Bột tàn mì là gì? Công dụng và công thức chế biến các món ăn

CẬP NHẬT 09/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Ly
Ưu đãi tháng 12 tại Vua Nệm: Sale bùng nổ - Giá hủy diệt 

Với những người yêu thích nấu ăn và làm bánh thì chắc hẳn đã quen thuộc với khái niệm bột tàn mì. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về loại bột này. Và trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem bột tàn mì là gì? Nó có khác gì so với bột mì thông thường cũng như gợi ý các công thức chế biến món ăn từ loại bột này. 

1. Bột tàn mì là gì? 

1.1. Khái niệm 

Bột tàn mì hay còn có tên gọi tiếng Anh là wheat starch. Đây là một loại tinh bột của bột mì đã được loại bỏ phần gluten nên cho ra thành phẩm với chất bột mịn, màu trắng và không mùi. 

Bột tàn mì có màu trắng, không mùi
Bột tàn mì có màu trắng, không mùi

1.2. Phân biệt bột tàn mì

Bột tàn mì và bột nếp rang đều có hình thức khá giống nhau nên thường mọi người hay bị nhầm lẫn hai loại bột này. Dưới đây sẽ là mẹo để phân biệt mà bạn có thể tham khảo ngay. 

  • Bột tàn mì có màu trắng tinh, không có mùi và hạt bột có cảm giác rất mịn và trơn láng
  • Bột nếp thì có màu hơi trắng ngà, có mùi thơm đặc trưng của gạo khi được rang lên và đặc biệt là khi sờ hạt sẽ có cảm giác nhám và hơi dính tay. 

2. Công dụng của bột tàn mì

Bột tàn mì là một loại tinh bột của bột mì. Chính vì vậy, nó có một số công dụng khác so với bột mì như: 

  • Tạo độ dai và cải thiện màu sắc cho món ăn

Bột tàn mì sử dụng trong các món bánh như há cảo, bún, bánh phở hay bánh canh giúp tạo độ dai cũng như màu trắng đặc trưng cho món ăn khi hấp lên. 

  • Tạo độ cứng cho nhân bánh từ đậu xanh

Khi sên đậu xanh để làm nhân trong một số loại bánh, người ta sử dụng bột tàn mì để giúp cho phần nhân có được độ cứng như mong muốn mà không làm mất đi hương vị hay mùi thơm đặc trưng của đậu. 

  • Tạo độ giòn xốp, độ nở

Ngoài những công dụng trên thì bột tàn mì trong các món bánh pía, bánh bông làm còn giúp làm tăng độ giòn xốp và tăng độ nở cho bánh. 

Bột tàn mì được dùng để tạo kết cấu, độ nở trong các món bánh
Bột tàn mì được dùng để tạo kết cấu, độ nở trong các món bánh

3. Cách bảo quản bột tàn mì

Cách bảo quản bột tàn mì cũng khá đơn giản. Do bột không có mùi nên hoàn toàn có thể tránh được kiến, chuột. Bạn có thể để bột trong các hộp hoặc bịch ni lông kín và đặt ở nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt. Đặc biệt, không nên bảo quản bột trong ngăn mát của tủ lạnh vì sẽ làm bột bị ẩm. 

4. Địa chỉ mua bột tàn mì

Bột tàn mì được bày bán rất nhiều ở các cửa hàng chuyên bán các nguyên liệu làm bánh hay ở các tạp hóa đồ khô ở chợ. Hoặc bạn cũng có thể tìm mua trên các trang thương mại điện tử một cách dễ dàng. 

Giá của bột tàn mì khoảng 60.000VNĐ/kg, khá cao so với bột mì thông thường. 

Bột tàn mì được bán tại các cửa hàng tạp hóa, hàng đồ khô
Bột tàn mì được bán tại các cửa hàng tạp hóa, hàng đồ khô

5. Công thức nấu ăn với bột tàn mì

Sau đây là một số công thức chế biến món ăn với bột tàn mì đơn giản mà bạn có thể thực hiện tại nhà. 

5.1. Há cảo tôm thịt

Nguyên liệu: 

Phần vỏ há cảo

  • 100g bột tàn mì 
  • 70g bột năng
  • 4g muối
  • 180ml nước sôi 
  • 17 ml dầu ăn

Phần nhân tôm thịt

  • 120g tôm băm 
  • 90g thịt xay 
  • Hành tây băm nhỏ
  • Bột ngô
  • Muối, tiêu

Cách làm

  • Bước 1: Làm vỏ há cảo

Dùng bột tàn mì trộn với bột năng, sau đó thêm từ từ nước sôi vào và trộn đều. Khi được thành phẩm bột dẻo, mịn thì bọc màng bọc thực phẩm cho bột nghỉ 10 phút. Sau đó thêm dầu ăn và nhào trong khoảng 5 phút bằng tay. 

Chia bột thành các phần nhỏ bằng nhau. Vo tròn và dùng cán để cán mỏng. Bạn có thể thêm dầu ăn trong khi cán để bột đỡ dính hơn. 

  • Bước 2: Làm nhân tôm thịt

Tôm và thịt sau khi rửa sạch, bóc vỏ thì băm nhỏ và trộn đều. Thêm các gia vị muối, tiêu, bột ngô và bóp đều lần nữa. Để nhân trong tủ lạnh khoảng 30 phút cho gia vị thấm đều. 

  • Bước 3: Gói bánh và hấp bánh

Ở công đoạn này, bạn thêm phần nhân vào vỏ đã chuẩn bị và bọc kín lại. Lưu ý chỉ nên chi vừa phần nhân để có thể bịt kín vỏ bánh, tránh trường hợp cho quá nhiều nhân làm bánh bị vỡ trong quá trình hấp. 

Đun sôi nước trong nồi hấp, phết một lớp dầu mỏng lên xửng hoặc lót giấy nến. Cho há cảo vào hấp với lửa to trong 5 phút.

  • Thành phẩm 

Thành phẩm là món há cảo thuần việt với vỏ mỏng, trong suốt, nhìn rõ được lớp nhân tôm thịt bên trong. Bánh khi ăn mọng nước, mềm và chín tới. Bạn có thể chấm thêm với xì dầu để tăng thêm hương vị cho món ăn. 

Món há cảo thơm ngon với lớp vỏ mỏng, dai
Món há cảo thơm ngon với lớp vỏ mỏng, dai

5.2. Bánh canh

Nguyên liệu

  • 270gr bột gạo
  • 320gr bột năng
  • 200gr bột tàn mì
  • 260ml nước sôi
  • Muối
  • Dầu ăn

Cách làm

  • Bước 1: Trộn bột

Với công thức trên, bạn trộn hỗn hợp gồm bột gạo, bột năng và bột tàn mì cùng một chút muối và nước sôi. Bạn có thể trộn bằng tay hoặc dùng máy đánh trứng để hỗn hợp được đều, dẻo và tiết kiệm thời gian công sức hơn. 

  • Bước 2: Ép sợi bánh canh

Cho hỗn hợp bột vào máy ép khuôn bánh canh rồi ép hai lần. Nếu không có máy ép thì bạn có thể dùng chai thủy tinh hoặc cây cán bột để cán mỏng bột sau đó cắt thành từng sợi vừa ăn. Thêm một chút bột năng lên bề mặt bột để tránh bị dính. 

  • Bước 3: Luộc bánh

Đem bánh đi luộc trong nước sôi. Sợi bánh đạt chuẩn có màu trắng trong. Lúc này, bạn vớt bánh ra vào rổ và rửa lại với nước lạnh. 

  • Thành phẩm

Sợi bánh canh tự làm thủ công tại nhà có thể không được dai bằng sợi bánh bên ngoài do không chứa hàn the nhưng lại cực kỳ thơm ngon và an toàn cho sức khỏe. Với phần bánh canh này, bạn có thể nấu thêm nước dùng từ xương heo hoặc hải sản để ăn cùng. 

5.3. Bánh khọt

Nguyên liệu: 

  • 600gr bột bánh xèo
  • 200 gr bột tàn mì
  • 900 ml nước lạnh
  • 200gr đậu xanh
  • 3 quả trứng gà
  • 400g tôm
  • 1 lon nước cốt dừa
  • Hành lá, xà lách, diếp cá, tía tô…
  • Nước mắm chua ngọt

Cách làm

  • Bước 1: Làm bột bánh khọt

Trộn bột bánh xèo với bột tàn mì cùng nước, thêm một chút muối. Khuấy đều tay theo cả hai chiều để bột tan hẳn.

  • Bước 2: Làm nhân bánh khọt

Trộn nước cốt dừa cùng hành lá xắt nhuyễn, thêm gia vị cho vừa ăn sau đó để im trong tủ lạnh khoảng 30 phút. Trong lúc chờ thì bạn cần sơ chế tôm, đem hấp và làm tương tự với đậu xanh. 

Lưu ý có thể ngâm đậu trước 1 tiếng để đậu bở và thời gian nấu chín nhanh hơn. 

  • Bước 3: Hấp bánh khọt

Đổ bột bánh vào khuôn đã phết một lớp dầu mỏng, thêm đậu xanh và tép. Đặt khuôn bánh vào nồi hấp trong khoảng 5-10 phút là bánh chín. 

  • Thành phẩm

Công thức làm bánh khọt trên đây khá đơn giản nhưng hương vị lại vô cùng độc đáo và đưa miệng. Bạn có thể pha thêm một bát nước mắm chua ngọt và ăn kèm cùng rau sống là đã có ngay một bữa ăn xế no căng bụng rồi. 

Bánh khọt với nhân từ tôm và đậu xanh
Bánh khọt với nhân từ tôm và đậu xanh

Bạn đã biết: TOP 8 địa chỉ ăn bánh khọt ngon nhất ở TPHCM rất đáng để thử

5.4. Bột chiên

Nguyên liệu: 

  • 200g Bột gạo
  • 40g bột năng
  • 30g bột tàn mì 
  • 100g khoai môn
  • Hành lá, muối, đường, ớt
  • Nước tương

Cách làm: 

  • Bước 1: Pha bột

Bạn chỉ cần pha bột gạo, bột năng và bột tàn mì với khối lượng như trên cùng 500ml nước lạnh. Khuấy đều cho bột tan và lọc qua rây để tránh bột bị vón cục. Thêm một chút muối và để bột nghỉ trong khoảng 30 phút. 

Trong lúc chờ thì bạn có thể cắt khoai môn thành hình hạt lựu và đem hấp chín. 

  • Bước 2: Tạo hình bột

Cho một ít dầu ăn vào nồi, đổ bột lên cùng khoai và đun ở lửa nhỏ đến khi bột đặc lại. Chỉ khuấy tới khi bột vừa đặc lại chứ không nên để bột chín hẳn. Đổ bột ra khuôn, dùng tay thoa một lớp dầu ăn lên bề mặt bột và ép bột chặt vào khuôn. 

  • Bước 3: Hấp bột

Đem bột trong khuôn đi hấp tới khi bột chín hẳn, khoảng 10 phút. Dùng tăm chọc vào bột, nếu bột chín thì sẽ không bị dính bột vào tăm. Để bột nguội bớt rồi cho vào tủ lạnh để bột cứng hơn. Dùng dao cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn. 

  • Bước 4: Chiên bột

Chuẩn bị một chảo dầu nóng, cho bột đã cắt miếng vào và chiên đều các mặt. Có thể thêm trứng ốp, hành lá và nước tương để món ăn tăng thêm phần hương vị. 

  • Thành phẩm

Thành phẩm là bạn đã có ngay một đĩa bột chiên ngoài giòn trong mềm và thơm nức mũi. Bạn có thể làm thêm một bát dưa chuột, đu đủ ngâm giấm để ăn kèm chống ngấy. 

Bột chiên với vỏ ngoài giòn, trong mềm
Bột chiên với vỏ ngoài giòn, trong mềm

5.5. Bánh phở

Nguyên liệu:

  • 400gr bột gạo
  • 30gr bột năng
  • 30gr bột tàn mì (làm bánh phở dai)
  • 15gr bột nếp
  • 1 lít nước hoặc hơn 1 chút
  • ¼ muỗng cà phê muối

Cách làm: 

  • Bước 1: Ngâm bột

Cho tất cả các nguyên liệu như trên vào một bát và khuấy đều cho bột tan hoàn toàn. Để hỗn hợp bột ngâm qua đêm. Sau đó chắt phần nước đổ đi, và thêm lại 500ml nước. Gạn nước trong vài lần để bột dẻo hơn. 

  • Bước 2: Đổ bánh

Sử dụng chảo chống dính, phết một lớp dầu mỏng, đổ phần bột bánh lên. Bánh chín phồng thì úp ra một chiếc lưới tròn hoặc đĩa

  • Bước 3: Phơi bánh

Cho bánh phơi ngoài không khí đến khi se mặt, sờ vào không bị dính tay thì dùng dao cắt ra thành từng sợi vừa ăn.

  • Thành phẩm

Với những bước đơn giản trên là bạn đã có ngay những sợi bánh phở thơm ngon và an toàn cho sức khỏe. 

Sợi bánh phở tự làm cực kỳ an toàn cho sức khỏe
Sợi bánh phở tự làm cực kỳ an toàn cho sức khỏe

Đọc thêm: Tổng hợp các cách làm bánh bao bằng bột mì và bột nở đơn giản

6.  Kết luận 

Hy vọng qua những thông tin trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Bột tàn mì là gì?” cũng như công dụng và các công thức chế biến món ăn từ loại bột này. 

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Dương Ly

Xin chào! Mình là Dương Ly, chuyên viên Digital Marketing tại Vua Nệm. Với niềm đam mê viết lách, sự trải nghiệm cùng 3 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển nội dung đa lĩnh vực. Mình hy vọng có thể đem đến cho quý độc giả những bài viết hay ho, đầy hữu ích về mọi lĩnh vực trong đời sống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM