3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn mà thai nhi phát triển nhanh nhất trong cả thai kỳ, cả về cân nặng và trí não. Vì vậy, thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ cần đủ các nhóm dưỡng chất để giúp thai nhi phát triển tối ưu, mẹ bầu cũng đảm bảo sức khỏe để chuẩn bị vượt cạn. Hãy cùng tìm hiểu những điều cần biết về thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ trong bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
1. Vai trò của dinh dưỡng với mẹ bầu và thai nhi
Nhiều nghiên cứu từ chuyên gia cho thấy tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của thai phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ cho tới khi trưởng thành. Phần lớn trường hợp thai nhi sinh ra có cân nặng thấp là bởi tình trạng thiếu năng lượng, thiếu chất dinh dưỡng từ mẹ.
Khi còn trong bụng mẹ, mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng duy nhất của thai nhi. Các chất dinh dưỡng sẽ di chuyển theo máu qua nhau thai cung cấp cho thai nhi phát triển tốt nhất.
Cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp thai phụ có sức đề kháng tốt, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh trong giai đoạn mang thai. Mẹ sẽ có đủ sức để sinh em bé và sau khi sinh sức khỏe phục hồi nhanh chóng, có thể cung cấp đủ sữa mẹ cho con.
Mẹ bầu có dinh dưỡng tốt từ trước và trong thời kỳ mang thai sẽ giúp con không bị suy dinh dưỡng bào thai hay các tình trạng nguy hại khác như suy thai, thai nhi chậm phát triển tâm thần và vận động.
2. Hướng dẫn lên thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ
Đây là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh chóng và cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nên việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ & đa dạng, đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của thai nhi là việc vô cùng quan trọng.
2.1. Thực đơn cho bà bầu trong tháng thứ 7 thai kỳ
Tháng thứ 7 thai kỳ là thời gian mà cơ thể thai phụ cần bổ sung nhiều sắt nhất. Mẹ bầu có thể bổ sung chất sắt từ nhiều loại thực phẩm như: thịt nạc, cá, rau lá xanh đậm, trái cây, gan động vật, các loại hạt, bơ đậu phộng…
Cùng với đó là bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng khác như canxi, phốt pho, i-ốt và kẽm. Các loại thực phẩm giàu các vi chất này gồm: rong biển, táo đỏ, sứa, thực phẩm từ đậu tương, rau cải, mộc nhĩ đen, đậu phộng, trứng gà, xương đầu động vật,… và các loại thủy hải sản như cá, tép moi, trai biển..
Trong tháng 7 thai kỳ mẹ bầu cũng cần tránh ăn quá no để không bị ợ nóng. Cần tránh ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ và đồ ăn cay nóng. Nên chia bữa ăn thành nhiều lần, bổ sung các bữa phụ trong ngày.
2.2. Thực đơn cho bà bầu trong tháng thứ 8 thai kỳ
Trong tháng thứ 8 thai kỳ, mẹ bầu cần bổ sung các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Các thực phẩm được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích ăn trong tháng thứ 8 của thai kỳ bao gồm: các loại ngũ cốc (gạo, ngô, khoai…), trứng, các loại thịt, cá, gan động vật (ăn vừa đủ, 1 tuần ăn 1 lần), rau xanh và các loại hoa quả.
Đây là giai đoạn trí não của thai nhi phát triển mạnh, do vậy cần thiết phải bổ sung nhiều Omega-3. Thực phẩm chứa nhiều Omega-3 là những thực phẩm có chứa chất béo tự nhiên như các loại hạt (hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt chia, hạt lạc, hạt dẻ cười…) và các loại thủy hải sản (đặc biệt là cá hồi rất giàu Omega-3),…
Bên cạnh đó, mẹ bầu nên tránh ăn thực phẩm từ đậu nành, khoai hồng để không bị chướng bụng. Đồng thời, thai phụ cần tránh lạm dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như dầu cá, các loại vitamin tổng hợp, nhân sâm…
2.3. Thực đơn cho bà bầu trong tháng thứ 9 thai kỳ
Đây là tháng cuối cùng của thai kỳ, mẹ bầu cần chuẩn bị thật tốt để đón bé chào đời. Tháng thứ 9 của thai kỳ cũng là giai đoạn thai nhi hoàn thiện mọi cơ quan chức năng và các bộ phận của cơ thể, là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh đến chóng mặt. Chính vì thế, việc đáp ứng đủ nguồn dinh dưỡng cho thai nhi ở tháng này cực kỳ quan trọng.
Lời khuyên của các chuyên gia về cách ăn uống trong tháng cuối thai kỳ như sau:
- Nên chia nhỏ các bữa ăn thành 5 – 6 bữa/ngày thay vì chỉ ăn 3 bữa chính. Tuyệt đối không bỏ bữa hay nhịn ăn lâu.
- Bổ sung các thực phẩm giàu canxi để đảm bảo hệ xương thai nhi chắc khỏe, đồng thời giúp quá trình tạo sữa cho con bú sau khi sinh của mẹ thuận lợi hơn.
- Cần bổ sung nhiều nước, không nên ăn mặn để hạn chế bị phù nề.
- Không ăn thực phẩm nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ để phòng ngừa tình trạng tăng cân quá nhiều.
- Hãy bổ sung chất béo cho cơ thể mẹ từ những loại thực phẩm tự nhiên.
- Ăn nhiều rau và hoa quả để ngừa táo bón.
- Bổ sung thêm vi chất sắt trong thực đơn hàng ngày để đảm bảo đủ máu, đủ sắt.
- Bổ sung cá vào thực đơn (từ 2 bữa/tuần) để bổ sung thêm Omega-3 hỗ trợ trí não của bé phát triển toàn diện.
- Cung cấp đủ vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.
- Đảm bảo ăn chín uống sôi, tránh ăn đồ sống, phô mai chưa tiệt trùng để tránh nguy cơ sảy thai, sinh non.
2.4. Gợi ý thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ
Tùy theo khẩu vị của mỗi mẹ bầu và dựa theo lời khuyên của bác sĩ theo dõi trong suốt thai kỳ mà các mẹ quyết định thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ là hợp lý nhất. Ngoài ra, các mẹ có thể tham khảo qua thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ dưới đây:
Hàng ngày | Hàng tuần |
|
|
Cùng với đó, mẹ bầu có thể sẽ cần bổ sung thêm một số viên uống chức năng để bé phát triển khỏe mạnh. Mẹ nhớ uống đúng liều lượng và giờ giấc theo đơn kê của bác sĩ.
3. Những điều bà bầu cần tránh trong 3 tháng cuối
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, bất kỳ thay đổi đột ngột nào trong chế độ dinh dưỡng cũng đều ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi. Vì vậy, thai phụ cần đặc biệt chú ý những điều sau:
- Tình trạng ợ nóng có thể xuất hiện khá thường xuyên trong thời kỳ này. Do đó, thai phụ không nên ăn quá nhiều một lúc để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa. Mẹ bầu hãy hạn chế ăn đồ ăn cay, nóng, thực phẩm nhiều gia vị hay đồ ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ để giảm áp lực cho dạ dày.
- Cần giảm bớt lượng muối trong thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ bởi giai đoạn này cơ thể mẹ bầu rất dễ bị sưng phù, tích nước. Ăn nhiều muối sẽ khiến tình trạng này trở nên càng tồi tệ hơn.
- Cần tránh ăn quá nhiều ngọt và tinh bột bởi vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu rất dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo ăn chín uống sôi, hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh.
- Không nên ăn những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều phụ gia và chất bảo quản không tốt cho cơ thể.
- Không nên uống nước lạnh. Uống hay ăn đồ lạnh sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm họng, gây co thắt huyết mạch ở mẹ bầu.
- Cha ông ta vẫn quan niệm có kiêng có lành, thai phụ nên tránh ăn những thực phẩm làm co thắt tử cung gây sinh non và các thực phẩm mang tính hàn dễ gây lạnh bụng, đau bụng. Các thực phẩm đó là đu đủ xanh, lô hội, quả nhãn,…
XEM THÊM:
- Hướng dẫn lên thực đơn cho bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ
- 7 thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa thai kỳ và những lưu ý
Hy vọng rằng với những thông tin hữu ích về thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ trên đây mẹ bầu có thể lên cho mình một thực đơn đa dạng, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và giảm cảm giác chán ăn. Chúc mẹ bầu và thai nhi thật khỏe mạnh và các mẹ có đầy đủ sức khỏe để chào đón con ra đời.