh bắt đầu bằng việc đi dự một sự kiện gia đình, thực hiện một hoạt động mang lại niềm vui như tham gia hoạt động công ty…Mục tiêu là cho phép bản thân trải nghiệm hạnh phúc. Theo thời gian, người bệnh có thể cảm thấy thoải mái hơn khi hạnh phúc.

Phương pháp điều trị hội chứng sợ hạnh phúc
Liệu pháp tiếp xúc giúp giảm nỗi sợ hãi

4.3. Liệu pháp thôi miên

Liệu pháp thôi miên là một dạng kỹ thuật trị liệu phức tạp được sử dụng bởi các chuyên gia. Nó liên quan đến việc đào sâu vào quá khứ của người đó để tìm ra gốc rễ của nỗi sợ hãi. Thông qua đó, chuyên gia và khách hàng có thể bắt đầu giải quyết những ký ức đau buồn và đạt được trạng thái khỏe mạnh hơn. 

4.4. Ngồi thiền hỗ trợ giảm chứng sợ hãi hạnh phúc 

Thiền định là một cách để giải quyết căng thẳng. Ngồi thiền giúp tập trung hơi thở và suy nghĩ của mình theo một hướng. Thông qua thiền định, một người có thể trở nên tập trung vào một nơi nào đó trong cơ thể hoặc tâm trí, đến nỗi tâm trí không bị phân tâm bởi những suy nghĩ tiêu cực. Thiền giúp xua tan nỗi sợ hãi và cho phép người đó tận hưởng sự bình yên. 

4.5. Thay đổi lối sống 

Thông qua nói chuyện và trị liệu, người ta thường thấy rằng một người mắc hội chứng sợ hạnh phúc thường tránh các cuộc tụ họp và các sự kiện xã hội. Họ thậm chí có thể tránh hẹn hò và các mối quan hệ cá nhân. 

Do đó, một cách để đối phó với cherophobia là thay đổi lối sống. Mặc dù đây cũng là liệu pháp tiếp xúc, nhưng những thay đổi về lối sống sẽ lành mạnh hơn và có ích về mặt lâu dài.

4.6. Viết nhật ký 

Một cách khác để đối mặt với nỗi sợ hãi hoặc xây dựng lại niềm tin của bạn là viết ra những nỗi sợ hãi và suy nghĩ của mình. Điều này không chữa khỏi hội chứng cherophobia, nhưng là cách để theo dõi những suy nghĩ của người bệnh, để họ có thể nhận thức rõ hơn về sức khỏe tinh thần và cảm xúc của mình. Từ đó giúp ích cho quá trình trị liệu bằng các phương pháp chuyên môn khác.

trị liệu hội chứng sợ hạnh phúc
Viết nhật ký giúp cho quá trình trị liệu hội chứng sợ hạnh phúc dễ dàng hơn

4.7. Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) 

Liệu pháp Hành vi Biện chứng (DBT) mặc dù không được thiết kế đặc biệt để điều trị hội chứng cherophobia hoặc bất kỳ loại lo âu cụ thể nào, nhưng nó giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng. 

DBT sử dụng kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau để giúp một người điều chỉnh cảm xúc, sống trong hiện tại và có lối suy nghĩ lành mạnh hơn. Các kỹ thuật như chánh niệm và thiền định cũng là những kỹ thuật được sử dụng trong DBT. 

Một kỹ thuật DBT khác là khả năng chịu đựng đau khổ, đặt mình vào trong tình huống gây sợ hãi và cảm nhận nó sau đó tự đánh lạc hướng suy nghĩ của mình để thoát khỏi nỗi sợ.

XEM THÊM:

Trên đây là những lý giải, phân tích về cherophobia là gì/hội chứng sợ hạnh phúc có triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp trị liệu ra sao. Nếu bạn cũng có những triệu chứng sợ hãi cảm giác hạnh phúc, hãy nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt để khắc phục nó ngay nhé.

Đánh giá post

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM