Chuyện quanh ta

Điện Kính Thiên – Tìm hiểu công trình kiến trúc đặc sắc từ thời nhà Lê

CẬP NHẬT 11/07/2023 | BỞI Minh Anh

Nếu đã từng ghé thăm Hoàng thành Thăng Long, ắt hẳn bạn sẽ vô cùng ấn tượng với điện Kính Thiên, một công trình kiến trúc đặc sắc và mang nhiều tầng ý nghĩa. Để ngày càng có nhiều người biết đến công trình này hơn, hôm nay Vua Nệm sẽ cùng bạn tìm hiểu về điện Kính Thiên thật chi tiết. Hãy theo dõi bài viết của chúng tôi để hiểu hơn về công trình lâu đời và mang nhiều câu chuyện lịch sử của người Việt này nhé!

tìm hiểu về điện kính thiên
Tìm hiểu về điện Kính Thiên đầy đủ, chi tiết nhất

1. Điện Kính Thiên nằm ở đâu?

Đối với những người lần đầu biết đến điện Kinh Thiên, câu hỏi đầu tiên bạn quan tâm ắt hẳn là công trình này nằm ở đâu? Câu trả lời cho bạn là điện Kính Thiên chính là di tích trung tâm, thuộc khu Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Đây là nơi cử hành rất nhiều nghi lễ long trọng của triều đình, là nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài cũng như họp bàn nhiều việc quốc gia quan trọng. Địa chỉ hiện tại của điện Kính Thiên là 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

điện kính thiên ở đâu
Điện Kính Thiên là di tích mang nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng

Để đến Điện Kính Thiên bạn sẽ đi từ Đoan Môn. Từ đây bạn sẽ di chuyển qua một khoảng sân rộng có tên là Long Trì trước khi đến Điện Kính Thiên. Để đến đây, bạn có thể lựa chọn đi xe máy, taxi hoặc xe buýt. 

Có thể nói Điện Kính Thiên chính là cung điện quan trọng nhất của trung tâm Cấm thành Thăng Long. Đây cũng là nơi các Hoàng đế ngự trị, là biểu tượng của quyền lực tối cao của Đại Việt ta từ thời nhà Lê thế kỷ XV đến XVIII. 

2. Tìm hiểu lịch sử của Điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên có lịch sử vô cùng lâu đời, cung điện này được xây dựng năm 1428 dưới thời vua Lê Thái Tổ. Và theo ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, cung điện được hoàn thành vào thời vua Lê Thánh Tông. Điện tọa lạc tại núi Nùng, trên nền cũ của điện Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần. 

Sau thời Lý – Trần – Lê đã cho xây dựng hệ thống đồn lũy tại đây, khu vực quan trọng nhất chính là Tử Cấm Thành (còn được gọi là Long Phượng Thành hoặc Long Thành). Trung tâm là điện Càn Nguyên, điện Thiên An thuộc thời Lý – Trần và điện Kính Thiên thời nhà Lê. 

Từ năm 1788, vua Quang Trung dời đô vào Phú Xuân – Huế, Hoàng thành Thăng Long trở thành đại bản doanh của Trấn Bắc Thành. Vào năm 1805, vua Gia Long đã xây dựng khu vực này thành hành cung tạm thời để vua sử dụng khi Bắc tuần. Từ năm 1831, tên gọi Thành cổ Hà Nội dần xuất hiện khi vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, thành lập các tỉnh trên cả nước trong đó có tỉnh Hà Nội. 

Vào thời Pháp thuộc cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã phá bỏ hành cung Kính Thiên để xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh. Công trình này cũng được gọi là Nhà Con Rồng vì có tượng rồng trấn giữ ở cả mặt trước và sau. Sau ngày 10-10-1954, sau khi quân ta tiếp quản thủ đô, khu vực này đã trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng. Vào năm 2004, Bộ Quốc phòng đã bàn giao một phần khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho UBND TP Hà Nội quản lý. 

3. Đôi nét về kiến trúc của điện Kính Thiên

Vào năm 1886, điện Kính Thiên đã bị phá hủy và chỉ còn sót lại nền điện và bậc thềm. Tuy nhiên, kiến trúc của điện Kính Thiên vẫn còn được lưu giữ thông qua những bức ảnh chụp do người Pháp ghi lại vào cuối thế kỷ XIX. Đó là kiến trúc gỗ vô cùng đặc sắc với 2 nếp hình chữ Nhị. Điện có thiết kế chồng diêm 2 tầng và 8 mái với các góc đao cong mềm mại. Phần nóc của cả hai nếp nhà đều được đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời. Xung quanh điện là một khoảng sân rộng với lan can bao 4 phía. 

kiến trúc điện kính thiên
Kiến trúc của điện Kính Thiên mang đậm hơi thở thời gian

Khu nền cũ điện Kính Thiên được xác định có chiều dài 57m, rộng 41,5m và cao 2,3m. Phần thềm được xây bằng đá xanh và tạo thành ba lối vào. Phần mặt trước, nằm hướng chính nam của điện là phần thềm điện. Khu vực này được xây bằng những phiến đá hộp lớn với 10 bậc, có 4 rồng đá phân thành 3 lối lên đều nhau. Khu vực này có tên gọi là Thềm Rồng. 

Hai bên bậc thềm có 2 rồng đá với niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII). Rồng có chiều dài 3,4m, uốn 7 khúc. Phần thân rồng có vảy, chân 5 móng và lưng như hàng vây cá. Rồng đá ở điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc tuyệt tác, đại diện cho nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao của thời Lê sơ. 

4. Công trình phục dựng điện Kính Thiên trong những năm qua

Có thể nói điện Kính Thiên chính là hồn cốt của trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Thế nhưng giờ đây những gì còn sót lại chỉ là thềm đá và nền điện cũ. Chính vì thế, việc phục dựng toàn bộ điện Kính Thiên đã được các nhà khoa học ấp ủ và dự định thực hiện với rất nhiều tâm huyết trong nhiều năm qua. 

Trong hành trình phục dựng, các nhà khoa học đã gặp rất nhiều bài toán nan giải. Trong đó phải kể đến cấu trúc không gian, không gian và cấu trúc của Chính điện. Việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở các dấu tích điện Kính Thiên hiện tại mà còn phải dựa vào nhiều tư liệu, hình ảnh. Cùng với đó là sự kết hợp với quá trình khai quật, khảo cổ các di vật tương ứng, tham khảo các thư tịch cổ liên quan để làm rõ cách thức bố trí các chân cột, nền móng của nền điện năm xưa. 

Công trình phục dựng điện Kính Thiên được chia thành hai giai đoạn
Công trình phục dựng điện Kính Thiên được chia thành hai giai đoạn

Phải công nhận rằng việc phục dựng công trình kiến trúc điện Kính Thiên chưa bao giờ dễ dàng. Để thực hiện, các nhà khoa học đã chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài từ năm 2021 đến 2025 và giai đoạn hai bắt đầu từ năm 2025 đến 2030. Hy vọng rằng kế hoạch này sẽ được thực hiện thành công và chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn điện Kính Thiên – một trong những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa của thời nhà Lê. 

5. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng gần điện Kính Thiên

Sau khi tham quan điện Kính Thiên, bạn cũng có thể tiếp tục di chuyển đến một số địa điểm du lịch nổi tiếng khác gần khu vực này. Nếu yêu thích tìm hiểu văn hóa thủ đô, du khách đừng bỏ lỡ những địa điểm sau đây nhé: 

  • Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
  • Văn Miếu Quốc Tử Giám.
  • Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Phố cổ Hà Nội.
  • Đền Bạch Mã.

Đây là những di tích mang trong mình rất nhiều hơi thở thời đại, về một Hà Nội xưa nghìn năm văn hiến. Không chỉ tham quan, du khách còn có thể rút ra được rất nhiều bài học ý nghĩa, và ngày càng cảm thấy yêu quê hương đất nước hơn nữa. 

những địa điểm tham quan gần điện Kính Thiên
Văn Miếu Quốc Tử Giám được nhiều khách du lịch yêu thích khi đến Hà Nội

6. Một số điểm lưu trú gần điện Kính Thiên cho du khách nghỉ chân

Là một du khách phương xa đến với Hà Nội, chắc chắn điều mà nhiều người quan tâm hàng đầu chính là nơi lưu trú. Để thuận tiện hơn trong việc tham quan điện Kính Thiên, bạn có thể lựa chọn một số điểm lưu trú sau đây: 

  •  Romantique Hotel De Hanoi. Địa chỉ: 35-37 phố Bát Sứ, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Giá tham khảo: từ 540.000đ/đêm.
  • Hotel Bel Ami Hanoi. Địa chỉ: 244 phố Hàng Bông, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Giá tham khảo: từ 194.000đ/đêm.
  • Grande Collection Hotel & Spa. Địa chỉ: 46-48 phố Bát Sứ, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Giá tham khảo: từ 402.000đ/đêm.
  • HANZ Hanoi Grand Maison Hotel. Địa chỉ: 108 phố Hàng Bông, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Giá tham khảo: từ 185.000đ/đêm.
  • Bi Eco Suites Hanoi. Địa chỉ: Số 2, ngõ 34, Khu tập thể 28B Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Giá tham khảo: từ 1.100.000đ/đêm.

Như vậy là chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về điện Kính Thiên, một trong những công trình kiến trúc đặc sắc, mang đậm hơi thở lịch sử từ thời nhà Lê. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu hơn về công trình kiến trúc nổi tiếng này. Nếu có dịp đến Hà Nội, hãy một lần ghé thăm điện Kính Thiên bạn nhé!

>>>Đọc thêm: Cẩm nang du lịch Hồ Gươm – điểm đến vang danh trong lịch sử Hà Thành

Bài viết liên quan:

Avatar
Minh Anh