Nổi lên từ những vụ lừa đảo tinh vi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thao túng tâm lý đã nhanh chóng trở thành ‘hot search’ được nhiều người quan tâm, chú ý. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ mà còn gây nên những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Vậy thao túng tâm lý là gì? Mời bạn cùng Vua Nệm tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết và cách đối phó với thủ đoạn tinh vi này thông qua bài viết sau đây.
Nội Dung Chính
1. Thao túng tâm lý là gì?
Đúng như tên gọi, thao túng tâm lý thực chất là một dạng lạm dụng tâm lý điển hình, chủ yếu lợi dụng các chiến thuật bóp méo tinh thần và bạo hành tâm lý nhằm mục đích gây ảnh hưởng thái quá, đồng thời tạo nên những thay đổi về mặt nhận thức và hành vi đối với người trong cuộc. Động cơ ẩn giấu đằng sau hành động này thường là để độc chiếm những lợi ích, quyền lực, khả năng kiểm soát cũng như độ nổi tiếng, sức ảnh hưởng hay một đặc quyền nào đó của nạn nhân.
Thao túng tâm lý có thể xảy ra trong bất cứ môi trường và nền tảng mối quan hệ nào, từ người thân, bạn bè đến đồng nghiệp, người yêu,… Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ giữa tác động xã hội lành mạnh (có cho và nhận) với những hành vi thao túng độc lại mà trong đó chỉ có ‘kẻ nắm quyền’ được hưởng lợi ích dựa trên sự mệt mỏi của đối phương.
2. Những dấu hiệu điển hình của thao túng tâm lý
Sau khi tìm hiểu định nghĩa thao túng tâm lý là gì, chúng ta sẽ tiếp tục phân tích và làm rõ những dấu hiệu điển hình của hành vi thao túng, bao gồm biểu hiện ‘công khai’ và ‘âm thầm’ điều khiển. Cụ thể:
2.1. Gây hấn thụ động
– Gây hấn thụ động (Passive Aggressive): Đây là một chiến lược hết sức tinh vi được những kẻ thao túng thường xuyên áp dụng, thể hiện qua những hành động ‘giận cá chém thớt’ hoặc bộc lộ sự công kích, phản ứng tiêu cực với người trong cuộc nhưng không để họ nhận thấy. Nói cách khác, người gây hấn thụ động sẽ lựa chọn cách bày tỏ cảm xúc giận dữ, khó chịu,… một cách gián tiếp, không lộ liễu, từ đó khéo léo làm suy yếu tinh thần của đối phương.
Trong nhiều trường hợp, kẻ thao túng sẽ sử dụng những lời trêu chọc, châm biếm; thể hiện sự thất vọng, khinh thường thông qua thái độ thay vì lời nói; cố tình trì hoãn hoặc gây ra sai sót khi làm việc chung; cho thấy phản ứng chống trong âm thầm và từ chối những cuộc đối thoại mang tính xây dựng với người trong cuộc. Điều này vô tình làm người kia rơi vào tình thế dở khóc dở cười và mất năng lượng, niềm tin vào bản thân.
2.2 Bạo hành tâm lý qua mạng và ngoài đời thực
Bullying là một chiêu thức bắt nạt phổ biến ở trên mạng và ngoài đời thực, trong đó nạn nhân sẽ phải đứng trước áp lực khủng khiếp từ những lời đe dọa, chỉ trích, chửi mắng,… từ người độc hại.
– Trên mạng xã hội: Kẻ thao túng sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp lan truyền những tin đồn xấu nhằm bóp méo hình tượng và bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của đối phương. Hành động này đang trở nên ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ, gây ra những hậu quả lâu dài và trầm trọng cho người bị hại
– Ngoài đời thực: Thường bao gồm ‘bắt nạt trí tuệ’ – tự cho mình là chuyên gia, áp đặt những suy nghĩ và ý kiến của mình lên người khác rồi khiến họ cảm thấy yếu kém, phụ thuộc & ‘bắt nạt quan liêu’ – tức lợi dụng những quy trình, thủ tục, giấy tờ để tạo nên thế trận ‘áp đảo’ trước người khác
2.3 Bóp méo/thay đổi sự thật
Nói một cách đơn giản, những kẻ thao túng sẽ bóp méo sự thật bằng cách giả vờ quên hoặc nói dối về một việc gì đó, từ đó ‘châm ngòi’ cho những diễn biến tâm lý phức tạp ở người trong cuộc. Mục đích của hành động này là khiến nạn nhân không tin vào những hành động, năng lực và quyết định của bản thân. Họ sẽ liên tục tự đặt câu hỏi, thậm chí nghi ngờ chính mình vì những vấn đề nhỏ nhất. Loại thao túng này thường xuất hiện trong các môi trường điển hình như trường học và nơi làm việc.
2.4 Lợi dụng cảm giác tội lỗi và lòng cảm thông
Đây là một hành động ‘có tính toán’ của những kẻ thao túng, chủ đích hướng đến những nạn nhân hiền lành, ngây thơ và dễ bị lôi kéo, chi phối về mặt cảm xúc. Lúc này, người thao túng thường lợi dụng cảm giác tội lỗi bằng cách đóng vai người có lỗi/người bị hại, hoặc nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp hoặc hành động giúp đỡ trong quá khứ,…. nhằm khơi dậy sự đồng cảm, qua đó đạt được mục đích một cách dễ dàng mà đối phương không hề hay biết
2.5 Phớt lờ
Đơn giản nhưng đầy hiệu quả, những kẻ thao túng thường xuyên áp dụng ‘lá bài’ im lặng hoặc phớt lờ sự hiện diện của nạn nhân, như thể họ không hề tồn tại. Đây được xem là một hành động mang tính răn đe, trừng phạt, khiến đối phương phải tìm cách hàn gắn thông qua việc ‘xuống nước’ và đáp ứng những nhu cầu mà họ đưa ra
>>>Xem ngay: Tư duy tích cực là gì? Cách rèn luyện tư duy tích cực hiệu quả
2.6 Liên tục so sánh
Một cách nữa để nạn nhân cảm thấy mất đi sự an toàn và tự tin vào bản thân chính là liên tục so sánh họ với người khác. Đây là một ‘nước đi’ khôn khéo của kẻ thao túng, khiến đối phương trở nên nhỏ bé và phụ thuộc. Trong một số trường hợp, người độc hại còn gây áp lực lên nạn nhân bằng nhiều cách, ví dụ như cố tình thân thiết hoặc đe dọa tuyển dụng, nâng đỡ người thứ 3
2.7 Gần gũi và thân thiết bất thường
Bên cạnh những chiêu thức ‘ly gián’ và gây mâu thuẫn, kẻ thao túng còn cố tình xây dựng một mối quan hệ cuồng nhiệt giả tạo, qua đó tạo nên sự ràng buộc nhất định đối với người trong cuộc. Tuy nhiên, những kết nối này thường kém bền vững, liên tục bị thử thách và phải tuân theo cảm xúc, suy nghĩ của họ
3. Cách đối phó với thao túng tâm lý
Vì hành vi thao túng tâm lý được thực hiện rất tinh vi, khó phát hiện, lại hiện diện trong nhiều mối quan hệ thân sơ nên để thoát khỏi tình thế nạn nhân, bạn cần phải thực sự tỉnh táo và nhận ra được bản chất của kẻ độc hại. Sau đó, hãy bình tĩnh phân tích lại toàn bộ tình huống, tìm cách giải quyết và nhanh chóng ‘ngắt kết nối’ với những đối tượng này. Một số chiến lược hiệu quả mà bạn có thể áp dụng với kẻ thao túng bao gồm:
3.1 Chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bạn tin tưởng
Khi đứng trước kẻ thao túng ranh mãnh, bạn đừng ngại chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ đến từ những người bạn tin tưởng, nhất là khi tình huống đã vượt quá khả năng xử lý của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm, an toàn và không đơn độc. Mặt khác, có thể những người ngoài cuộc kia sẽ phát hiện ra điều gì đó hoặc đưa đến cho bạn một số giải pháp hay ho.
>>>Xem ngay:
3.2 Tập trung vào bản thân
Sở dĩ, mục tiêu đầu tiên của việc thao túng tâm lý chính là gây ra sự hoang mang và tự nghi ngờ cho người trong cuộc, từ đó làm suy yếu cái nhìn của họ về chính mình. Do đó, thay vì chiều theo ý muốn của người độc hại, bạn hãy chuyển sự chú ý sang bản thân mình. Một khi bạn có thể hoàn toàn tập trung xây dựng cuộc sống cá nhân và phớt lờ kẻ thao túng, bạn sẽ không còn cảm thấy bị đe dọa nữa.
3.3 Phớt lờ kẻ thao túng
Thông thường, những kẻ thao túng tâm lý sẽ đạt đến một mức độ ‘phấn khích’ hay khoái cảm nào đó khi chứng kiến nạn nhân của mình rơi vào tình thế lao đao, khổ sở. Điều này càng được đẩy lên cao, tỉ lệ thuận với mức độ phản ứng của người trong cuộc. Do đó, hãy phớt lờ mọi hành vi thao túng và làm mọi việc như bình thường. Cách giải quyết tưởng chừng đơn giản này lại là chiến lược hoàn hảo để phá tan kế hoạch tinh vi mà người độc hại đã dày công xây dựng.
Ngày nay, thao túng tâm lý đã và đang trở thành một vấn nạn phổ biến của xã hội, gây nên những hệ lụy khôn lường về sức khỏe tâm lý cho nạn nhân. Do đó, việc nắm được thao túng tâm lý là gì sẽ giúp bạn củng cố thêm sự tỉnh táo cũng như tìm ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ chính mình. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của Vua Nệm!
>>>Đọc thêm: Khủng hoảng tuổi 30: 4 giai đoạn và 5 cách vượt qua