Hội chứng sợ xã hội là gì, biểu hiện và phương pháp điều trị khoa học?

CẬP NHẬT 15/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Dương

Sợ đám đông, người lạ, cảm thấy sợ hãi khi ai đó nhìn mình… những biểu hiện rất đỗi bình thường, tuy nhiên, nếu nỗi sợ này trở nên mãnh liệt, thường trực và kéo dài thì rất có thể bạn đang mắc phải hội chứng sợ xã hội. Hội chứng này là gì, biểu hiện cụ thể ra sao và phương pháp điều trị thế nào? Tất cả có trong bài viết dưới đây của Vua Nệm.

1. Hội chứng sợ xã hội là gì?

Hội chứng sợ xã hội hay còn gọi là ám ảnh sợ xã hội là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu. Người mắc hội chứng này được mô tả bởi đặc điểm sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường với biểu hiện thể chất là tim đập nhanh, đỏ mặt, đổ mồ hôi, dạ dày khó chịu, buồn nôn. 

hội chứng sợ xã hội là gì
Người mắc hội chứng sợ xã hội thường cảm thấy sợ hãi trước các tình huống xã hội

Người mắc hội chứng sợ xã hội bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và kéo dài khi bị người khác nhìn hoặc khi bị phê bình. Họ luôn sợ rằng hành vi của mình có thể khiến bản thân rơi vào những tình huống khó xử hoặc bị bẽ mặt. Sự sợ hãi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, công việc hay các hoạt động khác.

Một số tình huống xã hội và biểu hiện thông thường mà người mắc hội chứng sợ xã hội gặp phải, chẳng hạn như:

  • Làm việc khi ai đó đang nhìn về phía mình
  • Gặp người lạ
  • Né tránh việc giao tiếp qua ánh mắt
  • Ăn uống ở nơi công cộng
  • Trả lời câu hỏi trước lớp
  • Hẹn hò
  • Nói chuyện trên điện thoại

2. Cách thức chẩn đoán chứng sợ xã hội

Để chẩn đoán hội chứng sợ xã hội, thông thường các bác sĩ sẽ áp dụng phương án chẩn đoán lâm sàng dựa vào các tiêu chí được đưa ra về chứng rối loạn tâm thần (DSM-5). Theo đó, người có khả năng đang mắc phải hội chứng sợ xã hội sẽ có những triệu chứng, biểu hiện như sau:

  • Luôn trong trạng thái lo sợ mãnh liệt, kéo dài hơn 6 tháng đối với những tình huống xã hội thông thường
  • Nỗi sợ bị những đánh giá tiêu cực đến từ người lạ
  • Những tình huống xã hội bất kỳ đều khiến người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo sợ.
  • Luôn tìm cách tránh né các tình huống xã hội có thể khiến họ sợ hãi
  • Luôn cảm thấy sợ ngay cả khi không nằm trong tình huống bị đe dọa 
  • Các chức năng xã hội bị suy giảm đáng kể
  • Những nỗi sợ không phải là dấu hiệu đặc trưng của các chứng rối loạn tâm thần khác
chẩn đoán hội chứng sợ xã hội
Người bệnh luôn trong cảm thấy lo sợ mãnh liệt, kéo dài

Ngoài ra, một số yếu tố khác như giới tính, gia đình, trải nghiệm cá nhân… cũng có thể ảnh hưởng và dẫn đến ám ảnh sợ xã hội. Các số liệu chỉ ra rằng nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 2 lần so với nam giới, tuy vậy, nam giới lại đi chữa trị nhiều hơn. Ngoài ra, nếu trong gia đình có cha mẹ, anh em từng mắc bệnh thì khả năng mắc phải hội chứng này cũng được cho là sẽ cao hơn.

Về độ tuổi, bệnh thường khởi phát đối với nhóm từ 11 đến 19 tuổi, hiếm khi xảy ra sau tuổi 25. Ở Mỹ, hội chứng ám ảnh sợ xã hội là chứng rối loạn tâm thần phổ biến thứ 3 xếp sau trầm cảm và lạm dụng chất cấm.

Đáng chú ý, với những người từng đối mặt với những trải nghiệm không tốt như từng bị trêu chọc, bị bắt nạt, nhục mạ, bị lạm dụng tình dục, bạo hành gia đình… cũng được ghi nhận dễ mắc bệnh hơn.

ai dễ mắc hội chứng sợ xã hội
Người từng bị trêu chọc, bắt nạt, lạm dụng tình dục… có khả năng mắc bệnh cao hơn

Tuy nhiên, cũng cần có sự chẩn đoán kỹ lưỡng để tránh nhầm lẫn chứng sợ xã hội với những đứa trẻ có tính cách nhút nhát, xấu hổ khi gặp người lạ. 

3. Phương pháp điều trị khoa học

3.1 Liệu pháp hành vi nhận thức

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) tỏ thấy sự hiệu quả trong việc điều trị hội chứng sợ xã hội. Liệu pháp này giúp người bệnh thay đổi các thói quen suy nghĩ để vượt qua nỗi sợ hãi. Ví dụ: người bệnh được giúp đỡ để vượt qua niềm tin rằng những người khác đang quan sát và bình phẩm về mình, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong những tình huống bình thường sẽ làm họ sợ hãi.

điều trị chứng sợ xã hội
Xây dựng cho người bệnh niềm tin tốt về xã hội và những người xung quanh

Mấu chốt của phương pháp điều trị này là để người bệnh trực tiếp đối diện với các tình huống làm cho họ sợ hãi. Tuy nhiên, sẽ để người bệnh làm quen dần với cường độ bằng cách tăng nguy cơ bị chỉ trích. Họ sẽ xây dựng được niềm tin là mình có thể kiểm soát và vượt qua được sự phê bình từ người khác. Các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tưởng tượng ra các tình huống xã hội mà mình sợ hãi, được khuyến khích phát triển khả năng nhận thức đúng lời phê bình và đối phó lại chúng.

3.2 Dùng thuốc

Song song với trị liệu tâm lý, dùng thuốc giữ một vai trò quan trọng giúp đẩy lùi hội chứng sợ xã hội cho người bệnh. Các loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị như thuốc chống trầm cảm và một số loại khác dùng trong điều trị bệnh cao huyết áp. 

Một số loại thuốc sẽ được sử dụng để điều trị hội chứng sợ xã hội
Một số loại thuốc sẽ được sử dụng để điều trị hội chứng sợ xã hội

3.3 Liệu pháp tiếp xúc

Đây có thể nói là một “liệu pháp mạnh” trong việc điều trị. Liệu pháp này bắt buộc người bệnh mắc bệnh phải tiếp xúc với xã hội, đối mặt với các tình huống xã hội thông thường thay vì trốn tránh như bình thường. Bằng cách đối mặt trực tiếp này, người bệnh có thể cải thiện được nỗi sợ. Tất nhiên trong quá trình điều trị sẽ luôn có bác sĩ, chuyên viên hỗ trợ để tránh việc người bệnh càng khắc sâu nỗi sợ.

Người bệnh phải đối mặt với các tình huống xã hội thường nhật
Người bệnh phải đối mặt với các tình huống xã hội thường nhật

3.4 Trị liệu theo nhóm

Mục đích của liệu pháp này là giúp người bệnh học được các kỹ năng để tương tác với người xung quanh. Những bệnh nhân có chung nỗi sợ, nỗi ám ảnh sẽ cùng tương tác với nhau để không cảm thấy mình bị cô đơn, đồng cảm và cùng giúp nhau vượt qua nỗi sợ một cách hiệu quả.

4. Một số lưu ý trong quá trình điều trị chứng ám ảnh sợ xã hội

Điều quan trọng trong điều trị hội chứng sợ xã hội đó là phải kiên nhẫn và có sự linh hoạt trong phương pháp điều trị. Không có quy chuẩn điều trị nào tuyệt đối, hiệu quả với tất cả bệnh nhân. Phương pháp điều trị sẽ phải linh hoạt đối với từng người bệnh.

Thông thường, các bác sĩ trị liệu và người bệnh sẽ trao đổi, thảo luận cùng với nhau để xác định, thống nhất kế hoạch điều trị nhằm mục tiêu cuối cùng là mang lại hiệu quả. Trong lộ trình triển khai, khi bệnh nhân có những chuyển biến không như mong đợi thì cần phải điều chỉnh lại sao cho phù hợp.

Cần linh hoạt phương pháp điều trị tương ứng với từng người bệnh
Cần linh hoạt phương pháp điều trị tương ứng với từng người bệnh

Ngoài những liệu pháp điều trị đã được liệt kê ở trên, trong đời sống hàng ngày người bệnh cần có những lưu ý sau đây:

  • Hạn chế caffeine: Caffeine có trong một số loại thực phẩm, thức uống như cà phê, chocolate, nước soda có thể khiến nỗi lo lắng của người bạn tăng thêm. Vì vậy hãy hạn chế sử dụng những loại thực phẩm có chứa thành phần này nhé.
  • Ngủ đủ giấc: Hãy đảm bảo chất lượng và thời gian giấc ngủ kéo dài 8 tiếng mỗi đêm. Việc thiếu ngủ có thể khiến người bệnh càng thêm mệt mỏi, lo lắng, làm trầm trọng thêm các triệu chứng sợ xã hội. Ngủ đủ giấc giúp tinh thần thoải mái, giảm bớt sự lo lắng.

Trên đây là những thông tin cần biết về hội chứng sợ xã hội mà Vua Nệm muốn gửi đến bạn. Đối với người bệnh hoặc những ai nghi ngờ mình mắc hội chứng này có thể tìm đến bác sĩ chuyên môn để được chẩn đoán, điều trị. Đối với xã hội, chúng ta nên có sự hỗ trợ tích cực đối với người bệnh, tạo bầu không khí vui vẻ, thân thiện để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, tránh được cảm giác sợ hãi, lo lắng trong những tình huống xã hội hàng ngày.

>>>Xem thêm:

Đánh giá post

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM