Nhà tù Hỏa Lò – ‘chứng tích lịch sử’ hào hùng ghi dấu chiến tranh gian khổ

CẬP NHẬT 13/08/2024 | Bài viết bởi: Ly Dương

Sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh dài đằng đẵng, nhân dân đã lại được sống trong cảnh hòa bình, yên ấm và sạch bóng quân thù. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tồn tại những di tích lịch sử gợi nhắc về một thời kháng chiến đầy khổ ải, gian lao. Tiêu biểu nhất chính là Nhà tù Hỏa Lò – chốn ‘địa ngục trần gian’ từng khiến cả thế giới phải căm phẫn tột cùng vì sự phi nhân tính. Mời bạn cùng tìm hiểu về địa điểm này thông qua bài viết dưới đây!

1. Vài nét về nhà tù Hỏa Lò

Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp khởi công xây dựng vào năm 1896, đặt tại làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương (nay là số 1, phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tên gọi ban đầu của nơi này vốn là Đề Lao Trung Ương (Maison Centrale) nhưng do nằm trên một ngôi làng làm nghề nung nên về sau thường được người dân gọi là Nhà tù Hỏa Lò. 

nhà tù hoả lò ở đâu
Nhà tù Hỏa Lò là một trong những trại giam lớn nhất của Pháp trên địa bàn Đông Dương

Trên thực tế, Hỏa Lò được xây dựng nhằm mục đích giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Tại đây, họ liên tục bị tra tấn, nhục hình bằng những cách thức độc ác, dã man ngoài sức tưởng tượng. Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào tháng 10 năm 1954, nơi đây đã được trao lại cho chính Phủ Việt Nam tiếp nhận và xử lý. Kể từ đó, Hỏa Lò được sử dụng như một nhà tù dân sự, đặt dưới sự quản lý của Công an thành phố Hà Nội đồng thời đổi tên thành Trại tạm giam phạm nhân Hà Nội.

Nhà tù Hỏa Lò được giao cho Công an thành phố Hà Nội sau hiệp định Paris 1954
Nhà tù Hỏa Lò được giao cho Công an thành phố Hà Nội sau hiệp định Paris 1954

Trong giai đoạn từ ngày 5.8.1964 – 29.3.1973, nhà tù Hỏa Lò được dùng để làm nơi giam giữ những phi công Mỹ bị bắt giữ trong chiến tranh. Đến năm 1994, một phần nhà tù với diện tích khoảng 2400 mét vuông đã được chính phủ tôn tạo thành khu di tích lịch sử, phần còn lại được sử dụng để xây dựng tòa tháp Ha Noi Tower. 

2. Cách di chuyển đến nhà tù Hỏa Lò

Để di chuyển đến nhà tù Hỏa Lò, du khách có thể sử dụng các loại phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô, bắt taxi hoặc đón xe ôm công nghệ thông qua các app trực tuyến. Ngoài ra, phương tiện giao thông công cộng như xe bus hay bus city tour 2 tầng cũng là gợi ý đáng để trải nghiệm. Trong đó, một số tuyến xe bus nội thành có điểm trả khách gần khu vực di tích Hỏa Lò là số 02, 32, 34 và 38.

cách di chuyển đến nhà tù hoả lò
Du khách có thể gửi xe miễn phí ở nhà tù Hỏa Lò

3. Giờ hoạt động và giá vé tham quan

Hiện tại, nhà tù Hỏa Lò đang mở cửa đón khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, với khung giờ cố định từ 8h – 17h. Riêng 3 ngày cuối tuần (thứ 6, thứ 7 và chủ nhật) sẽ đóng cửa muộn hơn để du khách có thể trải nghiệm thêm một số hoạt động khác, thường diễn ra trong khoảng 19h – 19h45.

Giá vé vào cổng ở di tích Hỏa Lò được chia thành nhiều mức tùy theo độ tuổi. Cụ thể, đối với người trên 60 tuổi và sinh viên, học sinh sẽ là 15.000/lượt, còn người lớn là 30.000/lượt. Riêng những người có công với cách mạng cũng như trẻ dưới 15 tuổi sẽ được vào tham quan miễn phí. 

giá vé vào cổng nhà tù hoả lò
Giá vé vào cổng ở di tích Hỏa Lò dao động từ 15.000 – 30.000

4. Lịch sử hình thành của nhà tù Hỏa Lò

Như đã nói ở trên, nhà tù Hỏa Lò được xem là một trong những nơi giam giữ tù nhân quy mô và kiên cố nhất của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Tổng diện tích của nơi này lên đến 12.908 mét vuông, trong đó toàn bộ cơ sở hạ tầng đều được xây dựng từ những nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Pháp. Sau 3 năm thi công, tức năm 1899, nhà tù Hỏa Lò dù chưa hoàn thiện song đã bắt đầu đi vào hoạt động, trở thành nơi giam cầm và hành hạ hàng ngàn chiến sĩ Việt Nam yêu nước.

lịch sử hình thành nhà tù hoả lò
Thực dân Pháp xem nhà tù Hỏa Lò là chốn ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’

5. Kiến trúc độc đáo bên trong nhà tù Hỏa Lò

Có thể nói, những công trình được giữ lại ngày nay chỉ là một phần của nhà tù Hỏa Lò, bao gồm: 2 dãy trại giam tập thể nam – nữ, 3 tòa nhà 2 tầng xây theo lối kiến trúc Pháp, 2 chòi canh, 4 gian xà lim có máy chém tử hình và một phần tường đá bao bọc xung quanh. Tuy nhiên, chừng đó vẫn đủ để chứng minh sự hệ thống, kiên cố cũng như lối kiến trúc độc đáo bên trong nhà tù. 

Bên cạnh các phòng giam được trang bị mái ngói và tường gạch quét vôi xám, nơi đây còn sở hữu các xà lim tối tăm chỉ gồm một ô cửa nhỏ duy nhất. 

5.1 Cánh cửa gỗ lim dẫn vào nhà tù Hỏa Lò

Sau khi vào cổng, du khách chắc chắn sẽ bị choáng ngợp bởi sự hiện diện của cánh cửa gỗ lim với khối lượng lên đến 1.6 tấn. Đằng sau đó, tù nhân sẽ phải đối diện với luật lệ giam giữ hà khắc, những tên cai ngục hung tàn cùng các chiêu thức hành hạ, tra tấn tàn bạo. Sau khi bị bắt giữ, tù nhân sẽ được phát cho một bộ quần áo có in hai ký tự viết tắt của nhà tù (MC) và nhận thêm một chiếc chăn vào mùa đông.

kiến trúc nhà tù hoả lò
Nhà tù Hỏa Lò là nơi đã vào thì khó có đường ra

5.2 Trại giam D – địa điểm giam giữ tù nhân chính trị

Trại giam D được biết đến là điểm tập kết và giam giữ tập thể các tù nhân chính trị bị áp giải đến nhà tù Hỏa Lò. Khu trại được xây kiên cố, sơn hắc ín và lợp mái ngói nhưng không làm trần. Có những thời điểm, nơi đây giam giữ gần 100 tù nhân – trong khi quy định tối đa chỉ khoảng 40 người. Vào mùa nắng nóng đỉnh điểm, những ai có thể trạng yếu sẽ được chỉ định ra nằm gần cửa sổ. Ngược lại, khi đến mùa đông lạnh lẽo thì tất cả phải nằm úp để giữ ấm.

trại giam d nhà tù hoả lò
Trại giam D được dùng làm nơi giam giữ các tù nhân chính trị

Bên trong mỗi buồng giam sẽ được trang bị một hệ thống cùm chân bằng kim loại cố định trên sàn gỗ lim. Nhà vệ sinh lộ thiên đặt ở giữa phòng, tuy nhiên không được vệ sinh nên rất hôi thối, khiến nhiều người bị kiết lỵ, tả,… Năm 1917, một nửa tù nhân đã phải nằm bệt dưới sàn vì số lượng vượt quá mức cho phép.

5.3 Khu Cachot – ngục tối trừng phạt tù nhân chống đối

Nằm kế bên trại giam D chính là khu Cachot – nơi mà thực dân Pháp dùng để biệt giam và trừng trị những tù nhân có hành vi chống đối. Không chỉ tối tăm và ngột ngạt, sàn nhà còn được thiết kế theo kiểu dốc ngược để máu dồn thẳng lên đầu mỗi khi nằm ngủ. Khi bị giải đến đây, tù nhân sẽ phải đối diện với việc bị cùm chân 24/24, bị bỏ đói, đánh đập, buộc đi vệ sinh tại chỗ và thường xuyên bị hắt nước lạnh vào người khi mùa đông đến. Hậu quả là đa số người ra khỏi đây đều rơi vào tình trạng thương tật, ghẻ lở, mù lòa,…

Khu Cachot là nỗi khiếp sợ của các tù nhân bên trong nhà tù Hỏa Lò
Khu Cachot là nỗi khiếp sợ của các tù nhân bên trong nhà tù Hỏa Lò

5.4 Khu xà lim tử hình bằng máy chém

Sau bị tuyên án tử hình, tù nhân sẽ bị đưa đến khu xà lim ở góc Tây Nam của nhà tù. Nhìn chung, thiết kế và điều kiện giam giữ ở đây tương tự như tại trại giam D, chỉ mở cửa 2 lần khi đến bữa ăn. Dù điều lệ của nhà tù đã quy định rõ rằng tù nhân sẽ được giam 10 tháng để chờ xét xử lại (nếu có) rồi mới bị xử tử song nhiều người đã mất mạng sau khi bị tống vào khu xà lim vài ngày.

Máy chém tù nhân ở nhà tù Hỏa Lò
Máy chém tù nhân ở nhà tù Hỏa Lò

Đáng chú ý, tội ác man rợ nhất ở nhà tù này chính là việc tử hình tù nhân bằng các máy chém mà chúng cho là công cụ nhân đạo hơn so với thời Trung Cổ. Hiện nay, toàn bộ các máy chém còn được giữ nguyên trạng, như một minh chứng cho sự vô nhân tính mà quân xâm lược đã gây ra cho dân tộc ta.

7. Một số hoạt động tham quan tại nhà tù Hỏa Lò

Du khách đến tham quan nhà tù Hỏa Lò có thể trải nghiệm tour khám phá ban ngày hoặc ban đêm, trực tiếp nhìn ngắm những hiện vật được trưng bày như bộ bát đũa, quần áo tù nhân, tượng điêu khắc theo hoạt cảnh,… Trong suốt quá trình đó, sẽ luôn có hướng dẫn viên thuyết minh đi cùng để cung cấp thông tin cũng như phần nào tái hiện lại sự man rợ của kẻ thù bằng những hoạt cảnh đầy sinh động.

tham quan nhà tù hoả lò
Du khách có thể trải nghiệm tour tham quan Hỏa Lò ngày và đêm

Đặc biệt, du khách mua tour tham quan Hỏa Lò về đêm còn có cơ hội tự hóa thân vào vai những người tù chính trị bị giam giữ tại đây. Cuối mỗi tour, bạn sẽ được nếm thử các món ăn đặc trưng của vùng như thạch bàng, bánh lá bàng và chè lá bàng,…

Dù lịch sử đã lùi về sau song những mất mát đau thương mà chiến tranh để lại đối với dân tộc ta vẫn vô cùng to lớn. Do vậy, sự tồn tại của Nhà tù Hỏa Lò đóng vai trò như một lời nhắc nhở oai hùng, rằng bao thế hệ ông cha đã đánh đổi máu xương để đổi lấy những tháng ngày độc lập. Hi vọng rằng bài viết của Vua Nệm sẽ giúp bạn có thêm gợi ý cho hành trình khám phá thủ đô thêm phần thú vị.

>>>ĐỌC THÊM: 

5/5 - (1 lượt bình chọn)