Sức khỏe giấc ngủ

Thiếu ngủ có gây quầng thâm mắt? Cách loại bỏ quầng thâm mắt

CẬP NHẬT 11/01/2023 | BỞI Ngọc Hân

Thật không mấy vui vẻ khi bạn thức dậy, nhìn vào gương và thấy bản thân giống như một chú gấu trúc vì xuất hiện quầng thâm dưới mắt. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao lại gặp phải tình trạng này và liệu thiếu ngủ có gây quầng thâm mắt? Hãy đọc ngay bài viết bên dưới để tìm được câu trả lời chính xác nhất nhé!

1. Quầng thâm mắt là gì?

Trong y khoa, các chuyên gia gọi quầng thâm mắt bằng thuật ngữ “tăng sắc tố quanh hốc mắt”. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Da liễu Lâm sàng và Thẩm mỹ, quầng thâm dưới mắt là hiện tượng phổ biến mà nhiều người gặp phải.

Mặc dù quầng thâm mắt hiếm khi là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng, nhưng tình trạng này sẽ tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của bạn. Ngoài ra, nếu bạn là người đề cao vẻ bề ngoài, bạn sẽ cảm thấy việc xuất hiện quầng thâm dưới mắt khiến bản thân kém sắc và trở nên tự ti.

quầng thâm mắt là gì
Quầng thâm mắt là hiện tượng vùng da dưới mắt bị xỉn màu

Mỗi người sẽ có quầng thâm mắt khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như loại da, độ tuổi cũng như nguyên nhân hình thành. Tuy nhiên có một điểm giống nhau chính là chúng ta đều sẽ nhận thấy vùng da dưới mắt bị sẫm màu và khiến bạn trông mệt mỏi. Nhiều người tâm sự rằng quầng thâm mắt khiến họ trở nên già hơn so với tuổi thật.

Thông thường, quầng thâm dưới mắt sẽ có màu nâu nhạt, nhưng cũng có những trường hợp màu sẽ hơi đỏ hoặc hơi tía. Dù có tồn tại ở màu nào trong 3 màu trên thì những quầng thâm này cũng rất khó để che phủ bởi lớp trang điểm.

2. Nguyên nhân gây quầng thâm mắt

2.1. Quầng thâm mắt do thiếu ngủ

Tiến sĩ Chris Winter (nhà thần kinh học về giấc ngủ và Sleep.com và Mattress Firm Sleep Advisor) giải thích rằng ngủ không đủ giấc là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra quầng thâm mắt. Hiện tượng giãn mạch máu ở vùng da dưới mắt xảy ra khi bạn thiếu ngủ và tạo ta màu xanh đậm bạn thường gọi là quầng thâm.

quầng thâm mắt do thiếu ngủ
Thiếu ngủ có gây quầng thâm mắt? Câu trả lời là có

Tiến sĩ, bác sĩ da liễu đồng thời là giám đốc của Oak Dermatology, Jeffrey TS Hsu cũng đồng ý với nhận định trên. Ông còn cho biết thêm thiếu ngủ không chỉ khiến vùng da quanh mắt xỉn màu mà còn làm lộ rõ ​​các mạch máu dưới da. 

2.2. Quầng thâm mắt do lão hóa

Tiến sĩ, bác sĩ nhãn khoa kiêm giám đốc của Manhattan Eye, Yuna Rapoport cho biết lão hóa cũng là nguyên nhân chính gây ra quầng thâm dưới mắt. Rapoport mô tả: “Giữa hốc mắt và gò má chúng ta tồn tại nhiều mô và mỡ tự nhiên. Cùng với sự thay đổi tuổi tác, các mô này có xu hướng lõm xuống và biến mất.”

Tiến sĩ Jeffrey TS Hsu cũng nhận định khi vùng da dưới mắt chúng ta thay đổi do quá trình lão hóa tự nhiên, các khuyết điểm sẽ trở nên rõ ràng hơn. Thật vậy, da chúng ta sẽ trở nên mỏng và các mạch máu sẫm màu dưới mắt sẽ rõ ràng hơn. Điều này tạo cảm giác rằng quầng thâm mắt đậm hơn so với khi còn trẻ.

2.3. Quầng thâm mắt do di truyền

Yếu tố di truyền thường được sử dụng để lý giải tại sao một số người rất dễ bị quầng thâm mắt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trang cãi xoay quanh vấn đề này và các nhà nghiên cứu cần phải có thời gian để tìm hiểu cơ chế hoạt động của nó. 

Một nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng có nhiều người bị quầng thâm mắt ngay từ khi còn nhỏ. Tình trạng này không hề thuyên giảm mà còn trở nên tồi tệ hơn theo năm tháng.   

Điều này là chuyện bình thường đối với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà đa số các thành viên đều bị quầng thâm mắt. Trong cuộc sống hằng ngày, những căng thẳng sẽ khiến cho vẻ ngoài của họ trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, tình trạng thâm mắt sẽ được cải thiện nếu biết cách nghỉ ngơi và giữ sức khỏe.

quầng thâm mắt do di truyền
Đôi khi quầng thâm mắt là do yếu tố di truyền gây ra

2.4. Quầng thâm mắt do dị ứng

Dị ứng là nguyên nhân gây quầng thâm mắt hiếm người biết đến nhưng lại xảy ra khá phổ biến. Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Lynn McKinley-Grant cho biết không chỉ dị ứng do cơ địa mới tạo quầng thâm mắt.

Theo đó, nếu bạn bị viêm mũi dị ứng, bạn sẽ gặp phải nhiều triệu chứng, trong đó có ngứa mắt. Khi không thể chịu đựng được nữa, bạn sẽ vô thức dùng tay dụi mắt. Đây chính là lúc vùng da dưới mắt bị cọ xát và kích ứng dẫn đến quầng thâm.

2.5. Quầng thâm mắt do viêm da

Bất kỳ loại kích ứng hoặc viêm da nào gần mắt cũng có thể góp phần tạo nên quầng thâm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng quầng thâm mắt phổ biến hơn ở những người bị viêm da dị ứng (chàm) hoặc viêm da tiếp xúc dị ứng (phát ban do tiếp xúc với chất dị ứng).

2.6. Quầng thâm mắt do lối sống

Bên cạnh những nguyên nhân trên, vẫn còn một số yếu tố liên quan đến phong cách sống có thể góp phần tạo nên quầng thâm mắt hoặc làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn, bao gồm:

  • Uống ít nước
  • Căng thẳng
  • Ăn quá nhiều muối
  • Dụi mắt quá mức
  • Uống rượu, bia quá nhiều
  • Thường xuyên hút thuốc
quầng thâm mắt do lối sống
Thường xuyên căng thẳng cũng khiến mắt bạn xuất hiện quầng thâm

3. Quầng thâm mắt có phải dấu hiệu của bệnh lý?

Quầng thâm dưới mắt thông thường không phải là một dấu hiệu để nhận biết liệu bạn có đang mắc bệnh gì không? Tuy nhiên, nếu thâm mắt xuất hiện cùng với các triệu chứng khác, điển hình như giảm cân đột ngột, thì rất có thể đây là dấu hiệu của một số căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, HIV hoặc tình trạng tự miễn dịch.

Tiến sĩ Yuna Rapoport giải thích rằng nếu xuất hiện bọng hoặc hõm mắt trong một thời gian ngắn, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra xem mình có đang rơi vào những trường hợp nêu trên hay không. 

4. Cách giảm quầng thâm mắt

4.1. Thay đổi thói quen sống

Nếu bạn muốn đánh bay quầng thâm mắt, bạn cần áp dụng lối sống lành mạnh hơn. Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn chính là chía khóa để thực hiện phương pháp này. 

Đặc biệt, bác sĩ McKinley-Grant cũng nói thêm, thiếu ngủ là nguyên nhân chính gây ra quầng thâm mắt. Do đó, hãy cố gắng có những giấc ngủ chất lượng để tam biệt tình trạng vùng da dưới mắt bị xỉn màu.

Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm để loại bỏ quầng thâm mắt. Bên cạnh đó, đừng quên kê cao đầu bằng một chiếc gối êm ái để giảm sưng quanh mắt khi ngủ.

Những thay đổi khác trong cuộc sống thường nhật cũng có thể giúp giảm quầng thâm mắt, bao gồm việc đảm bảo sử dụng kem chống nắng hằng ngày, giảm căng thẳng và không sử dụng quá nhiều rượu hay nicotin.

thiếu ngủ gây quầng thâm mắt
Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc giúp giảm quầng thâm mắt

4.2. Biện pháp khắc phục tại nhà

Bác sĩ McKinley-Grant tiết lộ bạn có thể giảm quầng thâm mắt khi thực hiện một số biện pháp tại nhà. Ví dụ, dùng dưa chuột để đắp lên mắt cũng là cách làm mang lại hiệu quả cao. Trong dưa chuột có chứa thành phần giúp giảm sưng tấy và làm ẩm da.

Ngoài ra, sử dụng gạc lạnh cũng khiến quầng thâm mắt nhanh chóng biến mất. Nếu áp dụng cách này, bạn nên nhúng miếng gạc vào nước trà xanh để nguội vì trong trà xanh có chứa chất chống oxy hóa.

4.3. Can thiệp y khoa

Nếu đã thử thay đổi lối sống và áp dụng các giải pháp tại nhà một cách nghiêm túc mà quầng thâm mắt vẫn khiến bạn khó chịu, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để lên kế hoạch cho biện pháp can thiệp y khoa. 

Tiến sĩ Jeffrey TS Hsu đảm bảo rằng có rất nhiều phương pháp điều trị giúp làm giảm quầng thâm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Nếu tình trạng thâm mắt được đánh giá là nhẹ, bạn có thể dùng thuốc bôi. Nếu nặng hơn, bạn nên cân nhắc đến việc bắn laser, tẩy trắng da, cấy mỡ tự thân để da bớt mỏng,…

cách giảm quầng thâm mắt
Bạn có thể tham khảo bác sĩ một số loại thuốc bôi giảm quầng thâm mắt

Lời kết

Như vậy câu trả lời cho câu hỏi “Thiếu ngủ có gây quầng thâm mắt?” chính là có. Quầng thâm mắt được xem là tình trạng bình thường nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải chấp nhận sống chung với chúng. Bạn có thể loại bỏ quầng thâm mắt nhờ vào lối sống lành mạnh hoặc các biện pháp y khoa.

Bài viết liên quan:

Avatar
Ngọc Hân