Những loại nước không nên dùng để pha sữa cho bé

CẬP NHẬT 04/08/2023 | Bài viết bởi: Hoàng Trinh

Nên và không nên dùng loại nước nào để pha sữa cho bé luôn là vấn đề được rất nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm. Chính vì vậy, đừng bỏ qua bài viết sau đây để nắm được những loại nước không nên dùng để pha sữa cho bé, cùng với những lưu ý quan trọng để đảm bảo sữa cho con luôn an toàn và tốt nhất. 

Thông tin bài viết được tham vấn từ “Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Nguyễn Hùng Tiến – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng”.

1. Nên dùng nước gì pha sữa cho bé?

Bạn có thể sử dụng nước máy, nước giếng, nước đóng chai để pha sữa cho bé. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là đối với những bé đang gặp vấn đề về sức khỏe. 

Nên nhớ, lượng flo trong nước dùng để pha sữa không được vượt quá 0,7mg/L. Nếu bạn pha sữa cho trẻ với nước có chứa nhiều flo, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm flo cho men răng của bé, tạo nên các đốm hoặc mảng màu trắng bám trên răng vĩnh viễn (theo khuyến cáo của hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ). Vì thế nên, khi sử dụng nguồn nước có nguy cơ chứa nhiều flo (như nước máy), bạn cần kiểm tra lại lượng flo này trước khi pha sữa cho bé.

nước nên dùng để pha sữa
Nước dùng để pha sữa cho bé không được chứa lượng flo vượt qua 0,7mg/L

Nước đóng chai được xử lý bằng quy trình thẩm thấu ngược, đã khử ion, khoáng và chứa hàm lượng flo thấp, thậm chí có nhiều chai nước còn được ghi là chuyên dùng để pha sữa. Vì vậy, bố mẹ có thể lựa chọn loại nước này.

Nếu gia đình bạn đang sử dụng nước giếng, bố mẹ nên kiểm tra độ an toàn của nước trước khi dùng, để đảm bảo nước không chứa tạp chất độc hại khi đun sôi, điển hình như không chứa muối nitrate, chất này khi đun sôi tạo thành nitrosamine nguy hiểm sức khỏe.

Khi pha sữa cho bé bằng nước đã đun sôi, bạn cần lưu ý, đun nước đến nhiệt độ sôi thì chỉ đợi thêm khoảng một phút và sau đó để nước nguội rồi sử dụng. Bạn tuyệt đối không nên đun lại hoặc để nước sôi quá lâu, điều này có thể làm tăng lượng tạp chất trong nước sau khi đun.

2. Những loại nước không nên dùng để pha sữa cho bé?

Bạn cần ghi nhớ 4 loại nước tuyệt đối không dùng pha sữa cho bé sau đây, để không xảy ra những mối nguy hiểm đáng tiếc cho sức khỏe của bé.

2.1. Nước khoáng

Dùng nước khoáng pha sữa cho trẻ nhỏ sẽ có thể sản sinh ra các chất trung gian vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, nước khoáng thường sử dụng để bổ sung vi khoáng cho những người thiếu khoáng chất. Còn trẻ nhỏ sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết thông qua việc uống sữa. Nếu bạn dùng nước khoáng pha với sữa, sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bé được nạp quá nhiều chất này, nhưng lại thiếu hụt chất khác. Lâu dần có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

2.2. Nước trái cây

Nước trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất vô cùng dồi dào. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được sử dụng loại nước này để pha sữa. Bởi vì, nước trái cây giàu vitamin C cùng với một số axit hữu cơ có thể sẽ làm vón casein – một loại protein chính có trong sữa, làm cho bé bị đầy bụng, khó tiêu. Thêm vào đó, khi pha sữa chúng ta phải dùng nước ấm, nhưng nếu đun nóng nước trái cây thì các vitamin và dưỡng chất sẽ bị bay hơi mất. 

nước không nên dùng để pha sữa
Không nên dùng nước trái cây để pha sữa cho bé

2.3. Nước luộc rau

Trong nước rau luộc như cải bẹ xanh, bắp cải, củ dền, củ cà rốt, củ cải đường,… sẽ chứa hàm lượng lớn nitrate. Nếu lượng nitrate này đi vào máu sau khi ăn, nó sẽ kết hợp với hemoglobin của hồng cầu để tạo ra methemoglobin, làm cho hồng cầu mất đi khả năng vận chuyển oxy. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.

Ngoài ra, người ta thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng và chăm sóc rau củ. Do đó, khi chúng ta nấu lên thì các chất này có thể hòa tan trong nước luộc rau. Nếu sử dụng nước này để pha sữa sẽ có thể khiến cho trẻ bị ngộ độc, vô cùng nguy hiểm.

các loại nước không nên dùng để pha sữa
Dùng nước luộc rau pha sữa cho bé sẽ rất nguy hiểm

2.4. Nước cháo

Trong nước cháo chứa nhiều tinh bột, nên khi dùng loại nước này pha sữa nó sẽ phá hủy vitamin A trong sữa. Từ đó làm giảm tác dụng của sữa, lâu dẫn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt trí não. Ngoài ra, nếu tiêu thụ quá nhiều tinh bột sẽ khiến cho trẻ khó hấp thụ canxi, gây ra chứng còi xương, chậm lớn hoặc rối loạn tiêu hóa… 

3. Lưu ý quan trọng khi pha sữa cho bé, bố mẹ không được lơ là

Ngoài chọn đúng loại nước để pha sữa, bạn cần lưu ý những điều sau đây để đảm bảo con được nuôi dưỡng với nguồn sữa thơm ngon, chất lượng, bổ dưỡng, chuẩn an toàn.

3.1. Chuẩn bị dụng cụ và sữa bột cho bé

Để pha sữa thì bạn cần chuẩn bị dụng cụ pha, bình sữa và sữa bột. Đối với bình pha sữa, bạn nên dùng loại có dung tích vừa phải, thường khoảng 240ml trở xuống. Bên cạnh đó, bình phải được làm từ chất liệu an toàn, chịu được nhiệt độ cao, thương hiệu uy tín và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Để chọn đúng loại sữa bột phù hợp với trẻ, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa. Đối với trẻ sơ sinh và bạn muốn nuôi con bằng sữa mẹ, bạn chỉ nên mua hộp sữa nhỏ, hạn chế mua hộp lớn. Vì có thể con chỉ cần uống sữa bột vài ngày cho đến khi sữa của mẹ đã về nhiều, mẹ nên ngưng sử dụng sữa bột.

3.2. Cách khử trùng dụng cụ pha sữa

Sau khi mua bình sữa về, bạn phải rửa bình với nước, rồi đem bình sữa cùng với núm cao su, nắp bình,… đun sôi trong nước khoảng 3 phút. Đây cũng là quy trình phải thực hiện mỗi khi chuẩn bị pha sữa cho bé. Ngoài ra, bạn có thể dùng máy tiệt trùng chuyên dụng để khử trùng dụng cụ.

các loại nước không nên dùng pha sữa
Cần phải rửa bình sữa thật kỹ càng trước khi pha

3.3. Nhiệt độ nước để pha sữa

Bên cạnh lưu ý về những loại nước không được dùng để pha sữa cho bé, thì nhiệt độ nước để pha sữa cũng rất quan trọng. Bạn nên đọc hướng dẫn của nhà sản xuất về nhiệt độ nước dùng để pha sữa. Thông thường, nước này sẽ là nước ấm khoảng 40 độ C, hoặc một số ít loại sữa bột khác cần phải pha với nước khoảng 70 độ C. Nếu nước không đủ ấm thì khi pha sữa sẽ không tan hết, trẻ khó có thể hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng từ sữa.

3.4. Vệ sinh tay trước khi pha sữa

Trước khi mở nắp sữa, bạn cần phải rửa tay kỹ càng bằng xà phòng diệt khuẩn và lau tay thật khô. Bởi vì, nếu tay bạn còn ướt sẽ có thể khiến cho muỗng múc sữa bị ướt theo khiến cho sữa bột trong hộp sẽ bị vón cục hoặc ẩm mốc, từ đó làm giảm chất lượng của sữa.

3.5. Pha sữa đúng liều lượng

Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng được in bên ngoài hộp sữa để lấy đúng lượng sữa tương ứng với độ tuổi của trẻ. Việc lấy đúng lượng sữa bột để pha rất quan trọng, bởi vì khi bạn pha quá loãng bé sẽ cảm thấy no nhưng không đủ chất dinh dưỡng, còn khi pha sữa quá đặc sẽ có thể làm cho trẻ dễ bị mất nước, có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón.

nước không nên dùng để pha sữa cho bé
Pha sữa đúng liều lượng là điều quan trọng

3.6. Kiểm tra nhiệt độ của sữa trước khi cho bé uống

Nếu sữa quá nóng sẽ khiến bé bị bỏng, vì thế bạn cần kiểm tra nhiệt độ của sữa trước khi cho bé uống. Bạn hãy nhỏ ít giọt sữa lên cổ tay của mình, nếu cảm thấy bình thường thì có thể cho bé bú, còn nếu thấy nóng thì phải đợi thêm một lúc để sữa nguội bớt. Tuy nhiên, bạn không nên thử độ nóng của sữa bằng cách ngậm đầu ti giả và mút thử, cách này có thể làm cho trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn nguy hiểm từ khoang miệng của người lớn.

3.7. Vệ sinh bình sau khi bé uống

Bố mẹ phải vệ sinh bình sữa thật sạch sẽ, không để lại bất kỳ mảng bám nào ngay sau khi bé uống sữa xong. Bạn có thể dùng nước muối hoặc tốt hơn hết là dùng nước rửa bình sữa chuyên dụng.

>> Xem thêm:

Hy vọng rằng, những chia sẻ trong bài biết trên đã giúp các bậc phụ huynh nắm rõ được những loại nước tuyệt đối không nên dùng để pha sữa cho bé, cũng như các lưu ý quan trọng khi pha sữa để đảm bảo sự an toàn cũng như sự phát triển tốt nhất cho trẻ nhỏ.

Đánh giá post