Sức khỏe giấc ngủ

Tắm đêm vào mùa hè, nên hay không?

CẬP NHẬT 11/06/2022 | BỞI Tôn Vân

Vào mùa hè, nhất là những ngày nóng đỉnh điểm, nhiều người thường tìm đến việc tắm rửa liên tục hoặc ngâm mình trong thời gian dài để có thể giải tỏa bớt được phần nào lượng nhiệt nóng cơ thể đang phải chịu. Tuy nhiên, tưởng chừng việc sử dụng nước dội lên người sẽ mang lại cảm giác sảng khoái, thoải mái nhưng đó chỉ là cảm nhận ngay lúc đó.

Về lâu về dài, một số thói quen tắm thường ngày có thể gây nên các tác hại không ngờ đến sức khỏe, đặc biệt là việc tắm đêm vào mùa hè. 

Tắm đêm vào mùa hè
Tắm đêm vào mùa hè, nên hay không?

1. Những thói quen tắm vào mùa hè ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? 

Mùa hè nhiều người thường có xu hướng tắm đêm để cơ thể được mát mẻ, dễ chịu. So với những gì bạn cảm nhận thì việc tắm đêm trong thời gian dài cùng với những thói quen đi kèm lúc tắm sẽ dẫn đến những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

1.1. Tắm nước lạnh và nguy cơ giảm thân nhiệt

Việc tắm nước lạnh sẽ khiến bạn cảm thấy sảng khoái, xóa tan sự oi nóng của những ngày hè. Tuy nhiên việc dội nước lạnh lên người một cách bất ngờ sẽ khiến bạn bị hạ thân nhiệt đột ngột, các lỗ chân lông và các vi mạch dưới da bị co lại, ảnh hướng đến việc tuần hoàn máu. 

tắm nước lạnh
Việc tắm nước lạnh sẽ khiến bạn cảm thấy sảng khoái, xóa tan sự oi nóng của những ngày hè.

1.2. Tắm khi vừa đi trời nắng về, vừa ra khỏi phòng điều hòa

Khi vừa ra khỏi phòng điều hòa, bạn sẽ có xu hướng tắm nước nóng hơn bình thường. Việc chênh lệch giữa nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ nước tắm sẽ dẫn đến việc rối loạn vận mạch, rất dễ bị đột quỵ. Do đó hãy tắt điều hòa trước 15 phút để cơ thể có thể quen dần với nhiệt độ môi trường xung quanh rồi mới vào tắm.

Tương tự với việc bước ra từ phòng điều hòa nhiệt độ thấp, khi đi từ ngoài trời nóng về mà lao ngay vào phòng tắm cũng khiến cơ thể không bắt kịp với việc thay đổi nhiệt độ đột ngột. Bắt ép cơ thể thay đổi đột ngột như vậy có thể gây nên những tổn hại sức khỏe đáng tiếc như đột quỵ, ngất xỉu…

Do đó, sau khi đi nắng về, dù có khó chịu, bức bối thế nào thì việc đầu tiên cần làm là ngồi nghỉ ngơi, dùng khăn khô để thấm hết mồ hôi trên cơ thể. Sau khoảng 30 phút, khi bạn cảm thấy cơ thể không còn nóng như lúc vừa mới về hẵng vào đi tắm.

nghỉ ngơi sau khi đi nắng về
Sau khi đi nắng về, dù có khó chịu, bức bối thế nào thì việc đầu tiên cần làm là ngồi nghỉ ngơi

1.3. Tắm ngay sau khi ăn

Sau khi ăn, việc cơ thể ưu tiên đó là tiêu hóa thức ăn, vậy nên toàn bộ lượng máu được tuần hoàn đến dạ dày. Nếu tắm vào thời điểm này, bạn sẽ làm gián đoạn việc lưu thông máu, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa. Về lâu dài nếu lặp đi lặp lại hoạt động này sẽ dẫn đến các bệnh về dạ dày. Hơn thế nữa, còn gây ra thiếu oxy, thiếu máu cục bộ trong não. 

1.4. Thói quen tắm quá lâu 

Khi thời tiết nóng, chúng ta thường có xu hướng tắm lâu bởi nó mang lại cảm giác mát mẻ, thoải mái, sảng khoái. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia, việc tắm trong thời gian dài sẽ khiến mất đi độ ẩm cần thiết trên da, gây nên cảm giác khô, ngứa.

Các nghiên cứu cũng khẳng định việc tắm quá lâu cũng khiến thân nhiệt giảm dần theo thời gian. Và khi nhiệt độ cơ thể xuống quá sâu sẽ khiến bạn bị cảm lạnh, ảnh hưởng đến các nội tạng, cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng hoạt động của mạch máu, huyết áp, từ đó dễ khiến bạn bị đột quỵ, hôn mê… Vì vậy hãy chú ý thời gian tắm tối đa là 15 phút để không gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Hãy chú ý thời gian tắm
Hãy chú ý thời gian tắm tối đa là 15 phút để không gây nên những biến chứng nguy hiểm.

1.5. Tắm đêm vào mùa hè

Nhiều người nghĩ rằng sau khi làm hết việc nhà, trước khi đi ngủ mới chịu tắm qua để có thể thư giãn một cách tối đa. Nhưng đây là hành động đặc biệt nguy hiểm, đặc biệt với người gia, người huyết áp thấp và trẻ nhỏ.

Vào buổi tối, nhiệt độ không khí giảm xuống, tắm vào thời điểm này không có lợi cho sức khỏe, có thể dẫn tới các triệu chứng đau đầu, mỏi vai gáy, đau chân tay. Nguy hiểm hơn, nó có thể gây ra tai biến, đột quỵ, tử vong. Vì thế, một lời khuyên được đưa ra rằng: Vào mùa hè hay mùa đông, bạn cũng chỉ nên tắm trước 7 giờ tối.

> XEM THÊM:

2. Tắm đêm vào mùa hè gây nguy hiểm như thế nào? 

2.1. Tắm đêm vào mùa hè có nguy cơ đột quỵ cao

Ở người lớn tuổi, các đặc điểm sinh lý như lòng mạch máu bị xơ vữa (vôi hóa), mạch máu bị co lại, máu cô đặc và quánh cao hơn người trẻ nên thường gặp chứng huyết áp cao. Từ đó, vấn đề đột quỵ cũng có nguy cơ dễ mắc phải hơn người trẻ tuổi. 

 nguy cơ đột quỵ 
Tắm đêm vào mùa hè làm tăng nguy cơ đột quỵ

Theo bác sĩ Vũ Hữu Ngõ (nguyên Trưởng khoa Châm cứu và Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương) cho biết: “Triệu chứng thường gặp là đau đầu, mỏi vai gáy, toàn thân ớn lạnh, chóng mặt, liệt nửa mặt do tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên”. Khi dây thần kinh số 7 ngoại biên bị viêm sẽ để lại di chứng méo miệng gây mất thẩm mỹ nếu không được chữa trị kịp thời. Sau 2-3 năm thì sẽ trở thành tật, không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Ông có giải thích thêm về mặt y học cổ truyền, khi cơ thể bị nhiễm lạnh quá lâu, gió lùa đột ngột sẽ làm cản trở khi huyết kinh lạc vận hành. Nếu cơ thể chịu lượng nhiệt lạnh quá nhiều, quá đột ngột trong thời gian dài sẽ gây nên các bệnh lý có mức độ nguy hiểm khác nhau. Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông Y Ba Đình, Hà Nội) đặc biệt lưu ý rằng việc tắm đêm rất dễ khiến bạn bị đột quỵ do đau thắt ngực, tai biến mạch máu não…

Khi nhiệt độ nước có sự chênh lệch với nhiệt độ cơ thể, cơ thể buộc phải tự điều chỉnh bằng cách co mạch hoặc giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Việc co giãn của mạch máu được thực hiện đột ngột sẽ gây ra đột quỵ do nhồi máu não hoặc mạch vành (mạch máu cung cấp máu cho tim).

Trong thời tiết nóng nực của những ngày hè, các lỗ chân lông đang phải mở để thoát nhiệt, nếu tắm đêm sẽ làm nước ngấm vào các lỗ chân lông gây ra tình trạng cảm lạnh. Chưa dừng lại ở đó, việc tắm đêm còn khiến bạn dễ mắc các bệnh về phổi như nhiễm trùng phổi, suy giảm chức năng phổi, đặc biệt đối với những người đang suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người già yếu.

 tắm muộn nhất là 20 giờ trở lại.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tắm muộn nhất là 20 giờ trở lại.

Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tắm muộn nhất là 20 giờ trở lại. Sau khi tắm xong không nên nằm ngủ luôn mà hãy nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ nhàng trong khoảng 2 tiếng.

2.2. Tắm đêm vào mùa hè gây nhức đầu kinh niên

Không quá khó để bắt gặp những câu chuyện về việc đột quỵ sau khi tắm đêm vào mùa hè. Thậm chí, tình trạng này diễn ra ở cả người trung niên cũng như thanh niên trẻ tuổi. Ngay sau khi tắm đêm, nếu cơ thể phản ứng nhanh thì bạn sẽ cảm thấy đau đầu, chóng mặt ngay lập tức, tay chân có dấu hiệu tê lại; còn lâu hơn thì bạn có thể gặp những triệu chứng này sau khoảng 30 phút tắm xong.

Ở người trẻ, tắm đêm sẽ khiến mạch máu bị co lại và khi tắm nước lạnh sẽ gây ra tình trạng lưu thông máu khó khăn. Đây là nguyên nhân gây nên bệnh đau đầu, đau vai gáy, theo thời gian các triệu chứng cơ bản này sẽ thành bệnh đau đầu kinh niên.

nhức đầu kinh niên
Tắm đêm vào mùa hè gây nhức đầu kinh niên

2.3. Vào mùa hè tắm đêm nhiều vẫn có nguy cơ viêm phổi

Ban đêm là khoảng thời gian nhiệt độ chênh lệch hơn nhiều so với ban ngay. Việc tắm vào ban đêm đã là không tốt, nhưng nếu kết hợp thêm việc tắm nước lạnh thì đây thực sự là mối nguy hiểm đối với sức khỏe của bạn.

Việc sử dụng nước lạnh khiến cho cơ thể bị thay đổi nhiệt độ một cách thái quá. Phổi là cơ quan đầu tiên trong cơ thể bị ảnh hưởng nếu như cơ thể bị nhiễm lạnh. Với những người có hệ miễn dịch yếu, việc tắm nước lạnh vào khuya sẽ khiến bản thân dễ bị cảm và lạnh phổi, nặng hơn là mắc các bệnh sốt siêu vi và nhiễm trùng phổi.

Cơ quan hô hấp gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng và phát sinh các bệnh về đường hô hấp như: viêm phổi, phổi tắc nghẽn… Phổi bị lạnh nhiều lần mà không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh ung thư phổi.

3. Nên tắm vào thời điểm nào trong ngày tốt cho cơ thể và sức khỏe?

3.1. Tắm vào buổi sáng

Buổi sáng là khoảng thời gian nhiều người chọn để tắm, nhất là vào mùa hè. Có khá nhiều lý do để mọi người quyết định tắm ở thời điểm này: thứ nhất, buổi đêm thường là khoảng thời gian da tiết ra chất nhờn, đặc biệt trong những ngày thời tiết nắng nóng, sau một đêm ngủ dậy bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng da dầu rít khó chịu.

Tắm vào sáng sớm
Tắm vào sáng sớm cho tinh thần sảng khoái

Thứ hai, một số người kết thúc công việc vào tối muộn nên thay vì chọn tắm đêm nguy hiểm sẽ chuyển sang tắm sáng hôm sau. Thứ ba, nhiều người lựa chọn tập thể dục buổi sáng nên việc tắm rửa thời điểm này gần như là bắt buộc nếu bạn không muốn đến cơ quan với cơ thể bốc mùi mồ hôi. 

Việc tắm buổi sáng sẽ giúp cho quá trình lưu thông máu tốt hơn, da sẽ được hấp thụ dưỡng chất tốt hơn, chuẩn bị cho một tinh thần sảng khoái bắt đầu ngày làm việc mới. Đương nhiên, để có thể phát huy tốt nhất lợi ích tắm sáng, bạn cũng cần lưu ý nên tắm sau khi tập thể dục 30 phút, khi mồ hôi đã khô và nên tắm với nước ấm. 

3.2. Tắm vào lúc chiều tối

Đây là khoảng thời gian được nhiều người lựa chọn hơn cả. Bởi sau một ngày dài làm việc bên ngoài, bạn sẽ muốn cơ thể được sạch sẽ nhất có thể để tận hưởng khoảng thời gian thư giãn tại nhà. Tắm vào lúc chiều tối sẽ giúp bạn loại bỏ hết bẩn cũng như tẩy tế bào chết mang đến sự thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần. Thời điểm tắm phù hợp nhất lúc này là từ 19 giờ đến 20 giờ. 

Tắm vào lúc chiều tối
Tắm vào lúc chiều tối sẽ giúp bạn loại bỏ hết bẩn cũng như tẩy tế bào chết

Nếu bắt buộc phải tắm vào buổi đêm thì các bạn cần ghi nhớ những điều sau để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe: Để tránh gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, cần phải tắm trước đó 2 tiếng đồng hồ. Đặc biệt vào mùa hè nên tắm sau khi ăn cơm khoảng 2 tiếng hoặc trước khi ăn 1 tiếng để tránh rủi ro đột tử.

Với những người có vấn đề về huyết áp, không nên tắm khi quá no hoặc quá đói vì có thể dẫn đến tình trạng chóng mặt, dễ ngất xỉu; còn đối với người bình thường, hành động này sẽ ảnh hưởng đến các bệnh đường ruột, dạ dày. 

Hi vọng rằng với bài viết trên có thể giúp các bạn phần nào cải thiện thói quen tắm vào mùa hè của mình theo chiều hướng tốt cho sức khỏe hơn. 

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/cold-shower-vs-hot-shower

Bài viết liên quan:

Tôn Vân
Tôn Vân