Với những người lần đầu làm mẹ, chắc hẳn việc quấn khăn cho bé tạo thành một chiếc kén bao bọc lấy con sẽ là một công việc khó khăn rất nhiều. Vì vậy, để đồng hành cùng với những người mẹ bỉm sữa, hôm nay, Vua Nệm sẽ hướng dẫn mẹ cách quấn khăn cho bé ngủ ngon giấc.
Nội Dung Chính
1. Khi nào bắt đầu quấn khăn cho bé?
Mẹ cần bắt đầu quấn khăn cho bé ngay từ khi bé vừa mới lọt lòng. Khi mới được sinh ra, bước vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, bé sẽ chưa thể thích nghi ngay lập tức. Vì vậy, mẹ nên tạo cho con cảm giác ấm áp, an toàn, được vỗ về như ở trong bụng mẹ và việc quấn khăn sẽ mang lại cho con cảm giác được bao bọc, che chở.
2. Khi nào không cần quấn khăn cho bé?
Theo dõi hành trình phát triển của trẻ, ta biết được từ khoảng hai tháng tuổi trở lên là giai đoạn con tinh nghịch hơn. Con thích huơ tay, múa chân và chuẩn bị lật lẫy. Do đó, khoảng thời gian này trở đi, mẹ có thể không cần quấn khăn cho bé nữa để bé có thể dễ dàng thực hiện các động tác cơ bản.
Tuy nhiên, ở nhiều bé, phải đến tháng thứ 6 mới có thể bỏ hẳn được việc quấn khăn. Vì vậy, để tránh làm con bỡ ngỡ, mẹ có thể nới lỏng khăn quấn từ từ và quan sát phản ứng của con nhé.
3. Hướng dẫn mẹ cách quấn khăn cho bé ngủ ngon giấc
3.1. Chuẩn bị quấn khăn cho bé
Để có thể quấn khăn cho con, mẹ cần chuẩn bị trước một chiếc khăn quấn hay khăn ủ cho bé chuyên dụng và phù hợp. Kích thước khăn có thể linh động theo kích thước cơ thể của con.
Về chất liệu, mẹ nên chọn loại vải mỏng và mềm. Ưu tiên loại vải có thành phần là 100% cotton hoặc vải Muslin có độ co giãn tốt để con cảm thấy thoải mái nhất. Bước chuẩn bị này tuy có vẻ rất đơn giản nhưng lại quyết định rất nhiều đến hiệu quả và chất lượng của việc quấn khăn. Vì vậy, mẹ cần lưu ý chọn loại khăn tốt và phù hợp nhé.
3.2. 3 cách quấn khăn cho bé ngủ ngon
3.2.1. Cách quấn khăn cho bé ngủ ngon kiểu vòng tay mẹ
Chỉ với một chiếc khăn cùng vài thao tác đơn giản, mẹ đã có thể tạo ra chiếc “ổ” cho bé ấm áp như vòng tay của mẹ. Cụ thể:
Bước 1: Chuẩn bị một chiếc khăn bông sạch có kích thước 60×120 cm. Sau đó quấn chéo khăn bằng cách cuộn vê chéo khăn cho đến khi hết khăn
Bước 2: Mẹ chỉnh quần áo cho con thật gọn gàng rồi đặt bé nằm nghiêng
Bước 3: Tạo ổ khăn theo hình chữ “U” và đưa khăn từ dưới chân lên đến đầu bé. Lúc này, khăn vừa đóng vai trò là một chiếc gối, vừa có khả năng ôm ấp, che chở cho con.
Lưu ý với cách quấn khăn này: mẹ cần đặt cổ bé hơi ngửa, 1 chân áp vào bụng để tránh bị đau bụng. Để bé nằm đúng tư thế, đây cũng là cách làm tốt cho hệ tiêu hoá.
3.2.2. Cách quấn khăn cho bé làm kén giữ ấm
Mẹ nên chuẩn bị khăn loại aden có kích thước 70×70 cm và làm theo các bước dưới đây:
Bước 1: Trải khăn lên bề mặt phẳng, vuốt cho khăn phẳng phiu và xếp thành hình thoi
Bước 2: Gập góc trên của khăn xuống một khoảng bằng chiều cao của cổ bé (thông thường khoảng 20cm)
Bước 3: Đặt con nằm vào giữa khăn sao cho lưng và cổ của bé đè lên nếp gấp
Bước 4: Đặt tay phải dọc theo cơ thể, tay trái của con mẹ nâng lên và luồn khăn từ trái qua phải và đặt đầu khăn xuống dưới lưng của bé.
Bước 5: Phần khăn phía dưới chấn mẹ gấp lên trên.
Bước 6: Đặt tay lên ngực bé, tay kia lấy mép khăn còn lại quấn quanh theo người bé là xong.
Lưu ý ở cách quấn khăn này: mẹ không nên quấn quá chặt cũng như quá lỏng để bé có thể cảm thấy thoải mái và vẫn đủ ấm. Đồng thời, mẹ nên kết hợp dùng các loại áo liền thân với chất liệu tốt để có thể giữ ấm cho con tốt hơn.
3.2.3. Cách quấn khăn cho bé khi ra đường
Khi có việc cần phải đưa bé ra ngoài, mẹ nên dùng các loại khăn trùm để quấn cho con. Một vài bước sau đây sẽ giúp mẹ quấn khăn đúng cách và đảm bảo đủ ấm cho bé khi ra đường.
Bước 1: Chuẩn bị khăn hình vuông và trải trên mặt phẳng theo hình thoi. Vuốt khăn cẩn thận để khăn phẳng phiu. Sau đó gập phần đầu khăn và đặt bé nằm lên nếp gấp tương tự như cách làm của phần trên
Bước 2: Để 2 tay của bé xuôi theo bên người, không cần quá o ép sẽ khiến bé khó chịu và bị đau.
Bước 3: Lấy đầu phần bên trái bắt chéo qua người sao cho che được vai và bụng bé, phần vải thừa luồn xuống mông bé để cố định.
Bước 4: Thực hiện tương tự với bên còn lại.
Bước 5: Quấn phần dưới của khăn lên vai bé và vòng ra sau lưng là đã hoàn thành rồi nhé.
4. Lưu ý để quấn khăn cho bé ngủ ngon an toàn, hiệu quả
Theo nghiên cứu của Đại học Washington (năm 2002), bé sơ sinh sẽ có những giấc ngủ ngon hơn hẳn khi được nằm trong khăn quấn. Vì vậy, việc quấn khăn cho bé ngủ đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển của con.
Tuy nhiên, nếu mẹ không biết quấn khăn đúng cách, có thể là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho bé. Theo nghiên cứu được đăng tải trên Archives of Disease Childhood của Anh – một tạp chí Nhi khoa quốc tế chuyên về sức khỏe trẻ em đã cho biết: Việc quấn khăn không đúng cách sẽ là nguy cơ làm cho các bé mắc các bệnh về xương khớp và bệnh về hông.
Do đó, mẹ cần lưu ý những điểm dưới đây để có thể quấn khăn cho bé ngủ ngon an toàn, hiệu quả.
4.1. Không quấn khăn quá chặt
Nhiều mẹ thường nghĩ rằng, càng chặt con sẽ càng ấm. Nhưng đó lại là một suy nghĩ sai lầm. Các bác sĩ chỉnh hình ở Anh, Australia và Bắc Mỹ đã đồng kết luận rằng việc quấn khăn chặt khiến bé dễ có nguy cơ mắc bệnh loạn sản xương hông. Số lượng bé quấn khăn chặt có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương hông cao gấp 10 lần so với các bé khác.
Không những vậy, việc quấn khăn quá chặt cho con còn khiến bé khó thở, tay chân bị gò bó, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé. Vì vậy, để không xảy ra những sự cố đáng tiếc, khi quấn khăn cho bé, mẹ có thể đặt 2-3 ngón tay vào giữa ngực của con để tạo độ rộng thoải mái.
4.2. Nếu bé ngủ cùng giường với mẹ thì không cần quấn khăn
Mẹ thường lo lắng việc con ngủ một mình và không được giám sát 24/24 trong vòng tay của mẹ. Do đó, các mẹ luôn muốn để con nằm chung giường với mình và có thể ở bên con bất cứ khi nào con cần.
Tuy nhiên, khi bé vừa quấn khăn vừa nằm cùng giường với mẹ sẽ dẫn đến các nguy cơ như: mẹ nằm vào bé, mẹ đắp chăn phủ kín người bé vừa làm nóng nực con vừa có thể gây ngạt cho con và tăng nguy cơ đột tử.
Do đó, tốt nhất mẹ nên để con nằm cùng phòng nhưng hãy cho bé ngủ ở nôi. Việc này vừa an toàn, bố mẹ vừa tiện chăm sóc và cũng tập cho bé thói quen ngủ một mình từ sớm.
4.3. Để bé nằm ngửa khi quấn khăn
Việc để bé nằm ngửa khi quấn khăn sẽ giảm nguy cơ đột tử (SIDS). Bởi khi đó, bé sẽ có thể hít thở dễ dàng hơn so với các tư thế khác. Đây cũng chính là kết luận của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đưa ra khuyến cáo về Hội chứng đột quỵ ở bé sơ sinh.
4.4. Giữ cho cơ thể bé mát mẻ, thoải mái
Khi thời tiết nóng nực, quấn khăn cho bé sẽ dễ làm bé đổ mồ hôi. Nếu không lau kịp, rất có thể mồ hôi sẽ thấm ngược vào cơ thể và khiến con bị lạnh. Do đó, khi quấn khăn cho con, mẹ cần theo dõi và để ý các biểu hiện của con thường xuyên. Nếu thấy bé có dấu hiệu đổ mồ hôi, mẹ nên nới lỏng khăn quấn và lau sạch mồ hôi cho con.
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết về các cách quấn khăn cho con ngủ ngon giấc. Hy vọng những chia sẻ này đã có thể giúp các mẹ đặc biệt là những người mới hay chuẩn bị làm mẹ có thêm kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc và nuôi dạy con.