Vải lanh là một trong những chất liệu được yêu thích nhất mùa hè. Vậy bạn đã biết vải lanh là gì chưa? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết nhất cho bạn về loại vải này.
Nội Dung Chính
1. Vải lanh/linen là gì?
1.1 Vải lanh là gì?
Vải lanh (linen) là một loại vải được làm từ các thành phần của cây lanh. Cây lanh còn có tên khoa học là Linum usitatissimum, đây là một loại cây công nghiệp ôn đới thân thảo sống quanh năm. Bên cạnh các thành phần vỏ, xơ và sợi được dùng để sản xuất vải lanh thì hạt lanh và dầu lanh đều có thể sử dụng làm thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Vải lanh là một loại vải được ưa chuộng khắp thế giới nhờ sự mát mẻ và thỏa mái. Tuy nhiên chất lượng vải lanh từ Châu Âu, đặc biệt là Bỉ luôn được đánh giá cao nhờ khí hậu ôn hòa phù hợp cho cây lanh phát triển.
1.2 Nguồn gốc vải lanh
Giả thiết cho rằng, con người bắt đầu dệt vải từ cây lanh cách đây hơn 30.000 năm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những sợi lanh nhuộm đầu tiên tại một hang đá thời tiền sử tại Gruzia. Điều này chứng minh rằng vải lanh là một trong những loại vải lâu đời nhất thế giới.
Trong văn hóa Lưỡng Hà cổ đại, vải lanh được xem là một biểu tượng của ánh sáng và sự thanh khiết. Nó chỉ được sử dụng bởi những người thuộc tầng lớp giàu có. Khu lăng mộ của pharaoh Ramses II được phát hiện vào năm 1881, người ta tìm thấy phần vải lanh được dùng làm quấn xác ướp vẫn nguyên vẹn sau hơn 3000 năm.
2. Quá trình sản xuất vải lanh/linen
Bước 1: Thu hoạch cây lanh
Trước hết người ta thu hoạch lanh thủ công bằng cách nhổ toàn bộ thân cây hoặc cắt sát đất.
Bước 2: Giầm cây lanh
Sau khi thu hoạch, phần lá và hạt cây lanh sẽ được loại bỏ. Phần còn lại đem đi ngâm vào bồn chứa để các vi khuẩn giải phóng các liên kết pectin giữa các sợi lanh.
Bước 3: Tách và xử lý sợi lanh
Tiếp theo, cây lanh khi loại bỏ vỏ sẽ được nén trong các con lăn nhằm nghiền nát và giải phóng ra các sợi lanh. Người ta sẽ phân loại các sợi lanh sau khi được trải ra nhằm tách riêng những sợi ngắn và giữ nguyên các sợi mềm và dài.
Bước 4: Dệt vải lanh
Trong bước cuối cùng, các sợi lanh sẽ được dệt thành vải rồi đem đi tẩy trắng. Nhằm hình thức phong phú và bắt mắt cho vải lanh nhà sản xuất sẽ lựa chọn màu nhuộm và họa tiết in phù hợp với thị yếu.
>> XEM THÊM: Vải cashmere và ứng dụng trong ngành sản xuất
3. Tính chất của vải lanh/linen
3.1 Ưu điểm của vải lanh
3.1.1 Nhẹ nhàng, mềm mịn
“Mát mẻ”, “dễ chịu” là những từ thường được dùng để miêu tả đặc tính của vải lanh. Chất liệu tự nhiên giúp cho bề mặt vải trở nên mịn màng, không gây cảm giác khó chịu khi tiếp xúc trực tiếp với da.
3.1.2 Khả năng thấm hút mồ hôi
Vải lanh được ưa chuộng sử dụng đặc biệt trong mùa hè nhờ khả năng thấm hút mồ hôi tuyệt vời. Vì vậy người tiêu dùng có thể thỏa thích tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời mà vẫn luôn khô thoáng và dễ chịu.
3.1.3 Độ bền cao
Đặc điểm nổi bật của vải lanh không chỉ nằm ở sự thoáng mát mà độ bền của chất liệu này có thể làm hài lòng nhiều người tiêu dùng khó tính. Vì trong thành phần không có xơ vải nên dù sử dụng sau một thời gian dài, vải lanh vẫn không có dấu hiệu xơ hay bị sờn. Bên cạnh đó, vải lanh còn có khả năng giữ màu cực tốt sau khi trải qua nhiều lần giặt.
3.1.4 An toàn, không gây kích ứng
Nhờ các thành phần thiên nhiên nên vải lanh không gây kích ứng cho da trong quá trình sử dụng. Vì vậy hãy lưu ý khi mua hàng xem bạn có mua phải sản phẩm kém chất lượng hoặc pha với nhiều sợi vải khác hay không. Điều này có thể gây ra một vài dị ứng hoặc khó chịu đi kèm.
3.1.5 Lựa chọn đa dạng
Sự đa dạng trong mẫu mã là một trong những ưu điểm vượt trội của vải lanh. Màu sắc, họa tiết phong phú đem đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn phối đồ bắt mắt. Đây quả là chất liệu “thần thánh” của những tín đồ thời trang.
3.2 Nhược điểm của vải lanh
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, vải lanh cũng tồn tại một số nhược điểm mà người dùng cần lưu ý khi sử dụng.
3.2.1 Độ đàn hồi thấp
Khuyết điểm dễ thấy nhất đối với vải lanh chính là khả năng đàn hồi kém. Vải lanh không thể co dãn dễ dàng như vải thun hay vải cotton, vì vậy bạn cần phải lưu ý các hoạt động của mình để tránh bị rách.
3.2.2 Dễ nhăn
Thực tế cho thấy rằng, các loại vải từ tự nhiên đều dễ bị nhăn nên khi sử dụng vải lanh cần được ủi thường xuyên. Bạn cũng cần lưu ý thêm, không nên ủi quá nhiều với vải lanh vì sợi lanh có độ đàn hồi thấp và dễ bị đứt khi ủi tại một vị trí liên tục.
4. Các loại vải lanh/linen trên thị trường hiện nay
4.1 Vải lanh Damask
Đây là một loại vải được tạo thành từ quá trình dệt các sợi dọc và sợi ngang lại với nhau trên khung hoa và được trang trí bằng các hình vẽ của tán lá trái cây. Vải lanh Damask được sử dụng nhiều làm quần áo hoặc khăn ăn.
4.2 Vải lanh Nhật Bản
Vải lanh Nhật Bản là một trong những loại vải ngày càng được ưa chuộng. Chất liệu này rất bền, có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết. Bên cạnh đó, khả năng thiết kế trang phục ấn tượng giúp vải lanh Nhật Bản được đánh giá là chất liệu đáng sử dụng nhất hiện nay.
4.3 Vải lanh Bỉ
Bỉ là nơi sản xuất ra những tấm vải lanh hàng đầu thế giới nhờ điều kiện tự nhiên ôn hòa ban tặng cho nơi này. Vải lanh Bỉ được sản xuất từ các hạt lanh phù hợp để may áo sơ mi, váy và khăn trải bàn.
4.4 Vải lanh Glass Towelling
Đây là loại vải chủ yếu dùng để lau kính. Vải linen này có kiểu dệt lỏng lẻo, dễ bám bụi giúp làm sạch bề mặt sản phẩm dễ dàng hơn. Tuy vậy, tuổi thọ của sản phẩm này không cao, chỉ dùng được trong thời gian ngắn.
4.5 Vải lanh tấm lớn
Vải lanh tấm lớn có đặc điểm thoáng mát, mịn, nhẹ, chiều rộng lớn thường được dùng làm ga trải giường. Đây là loại vải có độ bền cao, do vậy bạn có thể dễ dàng vệ sinh bằng cách giặt máy hoặc sấy khô.
Bên cạnh những loại vải lanh được Vua Nệm đề cập trên, trên thị trường còn rất nhiều loại vải: vải lanh mắt chim, lanh Thái, Mỹ, vải đũi,…Mỗi loại vải đều có một đặc tính riêng vì vậy tùy mục đích sử dụng người dùng có thể tìm loại vải phù hợp cho mình.
5. Cách bảo quản vải lanh/linen
Vải linen có độ đàn hồi thấp và dễ nhăn nên khi sử dụng bạn cần lưu ý một số điều sau để có thể sử dụng trong thời gian dài.
- Để tránh bị mục, bạn nên sử dụng sản phẩm từ vải lanh thường xuyên do việc cất giữ trong tủ quần áo.
- Lưu ý nhiệt độ khi ủi vải lanh không quá 240 độ C. Vải lanh rách hoặc cháy nếu ủi nhiều lần tại cùng một vị trí.
- Hạn chế giặt bằng bằng máy giặt vì dễ gây nhăn và sờn.
- Bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, tránh những nơi ẩm ướt dễ gây mốc.
- Bạn nên treo các đồ làm từ vải lanh thay vì gấp để tránh bị nhăn.
>> XEM THÊM: Tổng hợp kiến thức về ga giường linen ai cũng nên biết
KẾT LUẬN
Vải lanh là một chất liệu tuyệt vời để sử dụng nhờ cảm giác dễ chịu nó mang lại. Tuy nhiên cần phải lưu ý một số điều trong quá trình sử dụng và bảo quản chúng. Mong rằng những thông tin Vua Nệm cung cấp sẽ giúp cho bạn hiểu thêm và lựa chọn được vải lanh yêu thích.