Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi như thế nào là đủ?

CẬP NHẬT 08/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Ly
Banner Black Friday

Giấc ngủ là vô cùng quan trọng đối với trẻ nhỏ. Nó ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, cơ thể, thể chất, cảm xúc và hành vi của trẻ. Giấc ngủ cũng tạo tiền đề cho sự phát triển liên tục của trẻ trong suốt thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Do đó, việc cha mẹ cần phải đảm bảo thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi một cách đầy đủ và hợp lý, dù là trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ trong độ tuổi thanh thiếu niên thì việc có được giấc ngủ ngon và đủ thời gian là rất cần thiết.

Trong bài viết này, các bậc cha mẹ hãy theo chân Vua Nệm tìm hiểu về thời gian ngủ của trẻ theo từng độ tuổi để biết được con cần ngủ bao nhiêu là đủ nhé.

Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi như thế nào hợp lý?
Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi như thế nào hợp lý?

1. Giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với trẻ

1.1. Lợi ích của giấc ngủ ngon với trẻ

Giấc ngủ là nền tảng thiết yếu để xây dựng sức khỏe tinh thần và thể chất khỏe mạnh cho con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Đây cũng là thời gian để cơ thể trẻ phục hồi và nạp lại năng lượng sau một ngày học tập, hoạt động đã tiêu hao nhiều sức lực. Giấc ngủ cũng được cho là giúp tăng cường trí nhớ, tăng khả năng lưu giữ thông tin mà trẻ đã học được trong suốt cả ngày.

Ngoài ra, khi ngủ cơ thể giải phóng các hormone phát triển não bộ quan trọng sẽ là yếu tố giúp cho trí não của trẻ được phát triển tốt hơn. 

Giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Cụ thể, trong thời gian ngủ, trẻ có thể tăng dần về chiều cao. Ngủ đủ giấc khiến trẻ vui vẻ, hạnh phúc và hoạt bát hơn.

Trẻ ngủ đủ giấc phát triển tốt hơn về trí tuệ, thể chất và tinh thần
Trẻ ngủ đủ giấc phát triển tốt hơn về trí tuệ, thể chất và tinh thần

1.2. Thiếu ngủ gây ra nhiều nguy hại tới sức khỏe của trẻ

Ngược lại, thiếu ngủ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và hành vi của trẻ. Một đứa trẻ thiếu ngủ có thể dễ cáu kỉnh, tức giận, quấy khóc.

Ngủ không đủ giấc cũng có thể gây ra chứng tăng động giảm chú ý, lo lắng, trầm cảm ở trẻ. Buồn ngủ ảnh hưởng đến khả năng chú ý dẫn tới kết quả học tập suy giảm. Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy, nếu trẻ ngủ không đủ giấc, chất lượng giấc ngủ kém có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây ra nhiều bệnh tật khi lớn lên, như béo phì, tiểu đường và huyết áp cao. Có thể nói, giấc ngủ ngon là một thành phần quan trọng cho một lối sống lành mạnh cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.

Trẻ không ngủ đủ giấc dễ ảnh hưởng xấu tới tâm trạng, tinh thần
Trẻ không ngủ đủ giấc dễ ảnh hưởng xấu tới tâm trạng, tinh thần

2. Thời gian ngủ của trẻ theo từng độ tuổi như thế nào hợp lý?

Do tác động của giấc ngủ rất lớn đối với sự phát triển tổng thể từ trí tuệ đến thể chất và tinh thần của trẻ, nên thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi trở thành vấn đề rất được quan tâm. Dưới đây là thời gian ngủ cần thiết cho trẻ theo từng nhóm tuổi mà các bậc cha mẹ cần lưu ý.

2.1. Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh 0 – 1 tháng

Trẻ sơ sinh thường ngủ khoảng 15 đến 18 giờ mỗi ngày, nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ hai đến bốn giờ. Trẻ sinh non có thể ngủ lâu hơn hoặc ít hơn. Không có một mô hình giấc ngủ nào được thiết lập ở trẻ sơ sinh trong độ tuổi này, ở những đứa trẻ khác nhau có nhu cầu ngủ, thói quen ngủ và thời gian ngủ khác nhau.

Vì trẻ sơ sinh chưa có đồng hồ sinh học hay nhịp sinh học như người lớn, nên giấc ngủ của trẻ cũng không liên quan đến chu kỳ ban ngày và ban đêm, nó có thể ngủ bất cứ lúc nào, thậm chí là ngủ nhiều hơn vào ban ngày.

2.2. Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 1 – 4 tháng

Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 1 – 4 tháng tuổi cần phải đảm bảo từ 14 đến 17 giờ mỗi ngày. Do nhu cầu ăn/bú sữa nhiều hơn, nên giấc ngủ thường được chia thành nhiều khoảng thời gian ngắn hơn. Thời gian ngủ dài nhất kéo dài từ 4 đến 6 giờ và thường ngủ nhiều hơn vào buổi tối. Điều này cho thấy có sự phân biệt ngày đêm rõ ràng hơn.

Mặc dù phần lớn thời gian ngủ diễn ra vào ban đêm, nhưng hiếm khi trẻ sơ sinh ngủ suốt đêm mà không thức dậy. Trẻ không ngủ suốt cả đêm và vẫn thức dậy để ăn/bú sữa.

Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 1 - 4 tháng tuổi cần phải đảm bảo từ 14 đến 17 giờ mỗi ngày
Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 1 – 4 tháng tuổi cần phải đảm bảo từ 14 đến 17 giờ mỗi ngày

2.3. Đối với trẻ từ 4 đến 6 tháng

Mốc 4 tháng là điểm mà giấc ngủ của trẻ sẽ diễn ra đều đặn hơn và có thể đoán trước được. Bắt đầu từ khoảng 4 tháng tuổi trẻ sơ sinh sẽ cần ngủ từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày.

Trẻ ở độ tuổi này sẽ bắt đầu bỏ bú đêm và thường ngủ suốt đêm, ít thức dậy để bú hơn, giấc ngủ của trẻ có thể kéo dài từ 6 đến 12 giờ mỗi lần.

2.4. Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 6 – 12 tháng

Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 6 – 12 tháng thì tối đa 15 giờ là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sơ sinh đến 11 tháng tuổi chỉ ngủ được khoảng 12 giờ. Vì em bé đã bắt đầu hình thành kiểu ngủ giống người lớn hơn nên các bạn có thể thiết lập một thói quen ngủ lành mạnh cho bé.

Khoảng 6 tháng tuổi trở đi, trẻ có thói quen ngủ khoảng 2 – 3 giấc ngắn mỗi ngày và có khả năng ngủ suốt đêm không thức dậy. Việc thiết lập những giấc ngủ ngắn như ngủ vào buổi trưa sẽ tốt cho trẻ.

Giấc ngủ ngắn đầu tiên thường bắt đầu lúc 9 giờ sáng và kéo dài khoảng 1h đồng hồ. Giấc ngủ ngắn đầu giờ chiều bắt đầu từ trưa đến 2 giờ chiều và kéo dài từ 1 – 2 tiếng. Và giấc ngủ trưa muộn có thể bắt đầu từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều.

Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 6 - 12 tháng từ 12 - 15 giờ mỗi ngày
Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 6 – 12 tháng từ 12 – 15 giờ mỗi ngày

2.5. Giấc ngủ của trẻ từ 1- 3 tuổi

Khi trẻ được 1 tuổi, chúng có thể sẽ không ngủ giấc ngủ ngắn vào buổi sáng và cuối buổi chiều và thường chỉ ngủ một lần một ngày. Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 1 tuổi cần ngủ 14 giờ mỗi ngày, nhưng thông thường chúng chỉ ngủ được khoảng 10 giờ.

Hầu hết trẻ em từ khoảng 21 đến 36 tháng tuổi vẫn cần một giấc ngủ ngắn mỗi ngày, có thể kéo dài từ 1 – 3,5 giờ một lần ngủ. Trẻ trong độ tuổi này cũng thường đi ngủ từ 7 – 9 giờ tối và thức dậy trong thời gian từ 6 – 8 giờ sáng ngày hôm sau.

2.6. Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi từ 3 – 6 tuổi

Trẻ em ở độ tuổi này thường đi ngủ vào khung giờ giống như khi chúng còn từ 1 – 3 tuổi và cần ngủ từ 10 – 12 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, ở tuổi lên 3, hầu hết trẻ em vẫn còn ngủ trưa, nhưng đến 5 tuổi thì dường như không còn ngủ trưa. Những giấc ngủ ngắn cũng dần trở nên ngắn hơn, chỉ khoảng 1- 2 tiếng trong lần ngủ trưa.

Trẻ từ 3 - 6 tuổi cần ngủ từ 10 - 12 giờ mỗi ngày
Trẻ từ 3 – 6 tuổi cần ngủ từ 10 – 12 giờ mỗi ngày

2.7. Giấc ngủ của trẻ từ 7 – 12 tuổi 

Ở những lứa tuổi này, trẻ tham gia nhiều hoạt động xã hội, học tập ở trường học, nên giờ đi ngủ dần trở nên muộn hơn. Hầu hết trẻ 12 tuổi đi ngủ vào khoảng 9 giờ tối. Giờ đi ngủ của trẻ không cố định mà nằm trong khoảng từ 7 giờ 30 đến 10 giờ tối, tổng số thời gian ngủ từ 9 đến 12 giờ, nhưng phần lớn chỉ trung bình khoảng 9 giờ.

2.8. Thời gian ngủ của trẻ từ 12 – 18 tuổi

Trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên 12- 18 tuổi thường ngủ ít hơn nhiều so với trẻ dưới 12 tuổi. Công việc, học tập hay các hoạt động xã hội cũng như nhu cầu vui chơi, giải trí cao hơn và thường trẻ không còn ngủ trưa mà chỉ ngủ một giấc vào ban đêm.

Thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi này cần phải đảm bảo từ 8 đến hơn 10 giờ mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần và trí lực tốt nhất.

Thời gian ngủ của thanh thiếu niên 12 - 18 tuổi khoảng 8 - 10 giờ mỗi ngày
Thời gian ngủ của thanh thiếu niên 12 – 18 tuổi khoảng 8 – 10 giờ mỗi ngày

3. Mẹo giúp trẻ ngủ ngon hơn

Rất nhiều trẻ em bị mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc khiến cha mẹ rất lo lắng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng học tập của con. Dưới đây là một số mẹo giúp con bạn ngủ ngon hơn, cùng tham khảo nhé.

  • Lên “thời khóa biểu” cho lịch đi ngủ: Thiết lập một lịch trình thời gian đi ngủ và thức dậy nhất quán mỗi ngày. Vào những ngày nghỉ học, cuối tuần, ngày lễ có thể ngủ muộn và thức dậy sớm không quá 1 giờ so với ngày thường. Điều này sẽ giúp duy trì nhịp sinh học cho bé.
  • Rèn luyện thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ: Các bạn có thể tập cho con các thói quen tốt như đọc sách hoặc kể chuyện về một ngày vừa diễn ra. Tránh sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ để không gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.
  • Phòng ngủ mang tới sự dễ chịu: Phòng ngủ của con phải thoải mái, yên tĩnh và tối hơn. Trẻ thường bị sợ hãi bóng tối nên có thể sử dụng đèn ngủ nhưng không nên chọn ánh sáng đèn quá sáng. Phòng mát mẻ (khoảng 28 độ C) sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn. Ngoài ra, tránh sử dụng phòng ngủ của con để đe dọa hay trừng phạt con khi con mắc lỗi, ví dụ như nhốt trong phòng một mình hay bắt quét dọn, lau chùi… Cần phải cho con một ấn tượng và suy nghĩ rằng phòng ngủ là một nơi tốt chứ không phải là một nơi đáng ghét.
  • Kiểm soát việc ăn vặt của con: Không nên để con đi ngủ khi còn đói, bạn có thể cho con ăn một bữa nhẹ hoặc uống sữa trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, không nên để ăn quá no hoặc các bữa quá nặng với những món khó tiêu, nhiều dầu mỡ… trong 1 – 2 giờ trước khi đi ngủ, vì nó có thể khiến con khó ngủ hơn.
  • Hạn chế cho con dùng đồ uống, đồ ăn có chứa caffeine: Caffeine có thể được tìm thấy trong nhiều loại soda, cà phê, trà đásôcôla. Các bạn nên hạn chế cho con sử dụng những loại này từ 6 – 8 giờ trước khi đi ngủ.
  • Tránh hoạt động cường độ cao vào buổi tối: Không nên cho con tham gia vào các hoạt động tốn nhiều năng lượng hoặc các hoạt động kích thích, chẳng hạn như trò chơi trên máy vi tính, nó có thể cản trở giấc ngủ của con.
  • Tránh tiếp xúc thiết bị điện tử trước khi đi ngủ: Không đặt tivi trong phòng hoặc không cho con xem điện thoại trước khi đi ngủ, vì con sẽ phụ thuộc vào điện thoại hoặc tivi, cho rằng cần có tivi hoặc điện thoại mới có thể ngủ.
  • Ngủ trưa phù hợp: Những giấc ngủ ngắn rất cần thiết cho nhu cầu phát triển của con những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, nên tránh những giấc ngủ trưa quá dài hoặc quá nhiều, vì ngủ ban ngày quá nhiều có thể khiến con bạn ngủ ít hơn vào ban đêm.
Hướng dẫn cách để trẻ ngủ ngon hơn
Hướng dẫn cách để trẻ ngủ ngon hơn

Vua Nệm đã cung cấp cho các bạn thông tin về thời gian ngủ của trẻ theo độ tuổi. Đối với con người, đặc biệt là ở trẻ thì giấc ngủ vô cùng quan trọng, nên cha mẹ cần chăm sóc cho giấc ngủ của con, để con có giấc ngủ ngon, đảm bảo cả chất lượng và thời lượng ngủ đầy đủ. Áp dụng những mẹo trên để giúp con dễ ngủ và ngủ ngon hơn nhé.

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Dương Ly

Xin chào! Mình là Dương Ly, chuyên viên Digital Marketing tại Vua Nệm. Với niềm đam mê viết lách, sự trải nghiệm cùng 3 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển nội dung đa lĩnh vực. Mình hy vọng có thể đem đến cho quý độc giả những bài viết hay ho, đầy hữu ích về mọi lĩnh vực trong đời sống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM