Hội chứng hậu Covid-19 là gì? Cùng tìm cách vượt qua

CẬP NHẬT 13/08/2024 | Bài viết bởi: Ly Dương

Hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm bệnh Covid-19 gặp phải nhiều triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải đến bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, có đến 33 đến 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập, 80% người bệnh theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong 2 tháng sau xuất viện.

Và còn rất rất nhiều bệnh nhân từng mắc Covid-19 cần làm quen với thuật ngữ hội chứng hậu Covid-19. Vậy hội chứng hậu Covid-19 là gì? Đừng bỏ lỡ tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Hội chứng hậu Covid-19 là gì?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid-19 – Đây là tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm bệnh với triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Tình trạng này có thể khiến cho sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hội chứng hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra hậu quả kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tìm hiểu hội chứng hậu Covid-19
Tìm hiểu hội chứng hậu Covid-19

2. Các triệu chứng báo hiệu tình trạng hậu Covid-19

Hiện nay, trên thế giới ghi nhận khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu Covid-19, nhất là ở những bệnh nhân đã trải qua quá trình điều trị hồi sức tích cực. Người nhiễm Covid-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau sau khi khỏi bệnh vẫn phải đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị khối…

Ngoài ra, có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa như ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…, rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…

Chán ăn là một trong những hội chứng hậu Covid-19
Chán ăn là một trong những hội chứng hậu Covid-19

Bên cạnh đó, người bệnh trong giai đoạn hậu Covid-19 cũng có thể gặp thêm triệu chứng tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên và không tập trung. Đặc biệt, thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn và thay đổi tâm trạng.

Đối với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, nhất là người bị bệnh hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… Khi Covid-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến những tổn thương vốn có trở nên nặng nề hơn.

Covid-19 làm tăng nặng các bệnh nền của người bệnh
Covid-19 làm tăng nặng các bệnh nền của người bệnh

Một số người sau khi khỏi bệnh Covid-19 nghiêm trọng có thể gặp phải ảnh hưởng xấu đến đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Không chỉ biểu hiện bằng triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn xuất hiện bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận, rối loạn chức năng hô hấp (giảm đồ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi, bất thường hình ảnh học, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực), rối loạn chức năng tâm thất qua siêu tim…

3. Di chứng phổi nặng ở người bệnh ít triệu chứng

Trong số các triệu chứng hậu Covid-19 có nhiều di chứng trên phổi. Đặc biệt, nhiều người bệnh có triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh nhanh nhưng di chứng phổi hậu Covid-19 rất nặng nề như xẹp, xơ, đông đặc phổi…

Các triệu chứng hậu Covid-19 xuất hiện trên hệ hô hấp thường rõ ràng, để lại nhiều hậu quả lên sức khỏe người bệnh. Tình trạng nặng có thể phát triển thành các bất thường lâu dài ở phổi, dẫn đến xơ hóa phổi, huyết khối tắc mạch, viêm phổi tổ chức, khí phế thũng…

Những di chứng hậu Covid-19 cần được tầm soát và xác định sớm khoảng 1 đến 3 tháng sau khi khỏi bệnh, đồng thời, tùy trường hợp có thể sớm hơn. Theo đó, chụp X-quang ngực là phương pháp chẩn đoán ưu tiên. Nếu thấy phim X-quang có sự bất thường, người bệnh được bác sĩ chỉ định cận lâm sàng chuyên sâu khác như chụp CT, đo chức năng hô hấp để thăm dò thể tích phổi, độ khuếch tán khí của phổi, một số trường hợp năng phải sinh thiết phổi để chẩn đoán.

Đối với di chứng nhẹ có thể tự hết sau một thời gian, nhưng những di chứng nặng khó hồi phục, thậm chí tổn thương vĩnh viễn nếu không được tầm soát và điều trị sớm. Do đó, tùy từng trường hợp bác sĩ khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Phổi bị tổn thương sau khi nhiễm virus Covid-19
Phổi bị tổn thương sau khi nhiễm virus Covid-19

4. Biến chứng thần kinh hậu Covid-19

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra biểu hiện chủ yếu hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng và chỉ trong vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, một vài người gặp phải di chứng thần hinh Covid-19 như nhức đầu, chóng mặt, rối loạn khứu giác và vị giác, co giật và đột quỵ…

Trên tạp chí Nature, kết quả nghiên cứu được thẩm định của Đại học Oxford công bố bằng chứng rõ ràng chứng tỏ Covid-19 liên quan đến bất thường ở não bộ, kể cả những người mắc bệnh nhưng không phải nhập viện. Đây là công trình đầu tiên sử dụng dữ liệu quét não (chụp cộng hưởng từ từ MRI) từ bệnh nhân F0 trước khi họ nhiễm virus và vài tháng sau đó.

Các nghiên cứu gần đây cũng phát hiện ra, một số người từng mắc Covid-19 gặp phải hội chứng sương mù não, bao gồm triệu chứng như kém tập trung, dễ bị phân tâm, tộc độ xử lý thông tin kém và trí nhớ bị giảm sút.

Người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ, sự tập trung sau khi mắc Covid-19
Người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ, sự tập trung sau khi mắc Covid-19

Ngoài ra, những người tham gia còn trải qua một số bài kiểm tra tiêu chuẩn về độ nhạy bén tinh thần. Kết quả cho thấy, nhóm mắc Covid-19 có mức độ suy giảm nhận thức nhiều hơn. Theo một số bằng chứng, sự suy giảm này tương quan với sự thay đổi trong cấu trúc não liên quan đến khả năng tư duy và kỹ năng tinh thần khác.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng, hiện thử nghiệm này vẫn khá thô sơ và rất khó để đánh giá liệu chất xám và tổn thương mô ở bệnh nhân COVID-19 có ảnh hưởng kỹ năng, khả năng nhận thức của họ hay không.

Được biết, các nhà khoa học sẽ tiếp tục đánh giá về hình ảnh và kiểm tra những người tham gia nghiên cứu này trong 1 hoặc 2 năm tới.

5. Cùng tìm cách vượt hội chứng hậu Covid-19

Sau khi khỏi bệnh Covid-19, người bệnh cần tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện để phục hồi chức năng, vật lý trị liệu dinh dưỡng và chăm sóc giấc ngủ tinh thần và giấc ngủ.

Bạn nên tập hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày. Bên cạnh đó, hàng ngày hãy vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dụng, đạp xe đạp và tập dưỡng sinh.

Chạy bộ với cường độ vừa phải
Chạy bộ với cường độ vừa phải

Ngoài ra, hãy đi bộ thường xuyên. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy người trưởng thành khỏe mạnh có thể đi bộ từ 4000 đến 18.000 bước/ngày tùy thuộc vào nhu cầu. Tuy nhiên, mục tiêu 10.000 bước/ngày lại khá phù hợp cho người trưởng thành và người khỏe mạnh.

Đừng quên dinh dưỡng đúng cách. Bạn nên chia nhỏ bữa ăn từ 3 đến 5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn và ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, uống sữa, ăn chuối chín để bổ sung kali. Ngoài ra, bạn hãy bổ sung loại vi chất do tác hại của bệnh Covid-19 bằng thực phẩm chứa nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hào…

Cuối cùng, hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần như nghe nhạc, thư giãn, trò chuyện với người xung quanh và đặc biệt là ngủ đủ giấc. Một giấc ngủ chất lượng sẽ xoa dịu những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần, giúp chữa lành các vết thương trong cơ thể. Đặc biệt, giấc ngủ ngon và trọn vẹn là tiền đề để cơ thể có sức đề kháng tốt và trở nên khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng.

Chăm sóc giấc ngủ hậu Covid-19
Chăm sóc giấc ngủ hậu Covid-19

Trên đây là những thông tin hữu ích về hội chứng hậu Covid-19 mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức bổ ích và chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn. Chúc bạn luôn vui khỏe!

Tài liệu tham khảo: https://vnexpress.net/di-chung-phoi-nang-o-f0-it-trieu-chung-4437724.html

Đánh giá post