Bộ não vẫn làm việc trong khi chúng ta ngủ và giấc ngủ đóng 1 vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe não bộ. Từ đó đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Một vài nghiên cứu mới đây đã cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ và việc thiếu ngủ có thể gây hại như thế nào. Và không chỉ là mất ngủ, thiếu ngủ kinh niên, chỉ một đêm mất ngủ cũng đã đủ để ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiếu ngủ, một đêm mất ngủ cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý, tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và một số căn bệnh mãn tính khác. Nhưng chi tiết như thế nào, cùng Vua Nệm tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
Nội Dung Chính
1. Mối liên hệ giữa việc mất ngủ và khả năng điều chỉnh cảm xúc
Một nghiên cứu thú vị từ Đại học California tại Berkeley đã xem xét mối quan hệ giữa 1 đêm mất ngủ với sự căng thẳng, lo lắng và khả năng điều chỉnh cảm xúc. Nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng thanh thiếu niên khỏe mạnh ở độ tuổi 18.
Sau một đêm hoàn toàn không chợp mắt chút nào, những người tham gia báo cáo mức độ lo lắng tăng 30% so với cảm giác của họ vào đêm hôm trước trong khi những người được phép ngủ cả đêm không có cảm giác lo lắng như vậy.
Và sự khác biệt này cũng được phản ánh trong các bản quét não của họ: Những người bị thiếu ngủ có nhiều hoạt động hơn ở hạch hạnh nhân, đây là phần trung tâm não bộ phản sinh ra cảm giác sợ hãi và lo lắng.
Nghiên cứu cũng theo dõi cách phản ứng của người tham gia thí nghiệm (sau một đêm mất ngủ) khi xem một video clip đầy xúc động, phần vỏ não giữa phía trước của họ ít hoạt động hơn. Đây là khu vực giúp điều chỉnh phản ứng cảm xúc.
Điều này cho thấy việc ngủ đủ giấc có thể giúp chúng ta kiềm chế, điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Nếu bạn đã từng cảm thấy mình như “ẩm ương”, dễ buồn dễ nổi nóng sau một đêm ngủ không ngon, thì đây có thể là lý do tại sao.
Tác giả của nghiên cứu trên, Matthew Walker cho biết: “1 giấc ngủ ngon và sâu đóng vai trò như một loại “tinh dầu thư giãn, xoa dịu vào ban đêm”, loại bỏ những muộn phiền, đau buồn khỏi cuộc sống của chúng ta và giúp chúng ta giảm bớt lo lắng. Đó là một hình thức trị liệu ban đêm mà nhiều người trong chúng ta đã đánh mất trong một xã hội hiện đại bởi tình trạng ngủ không đủ giấc.”
2. Mối liên hệ giữa việc mất ngủ và chức năng não bộ
Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện và đưa ra kết luận tương tự rằng giấc ngủ là một “vũ khí” giúp chúng ta chống lại chứng mất trí nhớ vì nó giúp loại bỏ chất cặn bã trong não có thể tích tụ, là nguyên nhân gây ra bệnh suy giảm nhận thức Alzheimer.
Nghiên cứu mới nhất từ Trường đại học y được Washington tập trung vào việc phân tích protein TAU, một loại protein gây ra hiện tượng “đám rối sợi thần kinh” xuất hiện trong não của bệnh nhân Alzheimer. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm giấc ngủ trên cả chuột và người. Trong thí nghiệm trên, các con chuột/người tham gia sẽ không được cho ngủ trong một số đêm.
Nghiên cứu cho thấy những con chuột (vốn là loài thuộc đêm) có lượng protein TAU tăng gấp đôi so với khi chúng được giữ tỉnh táo vào ban ngày (vốn dĩ đây giờ đi ngủ của chúng). Và ở người, việc thức trắng đêm khiến mức protein tau của họ tăng 50%. Sau khi khi nhóm nghiên cứu tiêm tau cho những con chuột được phép ngủ bình thường.
Kết quả cho thấy trong vòng 4 tuần, những con chuột này vẫn có ít chất này hơn so với những con chuột bị thiếu ngủ trong thí nghiệm. Ở những con chuột thiếu ngủ, chất này đã lan rộng đáng kể, đến cả phần não mà ở người mắc bệnh Alzheimer bị ảnh hưởng.
David Holtzman, tác giả nghiên cứu cho biết: “Điều thú vị về nghiên cứu này là nó gợi ý rằng các yếu tố trong đời thực như giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của bệnh liên quan đến não.
Chúng tôi đã biết rằng các vấn đề về giấc ngủ và bệnh Alzheimer có liên quan một phần đến một loại protein khác của bệnh Alzheimer – amyloid beta – nhưng nghiên cứu này cho thấy rằng sự gián đoạn giấc ngủ còn khiến protein TAU tăng nhanh và lan rộng theo thời gian.”
Ông cũng gợi ý rằng giấc ngủ là một phần cần thiết để duy trì sức khỏe của não bộ. Holtzman nói: “Một giấc ngủ ngon là điều mà tất cả chúng ta nên cố gắng có được. Bộ não của chúng ta cần thời gian để hồi phục sau những căng thẳng trong ngày.
Chúng ta vẫn chưa biết liệu người già ngủ đủ giấc có giúp họ bảo vệ, chống lại bệnh Alzheimer hay không. Nhưng dữ liệu này cũng như các dữ liệu khác cho thấy việc ngủ đủ giấc có thể giúp trì hoãn và làm chậm quá trình bệnh nếu nó đã bắt đầu xảy ra.”
3. Giấc ngủ thậm chí có thể thay đổi gen của chúng ta
Một nghiên cứu khác từ Đại học Hồng Kông, đã xem xét gen của nhóm các bác sĩ trẻ làm việc vào ban ngày và nhóm làm việc ca đêm. Kết quả chỉ rằng đối ở nhóm các bác sĩ làm việc ca đêm, chỉ một đêm mất ngủ đã khiến DNA bị đứt gãy nhiều hơn và giảm các gen sửa chữa DNA so với những người tham gia được phép ngủ.
Các tác giả của nghiên cứu cho rằng những thay đổi ở cấp độ phân tử này có thể giúp giải thích tại sao thiếu ngủ lại liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư, cũng như các bệnh tim mạch, thoái hóa thần kinh và rối loạn chuyển hóa.
Tác giả nghiên cứu Siu-Wai Choi cho biết: “Mặc dù nghiên cứu này còn rất sơ bộ, nhưng kết quả cho thấy rõ ràng rằng chỉ một đêm thiếu ngủ thôi cũng có thể kích hoạt các yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của những căn bệnh mãn tính”.
Một lần nữa, điều thú vị về cả ba nghiên cứu là việc mất ngủ ở quy mô nhỏ có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể. Hầu hết mọi người có thể không thường xuyên mất ngủ cả đêm, nhưng việc mất ngủ dù chỉ một vài ngày cũng có thể ảnh hưởng về lâu dài.
Và nghiên cứu còn chỉ ra rằng chứng mất ngủ kinh niên có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Nhìn chung, các nghiên cứu đã củng cố thêm luận điểm giấc ngủ không nên chỉ được coi là 1 sở thích, 1 sự lựa chọn mà là 1 điều cần thiết cho sự sống của con người.
Trên đây là tất cả các thông tin liên quan đến sự ảnh hưởng của giấc ngủ đến sức khỏe tổng thể. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng dù chỉ một đêm mất ngủ thôi cũng đã đủ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và gây tổn thương ở cấp độ tế bào.
Chính vì thế, dù công việc có bận rộn cỡ, bạn cũng nên chú ý ngủ đủ giấc để bảo vệ sức khỏe của mình nhé. Đừng quên chia sẻ thông tin này đến mọi người để tất cả đều hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ!
Nguồn tham khảo: Forbes