Ngủ đủ giấc là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và tinh thần của chúng ta. Một đêm không ngon giấc có thể khiến bạn khó tập trung và khiến bạn thiếu năng lượng. Thiếu ngủ lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính như bệnh tim và tiểu đường. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy thiếu ngủ làm con người sống ích kỷ hơn. Sự thật thú vị này sẽ được Vua Nệm chia sẻ trong bài viết hôm nay.
Nội Dung Chính
1. Lý thuyết về mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe
1.1. Mối liên hệ của giấc ngủ và sức khỏe tổng thể
Ngủ đủ giấc và giấc ngủ chất lượng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và tinh thần của chúng ta. Khi chúng ta ngủ, cơ thể hoạt động để hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh và duy trì sức khỏe thể chất.
Đối với trẻ em, giấc ngủ là cách cơ thể và trí não của trẻ lớn lên và phát triển. Với người già, ngủ đủ giấc giúp tăng cường, duy trì trí nhớ, hệ thống miễn dịch và sức khỏe tinh thần.
Khi bạn ngủ không đủ giấc, bạn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung và ghi nhớ mọi thứ kém hơn, thậm chí là có thể cáu kỉnh, nóng giận. Thiếu ngủ cũng có thể làm giảm khả năng phán đoán và ảnh hưởng đến sự phối hợp thể chất.
Vì vậy, ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, làm việc, học tập và hòa đồng với người khác.
Nếu bạn gặp khó khăn khi ngủ hoặc ngủ không sâu giấc hoặc nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi trong ngày, bạn có thể cần tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra và làm gì để có giấc ngủ ngon.
1.2. Giấc ngủ và sức khỏe tinh thần
Đối với nhiều người bị mất ngủ, mệt mỏi vào ngày hôm sau có thể cảm thấy mình cáu kỉnh và tức giận. Mọi người cũng khó tập trung và không có năng lượng để làm việc, học tập trong ngày.
Nhiều người có thể phản ứng thái quá khi mọi thứ không theo ý mình, nhưng cũng không hào hứng, vui vẻ nếu như công việc nào đó diễn ra thuận lợi. Vì vậy, có thể dễ dàng thấy mất ngủ liên tục có thể gây ảnh hưởng tới tâm trạng, cảm xúc của chúng ta.
Mất ngủ và rối loạn tâm trạng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nghĩa là, mất ngủ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, và tâm trạng của bạn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Các nghiên cứu cho thấy những người bị thiếu ngủ sẽ tăng tâm trạng tiêu cực (tức giận, thất vọng, cáu kỉnh, buồn bã) và giảm tâm trạng tích cực. Và mất ngủ thường là một triệu chứng của rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ và thậm chí góp phần phát triển một số rối loạn tâm trạng.
Tâm trạng của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Lo lắng và căng thẳng làm tăng kích động và giữ cho cơ thể của bạn hưng phấn, tỉnh táo và minh mẫn. Bạn có thể thấy tim đập nhanh hơn và thở gấp và nông. Những điều này khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ nông hơn, dễ tỉnh giấc, trằn trọc.
2. Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ làm con người sống ích kỷ hơn
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS Biology, con người cũng có thể trở nên ích kỷ và ít muốn giúp đỡ người khác khi họ ngủ không đủ giấc.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley, Mỹ, đã thực hiện ba nghiên cứu về giấc ngủ. Họ đã xem xét những thay đổi trong hoạt động và hành vi của não có liên quan đến mong muốn giúp đỡ người khác của những người tham gia nghiên cứu. Họ nhận thấy sự sụt giảm đáng kể tinh thần hỗ trợ người khác sau khi mất ngủ dù chỉ một chút.
2.1. Thiếu ngủ khiến mọi người ít quan tâm đến người khác hơn
Trong lần đánh giá đầu tiên, các nhà khoa học đã cho 24 tình nguyện viên khỏe mạnh tiến hành quét não sau 8 giờ ngủ và sau một đêm không ngủ. Bằng cách quét não, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ở phần não liên quan đến việc mọi người đồng cảm với người khác hay được gọi là phần não hình thành lý thuyết về mạng lưới tâm trí, sau một đêm không thì bên não này hoạt động rất ít.
Ben Simon, Tiến sĩ tâm lý học tại Trung tâm Khoa học Giấc ngủ Con người của Đại học California, Berkeley – một trong những người dẫn đầu nghiên cứu nói rằng: “Khi nghĩ về người khác, mạng lưới tâm trí này hoạt động, nó sẽ và cho phép họ hiểu nhu cầu của người khác: Người kia đang nghĩ gì? Họ có đau không? Người đó có cần giúp đỡ không?”
“Tuy nhiên, mạng lưới này bị suy giảm rõ rệt khi những người này bị thiếu ngủ. Có vẻ như những phần này của não không phản ứng sau khi ngủ không đủ giấc”.
Như vậy, mọi người có xu hướng ít quan tâm tới người khác hơn sau một đêm bị mất ngủ, thiếu ngủ.
2.2. Thiếu ngủ làm giảm mong muốn giúp đỡ người khác
Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học đã theo dõi hơn 100 người trực tuyến trong ba hoặc bốn đêm. Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu đo chất lượng giấc ngủ của người tham gia và sau đó kiểm tra mong muốn giúp đỡ người khác của họ theo nhiều cách khác nhau.
Chẳng hạn như giữ cửa thang máy cho người khác, tình nguyện hoặc giúp đỡ một người lạ bị thương trên đường. Kết quả cho thấy những người thiếu ngủ có ít mong muốn giúp đỡ người khác hơn.
Trong một nghiên cứu thứ ba, liên quan đến việc khai thác cơ sở dữ liệu về 3 triệu khoản quyên góp từ thiện ở Hoa Kỳ từ năm 2001 đến năm 2016 thực hiện Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (Daylight Saving Time – viết tắt là DST – là quy ước chỉnh đồng hồ sớm hơn khoảng 1 giờ – Mọi người sẽ dậy sớm hơn so 1 giờ so với thời gian bình thường).
Nghiên cứu cho thấy rằng, giai đoạn này thực sự có sự sụt giảm 10% số tiền quyên góp ở những nơi thực hiện DST, trong khi các khu vực khác trên thế giới không thực hiện DST không hề có sự sụt giảm.
Simon cho biết thêm: “Chỉ một giờ mất ngủ là quá đủ để ảnh hưởng đến lựa chọn giúp đỡ người khác”. “Khi mọi người mất ngủ một giờ, có một tác động rõ ràng đến lòng tốt bẩm sinh và động lực của chúng ta để giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn”.
2.3. Thiếu ngủ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ xã hội
Giáo sư Matthew Walker dẫn đầu nhóm nghiên cứu cũng nói rằng: “Trong 20 năm qua, chúng tôi đã phát hiện ra mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe giấc ngủ và sức khỏe tâm thần…
Những công trình mới này chứng minh rằng thiếu ngủ không chỉ làm tổn hại sức khỏe của một cá nhân, mà còn làm suy giảm các tương tác xã hội giữa các cá nhân và hơn nữa, làm suy giảm cấu trúc của chính xã hội loài người”.
Simon cho biết thêm: “Chúng tôi bắt đầu thấy ngày càng nhiều nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu này, trong đó tác động của việc mất ngủ không chỉ dừng lại ở cá nhân mà còn lan truyền đến những người xung quanh.
Nếu bạn ngủ không đủ giấc, nó không chỉ làm tổn hại đến hạnh phúc của riêng bạn mà còn làm tổn hại đến hạnh phúc của toàn bộ cộng đồng xã hội của bạn, bao gồm cả những người xa lạ”.
3. Một số mẹo để có một giấc ngủ ngon
Nếu bạn khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thì có thể cải thiện thói quen ngủ của mình để có giấc ngủ ngon hơn bằng những mẹo sau:
- Tạo một thói quen lành mạnh và tuân thủ nó. Cố gắng đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ mỗi sáng.
- Tránh uống cà phê và rượu quá gần giờ đi ngủ. Và ăn xong ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ, không ăn khuya quá nhiều nếu ăn tối quá muốn, gần giờ đi ngủ.
- Không xem tivi, điện thoại, máy tính trong vòng 1h trước khi đi ngủ.
- Đảm bảo giường của bạn thoải mái với chăn ga gối nệm tốt, chất lượng, phù hợp với thời tiết.
- Tắt đèn khi bạn đi ngủ, để phòng ngủ tối sẽ giúp ngủ ngon hơn.
- Hãy thử một số bài thiền đơn giản, chẳng hạn như nhắm mắt trong 5–10 phút và tập trung vào việc hít thở sâu, chậm rãi sẽ giúp tinh thần thư giãn tốt hơn, giúp dễ ngủ hơn.
- Tắm nước ấm để cơ thể được thả lỏng, thư giãn.
- Đừng nằm thao thức xem đồng hồ. Nếu bạn đang trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, hãy thử đứng dậy và đọc một cuốn sách trong nửa giờ hoặc lâu hơn, cho đến khi thực sự buồn ngủ.
Giấc ngủ là rất quan trọng và cần thiết với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc thiếu ngủ làm con người trở nên sống ích kỷ hơn. Hãy áp dụng một số mẹo nhỏ mà chúng tôi chia sẻ ở trên để có một giấc ngủ trọn vẹn, tốt cho sức khỏe tổng thể và tạo nên sự vui vẻ hơn trong cuộc sống.