Sức khỏe giấc ngủ

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ mùa dịch Covid-19 

CẬP NHẬT 11/06/2022 | BỞI Hương Lăng

Đại dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp đã khiến trẻ phải nghỉ học để “trốn dịch”. Với cơ thể còn non nớt, sức đề kháng chưa cao, nhiều bậc cha mẹ đã rất lo lắng về cách chăm sóc trẻ trong mùa dịch. Bài viết này sẽ gửi đến cha mẹ cách chăm sóc trẻ mùa dịch cùng những trò chơi giúp trẻ hào hứng, vui vẻ và phát triển toàn diện. Đừng bỏ lỡ nhé!

cham soc tre mua dich the nao cho dung
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ mùa dịch Covid-19

1.Cách để cha mẹ giúp con vượt qua đại dịch Covid-19

Sự hoành hành dai dẳng của dịch viêm đường hô cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc từ lo lắng, căng thẳng đến bất an và trẻ em là lứa tuổi cảm nhận rõ nhất điều này.

Trẻ phải đối mặt với cảm xúc buồn bã, chán nản theo nhiều cách khác nhau, trường học đóng cửa, các trung tâm thương mại, công viên giải trí tạm dừng hoạt động, trẻ bị tách khỏi bạn bè… nên đây là lúc các con cần được yêu thương và hỗ trợ hơn bao giờ hết. 

Tiến sĩ Lisa Damour, một chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên đã chia sẻ về cách tạo không khí bình thường ở trong ngôi nhà khi “sự thay đổi mới” đang xảy ra ở ngoài kia.

1.1. Bình tĩnh và chủ động

“Cha mẹ nên có một cuộc trò chuyện bình tĩnh, chủ động với con về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng  mới của virus Corona gây ra (COVID-19) và cho trẻ thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn cơ thể khỏe mạnh.

Hãy cho trẻ biết rằng, rất có thể một lúc nào đó, bạn hoặc con có thể có những triệu chứng của bệnh, chúng rất giống với triệu chứng của cảm lạnh hay cảm cúm thông thường, nhưng trẻ không nên sợ hãi quá mức không cần thiết về điều này”.

Tiến sĩ Damour đưa ra lời khuyên. “Bố mẹ nên động viên các con nói cho bố mẹ biết khi cảm thấy không khỏe, hoặc khi con cảm thấy lo lắng về virus để cha mẹ có thể giúp đỡ”.

Ngoài ra, một điều nữa chúng ta có thể làm là giúp trẻ nghĩ đến mọi người xung quanh. Hãy nói với con: “Bố mẹ biết con đang rất lo lắng về việc sẽ bị nhiễm virus Corona, nhưng một phần lý do bố mẹ bảo con làm những điều này (rửa tay, ở trong nhà) là vì đó là cách để bảo vệ cộng động và xã hội. Đây cũng là một cách quan tâm đến mọi người xung quanh”.

giup tre binh tinh chu dong
Nói chuyện để giúp trẻ bình tĩnh và chủ động

1.2. Sinh hoạt theo thời gian biểu 

Trẻ em cần sinh hoạt theo giờ giấc quy củ, những gì cha mẹ cần làm là nhanh chóng đưa ra thời gian biểu mới cho mỗi thành viên trong gia đình để vượt qua những ngày giãn cách xã hội này. 

Thời gian biểu sinh hoạt cụ thể cho một ngày của trẻ bao gồm vui chơi, trò chuyện với bạn bè qua điện thoại, giờ vui chơi không tiếp xúc với đồ công nghệ và thời gian giúp cha mẹ làm việc nhà.

Trẻ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi có cảm giác chắc chắn, biết trước trong ngày sẽ có những hoạt động gì, biết khi nào học bài và biết khi nào được chơi.

Đối với trẻ từ 10-11 tuổi trở lên, cha mẹ nên cho bé tham gia vào việc xây dựng thời gian biểu hàng ngày. Còn đối với trẻ nhỏ tuổi hơn, sẽ tùy thuộc vào người trực tiếp chăm trẻ, bởi không phải cha mẹ nào cũng ở nhà để làm việc này. 

1.3. Kiểm tra những thông tin con nghe được

Hiện nay trên các trang mạng xã hội có rất nhiều thông tin sai lệch về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. “Hãy kiểm tra những thông tin trẻ nghe được hay những gì trẻ nghĩ có chính xác hay không.

Chỉ nói cho con những thông tin chính xác là chưa đủ, vì nếu trẻ nghe được một thông tin sai lệch, và nếu bạn không tìm hiểu suy nghĩ của con và xử lý những thông tin sai lệch kịp thời, các con có thể sẽ kết hợp thông tin bạn mới cung cấp với những thông tin con đã biết. Hãy tìm hiểu xem trẻ đã biết những gì và bắt đầu từ đó để định hướng suy nghĩ cho trẻ đúng đắn hơn”.

Nếu con đặt câu hỏi mà bạn không trả lời được, thay vì đoán mò, hãy tận dụng cơ hội này để cùng con tìm câu trả lời. Hãy truy cập website của những tổ chức đáng tin cậy như UNICEF hay Tổ chức Y tế Thế giới để có nguồn thông tin chính xác. 

2. Cách chăm sóc trẻ mùa dịch Covid-19 bùng phát

Virus Corona chủng mới lây truyền từ người sang người thông qua 3 con đường chính, đó là: 

  • Lây truyền qua đường tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp;
  • Lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng bệnh;
  • Lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn.

Do đó, ba mẹ cần lưu ý những biện pháp sau đây để bảo vệ, chăm sóc trẻ em một cách hiệu quả. 

2.1. Hạn chế tiếp xúc

Những hành động như ôm ấp, hôn trẻ có thể khiến trẻ dính phải những giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh, mặc dù họ vẫn chưa có những biểu hiện phát bệnh như ho, sốt, đau họng. Do đó, cha mẹ cần hạn chế để trẻ tiếp nhận những hành động đó. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hạn chế đi đến những nơi tập trung đông người, thay vào đó là cố gắng sắp xếp thời gian vui chơi, học tập cùng bé tại nhà. 

2.2. Giữ vệ sinh sạch sẽ

Để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm virus Corona và chăm sóc trẻ tốt hơn, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh. Đặc biệt là nơi sinh hoạt của bé cần phải khử trùng, lau chùi thường xuyên.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hạn chế những nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc bề mặt bằng cách vệ sinh vật dụng, đồ chơi của bé, những vị trí nhiều người chạm tay vào như tay nắm cửa, nên sử dụng chất cồn hoặc dung dịch kháng khuẩn để loại bỏ tối đa những loại virus, vi khuẩn bám vào. 

Ngoài ra, giữ vệ sinh cá nhân cũng là một biện pháp quan trọng để chăm sóc trẻ hiệu quả trong mùa dịch này. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ cần hướng dẫn và xây dựng cho bé thói quen rửa tay sau khi ra ngoài chơi hoặc từ ngoài về, trước và sau khi ăn cơm. 

Huong dan tre giu gin ve sinh sach se
Cha mẹ hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ

2.3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Để tăng sức đề kháng, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần đảm bảo bé có một chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh, cụ thể:

  • Cho trẻ uống đủ nước
  • Bổ sung những thực phẩm giàu protein như thịt, trứng, cá để tăng sức đề kháng cho trẻ. 
  • Tăng cường những thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò cùng các loại ngũ cốc… chúng không chỉ cung cấp dinh dưỡng kẽm đầy đủ cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại các virus gây bệnh.
  • Bổ sung những loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng và tránh táo bón ở trẻ.
  • Cha mẹ hãy thiết lập cho trẻ một lối sống lành mạnh, đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ, rèn luyện cơ thể thường xuyên, tắm nắng để hấp thụ vitamin D… 
Dinh duong day du giup tre tang suc de khang
Dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ giúp trẻ tăng sức đề kháng

3. Những hoạt động vui chơi tại nhà dành cho trẻ mùa Covid-19 

Mùa hè đến cũng là lúc bố mẹ dành thời gian để các bé về thăm ông bà, đi du lịch hay đến các khu vui chơi, giải trí… Tuy nhiên đại dịch bùng phát đã “phá bĩnh” mùa hè của trẻ, vào thời gian rảnh rỗi của mình, cha mẹ có thể tạo ra hoạt động vui chơi lành mạnh cho trẻ ngay tại nhà.

3.1. Xem album ảnh, tạo ảnh ghép gia đình 

Xem lại album gia đình luôn tạo ra những giây phút cười nghiêng ngả và lắng đọng nhất. Hãy cùng bé xem album ảnh gia đình, ôn lại giây phút cũ và tạo thêm nhiều tấm ảnh mới bắt trọn những khoảnh khắc đáng yêu của bé con và cả nhà.

Hoạt động nàỳ sẽ dạy bé biết trân trọng gia đình, phát triển tư duy cảm xúc (EQ), đồng thời là ký ức vô giá lưu giữ trong tâm trí bé từ nay đến mai sau.

Vui choi tai nha bang viec xem album anh gia dinh
Vui chơi tại nhà bằng cách cùng trẻ xem album ảnh gia đình

3.2. “Mở spa” tại gia 

Ai bảo mẹ rằng không thể vừa chơi với bé, vừa chăm sóc bản thân? Một buổi chăm sóc sắc đẹp tại gia cho cả mẹ và con sẽ là liều thuốc tinh thần khiến cả gia đình vui hơn đấy. Mẹ có thể biến nhà thành một phòng spa thu nhỏ bằng cách thêm tinh dầu thơm vào bồn nước ấm, làm vài chậu nước lá ngâm chân xả stress hay mẹ và con gái cũng có thể chơi trò trang điểm cho nhau. Vừa vui, vừa đáng nhớ, lại còn dạy bé biết chăm sóc bản thân và tiếp nhận những điều mới mẻ nữa đấy

3.3. Tự tổ chức giải bowling

Bố mẹ có thể tự tạo một đường bowling cho bé chỉ với một vài ly giấy, ly nhựa, hay lon rỗng trong nhà! Sau đó cho con một quả bóng và dạy con quan sát, tính toán đường bóng lăn sao cho “hàng phòng ngự” kia đổ càng nhiều càng tốt.

Chơi trò chơi này sẽ giúp bé thúc đẩy tính linh hoạt của cơ thể, đồng thời dạy bé cách lên kế hoạch, kiên nhẫn để thành công.

to chuc choi bowling cho tre trong vuon
Tổ chức chơi Bowling cho trẻ trong vườn cũng là ý tưởng tuyệt vời

3.4. Quay phim cả nhà

Mùa dịch này có lẽ sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với tất cả mọi người trong gia đình, vậy hãy để điều khó quên nhất là khoảng thời gian ý nghĩa cả nhà đã dành cho nhau.

Quay lại những thước phim hài hước của bé, của ba, của mẹ và của cả nhà không những mang lại những tràng cười ở thì hiện tại mà còn mang đến những ánh mắt long lanh và trái tim ấm áp trong tương lai khi cả nhà cùng hàn huyên ôn lại kỷ niệm những năm sau này. Đây là một ý tưởng không tồi đúng không nào!

Mời cha mẹ tham khảo thêm Ở nhà chơi gì với con mà không bị chán tại đây.

Trên đây là những thông tin về cách chăm sóc trẻ mùa dịch Covid-19 mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cha mẹ có thêm kiến thức bổ ích để trẻ có những ngày “nghỉ dịch” ý nghĩa và trọn vẹn.

Nguồn tham khảo:  6 cách để cha mẹ giúp con vượt qua dịch COVID-19 đăng bởi Unicef. 

Bài viết liên quan:

Hương Lăng
Hương Lăng