Sức khỏe giấc ngủ

Các yếu tố quan trọng trong nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà

CẬP NHẬT 11/08/2023 | BỞI Hoàng Uyên

Nếu bạn phải vật lộn để có được một đêm ngon giấc, có thể bạn đang mắc chứng rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ – 1 trong những chứng rối loạn ban đêm phổ biến nhất. Nếu bạn đến thăm khám bác sĩ chuyên môn về giấc ngủ, họ có thể đề nghị thực hiện nghiên cứu về giấc ngủ tại nhà để chẩn đoán và điều trị đúng tình trạng của bạn.

Có 3 dạng ngưng thở khi ngủ chính gồm tắc nghẽn, trung ương và hỗn hợp. Khi một người biểu hiện cả triệu chứng tắc nghẽn và trung tâm nghĩa là họ đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ phức tạp. Trong số 3 dạng ngưng thở khi ngủ trên, dạng tắc nghẽn là phổ biến nhất. Không chỉ làm giảm chất lượng giấc ngủ, những mối nguy hiểm về sức khỏe còn vượt xa điều đó.

Nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà là gì
Nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà là gì?

Vì lý do này, 1 phương pháp chẩn đoán thích hợp và kế hoạch điều trị nhanh chóng là rất cần thiết. Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn đọc về bài nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà cũng như lợi ích, nhược điểm của phương pháp này so với việc thực hiện kiểm tra tại bệnh viện.. 

1. Nghiên cứu về giấc ngủ tại nhà là gì?

Các nghiên cứu về giấc ngủ tại nhà được sử dụng để chẩn đoán xem liệu một người có  đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) hay không. Bạn có thể hoàn thành bài kiểm tra ngay tại nhà mà không cần ngủ qua đêm trong phòng thí nghiệm.

Bạn thực hiện bài kiểm tra một cách độc lập mà không cần sự trợ giúp của kỹ thuật viên hoặc chuyên gia về giấc ngủ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn bạn cách thực hiện các bước trước để bạn hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của nghiên cứu giấc ngủ này.

Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ cung cấp cho bạn các thiết bị cần thiết trong quá trình thực hiện nghiên cứu. 

2. Các yếu tố quan trọng trong nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà

Một nghiên cứu về giấc ngủ tại nhà sẽ theo dõi 3 chỉ số sinh học sau để giúp xác định xem bạn có bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hay không.

2.1. Luồng không khí

Chỉ số quan trọng trong nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà
Chỉ số quan trọng trong nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà

Chỉ số đầu tiên là kiểm tra luồng không khí của bạn trong đường mũi và miệng. Để làm điều này, bạn sẽ dán một sợi dây hẹp vào mũi và miệng, giữ cố định qua đêm.

2.2. Nỗ lực hô hấp

Phép đo thứ hai tập trung vào nỗ lực thở của bạn. Để đánh giá nỗ lực hô hấp, bạn sẽ đặt các dải dây đo ngang ngực và bụng.

2.3. Mức oxy

Phần thứ ba của bài kiểm tra giấc ngủ tại nhà là đo nồng độ oxy. Máy đo nồng độ oxy trong máu kẹp đầu ngón tay được sử dụng để thực hiện đo lường chỉ số này. Thiết bị phát ra ánh sáng đỏ để giúp đo nồng độ oxy trong khi ngủ.

3. Ưu và nhược điểm của các bài kiểm tra giấc ngủ tại nhà

ưu và nhược điểm của nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà
Bạn nên cân nhắc những ưu và nhược điểm của phương pháp này

Trước khi trải qua một nghiên cứu về giấc ngủ tại nhà, bạn nên cân nhắc những ưu và nhược điểm của phương pháp này. Mặc dù một số người có thể thích chẩn đoán bệnh tại nhà hơn, nhưng một số người lại cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện bài kiểm tra chuẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn tại bệnh viện hoặc các đơn vị chuyên chẩn đoán rối loạn giấc ngủ.

3.1. Ưu điểm

Ưu điểm rõ ràng của việc thực hiện kiểm tra giấc ngủ tại nhà là bạn được thực hiện chúng ở nhà. Ví dụ, một số người có thể cảm thấy thoải mái khi thực hiện bài kiểm tra trên chiếc giường quen thuộc của họ. Điều này giúp họ tránh được căng thẳng, dễ ngủ hơn, đặc biệt nếu họ đang đeo dụng cụ y tế.

Một ưu điểm khác của các bài kiểm tra tại nhà là chúng tiết kiệm hơn so với các bài kiểm tra ở trung tâm giấc ngủ. Theo Tiến sĩ Susheel P. Patil, MD, Ph.D. với Johns Hopkins Medicine, kiểm tra giấc ngủ tại nhà chỉ tốn khoảng một phần ba giá so với kiểm tra trong phòng thí nghiệm và thường được bảo hiểm chi trả.

ưu điểm của nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà
Một ưu điểm khác của các bài kiểm tra tại nhà là chúng tiết kiệm hơn

Các nghiên cứu về giấc ngủ tại nhà cũng thuận tiện hơn cho bệnh nhân. Bạn không cần phải lái xe đến và rời khỏi phòng khám, giúp bạn tiết kiệm thời gian và sức lực.

Hơn nữa, các bài kiểm tra này ít xâm phạm hơn so với các bài kiểm tra được thực hiện tại trung tâm giấc ngủ. Ngược lại, các xét nghiệm được thực hiện tại phòng thí nghiệm phức tạp hơn và liên quan đến các thiết bị bổ sung, bao gồm điện não đồ, EKG, EMG và các thiết bị khác.

3.2. Nhược điểm

Những nhược điểm sau đây có thể ảnh hưởng đến quyết định có nên thực hiện kiểm tra giấc ngủ tại nhà hay không:

Kiểm tra tại nhà đánh giá hơi thở của bạn và điều này bao gồm phát hiện những khoảng ngưng thở, nỗ lực hô hấp và bất kỳ lần hít vào nông. Tuy nhiên, những bài kiểm tra này không đo được chất lượng giấc ngủ của bạn như thế nào. Trong khi các kiểm tra nâng cao có thể xác định thời gian bạn ở trong giấc ngủ REM và non-REM.

Kiểm tra giấc ngủ tại nhà cũng không chính xác như kiểm tra được thực hiện trong môi trường phòng thí nghiệm về giấc ngủ. Chẳng hạn, một kỹ thuật viên về giấc ngủ có thể đảm bảo thiết bị không bị tắt vào ban đêm và được đặt đúng cách.

nhược điểm của nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà
Những bài kiểm tra này không đo được chất lượng giấc ngủ của bạn như thế nào

Với những rủi ro như vậy, trong 1 số trường hợp, ngay cả khi bạn đã  thực hiện kiểm tra giấc ngủ tại nhà, bác sĩ vẫn có thể đề nghị kiểm tra trong phòng thí nghiệm lần nữa để đảm bảo kết quả chính xác hơn.

4. Các bước thực hiện kiểm tra sức khỏe giấc ngủ tại nhà

Các chuyên gia ước tính rằng có tới 25 triệu người Mỹ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Nhu cầu xét nghiệm chất lượng, thuận tiện là rất quan trọng, do đó, loại xét nghiệm này ngày càng phổ biến đối với bệnh nhân. Ngoài ra, nghiên cứu về giấc ngủ tại nhà là một quá trình khá đơn giản so với thực hiện tại phòng khám. 

4.1. Trao đổi với bác sĩ 

Để bắt đầu, bạn sẽ cần đánh giá các triệu chứng của mình và tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ. Các triệu chứng OSA phổ biến bao gồm: ngáy to, buồn ngủ ban ngày quá mức, ngừng thở trong khi ngủ, đột ngột thức dậy trong trạng thái thở hổn hển hoặc nghẹt thở, khô miệng hoặc đau họng, đau đầu vào buổi sáng, khó tập trung, thay đổi tâm trạng theo chiều hướng tiêu cực, huyết áp cao và giảm ham muốn tình dục.

Sau đó, bác sĩ sẽ xác định xem bạn có nên thực hiện nghiên cứu về giấc ngủ tại nhà hay không. Sau khi được phê duyệt, bạn có thể cần đặt mua bộ xét nghiệm theo hướng dẫn của bác sĩ. 

4.2. Nhận các thiết bị nghiên cứu giấc ngủ 

thiết bị đo lường trong nghiên cứu giấc ngủ
Các thiết bị đo lường trong nghiên cứu giấc ngủ

Bạn sẽ nhận được các thiết bị để thực hiện bài kiểm tra qua đường bưu điện hoặc nhận nó từ văn phòng bác sĩ của bạn. Khi bạn có đủ các thiết bị và tham khảo đầy đủ các hướng dẫn, bạn có thể tự do bắt đầu thử nghiệm. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào trước khi dùng nó, hãy liên hệ trao đổi với bác sĩ của bạn để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ.

4.3. Gắn các thiết bị và tiến hành đo lường

Sau khi đã thiết lập và gắn các thiết bị lên cơ thể theo đúng chỉ dẫn, đừng quên kiểm tra thêm lần nữa để đảm bảo chúng được buộc chặt.

Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn cho bạn số đêm sử dụng thiết bị, có thể từ 1 đến 3 đêm. Mặc dù bạn sẽ không cảm thấy đau khi sử dụng các dụng cụ này, nhưng bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu.

kiểm tra thiết bị nghiên cứu sức khỏe giấc ngủ tại nhà
Đừng quên kiểm tra thêm lần nữa để đảm bảo chúng được buộc chặt.

4.4. Gửi thiết bị trở lại bệnh viện hoặc phòng khám

Sau khi bạn hoàn thành bài kiểm tra, bước tiếp theo là trả lại các thiết bị cho bác sĩ của bạn. Sau đó, bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ của bạn sẽ xem xét kết quả nghiên cứu.

4.5. Tìm hiểu kết quả

Theo Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM), có thể mất đến vài tuần để biết kết quả nghiên cứu về giấc ngủ. 

Nếu kết quả cho thấy bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, sẽ có các lựa chọn điều trị OSA khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các lựa chọn điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm thay đổi lối sống, liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục (CPAP), liệu pháp sử dụng thiết bị trong miệng, phẫu thuật, v.v.

Trên đây là chi tiết thông tin liên quan tới bài kiểm tra sức khỏe giấc ngủ tại nhà. Hy vọng bài viết đã giúp giải đáp các thắc mắc liên quan đến chủ đề này rồi nhé!

Nguồn tham khảo: https://www.sleepadvisor.org/at-home-sleep-study/

Bài viết liên quan:

Hoàng Uyên
Hoàng Uyên