Chúng ta hay đọc ở đâu đó rằng việc ngủ nướng sẽ chẳng đem lại bất kỳ lợi ích nào cho sức khoẻ, thế nhưng, thực tế đã chứng minh rằng, ngủ bù vẫn đem lại ít nhiều lợi ích cho bạn, miễn là bạn có thể kiểm soát được số giờ ngủ cũng như áp dụng việc ngủ bù đúng cách.
Ảnh hưởng của việc thiếu ngủ
Câu chuyện về việc ngủ bù vào cuối tuần hay không luôn đem lại những ý kiến trái chiều bởi chúng ta sẽ có múi giờ sinh hoạt khác nhau. Có những người luôn lên giường vào 10h tối và thức dậy vào lúc 5 – 6h sáng; nhưng có những người hoàn thành công việc trong một ngày đến tận 12h – 1h sáng rồi sẽ ngủ đến tận trưa hôm sau.
Dẫu biết điều này phụ thuộc khá nhiều đến lịch trình sinh hoạt và công việc nhưng theo báo cáo có được từ tờ báo chuyên về sức khỏe Chronobiology International, những “cú đêm” luôn có xác xuất gặp phải các vấn đề về sức khỏe nhiều hơn những “chú chim sâu chăm chỉ”.
Tạm gác lại việc chúng ta nên trở thành “cú đêm” hay “chú chim sâu chăm chỉ”, một báo cáo khác từ Journal of Sleep Research cho hay thời gian ngủ của một người có mối quan hệ khá mật thiết đến tỷ lệ tử vong của họ. Theo sau bài viết này là kết quả của một nghiên cứu tìm hiểu về mối quan hệ giữa thời gian ngủ và tỷ lệ tử vong được thực hiện tại Viện nghiên cứu Stress Research thuộc Đại học Stockholm, Thụy Điển.
Để có thể chứng minh sự liên kết giữa hai vấn đề này, nghiên cứu đã tìm đến 43.000 đối tượng trưởng thành kể từ năm 1997 và sau đó đối chiếu nhóm đối tượng này với số lượng tử vong cho đến hiện tại. Kết quả cho thấy, những ai dưới độ tuổi 65 có thói quen ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm đều có nguy cơ tử vong sớm hơn những ai giữ vững lịch trình ngủ của mình từ 6 đến 7 tiếng mỗi đêm. Một phát hiện theo sau thú vị không kém khi cho rằng các đối tượng thường xuyên chọn giải pháp ngủ bù vào dịp cuối tuần hầu như đều không thể cải thiện tỷ lệ tử vong của mình. Vậy thực chất, ngủ bù có đem lại lợi ích gì hay không? Câu trả lời sẽ là có, tuy nhiên, cách thức thực hiện phải được điều chỉnh lại đôi phần.
Làm sao để ngủ bù đúng cách?
Elice Facer-Childs, một nghiên cứu sinh tại Đại học Birmingham cho biết, việc ngủ bù mang lại sự xáo trộn cho đồng hồ sinh học của mỗi người. Việc làm này tương đối giống tình trạng khi chúng ta bị jet-lag, dù bạn có ngủ bù bao nhiêu tiếng vào ngày cuối tuần thì khi tỉnh giấc bạn vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi và… buồn ngủ.
Giải pháp được đưa ra chính là thay vì chúng ta cố gắng ngủ bù vào sáng thứ Bảy như thông thường, bạn nên đi ngủ sớm hơn vào đêm thứ Sáu. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, điều bạn nên làm không phải là tiệc tùng thâu đêm mà là đi về nhà và chìm vào giấc ngủ. Sự ngủ bù này không những giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn vào sáng hôm sau mà còn giúp bạn giảm thiểu được sự thèm ngủ vô cớ cũng như chứng thèm ăn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng cân mất kiểm soát.