Có bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao trẻ con ở Nhật rất thông minh, tự lập ngay từ lúc còn bé xíu không? Đó là bởi phương pháp giáo dục con từ nhỏ cực kỳ hiệu quả của đất nước này. Hãy tìm hiểu phương pháp dạy con kiểu Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ trong bài viết sau.
Nội Dung Chính
1. Dạy con kiểu Nhật giai đoạn sơ sinh (0 tuổi)
Không đợi đến khi bé biết nói, biết đi, các mẹ Nhật đã bắt đầu giúp con phát triển các giác quan từ khi mới chào đời.
1.1. Phát triển kỹ năng thị giác của trẻ
- Giai đoạn từ 0 – 1 tháng tuổi:
Ngay khi sinh ra, bé đã có thể nhìn thấy những vật xung quanh ở cự ly gần. Lúc này, mẹ có thể luyện tập để kích thích võng mạc cho bé. Ngồi đối diện với trẻ ở khoảng cách khoảng 30cm, nhìn chăm chú vào mắt vào trò chuyện với trẻ. Hãy làm như vậy nhiều lần trong ngày. Trẻ nhìn mẹ chăm chú là đã thành công rồi đấy.
- Giai đoạn từ 2 – 3 tháng tuổi:
Giai đoạn này bé đã biết nhìn chăm chú vào một vật, mẹ có thể di chuyển vật để bé nhìn theo. Thay đổi vị trí của vật một cách từ từ vì lúc này bé vẫn chưa nhìn được những vật di chuyển nhanh. Khi con đã nhìn tốt, mẹ có thể để vật xa hơn hay di chuyển nhanh hơn một chút để nâng cao khả năng của trẻ.
- Giai đoạn 6-9 tháng tuổi
Giai đoạn này trẻ cần học cách quay đầu nhìn về hướng có đồ vật. Đưa đồ vật sang phải, qua trái, lên trên, xuống dưới, sang trái, đưa nghiêng xoay quanh toàn bộ tầm nhìn để thị giác của bé phát triển toàn diện.
1.2. Phát triển thính giác của trẻ
Khi bé chào đời mẹ nên tiếp tục thói quen cho bé nghe nhạc hàng ngày. Theo các chuyên gia, tiếp xúc với âm nhạc từ sớm giúp trẻ phát triển cảm xúc và khả năng sáng tạo. Do đó, mẹ nên cho bé nghe nhạc 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 15 phút.
1.3. Phát triển xúc giác của trẻ
Ở trẻ sơ sinh, da là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất. Thay vì “trói buộc” con bằng chăn, ủ tay chân, các bà mẹ Nhật thường có xu hướng để tay bé tự do hoạt động và cảm nhận đồ vật xung quanh như khăn, đồ chơi… để kích thích da tay của con.
1.4. Phát triển khứu giác của trẻ
Ngay từ khi còn nhỏ, các bé đã có thể phân biệt các mùi hương khác nhau. Chính vì vậy bé có khả năng nhận biết cha mẹ mình nhờ mùi đặc trưng. Các mẹ hãy cho con ngửi nhiều mùi khác nhau để bé có thể ghi nhớ và nhận biết thêm nhiều mùi hương nhé.
1.5. Phát triển vị giác của trẻ
Trẻ sơ sinh đã có thể phân biệt ngũ vị ngọt, đắng, cay, mặn, chua. Tuy vậy, trong giai đoạn này, ngoài sữa mẹ thì trẻ còn quá bé để có thể thử ăn bất cứ thứ gì. Khi bé được 6 tháng tuổi mẹ có thể cho bé ăn dặm và nếm thử những vị khác nhau.
2. Dạy con kiểu Nhật giai đoạn từ 1 tuổi trở lên
2.1. Không quy chụp, áp đặt con cái
Phụ huynh Nhật ít khi quy kết con trẻ như “Con thật hư” hay “Sao con nghịch ngợm thế”, bởi họ hiểu suy nghĩ của trẻ con rằng “Khi bạn mắng con bạn là đồ con lợn 10 lần thì vào lần thứ 11 con bạn sẽ kêu ụt ịt”. Khi dùng những lời lẽ không hay để quy chụp và áp đặt, trẻ con sẽ bị giáo dục đúng theo lối tiêu cực đó.
2.2. Luôn khen con gắn với một hành vi cụ thể
Nếu chỉ khen chung chung “Con tôi giỏi quá” thì sẽ biến bé thành tự phụ. Với phương pháp dạy con kiểu Nhật, cha mẹ hãy khen hành động cụ thể mà con đã làm được như “Con mẹ tự xúc cơm giỏi quá!”. Khi trẻ được khen vì một hành động cụ thể nào đó, chúng thường sẽ cố gắng làm tốt việc đó ở những lần tiếp theo để được khen ngợi.
1.3. Dạy chữ cho con từ sớm
Cha mẹ Nhật thường cho bé học chữ sớm khi được 3 tuổi. Theo các chuyên gia Nhật, việc dạy chữ có thể làm thay đổi chức năng và cấu tạo não bộ. Trẻ càng nhỏ thì việc này càng dễ dàng.
1.4. Kiên nhẫn lặp đi lặp lại
Với phương pháp dạy con kiểu Nhật, phụ huynh sẽ không ngần ngại giải thích cho con nhiều lần về một vấn đề. Theo họ, để con có thể thành thạo một việc thì cần thời gian tối thiểu là 3 tháng. Ví dụ, khi bé đã nhớ được những chữ cái “a i u e o” thì phải ít nhất 3 tháng sau bé mới có thể đọc chúng thành thạo.
1.5. Luyện trí nhớ cho trẻ
Nhật Bản có rất nhiều trò chơi trí tuệ để rèn luyện trí nhớ cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Người Nhật quan niệm rằng “Người thông minh là người có thể nhớ nhiều hơn người khác và biết cách vận dụng những điều đó một cách hợp lý”.
Theo họ, trí thông minh không phải khả năng thiên bẩm mà có thể rèn luyện từ bé, đây cũng chính là một trong những điểm đặc biệt của phương pháp dạy con kiểu Nhật.
1.6. Cho bé vận động đầy đủ
Không chỉ phát triển trí tuệ, rèn luyện thể chất cũng rất được chú trọng trong các phương pháp dạy con kiểu Nhật. Sau khi trẻ biết đi, cha mẹ nên cho trẻ đi bộ hàng ngày một cách đều đặn và họ chia nhỏ khoảng cách tập luyện cho con thành những đoạn ngắn 5m, 10m, 20m mỗi ngày tùy vào khả năng của bé.
3. 12 điều người Nhật dạy con khiến “cả thế giới ngưỡng mộ”
Không chỉ giai đoạn sơ sinh, trong thời kỳ bé đang lớn cha mẹ vẫn có thể áp dụng 12 điều nuôi dạy con kiểu Nhật dưới đây:
- Thông minh, học giỏi không quan trọng bằng nhân cách tốt, thật thà và có tình người.
- Môi trường sống và học tập vô cùng quan trọng vì vậy người Nhật luôn cố gắng tìm kiếm nơi ở, trường học tốt hơn cho con nếu có thể.
- Yêu thương con nhưng nhất quyết không nuông chiều. Lười ăn thì cứ cho nhịn. Đòi hỏi thì cứ đòi hỏi. Phụ huynh thường không can thiệp vào những vấn đề nhỏ nhặt này. Vì chưa biết tuyệt thực là gì nên khi quá đói trẻ sẽ ăn. Tuyệt đối không cưỡng ép, không quát tháo hay cằn nhằn. Ăn là việc quan trọng, phải đúng giờ, đúng bữa, không bạ đâu ngồi đấy.
- Phải biết tôn trọng, tế nhị và ứng xử một cách thông minh. Trong phương pháp dạy con kiểu Nhật, cha mẹ thường cho con tự quyết định các vấn đề của mình.
- Cha mẹ không được nói dối để làm gương cho con, rèn cho con đức tính trung thực.
- Nếu con đang làm việc gì vô hại, không ảnh hưởng tới người nào, không nguy hiểm cho bản thân thì không nên can thiệp.
- Khi trẻ lên 5 tuổi, nên dạy trẻ cách tiêu tiền. Phụ huynh có thể cho con tiền lẻ tiêu vặt và kiểm soát chặt chẽ chuyện chi tiêu.
- Phải dạy con biết dũng cảm, học cách chịu trách nhiệm về những việc bản thân đã làm. Dạy con biết chờ đợi, biết kiên nhẫn. Dạy con về nghĩa và tình. Để con biết trong cuộc sống luôn tồn tại 2 chiều cho và nhận, người hạnh phúc là người biết đủ, thường cho đi nhiều và nhận lại ít. Ở trường lớp phải kỷ luật, không được đánh hay bắt nạt bạn học. Nhưng nếu có ai đánh hay bắt nạt mình, con vẫn có thể phòng vệ và báo cáo lại với thầy cô giáo.
- Thất bại là việc cần trải qua để đạt tới thành công. Ngã ở đâu thì tự đứng dậy ở đó, không trông chờ người khác giúp đỡ.
- Trẻ con vốn hay ốm vặt, không cần quá lo lắng về những điều đó. Ngay cả chuyện con trẻ ra nắng hay nghịch mưa suốt ngày cũng bình thường. Cứ để trẻ thoải mái tiếp xúc với tự nhiên. Nhờ vậy trẻ sẽ cứng cáp hơn, sức đề kháng tốt hơn.
- Học không nhất thiết cứ phải im lặng, nghiêm túc. Có thể vừa học, vừa chơi miễn sao trẻ thấy thích thú và vẫn có kết quả tốt.
- Cha mẹ luôn phải dành thời gian vui chơi với con dù bận rộn đến mức nào.
XEM THÊM:
- Bật mí 12 bí quyết dạy con của người Do Thái
- 10 bí quyết dạy con thông minh cực hiệu quả
- Dạy con tự lập từ nhỏ – Những điều cha mẹ cần biết
Trên đây là những phương pháp dạy con kiểu Nhật giúp trẻ phát triển tốt cả về tinh thần và thể chất. Cha mẹ hãy áp dụng các phương pháp trên để phát triển trí thông minh, khả năng sáng tạo cũng như rèn luyện nhân cách cho con nhé.
Nguồn: marrybaby