Tình yêu - Gia đình

Cách bảo quản sữa mẹ đúng giúp đảm bảo an toàn cho con bú

CẬP NHẬT 01/08/2022 | BỞI Tiến Kiều

Các bà mẹ đang cho con bú thường sẽ vắt (hoặc hút) sữa để dự trữ sử dụng trong trường hợp mẹ đi ra ngoài hoặc nếu người mẹ đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản. Và một khi bạn bắt đầu hút sữa, điều quan trọng là bạn phải biết cách bảo quản sữa đã vắt ra một cách an toàn.

Có một số cách để bảo quản sữa mẹ an toàn và đảm bảo sữa luôn sẵn sàng cho bé sử dụng khi cần dùng. Trong bài viết này, Vua Nệm sẽ chia sẻ với các bạn cách bảo quản sữa mẹ dùng cho con trong thời gian dài mà không bị hỏng, tốt cho sức khỏe của con.

1. Vai trò của sữa mẹ với trẻ sơ sinh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ cho đến 2 tuổi hoặc lâu hơn bởi vì những lợi ích mà sữa mẹ mang lại cho trẻ sơ sinh.

1.1. Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh

Hầu hết các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên bạn nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng hoặc lâu hơn.

Sữa mẹ chứa tất cả mọi thứ em bé cần trong 6 tháng đầu đời, với tất cả các tỷ lệ phù hợp. Thành phần của nó thậm chí thay đổi theo nhu cầu của em bé, đặc biệt là trong tháng đầu tiên của cuộc đời.

bảo quản sữa mẹ đúng cách
Sữa mẹ cung cấp chất dinh dưỡng lý tưởng cho con

Trong những ngày đầu tiên sau khi sinh, vú của bạn tiết ra một chất lỏng đặc và có màu vàng gọi là sữa non. Nó chứa nhiều protein, ít đường và chứa nhiều hợp chất có lợi. Nó thực sự là một loại thực phẩm tuyệt vời và không thể thay thế bằng sữa công thức.

Sữa non là sữa lý tưởng và giúp đường tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh phát triển. Sau vài ngày đầu tiên, vú bắt đầu sản xuất lượng sữa lớn hơn khi dạ dày của em bé phát triển.

1.2. Sữa mẹ chứa các kháng thể quan trọng

Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp con bạn chống lại vi rút và vi khuẩn, điều này rất quan trọng trong những tháng đầu còn non nớt. Sữa non cung cấp một lượng cao immunoglobulin A (IgA – là loại globulin miễn dịch có nồng độ cao thứ 2 trong máu), cũng như một số kháng thể khác.

Khi tiếp xúc với vi rút hoặc vi khuẩn, cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất các kháng thể sau đó đi vào sữa. Trẻ sơ sinh sẽ hấp thu kháng thể này thông qua sữa mẹ. IgA bảo vệ em bé khỏi bị ốm bằng cách hình thành một lớp bảo vệ trong mũi, cổ họng và hệ thống tiêu hóa. Trong khi đó, nếu trẻ không được bú sữa mẹ dễ gặp các vấn đề sức khỏe như viêm phổi, tiêu chảy và nhiễm trùng.

1.3. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh

Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật bao gồm:

  • Viêm tai giữa: Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và càng lâu càng tốt, có thể bảo vệ con khỏi nhiễm trùng tai giữa, cổ họng và xoang.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Nuôi con bằng sữa mẹ có thể bảo vệ chống lại các bệnh cấp tính về đường hô hấp và đường tiêu hóa.
  • Cảm lạnh và nhiễm trùng: Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng có thể giảm nguy cơ bị cảm lạnh nghiêm trọng và nhiễm trùng tai hoặc họng.
  • Tổn thương mô ruột, bệnh đường ruột: Cho trẻ sinh bú sữa mẹ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột hoại tử. Trẻ đang bú mẹ cũng có thể ít có khả năng phát triển bệnh Crohn và viêm loét đại tràng và giảm nhiễm trùng đường ruột.
  • Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS): Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm nguy cơ SIDS, đặc biệt là khi cho con bú mẹ hoàn toàn.
  • Các bệnh dị ứng: Nuôi con bằng sữa mẹ giảm rủi ro bệnh hen suyễn, viêm da dị ứng và bệnh chàm.
  • Bệnh tiểu đường: Sữa mẹ giúp con giảm rủi ro phát triển bệnh tiểu đường loại 1 và bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (loại 2).
  • Bệnh bạch cầu: Giảm nguy cơ bệnh bạch cho trẻ sơ sinh.khi cho con bú sữa mẹ.

1.4. Sữa mẹ thúc đẩy sự tăng cân nặng khỏe mạnh của em bé

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp thúc đẩy tăng cân lành mạnh và giúp ngăn ngừa béo phì ở trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian dài hơn 4 tháng đã giảm đáng kể khả năng trẻ bị thừa cân và béo phì. Điều này có thể là do sự phát triển của các vi khuẩn đường ruột khác nhau.

cách bảo quản sữa mẹ khi hút ra ngoài
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp con tăng cân khỏe mạnh

Với những trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ có tỷ lệ vi khuẩn đường ruột có lợi cao hơn. Đồng thời, sữa mẹ cũng có nhiều leptin sữa công thức. Leptin là một hormone quan trọng để điều chỉnh sự thèm ăn và lưu trữ chất béo.

Ngoài ra, khi trẻ được ăn sữa mẹ, nó cũng tự điều chỉnh lượng sữa theo nhu cầu. Trẻ bú cho đến khi thỏa mãn cơn đói, điều này giúp trẻ phát triển các mô hình ăn uống lành mạnh.

1.5. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp trẻ thông minh hơn

Nhiều nghiên cứu cho thấy có thể có sự khác biệt về sự phát triển trí não giữa trẻ bú sữa mẹ và trẻ bú sữa công thức.

Sự khác biệt này có thể là do sự gần gũi về thể chất, sự đụng chạm và giao tiếp bằng mắt liên quan đến việc cho con bú cũng như hàm lượng chất dinh dưỡng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ được bú sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn và ít có nguy cơ mắc các vấn đề về kỹ năng xử lý khó khăn trong học tập.

Ngoài những lợi ích mà sữa mẹ mang lại cho trẻ sơ sinh, thì việc cho con bú sữa mẹ còn có những mặt có lợi cho người mẹ, như: giúp mẹ giảm cân tử cung dần co lại như kích thước ban đầu, nguy cơ trầm cảm sau sinh thấp hơn so với những người mẹ không cho con bú.

cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng tốt cho tâm lý và cơ thể của người mẹ

Cho con bú cũng giúp các mẹ giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư buồng trứng, huyết áp cao… Nuôi con bằng sữa mẹ làm ngừng quá trình rụng trứng và hành kinh, để mẹ thư giãn trong những tháng sau sinh. Mặt khác, nó cũng giúp các gia đình tiết kiệm tiền bạc và hạn chế thời gian pha sữa hơn.

2. Cách bảo quản sữa mẹ giúp đảm bảo an toàn

Chính vì những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ mà các mẹ vẫn cho dùng sữa mẹ ngay cả khi quay trở lại đi làm sau kỳ nghỉ thai sản. Để luôn có sẵn cho con uống khi mẹ vắng nhà, các mẹ dùng cách hút/vắt sữa để dự trữ ở nhà. Dưới đây là những phương pháp bảo quản sữa đúng cách, đảm bảo an toàn cho con sử dụng trong thời gian dài.

2.1. Chuẩn bị vắt sữa mẹ

Trước khi vắt/hút sữa mẹ, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng tay của bạn hay bất kỳ bộ phận nào của máy hút sữa và dụng cụ đựng sữa đều sạch sẽ. Đây là bước đầu tiên để đảm bảo sữa an toàn, không chứa vi khuẩn, vi rút gây bệnh.

Bên cạnh đó là phải có một bình trữ thích hợp cho sữa mẹ. Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC khuyến nghị sử dụng túi hoặc bình sữa được thiết kế riêng để đựng sữa mẹ, tránh các chất gây ô nhiễm như BPA (Bisphenol A là một hoạt chất dùng trong chế tạo các sản phẩm nhựa polycarbonate, chất dẻo). Không sử dụng túi nhựa dùng một lần hoặc chai nhựa để đựng sữa mẹ. Tốt nhất là dùng túi trữ sữa mẹ có thể đóng kín hoặc bình thủy tinh có nắp đậy kín. 

Sau khi vắt sữa, hãy dán nhãn rõ ràng vào hộp đựng có tên của bạn và ngày lấy sữa. Tốt nhất nên trữ sữa mẹ thành từng mẻ nhỏ, đủ cho con dùng trong một lần uống.

cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt
Cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra

2.2. Bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng

Ở nhiệt độ phòng 25 độ C, sữa mẹ sẽ được bảo quản tốt đến 4 giờ. Tốt nhất, sữa mẹ nên được giữ ở nơi mát nhất có thể. Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên ủ sữa bằng khăn sạch và mát để đảm bảo an toàn. Nếu con bạn đã ăn một phần sữa mẹ trong bình, phần còn lại nên được sử dụng hoặc vứt bỏ trong vòng 2 giờ sau đó. 

Nếu được bảo quản trong túi giữ lạnh cách nhiệt được bao quanh bởi các túi đá đông lạnh hoàn toàn, sữa mẹ sẽ vẫn an toàn trong tối đa 24 giờ.

2.3. Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Sữa mẹ có thể an toàn trong tủ lạnh (nhiệt độ khoảng 4 – 5 độ C) trong tối đa 8 ngày, nhưng tốt nhất nên sử dụng trong vòng 4 ngày. Nên làm lạnh sữa mẹ ngay sau khi vắt để sữa vẫn an toàn trong 8 ngày tới. Nếu bạn thêm sữa mới vắt vào hộp sữa đã để trong tủ lạnh, hãy làm nguội sữa trước khi thêm vào.

cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn mát tủ lạnh
Bảo quản sữa mẹ trong tủ mát có thể giữ sữa an toàn trong 8 ngàyI

Để hâm nóng sữa mẹ đã được bảo quản trong tủ lạnh, hãy đặt nó vào một chiếc bát nhỏ và hấp trong nồi nước nóng để sữa ấm dần đều. Không nên cho sữa mẹ vào lò vi sóng, nó không chỉ làm nóng sữa quá mức hoặc nóng không đều, mà quá trình này còn phá hủy một số hợp chất có lợi trong sữa mẹ. Kiểm tra nhiệt độ trước khi cho bé uống, đảm bảo nó có độ ấm vừa uống để tránh bị bỏng cho con.

2.4. Bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá tủ lạnh

Nếu bạn không có kế hoạch sử dụng sữa mẹ trong vòng 4 ngày kể từ ngày sử dụng, tốt nhất là bạn nên trữ đông sữa. Hãy nhớ rằng sữa sẽ nở ra khi đông lại, vì vậy đừng đổ quá đầy sữa vào các túi hoặc hộp đựng. Nhớ đánh dấu ngày lấy sữa và sử dụng sữa cũ nhất trước rồi mới đến sữa mới. Điều này đảm bảo sữa sẽ được sử dụng đúng thời gian, không có bình sữa nào hết hạn sử dụng.

Theo CDC, sữa mẹ có thể trữ đông và sử dụng tốt nhất trong tối đa 6 tháng. Tuy nhiên, nó vẫn có thể sử dụng và an toàn với con trong thời gian 12 tháng sau khi được đông lạnh.

cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Sữa mẹ để trong ngăn đá tủ lạnh có thể sử dụng an toàn trong 12 tháng

Khi rã đông sữa mẹ đã đông lạnh, có hai cách để thực hiện, vừa an toàn, vừa hiệu quả. Đó là:

  • Đặt sữa vào ngăn mát để rã đông từ từ trong khoảng thời gian khoảng 24 giờ.
  • Ngâm bình sữa vào trong nước ấm

Lưu ý rằng, không cho sữa vào trong lò vi sóng để rã đông. Sau khi sữa mẹ được rã đông và đặt ở nhiệt độ phòng 25 độ C hoặc được làm ấm, hãy sử dụng nó trong vòng 2 giờ hoặc vứt bỏ nếu không dùng hết. CDC khuyến cáo không nên làm lạnh lại sữa mẹ đã được rã đông trước đó.

Bảo quản sữa mẹ không phải là vấn đề quá khó khăn và phức tạp nếu chúng ta biết cách. Hy vọng với những thông tin mà Vua Nệm vừa chia sẻ ở trên sẽ giúp các bạn có được cẩm nang hữu ích trong việc bảo quản sữa mẹ sau khi vắt/hút, đảm bảo cho con sử dụng một cách an toàn.

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/breastfeeding/11-benefits-of-breastfeeding

Bài viết liên quan:

Tiến Kiều
Tiến Kiều