Có rất nhiều lý do để mọi người thức khuya trong những ngày Tết: công việc, dọn dẹp, tiệc tùng…Tất cả những điều trên vô tình khiến giấc ngủ của ta bị xáo trộn. Một khi đã thức khuya, mọi người thường có xu hướng ngủ bù trong những Tết để giữ sự tỉnh táo cho bản thân. Tuy nhiên, ngủ bù ngày tết càng nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy mệt mỏi, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của tối hôm sau
Nội Dung Chính
1. Ngày Tết và 1001 kiểu ngủ bù
Cuối năm là khoảng thời gian khá bận rộn với nhiều người. Ai nấy đều có rất nhiều công việc cần phải hoàn thành trước Tết. Nào là việc cơ quan, nào là sắm sửa, nào là dọn dẹp, nào là nấu nướng…Với lịch trình công việc dày đặc, nhiều người đã chọn thức khuya để “chạy nước rút” trước khi Tết đổ bộ. Họ thường có suy nghĩ cố thức khuya để hoàn thành công việc trước Tết, trong Tết rồi ngủ bù cũng không sao.
Mặt khác, rất nhiều người đã tranh thủ khoảng thời gian hiếm hoi dịp Tết để vui chơi thỏa thích. Biết bao hoạt động giải trí sôi nổi được diễn ra. Và các hoạt động này đã vô tình khiến bạn quên mất việc đi ngủ đúng giờ. “Một năm Tết có một lần, hôm nay lỡ thức khuya thì sáng hôm sau ngủ bù. Dù gì mai đâu phải đi làm/đi học” – Đây là suy nghĩ của đa số mọi người trong những ngày đầu năm
Cứ như thế, mọi người ít ai quan tâm đến chuyện đi ngủ đúng giờ đủ giấc trong mùa lễ hội nhộn nhịp này. Và chẳng biết từ bao giờ, Tết bất đắc dĩ trở thành mùa có nhiều người ngủ bù nhất. Tuy nhiên, việc ngủ bù có thực sự bù đắp được những mất mát khi của cơ thể khi thiếu ngủ
2. Ngủ bù có thực sự giúp ích?
Trong lịch sử nghiên cứu giấc ngủ, các nhà nghiên cứu đã không khuyến khích chuyện ngủ bù. Matthew Walker – nhà khoa học giấc ngủ – tác giả cuốn sách Why We Sleep nổi tiếng thế giới phân tích “Giấc ngủ không hề giống như một ngân hàng. Bạn không thể dồn nợ lại và trả dứt một lần sau đó. Nếu bạn bị mất ngủ một đêm, rồi lại dùng ngày hôm sau để ngủ bù, bạn cũng không bù đắp lại những gì đã mất. Bộ não sẽ không có cách nào lấy lại những lợi ích của giấc ngủ đã bị mất trước đó”.
Không những không giúp ích, ngủ bù còn có thể gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người
2.1 Nguy cơ mắc bệnh tim
Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Sleep, việc ngủ bù chỉ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi kinh niên, tâm trạng khó chịu. Nguy hiểm hơn, dựa trên kết quả khảo sát của 984 người trưởng thành, những người hay “thức khuya ngủ bù” sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao thêm 11%.
2.2 Cơ thể bị lệch múi giờ
Quan niệm rằng ta có thể ngủ bù cho việc thức khuya đêm trước đó, miễn sao tổng số giờ ngủ đủ 7 – 8 tiếng là hoàn toàn sai lầm. Thậm chí, việc ngủ bù này sẽ tàn phá đồng hồ sinh học của bạn, từ đó dẫn đến hiện tượng “lệch múi giờ” – tức cảm giác mệt mỏi khi bạn đi máy bay từ múi giờ này sang múi giờ.
Người “thức khuya buổi tối, ngủ bù buổi sáng” trong những ngày Tết khi phải trở về nhịp sinh hoạt bình thường sau Tết sẽ cảm thấy mệt mỏi y như việc bay sang một quốc gia có múi giờ khác. Không cần phải đi máy bay mà cũng cảm thấy mệt mỏi như lệch múi giờ, đó là hệ quả của thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh trong những ngày Tết bị lệch so với những ngày bình thường
2.3 Ảnh hưởng đến não bộ
Ngủ bù không hợp lý sẽ khiến cho bạn càng thêm mệt mỏi, khó tập trung cao độ và đưa ra những quyết định sáng suốt. Ngoài ra, việc ngủ bù không có kế hoạch sẽ làm cho trí nhớ của bạn bị giảm sút, đồng thời còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tư duy và sáng tạo của bạn, từ đó tác động nghiêm trọng đến năng suất làm việc sau Tết
2.4 Ngủ không sâu giấc
Vào ban đêm, khi không có ánh sáng mặt trời, não bộ sẽ tiết ra hormone Melatonin – một loại chất giúp cho não bộ đi vào trạng thái ngủ sâu. Ban ngày, ánh sáng mặt trời sẽ làm ức chế quá trình sản sinh hormone Melatonin, não bộ của chúng ta sẽ trở nên tỉnh táo hơn. Vì thế, việc ngủ bù vào ban ngày rất khó để bạn có được giấc ngủ sâu giấc
2.5 Ảnh hưởng đến các cơ quan khác
Việc thức đêm ngủ ngày sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường máu, cholesterol, axit uric..Hormone sinh dục nữ, sinh dục nam sẽ bị thay đổi nồng độ. Một số cơ quan khác như dạ dày sẽ bị ảnh hưởng vì thói quen ngủ ngày bỏ bữa.
3. Đừng ngủ bù, hãy ngủ đúng giờ đủ giấc
Thay vì thức khuya cả đêm rồi dùng nguyên sáng hôm sau để ngủ bù, bạn hãy tập cho mình thói quen ngủ đúng giờ đủ giấc kể cả trong những ngày Tết. Tổ chức giấc ngủ Hoa Kỳ cho biết, mỗi người trung bình cần ngủ ít nhất 7,1 giờ mỗi đêm để sức khỏe được đảm bảo.
Bên cạnh việc ngủ đủ giấc, bạn còn phải ngủ đúng giờ. Sau khoảng 10 giờ đêm, các cơ quan trong cơ thể bạn sẽ giảm tải hoạt động và đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Đây cũng chính là thời điểm bạn cần đi ngủ để các cơ quan được phục hồi sức khỏe. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để bạn đi ngủ là khoảng từ 21 đến 22 giờ hàng ngày
4. Mẹo giúp bạn ngủ đúng giờ đủ giấc
Việc tuân thủ lịch trình đi ngủ đúng giờ đủ giấc khi không khí lễ hội tràn ngập muôn nơi là điều khá khó khăn. Dưới đây là một số mẹo giúp giấc ngủ ghé thăm bạn dễ dàng hơn.
- Không sử dụng cà phê, các chất kích thích sau 2h chiều
- Tránh ăn quá no, ăn nhiều món dầu mỡ vào buổi tối
- Tránh luyện tập thể dục thể thao trước 3 giờ trước khi ngủ
- Lên giường sớm hơn 15 phút
- Không sử dụng các thiết bị điện tử 2 giờ trước khi ngủ (ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sẽ ức chế quá trình sản sinh Melatonin và làm bạn khó ngủ)
- Giữ phòng tối, điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, thoải mái, yên tĩnh
>> Xem thêm: 10 bí quyết giúp bạn ngủ ngon trong dịp Tết
5. Phải làm sao khi lỡ thức khuya
Nếu đã lỡ thức khuya, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để phục hồi sức khỏe
- Ngủ trưa khoảng 20 phút vào ngày hôm sau
- Đi ngủ sớm vào đêm hôm sau
- Không ngủ hơn 9 tiếng vào đêm hôm sau
—-
Trong những ngày Tết, mọi người thường xem nhẹ tầm quan trọng của giấc ngủ. Đôi lúc còn cho rằng ngủ sẽ làm lãng phí thời gian quý báu của bản thân trong kỳ nghỉ đặc biệt nhất năm. Tuy nhiên, việc ngủ đúng giờ đủ giấc là vô cùng cần thiết. Để tinh thần được minh mẫn và cơ thể được khỏe mình, hãy chú ý hơn đến giấc ngủ của mình trong những ngày xuân