Cả nể là gì? Biểu hiện và cách vượt qua tính cả nể hiệu quả nhất

CẬP NHẬT 06/08/2024 | Bài viết bởi: Ly Dương

Sinh ra và lớn lên tại một quốc gia châu Á điển hình ưu tiên vai trò tập thể, người Việt Nam thường có xu hướng bị ràng buộc bởi nhiều quy chuẩn tâm lý khác nhau. Điển hình là tính cả nể – thứ đã khiến chúng ta tiêu tốn một lượng công sức và tiền bạc ‘khổng lồ’ cho những điều không thực sự cần thiết. Vậy cả nể là gì? Bài viết sau đây của Vua Nệm sẽ làm rõ các biểu hiện, tác tại cũng như cách vượt qua căn bệnh cả nể hiệu quả nhất.

1. Cả nể là gì?

1.1 Định nghĩa

‘Cả nể là gì’ là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự nắm được những tầng nghĩa phức tạp ẩn đằng sau cụm từ quen thuộc này.

Phân tích một cách đơn giản, ‘cả’ ở đây nghĩa là ‘quá’, ám chỉ hành động mang tính quá mức so với tiêu chuẩn cần thiết. Còn ‘nể’ được hiểu là sự nể nang, xảy ra khi ai đó không dám tranh luận, từ chối hay dễ dàng chấp thuận và nhượng bộ những yêu cầu đến từ người khác. Nói cách khác, cả nể chính là động thái làm theo ý kiến, quan điểm của đối phương vì sợ nếu không đồng ý sẽ khiến họ cảm thấy ‘phật lòng’.

cả nể là gì
Cả nể là động thái làm theo ý kiến của người khác vì sợ họ phật lòng

Trên thực tế, do không dám hoặc không biết cách từ chối nên những người có tính cả nể thường bày tỏ thái độ chấp thuận, nhường nhịn và phục tùng vô điều kiện. Họ sẵn sàng bỏ qua những ý kiến, quan điểm cá nhân để ưu tiên mong muốn của người khác, ngay cả khi biết những điều đó là sai hoặc bất hợp lý. Điều này hay được biểu hiện thành tính cách có phần nhu nhược, ai sai gì làm nấy bất chấp nội tâm mâu thuẫn, không đồng tình.

1.2 Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân định hình nên tính cả nể. Tiêu biểu nhất là:

  • Do môi trường sống và cách giáo dục của gia đình: người chịu tổn thương tâm lý hoặc lớn lên trong gia đình có cha mẹ hay la mắng, khiển trách thường trở nên tự ti, khép kín. Lúc này, họ sẽ dần dần học tập thói cả nể với khao khát được đón nhận, yêu thương
  • Thiếu niềm tin và sự tự nhận thức về giá trị bản thân, có xu hướng làm hài lòng mọi người một cách vô thức hoặc có ý thức
  • Những nỗi sợ tâm lý vô hình (sợ mất lòng, sợ bị phán xét, đánh giá) và hữu hình (sợ bị tẩy chay, bị bắt nạt, bị trù dập,…) nếu không làm theo
  • Sự nhìn nhận phiến diện, nhầm lẫn giữa sự thoải mái, tốt bụng với tính cả nể, chiều theo ý kiến của người khác thay vì nhìn nhận đúng sai 
nguyên nhân hình thành tính cả nể
Có rất nhiều nguyên nhân định hình nên tính cả nể

2. Những biểu hiện phổ biến của tính cả nể

2.1 Giả vờ đồng ý 

Giả vờ đồng ý được xem là một trong những biểu hiện đặc trưng cho tính cả nể. Thái độ đồng tình và ủng hộ nguyện vọng của đối phương có thể diễn ra trong những bối cảnh khác nhau, cho dù bản thân họ có thực sự bằng lòng với ý kiến đó hay không.

2.2 Cảm thấy bản thân có trách nhiệm với cảm xúc của người khác

Khác với thái độ sống có trách nhiệm với bản thân và quan tâm đến người khác, người cả nể thường dành sự chú ý đặc biệt tới những thay đổi về mặt cảm xúc của đối phương. Bên cạnh kiểu quan tâm, lo lắng thông thường, họ còn cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cho 

những chuyện đã xảy ra. Bản thân họ chỉ muốn làm sao để mọi người luôn thoải mái, vui vẻ và hạn chế tối đa việc ai đó bị tổn thương hay khó chịu vì mình.

biểu hiện sự cả nể
Người cả nể cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của người khác

2.3 Né tránh, phủ nhận cảm xúc của mình

Mỗi lúc bị người khác làm tổn thương, người cả nể sẽ lựa chọn cách che giấu, phủ nhận hoặc tránh né những điều mình đang phải chịu đựng. Mọi cung bậc cảm xúc, từ thất vọng, buồn bã đến xấu hổ, mệt mỏi,… đều được đè nén sao cho không thể hiện quá rõ ra bên ngoài.

2.4 Không biết cách từ chối yêu cầu của người khác

Khi đứng trước một yêu cầu nào đó nằm ngoài khả năng và mong muốn, người có tính cả nể sẽ cảm thấy bồn chồn, lo lắng vì không dám đưa ra lời từ chối. Họ không muốn bị nhìn nhận là người ích chỉ, chỉ biết đến bản thân nên cuối cùng vẫn đành làm theo ý kiến của đối phương. 

người cả nể
Người cả nể thường gặp khó khăn nếu phải ‘nói không’

2.5 Khó chịu khi bị ai đó giận dỗi

Việc ai đó tỏ ra buồn bực hay giận dỗi có thể đặt người cả nể vào trạng thái bất an. Để giải quyết tình trạng này, họ thường chủ động chọn cách ‘xuống nước’ thay vì tranh cãi đúng sai.

2.6 Có nhu cầu ‘được xác nhận’ qua lời khen

Vì thiếu ý thức về tầm quan trọng của bản thân nên người cả nể sẽ nhìn nhận những lời khen ngợi, động viên như nền tảng để hình thành giá trị. Ngược lại, việc thiếu vắng liều ‘vitamin’ này có thể khiến họ rơi vào trạng thái tự ti, chán nản và mất động lực.

2.7 Thường xuyên xin lỗi

Xin lỗi được xem là giải pháp tiêu biểu mà người có tính cả nể sử dụng để xoa dịu sự áy náy của bản thân cũng như xoa dịu mọi rắc rối, vấn đề.

người cả nể thường xuyên xin lỗi
Xin lỗi được xem là hành động tiêu biểu mà người có tính cả nể hay sử dụng

2.8 Bắt chước hành vi của người khác

Để không bị lạc loài, nhiều người cả nể sẽ chú ý đến cách hành động, nói năng, quan điểm, phong cách sống,… của người khác và sao chép lại.

2.9 Tránh xa tranh cãi, xung đột

Với châm ngôn ‘dĩ hòa vi quý’, người mang bệnh cả nể sẽ cố gắng tránh xa các cuộc tranh cãi nhất có thể. Với họ, điều này chẳng những không mang đến lợi ích gì mà còn có thể khiến tình hình trở nên bức bối, tồi tệ hơn.

Người mang bệnh cả nể sẽ cố gắng tránh xa các cuộc tranh cãi
Người mang bệnh cả nể sẽ cố gắng tránh xa các cuộc tranh cãi

3. Tác hại của ‘bệnh cả nể’ 

3.1 Khó xây dựng các mối quan hệ lâu dài và lành mạnh

Một mối quan hệ chất lượng phải được xây dựng trên nền tảng tôn trọng và trao đổi. Tuy nhiên, sẽ rất khó để người cả nể có thể bộc lộ chính mình một cách thoải mái mà không sợ bị đánh giá. Mặt khác, những liên kết được tạo nên bởi sự ‘đè nén bản thân’ lại thường không bền và kém lành mạnh.

3.2 Mất dần sự tự tin và niềm tin vào bản thân

Khi quyết định đặt trọng tâm cuộc sống các mối quan hệ và quá xem trọng ý kiến của người khác, chúng ta sẽ dần dần đánh mất sự tự tin vào chính bản thân mình. Bạn sẽ luôn phải hỏi ý kiến, nghe theo sắp đặt, hướng dẫn của họ. Về lâu về dài, điều này sẽ làm cho niềm tin của ta với chính mình ngày càng hạn hẹp.

tác hại của sự cả nể
Cả nể khiến con người mất dần sự tự tin và niềm tin vào bản thân

3.3 Phai nhạt dấu ấn cá nhân và khả năng độc lập 

Dấu ấn cá nhân và năng lực sống độc lập là hai yếu tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại của mỗi người. Tuy nhiên, vì mải chạy theo thế giới bên ngoài nên những điều này có thể phai nhạt bất cứ lúc nào, khiến ta khó đứng vững một mình khi không còn ai bên cạnh.

3.4 Khó thăng tiến trong công việc

Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tính cả nể còn khiến con người khó tiến lên và gặt hái thành công trong công việc. Nguyên nhân là vì sự thiếu tự tin, ưa nghe lời người khác cũng như ngần ngại không dám bộc lộ ý kiến, quan điểm của mình.

Tính cả nể khiến con người khó tiến lên và gặt hái thành công trong công việcTính cả nể khiến con người khó tiến lên và gặt hái thành công trong công việc
Tính cả nể khiến con người khó tiến lên và gặt hái thành công trong công việc

3.5 Dễ stress và gặp các vấn đề về tâm lý

Stress và các vấn đề tâm lý thường nảy sinh khi những người sống cả nể phải ‘làm việc’ quá nhiều. Họ vừa phải lo liệu cho bản thân, vừa phải ưu tiên người khác, đồng thời liên tục chối bỏ những cảm xúc mà mình phải đối diện trong suốt quá trình.

4. Bí kíp chữa ‘bệnh cả nể’ hiệu quả 

Để vượt qua căn bệnh cả nể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe lẫn tinh thần, bạn có thể tham khảo một số bí kíp sau:

  • Nhìn nhận và công nhận những điểm yếu, điểm mạnh cũng như tầm quan trọng nhất định của bản thân
  • Học cách nói không, đưa ra ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình một cách lành mạnh
  • Hướng vào bên trong và đối diện với những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong các mối quan hệ lẫn cuộc sống
cách từ bỏ tính cả nể
Yêu thương và tôn trọng chính mình là bước đầu tiên để loại bỏ tính cả nể

Trên đây là toàn bộ bài viết của Vua Nệm về đề tài Cả nể là gì. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về định nghĩa, biểu hiện, tác hại và cách xử lý kiểu tính cách ‘độc hại’ này. Cảm ơn bạn đã quan tâm và đón đọc!

>>>Xem thêm: 

Đánh giá post