Tường nhà bị nóng lên là tình trạng mà không ít gia chủ gặp phải. Lúc này, nguồn nhiệt hấp thụ tỏa vào bên trong sẽ khiến không gian nhà ở của bạn trở nên cực kỳ nóng bức. Vậy lúc này bạn cần làm gì để tường nhà mát mẻ trở lại? Vua Nệm sẽ bật mí một số cách làm mát tường nhà ngay sau đây!
Nội Dung Chính
1. Nguyên nhân khiến cho ngôi nhà của bạn bị nóng bức
Trước khi tham khảo các cách làm mát tường nhà, bạn phải nắm được nguyên nhân tại sao dẫn đến trình trạng này. Dưới đây là các nguyên nhân mà chúng tôi đã tổng hợp.
1.1. Do vị trí ngôi nhà đối diện hướng Tây
Nếu nhà của bạn ở đối diện hướng Tây, khoảng thời gian giữa trưa đến chiều sẽ là lúc ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nhà bạn. Tuy vậy nhưng nhiều gia chủ đã phải chấp nhận vì một số lý do nào đó mà xây nhà theo hướng này. Khi bị ánh sáng chiếu thẳng vào, tường và mái nhà hoàn toàn hấp thụ một nguồn nhiệt lớn. Dù mặt trời đã lặn thì cũng sẽ mất nhiều thời gian để nhiệt lượng được giải phóng hết. Do đó, nhà ở của bạn ban đêm sẽ không mát mẻ hơn là bao.
1.2. Nhà bị nóng do vật liệu xây dựng
Những nhà có mái tôn vào những ngày nóng đỉnh điểm có thể hấp thụ nhiệt độ lên đến 40 – 60 độ C. Ngoài ra, mái nhà bằng bê tông cũng có nguy cơ tích nhiệt khi mặt trời chiếu vàng nhưng lại giảm nhiệt khó khăn dẫn đến nóng bức.
1.3. Do hệ thống thông gió kém
Cứ mỗi khi bạn nấu ăn bằng bếp hay lò vi sóng, luồng không khí nóng thoát ra sẽ cứ âm ỉ trong nhà khiến tường nóng lên. Lúc này, nếu không mở cửa sổ, không có quạt thông gió hay hệ thống lọc không khí thì bầu không khí khó chịu vẫn sẽ tồn tại dai dẳng.
1.4. Do trong nhà có quá nhiều thiết bị tỏa nhiệt
Những thiết bị tỏa nhiệt điển hình là lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh, bình đun, bàn là,… có thể khiến cho tường nhà nóng từ bên trong. Mặt khác, nếu không được vệ sinh thường xuyên thì chúng còn dễ tích bụi và tác động không tốt đến sức khỏe.
2. Tổng hợp các cách chống nóng cho tường nhà cực hiệu quả
Vậy đâu là cách làm mát tường nhà hiệu quả mà gia chủ nên áp dụng? Vua Nệm đã tổng hợp lại những biện pháp đã được áp dụng khá thành công.
2.1. Sơn tường và mái nhà bằng gam màu sáng
Màu sáng có khả năng phản xạ nhiệt, trong khi đó màu tối lại hấp thụ nhiệt. Vậy nên khi lựa chọn sơn chống nóng cho tường nhà, bạn nên ưu tiên những gam màu sáng. Lúc này, nhiệt độ bên trong nhà ở có thể thấp hơn 3 – 5 độ so với ngoài trời. Bạn cũng có thể sử dụng loại sơn này cho cả mái nhà để giảm bớt tình trạng hấp thụ nhiệt. Mặt khác, biện pháp này thân thiện với môi trường và không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Gia chủ có thể tham khảo một số tông màu như trắng xám, kem, xanh rêu nhẹ, xanh da trời nhạt, vàng đất nhạt,…
2.2. Sử dụng ốp tường chống nóng
Phương pháp này được khá nhiều người ưa chuộng vì ngày nay có đa dạng chất liệu và mẫu mã ốp tường. Ngoài công dụng giảm thiểu hấp thụ nhiệt, vật liệu ốp tường còn góp phần khiến không gian nhà ở thêm thẩm mỹ. Bạn có thể tham khảo gạch lát tường chống nắng hoặc gỗ lát tường chống nóng,…
2.3. Sử dụng miếng dán cách nhiệt
Ốp tường chống nóng đem lại hiệu quả chống nóng từ bên ngoài. Trong khi đó, miếng dán cách nhiệt lại giúp chống nóng ngay từ bên trong. Nhiều miếng dán cách nhiệt được bày bán trên thị trường như giấy dán tường, bạt, xốp dán tường chống nóng,… Ưu điểm của phương pháp này là chi phí thấp nhưng có độ thẩm mỹ cao. Mặt khác, những miếng dán cách nhiệt còn có công dụng cách âm, chống thấm, chống cháy…
2.4. Dùng tôn chống nóng
Tôn chống nóng, hay còn gọi là tôn cách nhiệt, có cấu tạo gồm 3 lớp: Lớp lót PP (Polypropylene), lớp cách nhiệt PU (Polyurethane) và lớp tôn kẽm mạ màu.Với kết cấu đặc biệt này, nó không chỉ giảm thiểu sự hấp thụ nhiệt độ mà còn đem đến công dụng chống dột, chống ồn, tăng độ thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc tháo dỡ và thay mới lại đòi hỏi khá nhiều thời gian, công sức. Mặt khác, tôn chống nóng cũng có giá thành khá đắt đỏ.
2.5. Lát gạch mát
Lát gạch mát là một trong số cách làm mát tường nhà được nhiều người áp dụng. Gạch mát chống nóng có cấu tạo ở giữa là lõi PIR (Polyisocyanurate Foam) và 2 mặt là 2 lớp xi măng. Chúng có đa dạng màu sắc và độ dày dao động 20 – 50mm để gia chủ thoải mái lựa chọn. Khi sử dụng gạch mát chống nóng, bạn sẽ còn bất ngờ về hiệu quả chống cháy, chống thấm và chống ẩm mốc của nó.
2.6. Sử dụng thạch cao cách nhiệt
Thạch cao cách nhiệt được dùng ở cả trần và tường nhà nên được đánh giá là xu hướng cách nhiệt cực kỳ hiện đại. Ngoài hiệu quả cách nhiệt, loại vật liệu này còn có ưu điểm là tuổi thọ cao, màu sắc đa dạng, linh hoạt trong cắt chỉnh và vận chuyển dễ dàng. Tuy nhiên để lắp đặt, gia chủ cần phải tìm những người thợ có chuyên môn cao.
2.7. Hạn chế việc mở cửa ban ngày
Vào mùa hè, sẽ có khoảng 30% nhiệt lượng đi vào nhà qua đường cửa sổ. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên đóng hết mọi cửa sổ và cửa chính vào ban ngày để nhiệt độ bên trong giảm đi đáng kể. Nếu muốn chống nóng nhanh hơn thì buổi tối bạn nên che thêm mành.
2.8. Sử dụng đèn compact
Những bóng đèn sợi đốt thường tỏa ra nhiệt lượng lớn cực kỳ lãng phí. Vì vậy, bạn hãy thay bằng bóng đèn compact huỳnh quang để vừa giảm nhiệt độ, vừa ít tiêu tốn tiền điện.
3. Cách tạo không gian thoáng mát cho khu vực mặt tiền nhà ở
Bên cạnh những cách làm mát tường nhà nêu trên, bạn cũng có thể giúp không gian nhà ở thêm thoáng mát nhờ những biện pháp sau.
3.1. Trồng nhiều cây xanh
Cây xanh giúp tạo ra không gian thoáng mát, ngăn ánh sáng chiếu trực tiếp vào nhà. Đồng thời, cây cũng giúp làm sạch không khí và khiến không gian sống thêm xanh mát hơn. Nếu diện tích mặt tiền không quá lớn thì những cây thân leo như cát đằng, hoa giấy,… sẽ là gợi ý phù hợp. Còn nếu khuôn viên của bạn rộng hơn thì gia chủ có thể ưu tiên chọn những cây có tán lá dày, rộng.
3.2. Sử dụng rèm cuốn, bạt che nắng
Tuy cách này có hiệu quả không quá nổi trội nhưng giá mua rèm cuốn, bạt che nắng lại tương đối phải chăng. Chúng có nhiều mẫu mã để bạn lựa chọn và không khó khăn trong việc lắp đặt.
3.3. Áp dụng phương pháp chống nóng Logia
Phương pháp chống nóng Logia sẽ phát huy hiệu quả nếu nhà của bạn là nhà ống hay nhà khung thép. Với phần logia, bạn có thể tận dụng để trồng hoa, cây xanh làm tăng độ tươi mát của ngôi nhà.
3.4. Mở thêm quạt để có không khí mát
Để không gian nhà ở được mát mẻ hơn, bạn có thể sử dụng quạt cây, quạt thông gió,… Lưu ý điều chỉnh giờ trước cánh quạt ở vị trí cao hơn để không khí được lưu thông tốt hơn. Vào buổi tối, khi nhiệt độ giảm dần, bạn có thể mở cửa sổ rồi đặt quạt cạnh đó. Lúc này, quạt sẽ thổi không khí mát từ bên ngoài vào.
3.5. Bố trí 2 cửa sổ trong một phòng
Một cách khác là bố trí một phòng có hai cửa sổ: Một cửa sổ cho gió thổi vào, một cửa sổ cho gió thổi ra. Những loại cửa có thể mở hết được sẽ tạo điều kiện để gió vào nhà nhiều hơn.
>> Xem thêm:
- Cách làm mát phòng bằng quạt không phải ai cũng biết
- Hướng dẫn 8 cách làm mát nhà mái tôn nhanh chóng, tiết kiệm
- Cách làm mát phòng ngủ không cần điều hòa giúp ngủ ngon đêm hè
Trên đây là những chia sẻ của Vua Nệm về các cách làm mát tường nhà hiệu quả mà gia chủ có thể áp dụng. Hy vọng qua những thông tin vừa đề cập, gia chủ sẽ có phương án khiến không gian nhà ở trở nên thoáng mát suốt cả ngày!