Người ta thường dùng cụm từ cú đêm để chỉ những người có thói quen ngủ trễ. Trong khi đó những ai ngủ sớm và dậy sớm sẽ được gọi là chim sơn ca. Xét về mặt thời gian ngủ thì 2 nhóm người này có sự đối lập khá rõ ràng. Tuy nhiên liệu chất lượng giấc ngủ giữa cú đêm và chim sơn ca có gì khác không? Cùng Vua Nệm tìm hiểu câu trả lời ngay sau đây nhé!
Nội Dung Chính
1. Tìm hiểu về giấc ngủ của cú đêm và chim sơn ca
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng cú đêm và chim sơn ca có thói quen ngủ không mấy tương đồng. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu chất lượng giấc ngủ của 2 nhóm người này có khác nhau không?
Để biết câu trả lời, SleepScore Labs (công ty liên doanh nổi tiếng chuyên kinh doanh những sản phẩm công nghệ phục vụ cho giấc ngủ) đã làm một cuộc khảo sát. Có đến 25.933 người tham gia cung cấp dữ liệu, trong đó khoảng 59% là nữ với độ tuổi từ 17 – 100.
Sau khi xem xét số liệu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những người thuộc kiểu thời gian sinh học khác nhau sẽ có tổng thời gian ngủ khác nhau. Theo đó, thông thường cú đêm và sơn ca khỏe mạnh đều ngủ khoảng 5 tiếng 44 phút mỗi đêm. Trong khi những người nằm ở giữa nhóm sơn ca và cú đêm có tổng thời gian ngủ đâu đó từ khoảng 5 tiếng 55 phút đến hơn 6 tiếng.
Trên thực tế, các kiểu thời gian sinh học cũng có dấu hiệu riêng để thông báo về giấc ngủ kém chất lượng. Hiện nay, có 3 kiểu thời gian đang tồn tại chính là ngủ sớm – dậy sớm, ngủ muộn – dậy muộn và ngủ đúng giờ – dậy đúng giấc.
Những người thuộc kiểu chim sơn ca (ngủ sớm – dậy sớm) dành ít thời gian cho việc ngủ hơn phần còn lại. Họ chỉ sử dụng được tối đa 77% để ngủ khi nằm trên giường, trong khi con số này đối với cú đêm (ngủ muộn – dậy muộn) lên đến 80%.
Mặt khác, chim sơn ca hay những người ngủ sớm và dậy sớm mất ít thời gian để chìm vào giấc ngủ hơn so với cú đêm. Họ chỉ cần khoảng 17 phút để bắt đầu những chu kỳ giấc ngủ, nhưng cú đêm thường mất thêm 1 – 2 phút nữa hoặc nhiều hơn.
Chất lượng giấc ngủ giữa những kiểu thời gian sinh học cũng bộc lộ sự khác nhau khi được đo bằng phép đo WASO. Phép đo này dùng để xác định xem bạn mất bao nhiêu thời gian để quay lại giấc ngủ nếu bị tỉnh giấc do một số nguyên nhân như đi vệ sinh, thời tiết nóng hoặc lạnh quá, gặp ác mộng,… Kết quả là cú đêm có thời gian chìm vào giấc ngủ nhanh nhất.
2. Chất lượng giấc ngủ kém giữa các kiểu thời gian sinh học
Tuy đã có nhiều dữ liệu được tổng hợp nhưng đến nay vẫn chưa ai đưa ra khẳng định chắc chắn cho thắc mắc cú đêm hay chim sơn ca sở hữu chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Các chuyên gia chỉ nhận xét rằng chất lượng giấc ngủ của những người thuộc nhóm ngủ đúng giờ – dậy đúng giấc có xu hướng tích cực hơn.
Nhận định trên được tiến sĩ Stephanie M. Stahl giải thích như sau: “Khi không còn sự tác động của ánh sáng mặt trời, cơ thể chúng ta sẽ nhận biết điều đó và đẩy nhanh quá trình sản xuất melatonin, một chất gây buồn ngủ. Do đó, tốt nhất là hãy cứ đi ngủ vào lúc trời tối hẳn (khoảng 10 giờ) và thức dậy lúc trời vừa sáng (khoảng 6 giờ).”
Trong xã hội hiện đại, một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nữa chính là môi trường làm việc và áp lực cuộc sống. Sự thật cho thấy chúng ta buộc phải điều chỉnh giờ đi ngủ để có thể hoàn thành tốt khối lượng công việc của mình. Điều này khiến đồng hồ sinh học bị thay đổi gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Tuổi tác ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ như thế nào?
Dù là cú đêm hay sơn ca thì yếu tố tuổi tác vẫn sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Điều này được thể hiện rõ ràng trong các phân tích của SleepScore Labs.
Trong cuộc khảo sát, những người tham gia lớn tuổi có tổng thời gian ngủ thấp và kém hiệu quả hơn so với người trẻ. Họ rất khó để chìm vào giấc ngủ và thời gian để quay lại giấc ngủ sau khi bất ngờ thức giấc rất dài. Kết luận khả năng có được những giấc ngủ hoàn hảo sẽ bị giảm dần theo năm tháng.
Từ lâu các nhà khoa học đã biết được rằng chất lượng giấc ngủ chắc chắn sẽ giảm xuống nhiều khi chúng ta già đi. Những khó khăn bạn sẽ gặp phải bao gồm giảm thời gian ngủ sâu, khó ngủ, ngủ chập chờn, thậm chí là mất ngủ. Do đó, phát hiện trên không phải là đột phá nhưng cũng góp phần giúp ta hiểu hơn về sức khỏe giấc ngủ.
4. Cách đánh giá chất lượng giấc ngủ
Một đêm khó ngủ sẽ không khiến bạn gặp bất cứ nguy hiểm nào ngoại trừ sự mệt mỏi vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, có một số vấn đề mãn tính về giấc ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khiến bạn suy giảm trí nhớ, mắc những bệnh lý liên quan đến tim mạch, tăng nguy cơ ung thư, tiểu đường tuýp 2,…
Chính vì thế mà bạn nên tìm cách để xem xét tình trạng chất lượng giấc ngủ và cải thiện cho tốt hơn. Hiện nay, các ứng dụng, đồng hồ thông minh hay thiết bị theo dõi đều có thể hỗ trợ bạn đánh giá mức độ ngủ ngon của bạn mỗi ngày.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng bạn không cần quá phụ thuộc vào công nghệ cao để xác định chất lượng giấc ngủ. Các chuyên gia tiết lộ rằng trong quá trình nghiên cứu, họ chỉ sử dụng thang đo từ 1 – 10 để người tham gia khảo sát tự chấm điểm cho giấc ngủ tối qua. Nếu con số là trên 7 thì có nghĩa bạn đã có giấc ngủ khá hoàn hảo.
5. Phương pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ
5.1. Tận dụng ánh sáng mặt trời
Các chuyên gia về giấc ngủ khuyên rằng bạn nên tận dụng sức mạnh của ánh sáng để hỗ trợ nhip sinh học. Hãy đảm bảo rằng bạn tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời khoảng 15 phút mỗi sáng sau khi thức dậy. Đồng thời, bạn có thể dựa vào thời điểm hoàng hôn để biết được đã đến lúc giảm bớt độ sáng của hệ thống đèn trong nhà.
5.2. Vệ sinh giấc ngủ
Để có giấc ngủ chất lượng bạn có thể áp dụng phương pháp vệ sinh giấc ngủ. Nếu làm theo phương pháp này, bạn sẽ bắt đầu xây dựng những thói quen lành mạnh như đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ mỗi ngày, nói không với thiết bị điện tử khi đi ngủ, trang trí phòng ngủ ấm cúng và êm ái, luyện tập thể thao đều đặn và tránh dùng chất kích thích trước khi ngủ.
Qua bài viết này, vấn đề chất lượng giấc ngủ giữa cú đêm và chim sơn ca có gì khác dường như không còn quan trọng nữa. Điều đáng quan tâm lúc này là bạn cần phải làm gì để có được giấc ngủ hoàn hảo và bảo vệ sức khỏe bản thân. Lời khuyên của Vua Nệm là hãy đi ngủ trước 10 giờ tối và thức dậy sau 7 – 8 tiếng theo khuyến cáo của các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe giấc ngủ bạn nhé!