Lễ Khai hạ được diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Đây là một trong những phong tục tập quán cổ xưa của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Với nhiều ý nghĩa sâu sắc, lễ Khai hạ luôn được nhân dân ta chuẩn bị tươm tất và chu đáo. Cùng Vua Nệm tìm hiểu về ý nghĩa và văn khấn trong ngày cúng hạ nêu nhé!
Nội Dung Chính
1. Tìm hiểu về lễ Khai hạ (cúng hạ nêu)
1.1. Cúng hạ nêu là gì?
Lễ Khai hạ còn có nhiều tên gọi khác nhau là lễ tạ năm mới, lễ hóa vàng, lễ hạ cây nêu. Lễ Khai hạ được tổ chức vào ngày mùng 7 trong dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, không có quy định bắt buộc nào về ngày diễn ra lễ Khai hạ. Do đó, tuỳ thuộc vào điều kiện thời gian của từng gia đình mà ngày nay, lễ Khai hạ được tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.
1.2. Cây nêu của lễ Khai hạ
Theo phong tục cổ xưa, vào ngày 23 đến 30 tháng Chạp âm lịch (tức tháng 12 âm lịch) người người nhà nhà sẽ dựng cây nêu trong nhà và có treo những vật trang trí để cây nêu thêm bắt mắt và tăng tính thẩm mỹ. Đồng thời, những vật trang trí này còn mang ý nghĩa diệt trừ cái xấu, cái ác và thu hút những điều may mắn cho năm mới.
Về cây nêu ngày Tết, tùy từng địa phương, người dân có quan niệm về cây nêu khác nhau. Theo đó, cây tre dài khoảng 5 – 6m được dùng làm cây nêu và trên ngọn cây thì treo những vòng tròn nhỏ cùng những món đồ may mắn khác.
Những món đồ này có thể là bó lá dứa, khung tre nứa dán giấy đỏ hoặc vàng mã, lá bùa bát quái, hình con vật, câu đối, lá thiên tuế, ống sáo, túi đựng trầu cau, lông gà, củ tỏi,… Dưới chân cây nêu được rắc vôi bột và vẽ một hình cung tên.
1.3. Ý nghĩa của Cúng hạ nêu
Theo sử sách xưa có ghi lại trong cuốn Gia Định Thành Công Chí của Trịnh Hoài Đức có chép rằng: “Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”… có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”.
Như vậy, hình ảnh cây nêu gắn với những vật dụng có ý nghĩa trong việc trừ tà, trừ ác, nhằm báo cho ma quỷ biết rằng đây là đất đã có chủ và không được phép đến quấy nhiễu, làm phiền gia chủ. Đồng thời cầu mong cho một năm mới hạnh phúc, bình an, nhiều tài lộc.
Cùng với đó, hình ảnh cây nêu còn được gắn với ý nghĩa khẳng định uy quyền. Theo quan niệm dân gian xưa, nhà nào có cây nêu cao nhất là nhà đó có quyền thế lớn nhất.
2. Những hoạt động trong Cúng hạ nêu
Lễ Khai hạ là một nghi lễ không thể thiếu từ xưa đến nay. Vậy trong ngày lễ này những hoạt động nào được thực hiện? Cùng tìm hiểu nhé!
2.1. Cúng hạ nêu/cúng lễ Khai hạ
Khi chuẩn bị tổ chức lễ Khai hạ, mỗi gia đình cần chuẩn bị một mâm cơm cúng tươm tất. Tuỳ vào điều kiện và nhu cầu của từng gia đình mà có thể làm mâm cơm mặn hoặc cơm chay đều được.
Bên cạnh đó, không thể thiếu trong mâm cúng là các lễ vật như:
- Rượu trắng
- Nhang
- Hoa cúng
- Hoa quả
- Giọt dầu
- Đĩa gạo
- Đĩa muối
- Sớ
- Tiền vàng
…
Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi lễ vật, gia chủ cần bày tiện chỉn chu và đặt bàn cúng ở ngoài trời. Sau đó thắp hương và khấn vái xin phép các cụ trong nhà trước rồi mới được tiến hành cúng Khai hạ ngoài trời.
Sau đây là bài văn khấn lễ Khai hạ được trích từ sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam:
“Nam mô A-di-đà Phật
Nam mô A-di-đà Phật
Nam mô A-di-đà Phật
– Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
– Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ, Chư vị Tôn thần
– Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.
– Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mùng… tháng Giêng năm …………………
Chúng con là: ……………………………tuổi………………
Hiện cư ngụ tại ……………………………………………….
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô A-di-đà Phật
Nam mô A-di-đà Phật
Nam mô A-di-đà Phật”
2.2. Lễ hóa vàng trong Cúng hạ nêu
Sau khi khấn xong, gia chủ đợi đến khi hương tàn hết thì đem hoá vàng, hoá sớ. Theo phong tục truyền thống, khi hoá vàng cần phải có lễ cáo thần “Vũ Lâm sứ giả” để được ngài chứng chi. Đồng thời còn đi kèm với mục đích tránh ma đói, quỷ đói đến cướp quần áo, tiền vàng bạc mà gia chủ gửi cho vong.
Bên cạnh đó, trước khi hoá vàng gửi cho vong, gia chủ cần ghi rõ vào giấy đầy đủ các đồ hiến cúng cùng các thông tin: gửi cho ai, được mộ táng ở đâu. Điều này giống với việc gửi đồ ở trần thế, tức là phải ghi rõ địa chỉ và tên người nhận để món đồ đến đúng tay người cần đến. Sau khi hoá xong vàng mã thì đọc câu “Kính xin Tôn thần kính rước vong linh về nơi âm giới”.
Sau khi làm lễ hóa vàng xong, gia chủ mới cho người ra nhấc cây nêu lên. Cây nêu khi được nhấc ra thì để ở nơi khô ráo, thoáng mát bên ngoài nhà. Bạn không nên để bên trong nhà để tránh gặp phải nhiều điều không may mắn cho gia đình.
2.3. Các hoạt động vui chơi
Có rất nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức vào ngày lễ Khai hạ. Tùy từng vùng miền, dân tộc các trò chơi dân gian khác nhau, mang những ý nghĩa đặc trưng riêng sẽ được tổ chức. Đây cũng là dịp bà con được nghỉ ngơi, chơi đùa thoải mái để chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Một số dân tộc thường tổ chức các trò chơi dân gian vô cùng vui nhộn, hấp dẫn như: ném còn, đẩy gậy, đánh mảng, bóng đá, bắn nỏ, bóng chuyền, giã gạo, múa cồng chiêng, vật cổ truyền, múa sạp,… Với ý nghĩa gặp nhiều thuận lợi, may mắn, bình an trong năm mới, những trò chơi dân gian này luôn thu hút được rất nhiều người tham gia và tất cả đều vui chơi hết mình.
Để biết chính xác các hoạt động vui chơi trong ngày lễ Khai hạ ở vùng quê của mình là gì bạn hãy tìm hiểu từ các già làng, bố mẹ hay những người hàng xóm của mình nhé!
XEM THÊM:
- Tết hàn thực là ngày gì? Ý nghĩa của tết hàn thực trong văn hoá của người Việt
- Cách chọn quần áo mặc 3 mùng Tết cho 12 con giáp giúp thu hút tài lộc năm 2023
- Hướng dẫn bảo quản thức ăn thừa trong ngày Tết an toàn nhất
Hy vọng bài viết trên đây đã có thể cung cấp cho bạn đầy đủ và chi tiết nhất về lễ cúng hạ nêu. Mong rằng, qua đây bạn sẽ hiểu thêm về nét văn hoá ý nghĩa cũng như truyền thống của người Việt ta xưa và từ đó có thể chuẩn bị tươm tất, chu đáo vào các ngày lễ quan trọng.