Chuyên gia nệm

Vải ren là gì? Ưu, nhược điểm, hướng dẫn bảo quản vải ren đúng cách

CẬP NHẬT 18/06/2022 | BỞI Vua Nệm Team

Được mệnh danh là nữ hoàng gợi cảm của hàng dệt may, vải ren đặc biệt được chị em phụ nữ ưa chuộng vì vẻ quyến rũ cũng như nét đẹp tinh tế của các họa tiết được dệt kim trên bề mặt vải. Để tìm hiểu chi tiết hơn về nguồn gốc của loại vải này và mẹo bảo quản vải ren đúng cách, mời bạn đọc cùng tham khảo bài dưới đây nhé! 

1. Tổng quan về vải ren 

1.1. Vải ren là gì

Vải ren (tên tiếng Anh: Lace Fabric) là loại vải được dệt bằng phương pháp xoắn hoặc bện các sợi lại với nhau. Ren có các cấu trúc sợi vải khá lỏng lẻo so với các dòng vải khác do đặc trưng của phương pháp này là tạo ra các lỗ hổng lớn trên bề mặt và có thể nhìn thấy được bằng mắt. Tuy vậy, đây chính là điểm tạo nên sự quyến rũ của vải ren, tạo vẻ ngoài “vừa hở, vừa kín” cho người mặc. Để tăng thêm tính thẩm mỹ cho ren, người ta thường dệt thêm có họa tiết, hoa văn bắt mắt trên mặt vải.

Vải ren
Vải ren được mệnh danh là nữ hoàng gợi cảm của hàng dệt may

Chất lượng của vải ren phụ thuộc vào số mũi đan và số lượng sợi. Số lượng càng nhiều thì chất lượng càng tốt. Nguyên liệu để sản xuất vải len thường là sợi cotton hoặc sợi tơ tằm. Ngày nay, người ta còn sản xuất vải ren bằng sợi tổng hợp chẳng hạn như sợi Polyester. 

1.2. Nguồn gốc vải ren

Cho đến ngày nay, người ta vẫn không biết chính xác thời điểm vải ren bắt đầu xuất hiện. Nhiều người cho rằng, ren xuất hiện lần đầu tiên từ hàng thiên niên kỷ trước tại Ai Cập cổ đại. Tại đây, người dân Ai Cập được miêu tả mặc những trang phục bằng “lưới”. Mảnh vụn ren lâu đời nhất được tìm thấy có niên đại từ thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quốc Gia Trung Cổ Cluny, Pháp. 

Mặc dù chưa thể xác định được thời điểm vải ren xuất hiện nhưng có một điều chắc chắn rằng sự nổi tiếng của ren bằng cách nào đó đã nhanh chóng lan rộng khắp Châu Âu và trở thành chất liệu vải được yêu thích nhất trong suốt chiều dài lịch sử ở lục địa này.

thời điểm vải ren bắt đầu xuất hiện
Cho đến ngày nay, người ta vẫn không biết chính xác thời điểm vải ren bắt đầu xuất hiện.

Trong thế kỷ 16, vải ren thực sự đã đến thời kỷ đỉnh cao và bạn có thể kiểm chứng điều này thông qua hàng loạt các bức tranh chân dung của nhiều quý tộc Châu Âu thời đó. Vải ren được giới quý tộc cực kỳ ưa chuộng và họ sử dụng vải ren “tất tần tật” trong sinh hoạt hằng ngày như trang phục, nón, khăn, quạt, nắm cửa,…

Đi qua thêm 2 thế kỷ tiếp theo, ren dần trở nên phổ biến hơn trong mọi tầng lớp xã hội vì cuộc sống của người Châu Âu lúc này đã khấm khá hơn rất nhiều so với thế kỷ 16. Thậm chí, những gia đình chưa có điều kiện may trang phục bằng vải ren cũng kiếm cách mua cho bằng được các loại vải ren thô hoặc giả ren.

Trong nhiều thế kỷ, vải ren chỉ được dệt bằng phương pháp thủ công. Những thước vải ren thượng hạng nhất thường có xuất xứ tại Venice, Ý. Sau đó, nhiều loại ren khác nhau tiếp tục được ra mắt ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ. Ngày nay, Bỉ vẫn được xem là khu vực có nghề may ren nổi tiếng nhất trên thế giới. Tỉnh Flemish Bỉ được gọi là cái nôi của vải ren. 

vải ren thời xưa
Trong thế kỷ 16, vải ren thực sự đã đến thời kỷ đỉnh cao tại lục địa Âu Châu

2. Phân loại vải ren 

Sở dĩ vải ren được chia thành nhiều loại khác nhau là bởi ngày xưa, nghề may vải ren là một công việc khá hấp dẫn và các trường dạy may vải ren mọc lên khá nhiều. Mỗi trường dạy nghề cạnh tranh nhau bằng cách phát triển nhiều kiểu may vải ren độc đáo hơn về kỹ thuật dệt và họa tiết ren. Dưới đây là các loại vải ren phổ biến trên thị trường hiện nay: 

2.1. Ren kim (Needle Lace) 

Để tạo ra vải ren kim, người ta dùng chỉ đơn và luồn qua hàng trăm mũi kim khâu để tạo thành vải ren kim. Loại vải này khi sờ vào có cảm giác thô và cứng nhưng đổi lại, ren kim mang vẻ đẹp tinh tế và mỏng manh. Để tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm, bề mặt ren thường được kết hợp với nhiều màu sắc và họa tiết tinh tế. 

vải ren kim
Để tạo ra vải ren kim, người ta dùng chỉ đơn và luồn qua hàng trăm mũi kim khâu để tạo thành vải ren kim.

2.2. Ren cuộn (Bobbin Lace)

Ngược lại với ren kim, ren cuộn được dệt từ nhiều sợi chỉ nhờ phương pháp bện và xoắn các sợi lại với nhau. Để tăng nét sinh động cho vải, người ta thường sử dụng nhiều sợi chỉ có màu sắc khác nhau. Vì ren cuộn dệt đơn giản hơn ren kim nhiều nên chúng phổ biến ở nhiều nơi hơn. 

2.3. Ren thêu (Cutwork Lace)

Đặc trưng của ren thêu là những lỗ hổng lớn trên mặt vải được cắt theo một hình dáng có chủ đích với các họa tiết trang trí tuyệt đẹp. Vải ren thêu thường được ứng dụng để làm khăn trải bàn, rèm cửa và đặc biệt là váy cưới.

2.4. Ren băng (Tape Lace)

Ren băng là những mảnh vải ren dài như những chiếc ruy băng được dệt thủ công hoặc máy dệt. Ren bằng chủ yếu được sử dụng để làm phụ kiện trang trí cho các phần viền của váy, áo, nón, tay áo, dù,..

Ren băng
Ren băng là những mảnh vải ren dài như những chiếc ruy băng được dệt thủ công hoặc máy dệt.

4.5. Ren thắt nút (Knotted Lace)

Mặc dù dòng ren này không được phổ biến nhưng nó cũng rất được ưa chuộng để đính vào các vật dụng như nón, túi, khăn,…

4.6. Ren móc (Crochet Lace)

Để làm ra ren móc, người ta sử dụng các sợi chỉ mỏng và móc chúng lại với nhau thông qua các mũi kim. Vải ren móc chủ yếu được ứng dụng để làm viền váy khăn bàn, rèm cửa,…

3. Ưu nhược điểm vải ren là gì

3.1. Ưu điểm vải ren 

Vải ren có kết cấu nhẹ và trong suốt
Vải ren có kết cấu nhẹ và trong suốt, được nhận xét vừa “ngọt ngào” vừa gợi cảm

Vải ren có kết cấu nhẹ và trong suốt, được nhận xét vừa “ngọt ngào” vừa gợi cảm, thích hợp để làm các mẫu đồ lót hơn so với các chất vải thun dày dặn. Đối với các loại vải ren làm bằng lụa hoặc cotton, vải có cảm giác mềm mại hơn khi sờ vào. Ren có độ đàn hồi ở mức tương đối nên vẫn tạo được cảm giác thoải mái khi người mặc cử động. Vai ren cũng không bị giãn sau một thời gian sử dung.  Bên cạnh đó, vải ren có nhiều màu sắc đa dạng để chúng ta có thể dễ dàng kết hợp với nhiều phong cách khác nhau

3.2. Nhược điểm vải ren 

Bởi vì vải ren quá mỏng nên đối với ai muốn kín đáo hơn, bạn buộc phải mặc thêm áo lót ở phía trong. Kết cấu vải rất lỏng lẻo nên nó dễ dàng bị hư hỏng, rách xước, đặc biệt dễ dàng bị vướng vào các vật sắc nhọn. Nhìn chung, tuổi thọ của vải ren không cao bằng các loại vải khác. Khâu giặt giũ và bảo quản vải ren cũng cần sự cẩn thận để tránh vải ren bị tưa chỉ khi giặt.   

vải ren quá mỏng
Bởi vì vải ren quá mỏng nên đối với ai muốn kín đáo hơn, bạn buộc phải mặc thêm áo lót ở phía trong

4. Ứng dụng vải ren 

4.1. May mặc

Có thể nói rằng vải ren là gương mặt bị “ganh tỵ” nhiều nhất trong thế giới vải. Ngày nay, nhu cầu sử dụng vải ren trong ngành may mặc ngày càng tăng, dường như bao trùm trong toàn bộ các mẫu trang phục từ quần áo, mũ, khăn,…. Một phần bởi vải ren mang lại cho người mặc cảm giác ngọt ngào, nhẹ nhàng. Sau đây là một số ứng dụng chủ yếu của vải ren trong may mặc:

4.1.1. Váy cưới

Váy cưới ren của công nương Grace Kelly
Váy cưới ren của công nương Grace Kelly luôn là nguồn cảm hứng bất tận với tất cả cô dâu trên thế giới

Hầu hết những bộ váy cưới hiện nay  đều được lót bằng vải ren hay ít nhất có các phần viền bằng ren vì vải ren tôn lên nét đẹp nhẹ nhàng, tinh tế của phái yếu. Dù xu hướng thời trang váy cưới luôn có sự thay đổi liên tục hay thậm chí phá cách hơn nhưng vải ren luôn án ngữ trong lòng phái đẹp ở một vị trí đặc biệt và tuyệt đối không thể thay thế.

Rất nhiều bóng hồng nổi tiếng từ xưa đến nay đều chọn váy cưới ren cho ngày trọng đại của mình. Một số bộ váy cưới kinh điển có thể kể tên là váy cưới của công nương Grace Kelly (Morocco), váy cưới công nương Kate Middleton (Anh),…

4.1.2. Đồ lót 

Chính bởi vẻ nhẹ nhàng, nữ tính pha chút quyến rũ, vải ren rất được ưa chuộng để làm các mẫu đồ lót. Vải ren có thể ôm sát cơ thể người mặc mà ko tạo cảm giác thô ráp. Bên cạnh đó, những chiếc ren lót bralette cũng dễ dàng co giãn phù hợp với nhiều kiểu ngực khác nhau. Vải ren được ứng dụng để làm đồ lót phổ biến đến nỗi bạn gần như có thể tìm thấy đồ lót ren từ bình dân đến cao cấp ở hầu hết các thương hiệu. 

đồ lót ren
Vải ren rất được ưa chuộng để làm các mẫu đồ lót.

4.1.3. Phụ kiện phối ren

Để tăng thêm vẻ đẹp cho phụ kiện, người ta thường phối thêm vải ren cho các sản phẩm như khăn, mũ nón, giày dép,… 

4.2. Nội thất

Ứng dụng của vải ren trong ngành nội thất không còn quá xa lạ với người tiêu dùng hiện nay. Đối với một số căn nhà theo phong cách Châu Âu hướng đến sự sang trọng cổ điển, các nhà thiết nội thất thường ưa chuộng điểm xuyến không gian với những chi tiết bằng vải ren chẳng hạn như khăn trải bàn, bọc đèn, bọc sofa,…

5. Hướng dẫn vệ sinh và bảo quản vải ren 

giặt vải ren bằng tay
Vì vải ren rất dễ dính móc, tưa rách nên tốt nhất bạn hãy giặt vải ren bằng tay.

Vì vải ren rất dễ dính móc, tưa rách nên tốt nhất bạn hãy giặt vải ren bằng tay. Đối với nàng nào thường xuyên bận rộn, bạn vẫn có thể giặt vải ren bằng máy nhưng nên chỉnh máy ở chế độ nhẹ để giữ tuổi thọ và vẻ đẹp ban đầu cho vải. 

Vải ren không chịu được các chất tẩy rửa mạnh nên hãy cân nhắc thật kỹ liệu rằng bạn có thực sự cần sử dụng đến thuốc tẩy để làm sạch vải. Thay vào đó, bạn có thể dùng các chất tẩy rửa tự nhiên như chanh và muối để làm sạch. 

Bạn không nên sấy vải ren dưới nhiệt độ quá cao hoặc phơi vải dưới trời nắng vì vải ren cũng không chịu được nhiệt cao, đặc biệt là vải ren pha Polyester. Vải ren bị phơi dưới nắng gắt liên tục dễ bị nhăn nheo và mất hình dáng ban đầu.

Công thức giặt để vải ren luôn sáng màu như mới, rất hiệu quả:

Trong trường hợp vải ren bị dính các chất bẩn khó tẩy rửa, đặc biệt là vải ren sáng màu, bạn có thể áp dụng mẹo tẩy rửa sau:

  • Bước 1: Ngâm vải trong hỗn hợp dung dịch chanh + muối + nước khoảng 15 phút
  • Bước 2: Pha bột giặt vào dung dịch theo lượng phù hợp và ngâm đồ thêm khoảng 15-20 phút
  • Bước 3: Xả lại vải ren với nước sạch. Bạn không nên dùng lực mạnh để vắt đồ để tránh làm hư hại cấu trúc vải. 
phơi vải ren
Khi phơi vải ren, bạn nên tránh để vải tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời

Khi phơi vải ren, bạn nên tránh để vải tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời vì vải ren sẽ bị khô, giòn dưới tác động của nhiệt.

—–

Khó có thể tưởng tượng một thế giới không có vải ren, chắc hẳn khi ấy các mẫu đồ lót, váy cưới sẽ trở nên vô cùng nhàm chán. Với những kiến thức về vải ren mà Vua Nệm đã chia sẻ, hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị về loại vải được mệnh danh “nữ hoàng gợi cảm” của hàng dệt may. Chúc bạn luôn xinh đẹp và tự tin khi diện những trang phục bằng vải ren nhé!

Bài viết liên quan:

Vua Nệm Team
Vua Nệm Team